Đại Kỷ Nguyên

4 cách dạy con kỳ lạ của cô dâu Tây khiến mẹ chồng Việt tâm phục khẩu phục

Cha mẹ nào cũng yêu thương con cái, nhưng không phải ai cũng có đủ kinh nghiệm để dạy con nên người.

Rất nhiều cha mẹ Việt khi giáo dục con cái thường phát sinh vấn đề “đại thế chiến”. Đứa trẻ được coi như “trung tâm của vũ trụ”, người thì nuông chiều, người lại quá nghiêm khắc. Đôi khi vợ chồng to tiếng với nhau chung quy lại cũng chỉ vì bất đồng trong cách giáo dục con cái.

Dưới đây là chia sẻ của một bà mẹ về cách giáo dục từ cô con dâu Tây. Hy vọng qua câu chuyện nhỏ này, chúng ta sẽ có thêm kinh nghiệm trong cách giáo dục con của chính gia đình mình.

***

“Con trai tôi từng đi du học Mỹ, và cũng bởi thành tích học tập xuất sắc nên sau khi tốt nghiệp cháu làm việc và định cư luôn tại đây. Sau khi lập nghiệp, nó kiếm cho tôi một cô con dâu người Tây tên là Susan và nhanh chóng sinh cho tôi một đứa cháu trai kháu khỉnh tên là Toby, năm nay đã 3 tuổi.

Mùa hè năm ấy, tôi sang Mỹ thăm các con. Và trong suốt 3 tháng hè, cách giáo dục con cái của “con dâu Tây” đã cho người mẹ chồng như tôi được dịp mở rộng tầm mắt và vô cùng thán phục.

Hãy cho con được học cách tự lập

Mỗi buổi sáng khi Toby thức dậy, Susan sẽ để phần ăn sáng của con lên bàn rồi bận rộn đi làm các việc khác. Toby sẽ leo lên chiếc ghế của cháu rồi tự uống sữa và ăn bánh sandwich. Sau khi no bụng, cháu sẽ về phòng của mình, tìm quần áo trong tủ, lấy giày, rồi tự mặc quần áo. Mặc dù chỉ mới 3 tuổi chưa phân biệt được mặt trái hay mặt phải của bít tất, quần áo, giày trái hay giày phải, nhưng sáng nào cũng vậy, Toby đều làm những công việc cá nhân của mình một cách tự giác và nghiêm túc.

Một lần nọ thấy Toby loay hoay mặc ngược chiếc quần, tôi vội vàng chạy đến để thay lại cho cháu, nhưng Susan đã kịp thời cản lại. Con dâu tôi chỉ mỉm cười và nói: “Mẹ cứ để kệ cháu, nếu cảm thấy không thoải mái tự cháu sẽ biết cởi ra và mặc lại; nếu nó thấy không vấn đề gì thì cứ để nó mặc như vậy”. Và quả thật cả ngày hôm đó Toby mặc cái quần ngược chạy tới chạy lui mà con dâu coi như không thấy gì hết.

Một lần khác, Toby ra ngoài chơi với cô bé nhà hàng xóm, chưa được bao lâu cháu đã chạy về nhà nói với Susan: “Mẹ ơi, Lusi nói con mặc ngược quần, phải không mẹ?”. Lusi là cô con gái nhỏ của gia đình hàng xóm năm nay 5 tuổi. Susan mỉm cười: “Đúng vậy, con có muốn mặc lại không?”. Toby gật đầu rồi tự mình cởi quần ra kiểm tra một cách tỉ mỉ rồi bắt đầu mặc lại. Từ lần đó về sau cháu không bao giờ mặc ngược quần nữa.

Hãy cho trẻ học cách tự lập. (Ảnh: youtube.com)

Bất chợt tôi thở dài nhớ tới cô cháu ngoại của mình. Khi cháu lên 5-6 tuổi vẫn chưa biết dùng đũa, vào tiểu học còn chưa biết cột dây giày. Bây giờ, mặc dù đã vào trung học ở ký túc xá mà cuối tuần nào cũng đem một đống quần áo bẩn về nhà.

