Đại Kỷ Nguyên

Đại văn hào Tagore khuyên các bậc cha mẹ giáo dục con cái ra sao?

Nếu muốn có được thành công trong giáo dục trẻ, bạn nên hiểu rằng mục đích này không thể đạt được khi chỉ dựa vào mong muốn của bản thân mình.

Bạn cần có sự hiểu biết về những đặc tính có tính chất bẩm sinh của con người vốn thể hiện thực sự rõ nét ở độ tuổi còn nhỏ, đó là bản năng tự bảo toàn, khuynh hướng thích gần gũi với thiên nhiên, thích khám phá, thao tác với môi trường xung quanh, giao tiếp, ghi nhớ…

Quan trọng hơn, Phật gia nhìn nhận rằng mỗi con người đều có số phận riêng. Chính vì vậy, cách giáo dục trẻ tốt nhất là hướng dẫn trẻ luôn sẵn sàng hoà nhập với con người và môi trường xung quanh, để trẻ luôn có niềm tin và tình yêu trong cuộc sống cho dù bất cứ chuyện gì xảy ra.

Các nhà triết gia và giáo dục học nổi tiếng thế giới như Rabindranath Tagore và Maria Montessori đã có những lời nhắn nhủ hết sức sâu sắc đến việc giáo dục trẻ. Xin gửi tới các bạn những lời nhắn sâu sắc của Rabindranath Tagore và Maria Montessori:

Lời nhắn của Rabindranath Tagore, nhà triết gia, nhà thơ, là người Châu Á đầu tiên dành được giải Nobel văn học vào năm 1913

Chân dung Rabindranath Tagore. (Ảnh: indianexpress.com)

1. Đừng giới hạn trẻ trong hiểu biết của bản thân bạn, bởi trẻ được sinh ra vào thời điểm khác bạn.

2. Trẻ con là những sinh linh sống, sống động hơn người lớn – những người đã dựng nên vỏ bọc thói quen quanh mình. Bởi vậy, một điều cực kỳ cần thiết cho sự phát triển và sức khỏe tinh thần của trẻ là chúng không nên chỉ học qua trường lớp, mà còn cần qua một thế giới mà tinh thần dẫn dắt là tình thương yêu từ những người xung quanh.

3. Sự giáo dục cao nhất là sự giáo dục không chỉ cho ta thông tin mà còn khiến cuộc đời ta hài hòa với tất cả vạn vật.

Lời nhắn của Maria Montessori, nhà giáo dục học người Ý nổi tiếng toàn thế giới đã ba lần được đề cử giải Nobel Hòa Bình cho những cống hiến trong lĩnh vực giáo dục trẻ em

Phương pháp giáo dục Montessori tôn trọng sự riêng biệt của trẻ, coi trọng sự phát triển tự nhiên và khuyến khích trẻ độc lập.

Phương pháp giáo dục Montessori tôn trọng sự riêng biệt của trẻ. (Ảnh: wikipedia.org)

4. Ý niệm đầu tiên trẻ phải có được là ý niệm về sự khác biệt giữa cái thiện và cái ác.

5. Tất cả những tương tác của ta với trẻ nhỏ rồi sẽ kết trái, không chỉ trong hiện tại, mà còn trong con người trưởng thành của trẻ về sau.

6. Dạy chi tiết là mang lại sự khó hiểu, thiết lập mối quan hệ giữa vạn vật là mang lại tri thức.

7. Mục tiêu đầu tiên của việc chuẩn bị môi trường là trong phạm vi tối đa có thể, cho phép trẻ độc lập với người lớn.

8. Hãy để trẻ tự do, hãy khuyến khích chúng, hãy để chúng chạy ra ngoài dưới trời mưa. Hãy để chúng tháo giày khi thấy một vũng nước và khi cỏ trên cánh đồng ướt sương sớm, hãy để chúng chạy và dẫm lên cỏ bằng đôi bàn chân trần. Hãy để chúng nghỉ ngơi yên bình khi cây cối mời gọi chúng ngủ dưới tán lá; hãy để chúng la hét và phá lên cười khi mặt trời đánh thức chúng dậy vào buổi sáng.

9. Chúng ta không thể biết hậu quả của việc cấm đoán tính tự phát của trẻ khi trẻ mới bắt đầu chủ động. Chúng ta thậm chí có thể bóp nghẹt chính sự mới trỗi dậy này. Thứ nhân tính bộc lộ bên dưới tất cả những chói lọi huy hoàng của trí tuệ trong suốt thời thơ ấu ngọt ngào và dịu dàng nên được tôn trọng đến mức tối đa. Nó giống như mặt trời xuất hiện trong buổi bình minh hay đóa hoa mới bắt đầu bừng nở. Giáo dục không thể hữu ích trừ phi giáo dục giúp trẻ nhỏ mở lòng đón nhận cuộc sống.

10. Những điều trẻ thấy không chỉ được ghi nhớ; nó trở thành một phần tâm hồn của trẻ.

Có lẽ bạn cũng nhận ra rằng, trong những lời chia sẻ đầy tâm huyết trên đều không có lời nào về việc bạn cần hoạch định cuộc sống sau này của trẻ thế nào, cũng không có chỉ dẫn nào về việc giúp trẻ trở thành người nổi tiếng…

Hạnh phúc của trẻ, đó chính là khi trẻ cảm nhận mình được tôn trọng, khi trẻ được nô đùa trong nắng và gió, được hoà mình vào với người mẹ thiên nhiên. (Ảnh: tovui.com)

Hạnh phúc của trẻ, đó chính là khi trẻ cảm nhận mình được tôn trọng, khi trẻ được nô đùa trong nắng và gió, được hoà mình vào với người mẹ thiên nhiên, khi chạm tay vào cái vỏ sần sùi của cây, khoa chân dưới làn nước mát của dòng suối, cảm nhận được sức mạnh của gió trong cơn bão, cảm nhận được sự nhỏ bé của con người trước thiên nhiên.

Có như vậy trẻ mới biết cách đón nhận và trân quý những gì đang có. Hạnh phúc đó cũng chính là sẵn sàng đối diện với những khó khăn như khi trẻ đã từng đón nhận mưa như tát vào mặt lúc đi dưới cơn mưa nặng hạt và bầu trời mây đen vần vũ.

Mọi khó khăn, đều là cơ hội để trẻ nhận ra đó chính là khởi nguồn của niềm vui, chứ không phải là sự bất công, để rồi dẫn đến cảm xúc buồn chán, thất vọng.

Hãy để trẻ hiểu rằng hạnh phúc là sự tự cảm nhận của bản thân mình, chứ không phải là do ai đó mang đến.

Nhật Hạ

Exit mobile version