Đại Kỷ Nguyên

Phép nhiệm màu của chữ Tình cứu sống cuộc hôn nhân đang bên bờ tan vỡ

Ngày nay tình cảm vợ chồng không còn được như lễ nghĩa truyền thống xưa, người ta hễ không thích là nói ly hôn, bất kể là hậu quả của nó như thế nào. Chỉ một chữ tình thôi sẽ tạo nên một gia đình hạnh phúc, nhưng khi không còn chữ tình thì gia đình sẽ rơi vào nguy cơ tan vỡ. Sau đây là câu chuyện cảm động với kết thúc có hậu tuyệt vời của Nguyễn, một minh chứng về chữ tình này.

Hà Nội năm ấy mưa nhiều, nước sông Hồng dâng cao cuồn cuộn, chảy xiết xoáy réo ầm ào như đang sôi lên, nước đỏ ngầu phù sa kéo theo những rác và củi gỗ. Dòng nước như muốn cuốn phăng đi tất cả, kéo trôi tất cả, nhấn chìm tất cả. Trời cũng phụ họa theo lất phất mưa, sấm chớp ầm ầm ở phía thượng nguồn báo hiệu đợt lũ còn chưa dứt. Khi ấy màn đêm buông xuống cũng rất nhanh, mọi người vội vàng như chim về tổ ấm để chuẩn bị bữa tối cho gia đình sum vầy, trên đê vắng hoe, chỉ còn tiếng sóng cuộn, tiếng gió reo với tiếng mưa lãng đãng rơi vào ngọn cỏ xanh non.

Vậy mà tối muộn ấy vẫn còn một người ngồi một mình trên đê! Không thể tưởng tượng đó là một cô gái mảnh mai vẫn ngồi một mình đơn côi bên dòng sông đang sôi ấy. Lòng sông mùa lũ to lớn mênh mang như thế, trời tối mịt mù nhìn chẳng thấy bờ bên kia, nhưng cô thấy nỗi lòng của mình còn to lớn hơn cả sông kia. Cô đang phải quyết định một điều trọng đại trong cuộc đời – đứng trước thử thách ly hôn. Lúc ấy, tâm trạng rối bời cuồn cuộn như dòng nước lũ vậy, mệt mỏi, chán nản không biết mình sẽ đi đâu, về đâu, cuộc đời sẽ không còn ý nghĩa nữa khi mà cái gia đình đã hạnh phúc ấy bỗng nhiên có nguy cơ tan vỡ.

Một dòng chảy những câu hỏi cứ xoáy sâu vào trái tim mỏng manh của Nguyễn. “Mình có mặt trên đời này để làm gì nhỉ? Sống là vì cái gì, ý nghĩa cuộc đời là gì nhỉ? Sao cứ phải vất vả mưu sinh, hết lo cho bố mẹ, lo cho các con, lo cho chồng rốt cuộc để làm gì nhỉ? Cuộc sống phải chăng chỉ là mộng tưởng, chỉ là xây lâu đài trên cát? Mình chỉ cần “ừ” một cái là tất cả hạnh phúc sẽ bị nước lũ cuốn trôi tuột ra biển ư? Chỉ cần “ừ” một cái là mình sẽ trở thành “không gia đình”…”.

Ảnh minh họa: Ảnh đẹp HD.

Suốt mấy tháng nay vợ chồng Nguyễn đã “cơm không lành canh không ngọt”, họ cứ hục hoặc với nhau, chấp trước vào câu nói của nhau, cô nói một đằng thì anh lại hiểu sang ý khác, thế là căng thẳng, lục đục, bất hòa. Họ không thể thẳng thắn cởi mở nói chuyện với nhau được, hai người cứ tránh nhìn mặt nhau, có mặt người này thì không thấy người kia.

Đỉnh điểm là trong một buổi gặp gỡ cuối tuần của cả gia đình ở nhà mẹ cô, anh đã công khai nói xấu cô trước mặt tất cả các em và nói như đinh đóng cột “nếu chị của các em không thay đổi thì anh sẽ ly hôn ra ở riêng”.

