Tôi hét lên và lao ra đỡ em bé tuổi rưỡi ngã từ trên ghế xuống đất, trong khi đó bố mẹ bé ngồi im và nhìn tôi bằng con mắt mở to đầy kinh ngạc. Đó là một trong nhiều lần tôi được trải nghiệm và khám phá ra sự khác biệt trong cách nuôi dạy trẻ nhỏ ở Đan Mạch.
Khi mới chuyển tới Đan Mạch, tôi vừa phải chăm cho con trai mới tập đi của mình vừa phải đi làm, tôi đã không chọn chế độ Vuguue chăm con toàn thời gian và cảm thấy khá mệt mỏi vì điều đó. Cho đến khi một người mẹ Đan Mạch nói với tôi rằng: “Trong trường hợp khẩn cấp trên máy bay, phi hành đoàn luôn hướng dẫn rằng người lớn phải đeo mặt nạ oxy cho mình xong thì mới đeo cho người bên cạnh và trẻ nhỏ”, cô ấy giải thích:
Bạn có biết vì sao không? Vì nếu mẹ không có cơ hội để thở, trẻ nhỏ cũng không thể thở được.
Vì thế bài học khó khăn nhất của tôi khi nuôi dạy con ở Đan Mạch là thả lỏng bản thân, tin tưởng rằng con hoàn toàn có thể lớn lên khỏe mạnh và an toàn mà không cần tới sự chăm sóc quá kỹ lưỡng của mình. Hãy để mọi việc thật tự nhiên, và có vẻ như mặc dù ở Việt Nam có niềm tin rằng “Bà Mụ” sẽ chăm sóc và nâng đỡ cho đứa trẻ, nhưng Đan Mạch lại thực hiện hóa niềm tin đó tốt hơn chúng ta.
Ở nơi hạnh phúc nhất hành tinh, người dân luôn nhìn nhận vấn đề đơn giản nhất có thể, ngay cả việc họ trông nom, chăm sóc một đứa trẻ, các ông bố bà mẹ Đan Mạch đều rất thoải mái, họ để trẻ tự do, thoải mái khám phá thế giới xung quanh, họ có quan điểm trái ngược hoàn toàn trong việc trông nom con cái của các bà mẹ Việt Nam.
Các bà mẹ Việt luôn đặt việc ưu tiên con cái lên hàng đầu, họ có thể gác bỏ mọi việc để đảm bảo việc chăm con tốt nhất, có lẽ đây là bản năng của một người mẹ, nhưng đối với một bà mẹ Đan Mạch thì họ luôn có một quan điểm: Không có cái gọi là “bảo vệ em bé”. Họ khuyến khích những đứa trẻ trở nên độc lập và tìm hiểu khám phá thế giới xung quanh.
Khi tôi lao ra đỡ em bé ngã từ trên ghế xuống thì bố mẹ bé lại cho rằng đó hành động thật kỳ lạ. Không phải vì họ vô tâm và thiếu tình mẫu tử, đối với họ, việc trẻ em ngã hay bị thương cũng là một cách chúng khám phá thế giới và trưởng thành hơn, chúng sẽ học được những bài học đầy thực tế và sẽ tự biết tránh những tình huống nguy hiểm sau này.
Hàng năm, vào dịp Sankt Hans Aften (Lễ Giáng sinh của Thánh John), lễ mừng mùa hạ, các gia đình, bao gồm cả trẻ em ở mọi lứa tuổi, tập hợp lại để hát các bài hát truyền thống và đốt một hình nộm phù thủy bằng rơm giữa đám lửa trại khổng lồ. Tôi nhận ra rằng không có biện pháp phòng ngừa nào ở đó: Không có xe cứu hỏa, bình chữa cháy hoặc xô nước. Cũng không có những sợi dây quây quanh đám lửa hoặc bộ đồ bảo hộ cho trẻ em. Chúng có thể chạy quanh ngọn lửa và thậm chí tới gần ngọn lửa hơn nếu chúng cảm thấy không sợ nóng. Đứa trẻ sẽ được thoải mái nghịch ngợm và khám phá mọi giác quan mà không bị cha mẹ quản thúc, điều mà chúng ta không thường thấy ở các bà mẹ Việt khi họ luôn canh chừng và nhắc nhở con cái.
