Đại Kỷ Nguyên

Giấc mơ của cậu học trò nghèo có thâm niên lao động tay chân

Năm lớp 6, Thái Thành phải nghỉ học vì không có tiền. Năm lớp 10, vì trót ngủ quên sau ca bốc vác mệt mỏi mà em lỡ mất buổi thi… Hai năm học gián đoạn không khiến cậu học trò nghèo từ bỏ giấc mơ trở thành thầy giáo của mình.

Cậu học trò nghèo có thâm niên làm nghề lao động tay chân

Để có tiền đến trường và phụ mẹ chi phí sinh hoạt, Thái Thành (19 tuổi, Đà Nẵng) đã làm đủ việc, từ bốc vác thuê, phụ cắt chỉ ở công ty may, làm bánh tráng, bán cà phê… Hễ ai kêu việc gì là em làm ngay, không hề hà.

Cha Thành bỏ đi khi Thành mới lọt lòng, một tay mẹ nuôi em khôn lớn. Bà Nguyễn Thị Thương (mẹ Thành) nhiều năm dài phải làm công việc nặng nhọc, thâu đêm tới sáng, đến kiếm thu nhập cho hai mẹ con. Ngày xưa, bà hay gánh cá thu xuyên đêm ở cảng cá Thọ Quang, gánh nặng thì 10.000 đồng, gánh nhẹ 5.000 đồng. Sau khi may mắn được thành phố hỗ trợ cho một căn chung cư, cuộc sống của mẹ con bà mới yên ổn hơn chút.

Từ nhỏ, ngoài giờ học, Thành phụ giúp mẹ kiếm thêm thu nhập bằng những công việc tay chân. Em cùng mẹ nhận quét dọn vệ sinh toàn khu chung cư. Mỗi tháng hai mẹ con được trả công 600.000 đồng.

Nhìn hình ảnh cậu trai đang tuổi lớn ngày ngày cầm cây chổi quét từng bậc thang, ai nấy ở chung cư cũng xúc động. Bà con ở khu chung cư Nại Hiên Đông 2 ai cũng thương cho gia cảnh nghèo của hai mẹ con Thành.

Chị Đặng Hồng Cam Vũ, sống cùng chung cư với Thành, cho biết: “Nhìn em cầm cây chổi quét trước, cô Thương hì hục lau sàn đằng sau hết bậc thang này đến bậc thang khác mà xúc động. Thương em một phần, mà thấy thán phục cậu bé nghị lực và chịu khó. Tuổi đó, đa số các em trong vùng chỉ lo ăn với học nhưng Thành đã biết nghĩ, biết phụ mẹ mà không ái ngại”.

Chặng đường học tập gian nan

Thành năm nay 19 tuổi, là học sinh lớp 11/6 trường THPT Tôn Thất Tùng, Đà Nẵng. Lý do Thành học chậm hơn bạn bè 2 năm khiến nhiều người không khỏi chạnh lòng. Năm lớp 6, do hoàn cảnh quá khó khăn mà mẹ em quyết định cho con nghỉ học một năm. Thành ở nhà phải lăn lộn vào đời kiếm sống, san sẻ nỗi lo cơm áo giúp mẹ. Nhưng vì khát khao vươn tới con chữ, em tiếp tục trở lại trường học khi hai mẹ con kiếm đủ tiền học phí.

(Ảnh: Tuổi trẻ)

Năm lớp 10, đúng ngày thi môn Toán, Thành mệt rã rời sau một buổi sáng bốc vác thuê. Em ngủ quên và đến phòng thi muộn. Hai mẹ con đèo nhau đến trường khi đã quá nửa giờ làm bài. Không được thi cuối kỳ, Thành ôm mẹ mà khóc tức tưởi, em phải chấp nhận học muộn thêm một năm nữa.

Thành luôn đạt loại khá trong các năm học. Tuy nhiên, thành tích ở trường không đáng chú ý bằng sự chững chạc, thông minh trong cách nói chuyện và suy nghĩ của em. Vì ra đời sớm, lăn lội với nhiều việc, Thành trưởng thành hơn so với bạn bè cùng trang lứa.

Với cậu học trò lớp 11, điều mà suốt những năm qua khiến cậu trăn trở là ước mong thoát khỏi chữ nghèo. Thành bảo: “Em lớn rồi, nhưng cứ mỗi lần được gọi lên trước toàn trường để trao tiền trợ cấp cho học sinh nghèo, em lại thấy mừng mà tủi. Em chỉ mong sao cố gắng làm việc để thoát khỏi cái nghèo”.

Ước mơ trở thành thầy giáo

Từ nhỏ, Thành đã đam mê các môn học xã hội. Ước mơ của Thành là trở thành một giáo viên dạy môn Lịch sử hoặc Địa lý. Ngoài giờ học trên lớp, em hay lên mạng tìm hiểu về lịch sử thế giới, những câu chuyện trong nước mà sách giáo khoa không đề cập, hay các thông tin về địa lý, con người khắp nơi.

Em từng dành dụm một số tiền nhỏ để mua điện thoại truy cập Internet, nhưng hai mẹ con không có điều kiện bắt mạng. Mỗi tối, muốn vào xem thông tin, em lại xin ké mạng hàng xóm. Em kể, nhiều lần đang xài thì họ cắt mạng, có người cho ké được ít hôm thì không cho ké nữa vì mạng yếu. Thành buồn lắm, chỉ biết lôi những cuốn sách cũ đã đọc đi đọc lại nhiều lần ra nghiền ngẫm. Mỗi lần thi cử, cần vào mạng tìm thông tin, cậu học trò lại đạp xe rất xa đến nhà bạn học.

Bữa cơm tối với độc một món canh rau dền đỏ. Ăn xong, Thành lại tất tả đạp xe đến chỗ bốc hàng, còn bà Thương 12h đêm tiếp tục công việc ở cảng cá. (Ảnh: Tuổi trẻ)

Thành tâm sự, ước mong lớn nhất của em là mẹ khỏe mạnh. Sau này, em sẽ gánh vác gia đình và lo cho mẹ cuộc sống thật tốt.

Minh Lan

Exit mobile version