Cô em gái kể lại rằng, khi ấy mặt anh đỏ gay, nói rất nhiều về những “sự thật” mà anh cho là “tội” của cô, những chuyện mà người ngoài cuộc nghe chả thấy có gì đáng để kết thành tội, chỉ như là “cái bát cái đũa xô nhau trong chạn” nhưng anh lại cho rằng rất quan trọng, đối với anh những điều ấy là không thể chấp nhận, không thể tha thứ!

Ví như anh nói cô coi thường anh, coi anh ngang hàng với con mình khi cô nói sẵng một câu: “Bố con ra ăn cơm đi”. Ví như anh nói cô vô tâm, khi anh ốm – mà đây là lần đầu tiên anh ốm ở nhà – vì lâu nay anh ở nước ngoài nên họ không gần nhau, thì cô chẳng quan tâm, mải lo việc chăm cho bố chồng, lo cho việc hiếu của bố đẻ. Anh nhờ cô nấu cháo tía tô thì cô làm đúng thế, nghĩa là chỉ có cháo trắng với tía tô rồi để đấy, tự múc tự ăn, không có một lời động viên an ủi, anh thấy tủi thân, thấy mình như bị bỏ rơi.

Anh nghĩ mình đi Tây vất vả kiếm tiền nơi đất khách quê người, cũng là có chút địa vị được người trọng nể, cũng là có công với gia đình, mong mỏi chờ đợi từng ngày để về với vợ con. Nay đã toại nguyện được gần gũi gia đình, anh nghĩ mình xứng đáng được tôn trọng, được động viên an ủi, được chiều chuộng bù đắp cho những năm xa cách vất vả ấy. Nhưng những kỳ vọng của anh về cuộc sống gia đình và quê hương đã làm anh thất vọng.

Ảnh minh họa: Vov.vn.

Thực ra anh bị sốc vì vừa từ châu Âu về, là nơi đỉnh cao văn minh nhân loại, đột ngột bị rơi vào thứ văn hóa khác biệt, hàng núi vấn đề như môi trường ô nhiễm, thừa hàm lượng thạch tín trong nước sinh hoạt, thừa khí thải, thừa chất độc trong hoa quả và thức ăn, thừa rượu chè cờ bạc – hễ cứ có tiệc tùng gì là rượu chảy tràn, thừa hội hè triền miên, thừa gian lận dối trá, thừa sự vô cảm, thừa thời gian ngồi tếu táo ở các hàng quán… nhưng lại thiếu không khí trong lành, thiếu ô-xy để thở, thiếu đạo đức, thiếu tình người chân quê, thiếu cái chân chất hương đồng gió nội… ra đường đã thế về nhà thì vợ con lại chẳng nể mình, anh nghĩ mà ấm ức.

Trong lúc anh kể tội ấy với các em, thì mẹ vợ nằm nghỉ ở phòng trong nghe hết sự tình. Mẹ đã gần tuổi tám mươi, bình thường tai kém lắm thế mà có chuyện gì liên quan đến con mình thì tai lại nghe rõ mồn một, không sót chữ nào. Thực ra không cần nghe mẹ đã hiểu hết mọi chuyện, bản năng người mẹ mách bảo cho biết có chuyện gì đó chẳng lành với con mình từ mấy tháng trước rồi.

Mẹ tự trách mình, tự hỏi không biết đã phạm điều gì mà để con mình phải chịu khổ, mẹ vốn là một cựu giáo viên lương thiện và là người rất sùng kính tín Phật, tin vào Thuyết Nhân Quả của nhà Phật. Mẹ tin rằng người làm việc thiện thì được hưởng phúc báo, người làm việc ác thì tất sẽ bị quả báo, nên mẹ chỉ làm việc tốt, còn thường xuyên ăn chay niệm Phật, cầu mong cho mọi chuyện trong gia đình trong ấm ngoài êm. Mẹ vẫn luôn tự hào về cái đại gia đình của mẹ do chính tự tay mình xây dựng, bố mất rồi nên mẹ đứng mũi chịu sào. Từ trước đến giờ mọi việc đều êm, cả trong họ cũng chưa có ai bỏ nhau bao giờ, thế mà giờ đây ngôi nhà nhỏ của con gái của mẹ đang đứng trên bờ vực tan vỡ.