Bạn cũng có thể tìm thấy hố lửa trên sân chơi của hầu hết các trường học ở Đan Mạch. Họ thường xuyên cho các giáo viên nhóm lửa rất lớn trên sân chơi để các em có thể tự nướng kẹo dẻo. Và bên trong lớp học của con tôi, có nến được thắp sáng trên bậu cửa sổ. Khi tôi tỏ ra lo lắng và có ý kiến với giáo viên rằng các em có thể chạm vào nến và sẽ bị bỏng hoặc gây ra hỏa hoạn, nhưng các giáo viên cũng ngạc nhiên không kém trước phản ứng của tôi: “Tại sao chúng lại muốn chạm vào lửa chứ? Nó sẽ làm chúng thấy nóng mà”.
Người dân Đan Mạch không lo lắng và họ tự hào về điều đó. Họ để trẻ em của họ biết về nguy hiểm sớm hơn, và tự khám phá thế giới, giống như một nhận định của một bà mẹ:
Nếu đứa trẻ biết lửa là nóng qua giác quan mà chúng tự cảm nhận, chúng sẽ không bao giờ chạm vào, nhưng nếu bạn bảo chúng là lửa nóng thì chúng sẽ cố muốn thử xem sao.
Một điều mà bạn không khỏi ngạc nhiên là cha mẹ thường đặc biệt quan tâm tới bữa ăn của trẻ. Ở Mỹ, Nhật bản bạn sẽ dễ dàng bắt gặp những bữa ăn của trẻ được trang trí bắt mắt, ngộ nghĩnh được đóng gói rất vệ sinh và đẹp đẽ và các món ăn được thay đổi thường xuyên với mục đích là kích thích việc thích thú ăn uống của trẻ. Nhưng ở Đan Mạch lại hoàn toàn ngược lại, có quá nhiều lựa chọn và kích thích sẽ chỉ làm đứa trẻ thấy bối rối và khó đưa ra quyết định.
Vì thế mọi đứa trẻ đều ăn giống nhau khi ở trường và lúc nào cũng sẽ có Leverpostej og Rugbrød (một loại bánh mỳ lúa mạch của Đan Mạch), cà rốt, táo và đồ ăn hoàn toàn không có gia vị. Thậm chí quả táo đã bị dập, thâm, bị hỏng một phần, cũng không cần gọt vỏ, chúng vẫn ngon lành thưởng thức. Chúng có thể nhặt đồ ăn từ mặt đất, gặm luôn trái cây mà chẳng cần rửa, hay bỏ đồ ăn dính cả lá cây vào miệng một cách ngon lành. Người Đan Mạch cho rằng: Không có gì phải lo lắng về thức ăn, chúng là “thân thiện với trẻ em”.
Tôi cho rằng đó là một niềm tin tuyệt đối với thiên nhiên và quy luật của tạo hóa. Con người chỉ cần hòa hợp với tự nhiên, tự khắc sẽ có cân bằng và điều kiện tốt để phát triển. Và tất nhiên là vì tôn trọng thiên nhiên nên ở Đan Mạch thực phẩm cũng không có thuốc bảo quản hay chất kích thích tăng trưởng. Hoa trái là để con người ăn, vì thế hãy trân trọng chúng, không vứt bỏ hay kén chọn.
