Khi nhàn rỗi nói chuyện với các bậc phụ huynh, tôi thấy bà mẹ nào cũng hào hứng kể về con mình, trong lời nói đều hé lộ niềm hạnh phúc xen lẫn lo âu. Các mẹ đều hy vọng sắp đặt thật tốt cuộc đời cho con cái, để đảm bảo cho con một đời yên ổn.
Nhưng cuộc sống tương lai của con cái lại có nhiều khả năng bất định. Có thể chúng ta kiểm soát được lựa chọn của chúng, đặt ra con đường cho chúng, nhưng chưa chắc chúng đã hạnh phúc vui vẻ.
Niềm vui từ nội tâm của con cái có liên quan mật thiết đến thiên phú của bản thân
Nữ hoàng đấu kiếm người Ý là Maria Valentina Vezzali. Khi mới 5 tuổi cô đã có hứng thú đặc biệt với môn thể thao đấu kiếm. Cho dù Vezzali vô cùng yếu ớt, sắc mặt xanh xao, trạng thái thân thể hoàn toàn không phù hợp với môn thể thao này, nhưng Vezzali vẫn kiên trì muốn học.
Cha mẹ của Vezzali không hiểu kiếm thuật, cảm thấy đó là “trò chơi không thể nào hiểu nổi”. Họ không ủng hộ Vezzali theo nghiệp này, đặc biệt cha cô hết sức phản đối. Cho đến một hôm người thầy đầu tiên của Vezzali phát hiện ra thiên phú của cô, đưa tay lên ngực thề với cha Vezzali rằng sẽ đảm bảo Vezzali đứng trên võ đài Thế vận hội Olympic, cha của Vezzali mới nghi hoặc đồng ý cho cô học kiếm thuật.
Sau này Vezzali tham gia Olympic 6 lần, đạt được 6 huy chương vàng 1 huy chương bạc và 2 huy chương đồng. Số huy chương vàng và tổng số huy chương cô đạt đươc đứng thứ nhất trong lịch sử kiếm thuật nữ giới. Nếu tính cả nam nữ, cô đứng thứ 3.
Vị trí thống trị của Vezzali ở Cúp Thế giới cũng rất rõ rệt. Cô đạt chức quán quân 16 lần, trong đó 6 lần quán quân cá nhân. 10 năm đầu của thế kỷ 21, kiếm thuật nữ thế giới chính là thời đại của Vezzali.
Chính vì Vezzali kiên định với lựa chọn của nội tâm mình, do đó chúng ta mới được chiêm ngưỡng nữ hoàng kiếm thuật mà cả thế giới đều biết đến.
Giả sử cha của Vezzali cuối cùng không tôn trọng sự lựa chọn của con, đồng thời chọn cho cô sự lựa chọn khác, thế thì lịch sử Thế vận hội Olympic sẽ thiếu đi những chương truyền kỳ về nữ hoàng kiếm thuật này, và chúng ta cũng không được chứng kiến cuộc đời rực rỡ của một cá nhân có liên quan đến thiên phú và sự lựa chọn.
Chúng ta cần nhận thức được rằng, học được cách tự chủ chính là một năng lực trọng yếu trong quá trình trưởng thành của mỗi cá nhân.
Nhiều bậc cha mẹ sai lầm khi cho rằng, con cái mình sau khi trưởng thành mới được tự chủ lựa chọn, mà đâu biết rằng, tự chủ lựa chọn cần phải được bồi dưỡng ngay từ nhỏ. Ngoài ra, một số bậc cha mẹ có thói quen bất kỳ sự việc gì của con cũng đều muốn tự mình làm thay, lo thay. Làm như vậy chính là đã cắt giảm quyền lựa chọn của con cái.
Chúng ta nên tôn trọng ý nguyện nội tâm của con cái, để chúng có môi trường trưởng thành tự do, bình hòa, giúp khai mở năng lực tự khắc phục, tự sửa chữa, tự phân biện của bản thân, năng lực phục hồi từ sai lầm.
Không nên lựa chọn quá nhiều cho con cái
Lựa chọn cho con cái cũng là một nghệ thuật, ví dụ khi hỏi con muốn mặc quần áo gì, thì nên hỏi: “Con muốn quần áo màu đỏ hay màu xanh?”, không nên hỏi: “Con muốn quần áo màu gì?”, vì có thể trẻ con sẽ chọn quần áo có màu sắc mà ở nhà không có, mà khi phụ huynh không thể thuận theo lựa chọn của con trẻ thì sẽ khiến con cái mất tín nhiệm vào cha mẹ.