Mẹ đau đớn khôn cùng, người con đau một thì người mẹ đau mười. Lo lắng mà không biết nói cùng ai, không dám thể hiện ra, đành phải giả như không nghe thấy gì, không biết gì, chỉ âm thầm nuốt nỗi đau vào trái tim đau khổ và mẹ khấn cầu xin tổ tiên, cầu xin Thần Phật độ cho các con mình được an lành. Thực ra bằng linh cảm của người mẹ cho biết rồi sóng gió sẽ qua, các con mẹ sẽ hạnh phúc trở lại, bởi vì mẹ tin mẹ sống tốt, mẹ gieo trồng cây đức thì không lo gì mà con mình không được hưởng Phúc báo, Trời có mắt mà. Mẹ tin vào phép màu nhiệm của tình người, nếu con người sống có tâm có tình thì mọi việc sẽ tốt thôi!

Mẹ cũng nghĩ đến ông thông gia của mình, nghĩ mà thương ông ấy, năm nay vừa đến trăm tuổi tròn mà vẫn khỏe mạnh minh mẫn, chắc chắn ông ấy cũng đang đau khổ lo lắng cho cái đại gia đình của mình, lo cho huyền thoại gia đình, niềm tự hào, danh tiếng của gia đình có thể bỗng chốc bị hoen mờ khi cậu cả bỏ người vợ hiền ngoan. Họ nhà ông cũng chưa từng có tiền lệ, ông ấy chắc cũng chỉ còn cách giả điếc và cầu xin tổ tiên phù hộ mà thôi, người già giờ nói thì ai nghe đâu.

Ảnh minh họa: Blog Radio.

Người mẹ nào cũng thương con, lo cho con, dù con mình đã lớn thì đối với mẹ vẫn là những người con nhỏ cần mẹ ấp ủ chở che, giống như gà mẹ dùng đôi cánh gầy guộc mỏng manh của mình để che cho đàn con dưới trời mưa bão. Đó chính là do thiên chức làm mẹ sinh ra, thế nên mẹ suốt ngày lo lắng gầy mòn vì con, mẹ nghĩ, nghĩ hết cách để giúp con mình!

Trước đây mấy năm mẹ cũng đã đau đớn thế này, lúc ấy là chuyện người con gái thứ của mẹ cũng bị căng thẳng tương tự thế. Nhà chúng nó nghèo, chồng lại thất nghiệp, một nách nuôi bốn miệng ăn, chi phí ăn ở học hành cho hai đứa con ở Hà Nội là một gánh nặng quá lớn. Lúc ấy còn căng thẳng đến mức thậm chí là hai đứa đã “nói chuyện với nhau bằng tay”, cả nhà phải khuyên can mới yên.

Mẹ lo lắm, thương lắm, chỉ biết hứa với Phật là mọi tội mẹ xin chịu, xin gánh hết và quyết chỉ làm việc phúc thiện để cho con mình được bình an. May là người con gái ấy rất tốt, nhẫn nại, im lặng chịu đựng và đúng là Thần Phật đã nghe thấu lời mẹ, đã mở lòng từ bi che chở nên mọi việc lại êm, như là sau mưa là nắng lại hửng lên thôi. Sau đận ấy mẹ lại càng thêm sùng kính Phật. Lần này mẹ cũng tin là phép nhiệm màu sẽ đến với các con mẹ, vì các con mẹ đều là người trọng chữ tình.

Còn Nguyễn thì cũng quá thấu hiểu người chồng luôn là trụ cột trong mỗi gia đình, là người đứng mũi chịu sào, là niềm tin, là tự hào, là bờ vai nương tựa cả cuộc đời để người phụ nữ hy sinh hết mình, phấn đấu hết mình xây đắp hạnh phúc cho gia đình của mình.

Nguyễn nhớ lại thời trước cuộc sống khó khăn lắm, người phụ nữ ví như con ong cái kiến suốt đời cần mẫn, chăm chỉ làm lụng, thu vén chắt chiu từng đồng lẻ để nuôi con ăn học, để tạo ra ngôi nhà hạnh phúc, con cái ấm no có cái ăn cái học. Nguyễn cũng vậy, là cô giáo nghèo, hết giờ dạy học thì tranh thủ đưa từng gói kẹo lạc, từng gói thuốc lào cho các quán nước để được lãi 100 đồng, mà phải cần 1.000 đồng mới đủ mua mớ rau, nói ra khó ai hiểu nổi có những lúc chất xám rẻ rúng thế, mà đấy là sự thật.