Không ăn thì… cứ nhịn đói

Có một buổi trưa Toby giận dỗi nhất định không chịu ăn. Con dâu tôi vừa la rầy mấy câu, thằng bé liền giận hờn đẩy khay xuống đất làm tất cả thức ăn trong khay vương vãi khắp sàn nhà. Con dâu tôi nhìn thằng bé hồi lâu và nói bằng giọng rất nghiêm khắc: “Xem ra con không muốn ăn thật nhỉ. Vậy từ giờ đến sáng mai con không được ăn gì hết”.

Toby gật gật đầu và cũng bướng bỉnh trả lời: “Yes!”. Nhìn thấy dáng vẻ đáng yêu của thằng bé, tôi chợt cười thầm: “Hai mẹ con này quả là cứng đầu như nhau”.

Buổi chiều Susan ngỏ ý nhờ tôi nấu bữa tối giúp mình. Tôi nghĩ, chắc là sáng nay thấy thằng bé không ăn gì hết nên con dâu muốn buổi tối nấu gì đó ngon ngon cho cháu nội mình ăn được nhiều đây. Tôi bèn trổ tài nấu nướng, làm món sườn chua ngọt mà Toby thích nhất, lại thêm món tôm chiên và còn dùng mì Ý để làm món mì kiểu Việt Nam mà Toby vẫn hay ăn. Thằng bé còn nhỏ tuổi mà mỗi khi tôi nấu món đó cháu có thể ăn được một tô lớn. Vừa nấu ăn tôi vừa tưởng tượng đến vẻ mặt hăm hở của cháu nội mỗi khi thưởng thức món ăn Việt.

Tới giờ ăn tối, các món ăn đã được bày sẵn lên bàn, cậu chàng nhảy chân sáo vui mừng ngồi lên ghế. Nhưng thật ngạc nhiên, Susan tới lấy đi dao dĩa của con và nhẹ nhàng nói: “Chúng ta giao ước rồi phải không nhỉ, hôm nay con không được ăn gì hết. Mẹ nhớ chính con cũng đồng ý điều đó rồi mà”.

Nhìn nét mặt nghiêm túc của mẹ, thằng bé tủi thân và òa khóc nức nở. Cháu vừa khóc vừa nói: “Mẹ ơi, con đói, con muốn ăn”. Con dâu tôi vẫn bình thản và nghiêm giọng: “Không được, nói rồi là phải giữ lời”.

Chứng kiến tình cảnh đó, người làm bà nội như tôi thấy đau lòng và thương thằng bé quá. Tôi cứ năm lần bảy lượt định bảo con dâu tha cho thằng bé lần này, nhưng thấy ánh mắt ra hiệu của con trai nên tôi lại thôi. Nhớ lại lúc mới đến Mỹ, con trai tôi có lần chia sẻ: “Ở nước Mỹ khác với Việt Nam nên mẹ chú ý chút nhé. Lúc cha mẹ giáo dục con cái, người ngoài không nên can thiệp, cho dù là bề trên cũng không ngoại lệ”.

Không còn cách nào, tôi đành giữ im lặng chứng kiến sự việc từ đầu tới cuối. Thế là suốt cả bữa cơm thằng bé tội nghiệp chỉ ngồi chơi với chiếc xe mô hình, mắt rơm rớm nước mắt nhìn ba người lớn ăn. Mãi cho tới lúc này tôi mới hiểu dụng ý của con dâu khi nhờ tôi nấu bữa tối. Tôi tin rằng lần sau khi giận dỗi muốn quăng liệng thức ăn, cháu nội tôi sẽ nhớ tới cái bụng réo ào ào lại phải ngồi nhìn ba mẹ và bà nội ăn cao lương mỹ vị. Cảm giác bụng đói quả thật không dễ chịu tí nào, trong khi các món ăn mình yêu thích đang tỏa hương ngào ngạt.

Buổi tối khi tôi và Susan đến chúc Toby ngủ ngon, thằng bé dè dặt liếc nhìn mẹ nó rồi hỏi: “Mẹ ơi, con đói lắm, giờ con có thể ăn không?”. Susan lắc đầu một cách kiên quyết mà nói: “Không!”. Toby mếu máo hỏi tiếp: “Vậy sáng mai con ngủ dậy rồi con được ăn chứ?” “Đương nhiên được rồi”, Susan dịu dàng đáp lại, còn Toby thì cười tươi rạng rỡ.