Tin tưởng trẻ có thể xử lý tốt việc của mình
Nhiều bậc cha mẹ không giao quyền tự chủ lựa chọn cho con, chính vì không có lòng tin đối với trẻ, sợ chúng sẽ làm sai, cũng khiến trẻ em không có lòng tin với chính mình. Không nên thay trẻ đưa ra các lựa chọn trong cuộc sống. Cần biết cách lắng nghe tiếng lòng của trẻ, đồng thời tôn trọng suy nghĩ của trẻ, để trẻ đưa ra sự lựa chọn. Nhưng cần phải để trẻ đưa ra kiến nghị hợp lý đồng thời người lớn phải có chỉ dẫn thêm.
Cho trẻ không gian phát triển tự do
Trẻ cũng là cá thể độc lập, cũng có quan niệm và phán đoán riêng. Có thể kinh nghiệm sống chưa đủ, có thể sẽ có phán đoán sai lầm, nhưng những sai lầm đó có thể hiểu được, cũng là tất yếu, trẻ cần từ những sai lầm đó mà rút ra bài học. Không có đầy đủ không gian phát triển tự do, thì không có đầy đủ thực tiễn, sau này khi cần phải tự mình quyết định thì rất có thể khoanh tay đứng nhìn bất lực. Dù sao thì con người không ai sinh ra là đã có khả năng tự đưa ra quyết định đúng đắn được.
Không nên gây áp lực quá lớn cho trẻ
Nếu trẻ có những lựa chọn không thích hợp, cha mẹ có thể nhắc nhở. Sau khi lựa chọn, trẻ gặp phải khó khăn, thất bại, sẽ gây ra mất tinh thần, cha mẹ nên giúp đỡ. Nhưng cơ hội như thế này cũng không nên giúp hay chỉ bảo thái quá, để tránh gây áp lực quá lớn cho trẻ. Cha mẹ có thể dùng kinh nghiệm và tri thức của mình một cách phù hợp giúp trẻ ra quyết định. Trong khi giúp trẻ, cha mẹ phải cùng trẻ đưa ra lựa chọn, đây cũng là cách thức giúp trẻ đưa ra quyết định.
Dạy trẻ nhận thức bản thân chính xác
Nhà triết học cổ đại Hy Lạp Socrates có câu danh ngôn: “Hãy nhận thức bản thân mình” để quyết định lựa chọn khoa học. Trong quá trình trưởng thành của trẻ, cha mẹ nên giúp trẻ nhận thức bản thân. Rất nhiều lúc khi đối diện với sự lựa chọn, có người không biết rốt cuộc nên làm thế nào. Khi đối diện với những câu hỏi này của trẻ, cha mẹ cần phải học cách giúp trẻ tự phát hiện bản thân, nhận thức bản thân.
Học cách ghi nhận lựa chọn của trẻ
Tính tự chủ của trẻ luôn luôn biểu hiện ở sự lựa chọn, nhưng cha mẹ sợ trẻ lựa chọn sai, nên không dám giao quyền để trẻ tự đưa ra lựa chọn. Nhưng nếu trước nay chưa từng cho trẻ quyền lựa chọn, thì trẻ mãi mãi không học được cách lựa chọn, mãi mãi không có tính tự chủ. Nên dạy trẻ từ nhỏ tự đưa ra sự lựa chọn. Cho dù lựa chọn của trẻ không giống với dự liệu của cha mẹ, thì cũng không được dùng ý chí của mình mà tác động đến trẻ.
Cuộc đời của bản thân chúng ta, thường là từ trong mất kiểm soát tìm được lối ra. Đã như vậy thì tại sao chúng ta lại tước đoạt cơ hội tìm tòi của trẻ? Chúng ta nên để trẻ trong quá trình trưởng thành trải nghiệm nhân sinh, học cách làm thế nào đưa ra sự lựa chọn.
Tương lai của trẻ sẽ có đủ các loại lựa chọn, trẻ có niềm vui riêng, có con đường đời độc đáo riêng của mình.
Chúng ta chỉ cần tôn trọng, đồng thời luôn luôn ở bên, luôn luôn chờ đợi và luôn luôn trông nom là đủ.
Bạn đang đọc bài viết: “Cha mẹ thông minh thì đừng trưởng thành thay con cái“ tại chuyên mục Giáo Dục của Đại Kỷ Nguyên. Để cập nhật thêm nhiều bài viết hay, quý độc giả vui lòng truy cập Fanpage chính thức của chúng tôi: facebook.com/DaiKyNguyenVanhoa/. Mọi ý kiến phản hồi và tin bài cộng tác xin gửi về hòm thư: dkn.doisong.giaoduc@gmail.com. Xin chân thành cảm ơn! |