Nguyễn nghĩ, giờ nếu không còn cái “cột cái” ấy thì đâu còn là nhà? Sẽ mất sạch những công sức vun đắp, sẽ là Dã Tràng se cát biển đông suốt bao năm cuộc đời để hết tâm nguyện vào đó? Thế có đáng không nhỉ? Các cụ nói “sông có khúc, người có lúc” đúng là ứng nghiệm, mình đang trải nghiệm chính cái “lúc” ấy, một trải nghiệm nghiệt ngã làm sao!

Nguyễn nhớ trước đây khi chưa vào hoàn cảnh này, mình vẫn hay bình luận là giờ đây người ta ly hôn quá dễ dàng vì cái tôi, cái bản ngã của con người quá lớn, chữ Thiện và Nhẫn trong con người mờ nhạt đi nhiều. Với những người trẻ hiện nay thì tỷ lệ ly hôn không thấp, ngay như ở một trường tiểu học ở quận Đống Đa, nơi em mình dạy cũng có hẳn một Hội độc thân vui tính, chiếm 1/3 số thanh niên trong trường, chưa thời nào mà ly hôn nhiều thế.

Ảnh minh họa: Gia đình yêu thương.

Nguyễn rùng mình nghĩ, hậu quả những gia đình ly hôn thì quá khủng khiếp ai cũng biết. Ví dụ như nhà chồng cô em gái ở thị trấn, hai ông bà già rồi đã có ba mặt con, có sáu cháu nội ngoại rồi mới chợt nhận ra là họ không hợp nhau, nên ngăn nhà ngăn bếp làm đôi, thành hai cõi riêng độc lập, không ai được xâm phạm của ai. Nhà chỉ có hai người mà mỗi cụ một nồi cơm. Ngày nghỉ con cháu về chơi thì phải ăn với mỗi cụ một bữa, nếu vội mà chỉ ăn được một nơi thì sẽ có một cụ không vừa ý. Các cháu nhỏ không hiểu sao ông bà mình lại mỗi người một nơi, không xâm phạm bờ cõi của nhau như thế? Cũng không hiểu những đứa cháu ấy nghĩ gì về ông bà mình, nhưng ấn tượng về cái cầu thang bé tí tẹo bị chia làm đôi ngăn cách bởi tấm bìa giấy thì có thể sẽ là ấn tượng suốt đời.

Nguyễn cũng nhớ chuyện mà cô em gái là giáo viên kể về cảnh những em học sinh mà bố mẹ bỏ nhau, có một cháu có hoàn cảnh kể ra thì ai cũng rơi nước mắt. Ấy là bố mẹ có hai con rồi bỏ nhau, tòa phán xử chị lớn theo mẹ, cu em theo bố. Cô chị ở với mẹ, nhưng mẹ lại vào Nam lấy chồng nên phải ở lại với bà ngoại ở Hà Nội. Bà ngoại ở một mình, rất nghèo nuôi thân đã khó nay lại gánh thêm cháu, bà lại hận thù nhà thông gia vì nghĩ do thông gia gây khó dễ nên con gái mình mới bị bỏ rơi thế. Lại thêm cái cớ không có tiền cho cháu đi xe ôm nên bà ngăn cấm không cho cháu gái mình đến nhà bà nội, hy hữu mỗi năm được đến một vài lần.

Khổ thân cô bé, đến lớp nhờ cô giáo cho mượn điện thoại để gọi đến nói chuyện vài câu với em trai cho đỡ nhớ, mà các em có nói được gì đâu, toàn là khóc với nhau. Cô bé kể cứ Tết thì sẽ được đến bà nội, hai chị em gặp nhau mừng tủi, ôm nhau khóc nước mắt giàn giụa không muốn dứt ra, nó nhớ chị không cho chị về, còn cô chị thì về nhà cũng khóc sưng đỏ cả mắt.

Vẫn đang ngồi trên đê bỗng nhiên tâm hồn lặng sóng, chợt cô lại trở về với tuổi thơ học trò, cũng là một đêm trăng rằm, chính nơi bờ sông này một mối tình say đắm đã đến.

