Đại Kỷ Nguyên

Hai cặp vợ chồng thầy giáo chắt chiu từng đồng giúp các em không còn đói chữ, đói cơm

Vợ chồng thầy giáo ở Vĩnh Long đi bán nhang, bán bánh chắt chiu từng đồng tiền lời mua sách tặng trò nghèo. Vợ chồng thầy giáo ở Nghệ An mở quán ăn sáng miễn phí, phục vụ những học sinh có hoàn cảnh khó khăn ở vùng cao.

Thầy giáo tiết kiệm từng đồng bán bánh, bán nhang mua sách cho học trò nghèo

Đó là thầy Huỳnh Văn Thế, vợ thầy là chị Nguyễn Thị Lệ Hằng, nhà hai vợ chồng nằm hút sâu đường quê ở ấp Phước Thủy, xã An Phước, huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long. 

Mặc dù kinh tế eo hẹp nhưng vừa mới an cư, thầy Thế đã bàn với vợ tiếp sức cùng thực hiện ước mơ ấp ủ từ thời sinh viên: đưa sách đến tay các em nhỏ ở vùng quê. Bởi theo thầy Thế, đọc sách sẽ giúp các bạn nhỏ thay đổi được tư duy, nâng cao kiến thức, tầm nhìn và bản lĩnh trong cuộc sống.

Thầy Thế quyên góp Tết sách bằng cách viết từng lá thư tay gửi đến những ai có lòng với sách. Tết sách đầu tiên năm 2015, thầy vận động được 100 quyển sách. Tết sách năm 2016, được 500 cuốn sách. Tết sách năm 2017, thầy vận động được gần 900 quyển sách tặng cho học sinh 2 trường THPT Mang Thít và THPT Nguyễn Thông. 

Chưa dừng lại ở đó, thầy Thế thành lập “CLB Sách và hành động Mang Thít”. CLB sinh hoạt định kỳ mỗi tháng với những chủ đề khác nhau. Và một cơ duyên đến, cuối năm 2017 ngôi nhà của vợ chồng thầy Thế trở thành thư viện phục vụ cộng đồng mang tên “Không gian đọc Nguyễn Hiến Lê”, thuộc hệ thống không gian đọc cùng tên của anh Trần Thiện Tùng.

Cứ vậy, thầy dốc hết thời gian, sức lực cho sách và những tiết dạy văn đổi mới tư duy. Vợ thầy đứng phía sau, vất vả tảo tần.

Mỗi đòn bánh tét lời 7.000 đồng, thầy Thế đem bỏ ống heo, khi nhắm chừng trên 2 triệu đồng, thầy đập ống lên Sài Gòn mua sách. Mỗi lần mua sách đem về hoặc mỗi lần tổ chức sinh hoạt định kỳ là khuôn mặt thầy ngập tràn niềm vui bởi theo thầy, “Càng có thêm nhiều bạn trẻ thích sách, thế giới sẽ càng tốt đẹp hơn cho chúng ta và con cái chúng ta”. 

Thấy hai vợ chồng vất vả lặn lội đi về gần 80km giao bánh, kiếm vài chục ngàn đồng tiền lời mua sách tặng học trò, nên nhiều khách cảm kích đã tặng sách hoặc tiền mua sách, bởi những vị khách đó cũng tâm sự nhờ có sách họ mới được cuộc sống thoải mái như hôm nay. Điều này khiến chị Hằng hạnh phúc bởi thấy việc làm của chồng ý nghĩa biết bao nhiêu.

Chị Hằng, vợ thầy Thế, bên các em học sinh đang đọc sách tại nhà mình (ảnh: Minh Tâm/Tuổi Trẻ).

Thầy Thế bị bệnh viêm gan, vợ bị tiểu đường. Cuộc sống của họ trôi qua trong vất vả khó khăn, bệnh tật nhưng bình lặng hạnh phúc. Người vợ rất cảm ơn thầy Thế, bởi thầy rất chu toàn với gia đình, cưới nhau chục năm trời nhưng đối xử với vợ như thuở mới quen: lịch sự, dịu dàng, giành việc nặng về mình. 

Những tưởng sẽ cùng nắm tay nhau đi qua nhiều mùa xuân dài, nhưng một ngày định mệnh, căn bệnh phổi khiến thầy Thế ra đi khi tuổi đời chưa đến 40. Chồng mất, người vợ suy sụp, hoảng loạn. Lúc đầu chị định buông xuôi, nhưng khi nhìn thấy con gái 10 tuổi cần lắm bàn tay bao bọc của mình, chị cố gắng nén nỗi đau trong lòng, làm chỗ dựa cho con và tiếp tục làm bánh bán kiếm tiền mua sách thay chồng.