Ảnh minh họa. huffingtonpost.com

Sau bài học này, tôi thấy cháu nội thay đổi thái độ và tích cực hơn hẳn. Thằng bé không muốn vì “tuyệt thực” mà tự bỏ lỡ bữa ăn ngon và chịu cực hình bụng đói. Mỗi lần nhìn thấy miệng và mặt cậu chàng dính đầy thức ăn, tôi lại nhớ đến cháu ngoại mình ở Việt Nam. Hồi con bé bằng tuổi Toby bây giờ, người lớn phải cầm tô cơm chạy theo đuôi nó rồi dỗ dành ngọt nhạt đủ kiểu mà nó còn chưa chịu ăn cho. Không những vậy, vừa ăn nó vừa đòi yêu sách: ăn xong một bát cơm thì phải mua cho nó một món đồ chơi, ăn thêm một bát thì mua thêm một món đồ chơi nữa…

Con hãy chịu trách nhiệm về mình

Cậu của Toby tặng cho cháu một chiếc xe đạp nhỏ. Thằng bé rất thích cái xe đó và khư khư giữ làm bảo bối không cho ai đụng vào. Bạn thân của Toby là cô bé Lusi hàng xóm đã nhiều lần cầu xin được lái thử chiếc xe này mà thằng bé nhất quyết từ chối. Một lần nọ, khi mấy đứa trẻ đang chơi chung thì Lusi không kìm lòng được đã nhảy lên chiếc xe đạp đi một vòng. Lúc ấy, thằng bé rất tức giận, hầm hầm chạy đi mách mẹ.

Susan đang ngồi tán gẫu và uống café với các bà mẹ hàng xóm, nghe Toby nói liền mỉm cười trả lời con: “Chuyện của các con thì các con tự thu xếp với nhau đi, mẹ không xen vào được”. Toby đành bất lực quay đi và ngồi đợi đến lúc Lusi đạp xe về.

Vừa thấy Lusi, thằng bé chạy tới đẩy bạn té xuống đất rồi giật lại chiếc xe. Lusi ngồi bệt dưới đất và khóc ré lên. Susan ẵm Lusi dậy dỗ dành một lát, rất nhanh sau đó Lusi đã chơi vui vẻ với những bạn còn lại. Còn cháu nội tôi thì chạy xe tới lui một mình, được vài phút thì cảm thấy nhàm chán, nhìn các bạn chơi vui vẻ với nhau nên nó cũng muốn tham gia. Nó chạy tới chỗ Susan và lí nhí tỏ vẻ ân hận: “Mẹ, con muốn chơi với các bạn ấy”.

Susan thản nhiên đáp: “Con tự tới làm lành với các bạn đi”. Toby cầu cứu nhìn mẹ: “Mẹ, mẹ đi với con nhé”. Vẫn giữ vẻ bình thản ban đầu con dâu nói tiếp: “Chuyện này không được rồi, lúc nãy là con làm cho Lusi khóc mà. Giờ con muốn chơi thì con phải tự đi giải quyết vấn đề mình đã gây ra”.

Học cách tự đi giải quyết vấn đề mình đã gây ra”. (Ảnh: popsugar.com)

Toby leo lên chiếc xe và chạy từ từ đến chỗ Lusi, nhưng đạp gần tới đám bạn thì nó lại ngại ngần quay xe đi. Chạy tới lui mấy vòng như vậy, không biết từ lúc nào Toby và Lusi lại vui vẻ với nhau hợp thành một nhóm ồn ào.

Dạy dỗ chăm nom con cái là chuyện của cha mẹ

Cha mẹ của Susan biết tôi đang ở Mỹ nên lái xe từ California đến thăm chúng tôi. Lâu lâu không gặp ông bà ngoại nên Toby rất hào hứng chạy lăng xăng. Thằng bé nghịch ngợm còn xách cái thùng nước đi tới lui trong nhà. Susan cảnh cáo nó mấy lần, rằng không được làm nước văng lung tung nhưng thằng bé phớt lờ để ngoài tai. Cuối cùng nước đổ hết ra nền, cậu chàng còn đắc ý giẫm đạp lên vũng nước làm quần áo ướt nhẹp.