Phải nói là lúc ấy cô rất xinh, rất có duyên, là người chú trọng đến nhân cách, lễ nghĩa, cô coi con người cốt ở cái tâm, cái tình người, chính cái đẹp từ tâm hồn, nhân phẩm của cô mà cả làng ai cũng cũng yêu quý, thương cô. Học hết phổ thông thì vào học Cao đẳng Sư phạm, vừa xinh đẹp, vừa có học nên rất nhiều chàng trai chết mê chết mệt.

Anh là một trong số những người xin “chết” ấy, anh cũng là bậc kỳ tài trong làng, anh học Đại học Xây dựng, khi ấy mỗi năm cả huyện chỉ có vài người vào được đại học, oách lắm. Anh mê mẩn vì cô vừa xinh đẹp, con nhà gia giáo, hiền lành thật thà, nói chuyện lôi cuốn thu hút, lúc đầu anh không để ý đến cô, nhưng chỉ qua một lần nói chuyện trên đê đã làm anh phải lòng.

Ảnh minh họa: Kapanlag.

Thế rồi tình yêu đến, hai người hạnh phúc, sung sướng dành hết trái tim trân quý của mình cho tình yêu. Ở bên sông Hồng này tình yêu không phân biệt giàu nghèo, không phân biệt sang hèn, không phân biệt địa vị, yêu là yêu mà không bị chi phối bởi bất cứ gì, thậm chí cô còn nghĩ người nghèo, chỉ cần có trái tim đẹp thì sẽ có tình yêu đẹp lãng mạn không kém những người nhà giàu trên phố, không kém những ngôi sao bóng đá, không kém những hoa hậu kia.

Lại nói về anh, mấy hôm trước anh cáu quá nên nói chuyện hơi căng thẳng, thực ra anh rất thương vợ con, bởi vì anh là người tốt, rất có tình người, bình thường anh rất thấu tình đạt lý. Anh nghĩ mình cảm ơn vợ còn không hết, suốt bao năm tuổi trẻ đã một thân một mình thay anh nuôi con, chăm sóc bố mẹ hai bên, làm đầy đủ nghĩa vụ người con dâu. Vợ anh rất hiếu thảo với cả bố mẹ và các em con cháu nhà chồng, suốt bao năm qua đã thay mặt anh để thực hiện tất cả các việc hiếu hỷ trong họ ngoài làng, với vai trò là con dâu trưởng, được mọi người rất mực yêu thương, anh tự hào về điều đó. Bố anh quý cô lắm, nên ông già thế mà ngày nào cũng tự đi bộ sang nhà con dâu để xem có gì cần giúp đỡ không.

Anh vẫn biết rằng suốt bao năm qua cô vừa là mẹ, vừa là bố của hai con gái xinh như hoa hậu của anh – trong mắt anh thì con gái mình là xinh nhất thế gian này, là tài sản lớn nhất, là niềm tự hào, là mục tiêu, lẽ sống của đời anh.

Sau bao năm bôn ba ở xứ người, nay về ở chung với vợ thì ắt sẽ chưa dễ hòa nhập ngay được, anh chỉ muốn nói để vợ thay đổi, nhưng cũng biết cũng khó mà thay đổi mọi thói quen cách sống ngay được, lại phải cái tính vụng về và ương ngạnh của vợ thì biết làm sao, đành phải để thời gian hóa giải mọi thứ thôi.

Lúc ấy không hiểu trời xui đất khiến thế nào mà anh cứ thấy nóng hết cả ruột gan, đã hơn 10 giờ đêm mà chưa thấy vợ về, anh đã mấy lần ra ngõ ngóng mà không thấy. Giờ này khuya rồi mà vợ còn chưa về, hay là sang bên bố anh, hay là sang bên mẹ đẻ, hay nhỡ ra các cụ gặp chuyện gì thì sao nhỉ? Anh lập tức đi tìm, đến cả hai nhà nhưng đều không thấy, mà cô lại đi bộ xe để ở nhà, không biết đi đâu nhỉ? Tức thế, không nói gì với mình, cứ như không có mình ở nhà vậy! Anh rất lo lắng.

