Đại Kỷ Nguyên

Giang hồ rủ nhau tìm về gia đình lão nông trúng 92 tỷ xổ số để… ‘kiếm ăn’

Kể từ sau khi trúng giải, tình hình an ninh trật tự ở gần khu vực nhà chị Nguyễn Thị Ánh Đào (32 tuổi, khóm 7, phường 8, TP.Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh) – chủ nhân giải thưởng xổ số điện toán trị giá hơn 92 tỷ đồng khá phức tạp.

Thậm chí, chính quyền địa phương cũng đã phải xuống nhà chị Đào can thiệp vì có quá nhiều người tìm đến khiến những người thân trong gia đình chị bị ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe.

Chia sẻ với các phóng viên, ông Kim Huynh, Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.Trà Vinh cho biết: Hiện nay, mỗi ngày có cả trăm người đến vây chật hết con đường ở cạnh nhà người trúng số 92 tỷ đồng nhờ hỗ trợ tiền. Để giữ gìn an ninh trật tự ở địa phương, Công an phường, bảo vệ dân phố đang vận động người dân giải tán”.

Theo đó, mặc dù các lực lượng như Công an, dân phòng và dân quân đã tăng cường đến giữ trật tự tại khu vực gần nhà chị Đào nhưng lượng người kéo đến ngày càng đông hơn. Đáng chú ý, trong số hàng trăm người có hoàn cảnh khó khăn xuất hiện tại đây còn có cả những thanh niên xăm trổ đầy mình.

Một thanh niên cởi trần, xăm mình được lực lượng chức năng đến giải tán. (Ảnh: Danviet)
(Ảnh: Danviet)

Tình hình an ninh gần nhà chị Đào đang rất phức tạp. Trong đó có nhiều thanh niên xuất hiện trong tình trạng cởi áo, mình mẩy đầy hình xăm. Những thanh niên này không phải dân địa phương, họ kéo đến để hỏi thăm thông tin chị Đào đang ở đâu”, ông Huynh nói.

Theo tìm hiểu của phóng viên, ông Nguyễn Quốc Thái (58 tuổi, cha chị Đào) đi nhận giải giúp con gái đã về đến Trà Vinh từ tối 18/10. Tuy nhiên, ông không trở về nhà mà đi thuê khách sạn ở nơi khác để tránh sự làm phiền của mọi người.

“Gia đình chị Đào mấy ngày nay không ngủ được. Con cháu trong nhà cũng không dám đi học, đi ra ngoài đường bởi sợ kẻ xấu bắt cóc làm tiền. Nếu tình hình kéo dài như vậy, những thành viên trong gia đình có thể sẽ bị bệnh, từ đó sẽ khó hơn. Trong khi đó, Công an phường, bảo vệ dân phố cũng chỉ đến hỗ trợ trong thời gian ngắn thôi” – ông Huynh cho hay.

Còn quán hủ tiếu của gia đình ông Thái cũng đã đóng cửa sau 1 ngày bán miễn phí cho khách. Trước cửa quán này có để chữ tạm nghỉ nhưng không thông báo thời gian kinh doanh trở lại.

Người dân tập tụ trước cửa nhà ông Thái để xin tiền hỗ trợ. (Ảnh: Kenh14)

Được biết trước đó vào ngày 17/10, nhiều người tìm đến nhà chị Đào nhưng không gặp được vì căn nhà khóa cửa. Trao đổi qua điện thoại, người phụ nữ này cho biết đã chủ động tạm lánh vì có rất nhiều người tìm đến gặp và nhận là bà con với chị.

Từ câu chuyện này khiến chúng ta đặt ra vấn đề bảo vệ thông tin cá nhân. Theo các chuyên gia pháp luật, việc công bố tên, địa chỉ của người trúng thưởng sẽ để lại hệ quả rất lớn, ảnh hưởng nhiều đến đời sống sinh hoạt của người bị đưa thông tin.

Không nói đâu xa, năm ngoái, câu chuyện “tỉ phú ve chai” Huỳnh Thị Ánh Hồng (quê Quảng Ngãi, tạm trú quận Tân Bình, TP.HCM) từng gây chú ý thời gian dài. Vợ chồng chị mua được chiếc loa cũ với giá 100.000 đồng nhưng không ngờ bên trong có chứa 5 triệu yen tiền Nhật (gần 1 tỉ đồng). Thời điểm ấy, tiếp phóng viên trong căn nhà trọ chật chội, dù cố gượng cười nhưng chị Hồng không giấu được sự mệt mỏi: “Giờ tôi gần như kiệt sức rồi”, nói đến đây mắt chị đỏ hoe.

Không kiệt sức sao được! Những ngày đầu chị Hồng mới bắt gặp “thùng tiền Nhật”, những người tận đẩu tận đâu ùa về, đổ xô chật cứng căn phòng trọ nhỏ. Họ xô đẩy nhau xin chia phần. Có người ngồi lì ở nhà chị từ sáng đến trưa không chịu về vì… chưa xin được tiền. Lạ hơn, người không được chia phần thì bĩu môi rủa: “Có lộc trời, không chia sẻ sẽ bị báo ứng”. Có dạo sợ quá, chị Hồng phải tìm đến nơi khác lánh mặt, cả số điện thoại cũng tắt nốt vì nhận quá nhiều cuộc gọi làm phiền.

Còn trước đó vào năm 2014, vợ chồng ông Huỳnh Thanh Dũng (huyện Thủ Thừa, Long An) trúng số độc đắc. Báo chí đưa tin ông Dũng cũng khốn khổ với người tìm đến xin tiền. Bất kể đang mùng 1, mùng 2 tết, nhiều người người lũ lượt đứng trước nhà ông Dũng vạ vật, thậm chí quỳ lạy, khóc lóc…

Phong Vân (TH)

Xem thêm:

Exit mobile version