Theo thói quen tôi chạy đi lấy cây lau nhà để dọn dẹp. Susan ngăn lại và đưa cây lau nhà cho thằng bé: “Con làm ướt sàn rồi, giờ con tự lau khô sàn nhà, rồi cởi quần áo ướt ra và giặt sạch đi nhé”. Ỷ lại có ông bà ở đó, Toby không chịu vừa khóc vừa la hét. Con dâu tôi không nói thêm lời nào mà chỉ đưa thằng bé đến phòng tắm rồi đóng chặt cửa lại. Nghe tiếng khóc hoảng sợ của cháu vọng ra, tôi bồn chồn đứng ngồi không yên, chỉ muốn chạy đến ẵm cháu ra. Bà ngoại của Toby thấy bộ dạng của tôi liền nói: “Đó là chuyện của Susan”.

Một lát sau Toby không khóc nữa mà chỉ nói vọng ra ngoài: “Mẹ ơi, con sai rồi”. Con dâu tôi đứng ở ngoài hỏi: “Thế giờ con biết phải làm gì chưa?”. Thằng bé dõng dạc trả lời: “Dạ con biết rồi ạ”. Susan mở cửa và dắt Toby mặt mày đầy nước mắt đi ra. Một cách rất tự giác thằng bé cầm cây lau nhà cao gấp đôi nó, ra sức lau cho khô sàn nhà. Sau đó nó tự cởi quần áo bẩn và trần truồng chạy vào nhà tắm giặt đồ. Ông bà thông gia nhìn thái độ kinh ngạc của tôi, chỉ biết mỉm cười.

(Ảnh minh họa: pinterest.com)

Có một câu nói của ông bà ngoại Toby làm tôi vô cùng ấn tượng: “Con trẻ là con cái của cha mẹ chúng, trước tiên phải tôn trọng cách giáo dục của cha mẹ chúng”.

Mỗi đứa trẻ sinh ra tuy nghịch ngợm nhưng cũng rất nhạy cảm thông minh. Nếu thấy các thành viên trong gia đình mâu thuẫn, đứa trẻ sẽ mè nheo và làm nũng những người bênh vực mình. Sự việc này càng kéo dài sẽ càng bất lợi cho giai đoạn hình thành tính cách của trẻ và ảnh hưởng tới tương lai sau này.

Ông bà ngoại của Toby ở lại một tuần rồi mới về Cali. Hai ngày trước khi đi, ông ngoại Toby hỏi con gái mình: “Toby muốn chiếc xe đào đất, ba có thể mua cho nó chứ?”. Con dâu tôi suy nghĩ hồi lâu rồi nói: “Lần này ba mẹ đã mua cho cháu đôi giày trượt băng rồi. Con nghĩ ba hãy đợi đến Noel rồi mới nên mua chiếc xe đó!”

Sau đó khi tôi dắt cháu đi siêu thị, thằng bé chỉ tay vào món đồ chơi và khoe với tôi: “Ông ngoại nói, đến Noel sẽ mua tặng cháu cái này”.

Susan nghiêm khắc với con như vậy nhưng Toby lại yêu mẹ nhất nhà. Khi chơi ở ngoài công viên, thằng bé hay thu thập một số hoa lá mà nó nghĩ là đẹp rồi mang về tặng mẹ. Khi được tặng quà thằng bé luôn gọi mẹ cùng mở quà; có thức ăn ngon thì luôn biết để phần một nửa cho mẹ.

Nghĩ đến nhiều đứa trẻ coi thường và lạnh nhạt với cha mẹ, tôi không thể không nể phục cô con dâu Tây của mình. Theo tôi, cách giáo dục con cái của các bà mẹ phương Tây rất đáng để chúng ta suy ngẫm. Nếu con bạn còn nhỏ, tôi nghĩ bạn hãy thử áp dụng theo cách giáo dục đó xem sao. Hy vọng rằng nền giáo dục gia đình của chúng ta cũng phát triển được như ở Mỹ”.

 

Exit mobile version