Tự nhiên, anh đứng ngồi không yên, ruột gan nổi cồn, nhỡ ra vợ nghĩ quẩn thì sao nhỉ? Tự nhiên, như có một luồng lực nào đó thôi thúc kéo anh đi lên đê, đi như vô định, bước đến gần nơi anh không bao giờ quên, đó là nơi hẹn hò đầu tiên của hai người. Nơi số phận đã gắn kết anh với cô – nơi đã ghi nhận một mối tình đẹp nhất, tự hào nhất cả xã này – một mối tình ước mơ mà nhiều người ghen tỵ giữa anh kỹ sư xây dựng đẹp trai với cô sinh viên Sư phạm xinh nhất làng trên xã dưới.

Tự nhiên, dưới ánh trăng mọi ký ức xưa lại ùa đến. Bất chợt một thứ cảm giác hưng phấn bùng phát từ trái tim anh, một thứ tình thương – tình người – tình yêu xen lẫn bao trùm lấy anh, nó mạnh mẽ đến nỗi đã xua tan hết mọi giận hờn mà chỉ trước đó mấy phút anh vẫn còn bực tức, những giận dỗi đó giờ chỉ còn bé bằng cái que củi nhỏ đang bị nước cuốn trôi đi ở sông kia, chỉ một phút thôi là không còn nhìn thấy nữa. Anh chợt nhận ra vẫn yêu cô như ngày xưa ấy!

Ảnh minh họa: Pixabay.

Đúng là muôn sự tại Trời, đêm ấy may mà về đêm thì mưa ngớt hẳn, gió ngừng thổi, sấm chớp ở đằng xa cũng dứt, dòng sông dường như cũng đã quá mệt nên trôi nhè nhẹ đi, dịu dàng hơn. Dần dần hiện ra nền trời xanh thẳm điểm xuyết một vài vì sao, một lúc sau thì trăng ló lên, hôm ấy là rằm, trăng lại tỏa ánh vàng kim từ bi thương yêu xuống vạn vật. Chợt Nguyễn cũng như thanh thản hơn, chợt nhớ đến anh, thèm được dựa vào bờ vai vững chắc của anh ngay lúc này. Cô thèm, giá như nếu có anh ở đây giờ này thì mình sẽ xin lỗi và ôm lấy anh, bởi bằng linh cảm người phụ nữ, cô biết dù sao anh cũng vẫn yêu mình và các con.

Cô ngủ gục trên gối và thiếp đi lúc nào không biết, đi vào một giấc mơ đẹp của tình yêu thời trẻ. Rồi bỗng nhiên Nguyễn giật mình vì có một vật gì đó choàng lên người, mở mắt ra thì thấy chiếc áo khoác của anh. Anh vừa đến phía sau, ngắm cô và khẽ khàng đắp áo cho cô đỡ lạnh. Trong tâm anh tràn ngập một tình thương, một thứ tình thương, tình người do ánh trăng vàng mới đổ tràn bồi đắp thêm vào anh, nó đã xua tan đi tất cả mọi ấm ức, hờn dỗi. Cô sung sướng lặng người đón nhận, họ cứ thế ngồi cạnh nhau, không nói lời nào, dựa vào nhau, tin tưởng nương tựa vào nhau, hai trái tim, hai tâm hồn, hai con người đã hòa vào nhau bởi sức mạnh của tình thương để cùng nhau đi đến hết cuộc đời.

Ảnh minh họa: Madame.lefigaro.

Nguyễn tạ ơn Trời Phật đã xe duyên ắt sẽ giúp mình hạnh phúc, những chuyện đã qua chỉ là lửa thử vàng, xem đúng tình yêu của họ có phải vàng mười không! Đúng là phép nhiệm màu của chữ Tình đã đến. Nguyễn sẽ ghi nhớ mãi bài học sâu sắc này, trong cuộc sống mỗi khi gặp việc gì cũng nên nghĩ phải vì mọi người trước, phải dẹp bỏ cái tôi của mình đi, phải lấy chữ tình lên đầu thì mới là thể hiện được tình người, lòng hiếu thảo với bố mẹ, thế mới xứng làm người tốt, thế mới xứng với tâm nguyện con người sống ở kiếp này. Hết mưa là lại nắng lên thôi, xuân đến rồi nhà nhà cùng hân hoan, hạnh phúc đón xuân mới!

Nắng Mới

Video xem thêm: Những câu chuyện tình yêu sống mãi với thời gian

 

Exit mobile version