Chị Hằng chia sẻ với báo Tuổi Trẻ: “Sinh thời, anh thường đùa vui rằng, ‘khi anh chết chỉ cần mọi người đi phúng điếu bằng sách’. Có lẽ vậy nên đám tang anh, ngoài những vòng hoa, còn có sách và kệ sách do những bạn bè, tri kỷ sách, mạnh thường quân đến tiễn đưa anh lần cuối tặng. Ngoài ra, học trò của anh mỗi khi ngày lễ, tết đến viếng thầy, thắp nén nhang và để trên bàn thờ một quyển sách tặng thầy mình”.

Vợ chồng thầy giáo nấu cơm sáng từ thiện tiếp sức học sinh tới trường

Gần 2 tháng nay, đều đặn vào sáng thứ 3 hàng tuần, cửa hàng tạp hóa trước nhà vợ chồng thầy Lương Văn Bá, cô Phạm Thị Thêu (cùng sinh năm 1977), giáo viên môn Thể dục và Ngữ văn Trường THCS Dũng Hợp, xã Nghĩa Dũng, huyện Tân Kỳ (Nghệ An) trở thành quán ăn sáng. Đặc biệt, khách ra vào quán là các em học sinh nghèo từ cấp mầm non, tiểu học, trung học cơ sở ở hai xã Nghĩa Dũng, Nghĩa Hợp. Và hơn nữa, những vị khách đặc biệt ấy sẽ không phải trả tiền cho những món ăn tại quán.

Em Nguyễn Thanh Trà, học sinh lớp 8B, trường THCS Dũng Hợp cầm chiếc bánh mì kẹp trên tay, không giấu được sự vui mừng trước món ăn sáng yêu thích. Học sinh này cho hay, vì gia đình nghèo, bố mẹ đi làm đồng từ sớm nên nhiều khi phải ăn cơm nguội chan nước mắm hoặc nhịn đói đến trường. “Từ ngày được nhận suất ăn sáng miễn phí tại quán của thầy Bá, em rất vui và có thêm sức khỏe để đến trường mỗi ngày”, Trà tâm sự với báo Tuổi Trẻ Pháp Luật.

Chia sẻ về việc làm của mình, thầy Bá tâm sự, bản thân lớn lên trong gia đình có hoàn cảnh khó khăn nên thời học sinh đã nhiều lần đến trường trong tình trạng bụng đói. Nhiều hôm ngồi học trên lớp, thầy phải chống chọi với những cơn đói cồn cào gan ruột.

Để có bữa ăn sáng cho 250 học sinh, vợ chồng thầy Bá gần như phải thay đổi thói quen sinh hoạt. Họ phải dậy từ 4h sáng để nấu nướng, chuẩn bị mọi việc để khi các học sinh đến có đồ ăn cho các em. Thực phẩm được thầy Bá và vợ lựa chọn kỹ càng và chuẩn bị từ chiều hôm trước.

Quán ăn sáng miễn phí cho học sinh của vợ chồng thầy Bá (ảnh: Tuổi Trẻ Pháp Luật).

Theo tính toán của thầy Bá, để tổ chức một bữa ăn sáng cho 250 em học sinh, mức chi phí là 1,5 triệu đồng. Một năm học 35 tuần, tổng kinh phí là hơn 52 triệu đồng. Với mức lương của hai vợ chồng, chi tiêu sinh hoạt và lo cho 2 con ăn học, để duy trì bếp ăn cho các em học sinh là điều không dễ dàng. Biết là sẽ rất khó nhưng vợ chồng thầy Bá vẫn cố gắng duy trì mỗi tuần 1 bữa sáng miễn phí cho các em trong năm học tiếp theo và cố gắng để càng nhiều em được hỗ trợ ăn sáng càng tốt.

Thật cảm phục nghĩa cử cao đẹp của những người thầy, không ngại hoàn cảnh khó khăn họ vẫn nghĩ tới người khác, nghĩ đến tương lai của học sinh. Hy vọng rằng xã hội chúng ta sẽ có thêm nhiều những người thầy đáng kính như vậy.

Video xem thêm: Phó hiệu trưởng nằm rạp trên đất để giúp học sinh tự kỷ

Exit mobile version