Một trong những trải nghiệm sửng sốt khác của tôi tại Đan Mạch là một lần đi uống cùng một người bạn, tôi thấy một chiếc xe nôi phủ đầy tuyết nằm ngoài quán bar. Sẽ không có gì đáng nói nếu chiếc xe không rung lắc từng hồi, tôi chạy lại xem và nhận ra một em bé đang ngậm ti giả mắt to tròn nhìn tôi thích thú. Không một chút suy nghĩ tôi lao vào quán và hỏi to xem có ai để quên con trên xe nôi ngoài kia hay không. Lại một lần nữa, những người Đan Mạch nhìn tôi sửng sốt, còn tôi sau khi biết nguyên do chỉ muốn độn thổ ngay lập tức.
Ở Đan Mạch hay các nước Bắc Âu việc thoải mái để trẻ ngủ trong nôi ở ngoài trời một mình là điều bình thường. Bất kể khi đi ngang nhà ai đó, cửa hàng hay quán ăn, bạn sẽ dễ dàng bắt gặp hình ảnh những chiếc nôi xếp hàng ở ngoài cửa hay trên vỉa hè và bên trong là các em bé đang say giấc nồng.
Các bé được để nằm một mình ngoài với lý do hưởng không khí trong lành từ thiên nhiên, điều mà các bậc phụ huynh cho là rất cần thiết cho sức khỏe và sự phát triển tim mạch của trẻ. Vì ở Bắc Âu rất lạnh, trong nhà và các khu mua sắm đều có điều hòa ấm, nên họ rất thích không khí tự nhiên. Bên cạnh đó, khi trẻ được đặt ở ngoài cửa hàng thì bố mẹ sẽ được ăn uống và mua sắm một cách thoải mái mà không lo vướng bận gì.
Tuy nhiên thói quen này của bố mẹ Đan Mạch được coi là nhẫn tâm và vô trách nhiệm ở một số quốc gia khác. Tại New York, một cặp vợ chồng người gốc Đan Mạch đã bị bắt giữ vì tội để con bên ngoài một cửa hàng đồ ăn nhanh để vào ăn một mình. Có lẽ khi sinh ra và lớn lên trong một môi trường thân thiện cùng sự tin tưởng tuyệt đối với một xã hội quá an toàn và lành mạnh thì người Đan Mạch mới có thể vô tư như vậy.
Tuy nhiên chúng ta vẫn có thể học hỏi được nhiều điều từ cách chăm con của họ. Người Đan Mạch là những người hạnh phúc trong tốp đầu của thế giới bởi họ đơn giản hóa mọi điều trong cuộc sống, nhìn nhận mọi việc theo chiều hướng tích cực và nhẹ nhàng. Quan điểm của họ là đừng cố kiểm soát những thứ mà bạn không thể, thì bạn mới có thể thưởng thức cuộc sống trọn vẹn từng phút giây.
Bạn có thể đỡ cho con khỏi ngã lần này, nhưng bạn sẽ không thể kè kè bên cạnh con cả ngày để trông chừng chúng. Cũng sẽ có rất nhiều những cú vấp ngã sau này trên đường đời của con mà bạn không thể ở đó để giúp chúng được. Thay vì thế hãy để chúng trưởng thành từ những đau đớn. Bạn cũng không cần phải bao bọc, chở che cho chúng quá mức để làm chính mình căng thẳng và truyền những cảm xúc tiêu cực đó sang con. Có thể với chúng, sự tự do trải nghiệm sẽ càng làm chúng trân trọng vòng tay ấm áp của bạn hơn.
Bạn đang đọc bài viết: “Điều làm các mẹ Việt ‘khiếp vía’ lại quá đỗi bình thường ở nơi đáng sống nhất hành tinh” tại chuyên mục Giáo Dục của Đại Kỷ Nguyên. Để cập nhật thêm nhiều bài viết hay, quý độc giả vui lòng truy cập Fanpage chính thức của chúng tôi: facebook.com/DaiKyNguyenVanhoa/. Mọi ý kiến phản hồi và tin bài cộng tác xin gửi về hòm thư: dkn.doisong.giaoduc@gmail.com. Xin chân thành cảm ơn! |