Đại Kỷ Nguyên

Gần 30 năm bị người đời hắt hủi, ‘kẻ ăn mày’ không ngờ tri kỷ đời mình là ngài cựu Bộ trưởng

Cuộc sống này vốn tồn tại cả hai màu sáng tối, khi mất đi một niềm vui, bạn sẽ được bù đắp bởi một niềm vui khác. Vậy nên, dù bạn đang ở trong hoàn cảnh khốn khó, bần hàn đến cùng cực thì cũng hãy tin rằng Thượng Đế sẽ an bài cho bạn những điều tốt nhất, chỉ cần bạn luôn giữ được tấm lòng lương thiện.

Sau gần ba thập kỷ với kiếp sống lang thang giữa lòng Paris hoa lệ, người đàn ông Pháp 47 tuổi Jean-Marie Roughol cuối cùng cũng gặp được người bạn tri kỷ của cuộc đời, đó là Jean-Louis Debré – cựu Bộ trưởng Pháp.

Chân dung ngài cựu Bộ trưởng nội vụ Pháp

Trong một lần lang thang ở đại lộ Champs-Élysées, Roughol trông thấy một người đàn ông đứng tuổi đang loay hoay với chiếc xe đạp của mình ngay trước cổng khu mua sắm. Ông ta có vẻ muốn vào trong nhưng không biết làm như thế nào với chiếc xe đạp của mình. Trông thấy dáng vẻ tội nghiệp của người đàn ông già, Roughol đến gần và ngỏ ý sẽ trông xe giúp cho đến khi ông ấy quay lại. Người đàn ông mừng rỡ cảm ơn Roughol và vui vẻ giao xe cho anh ngay.

Thế rồi từ đó, mỗi lần tình cờ gặp nhau trên phố, người đàn ông lại thân thiện chào hỏi và bắt chuyện với Roughol. Dù chẳng mấy khi gặp mặt nhưng Debré thực sự đã khiến một người vô gia cư như Roughol cảm động. Nhiều năm lạc lõng giữa lòng Paris hoa lệ, người ta hoặc là lãnh đạm, hoặc là thương hại, chứ chưa một ai dành cho Roughol một cái nhìn ấm áp và chân thành đến vậy. Roughol cũng không hề biết rằng người đàn ông đó từng chính là Bộ trưởng Bộ nội vụ của nước Pháp, chỉ biết, mỗi khi gặp người bạn bạn này, lòng anh thấy bình yên, thanh thản lạ lùng.

Một ngày nọ, khi Debré đang dừng xe để nói chuyện với Rougol trên phố thì tình cờ nghe được tiếng thì thầm của hai người lạ mặt phía sau lưng họ: “Anh nhìn kìa, Debré đang nói chuyện với một gã ăn mày!”

Rougol không hiểu tại sao họ lại miệt thị khi anh nói chuyện với Debré. Trong lòng anh vô cùng tổn thương, còn Debré thì tỏ ra rất tức giận và phẫn nộ. Nhìn ánh mắt đượm buồn của người bạn, ông cảm thấy mình cần làm một điều gì đó cho anh. Ông vỗ vai Rougol và nói: “Anh hãy để cho những kẻ kiêu căng và mê muội đó thấy được sự thiển cận của bọn họ bằng cách viết một cuốn sách về cuộc đời mình.”

Rougol vô cùng ngạc nhiên trước câu nói của Debré. Anh còn chưa bao giờ nghĩ rằng mình có thể viết được một bài văn nào tử tế với vốn kiến thức hạn hẹp của mình, chứ đừng nói đến một cuốn sách.

Ngay từ khi còn là một cậu bé, Rougol đã bị mẹ đẻ bỏ rơi. Tuổi thơ của anh phải gắn liền với người cha nghiện rượu và phải bỏ học giữa chừng để kiếm sống. Vốn học vấn ít ỏi khiến Rougol không tìm được việc ở bất kỳ công ty nào cả, sau khi bị mất công việc phục vụ ở nhà hàng, Roughol, khi ấy mới 20 tuổi, trở thành một kẻ lang thang thất nghiệp.

Suốt gần 30 năm qua, quá khứ tăm tối đó cứ ám ảnh Roughol mãi không buông khiến anh đánh mất hoàn toàn niềm tin vào bản thân mình. Không biết từ bao giờ, Roughol đã tự xem mình là một kẻ vô dụng, kém cỏi. Thế nhưng, Debré vẫn kiên nhẫn hết lần này sang lượt khác thuyết phục và động viên bạn. Cuối cùng, bằng sự chân thành và nhẫn nại, Debré đã thuyết phục được Roughol thay đổi quyết định.

Roughol bắt đầu viết trên ghế đá công viên, với những cuốn vở học sinh. Mỗi lần viết được một ít, anh lại gặp người bạn của mình tại một quán cà phê để đưa bản thảo.

Suốt hai năm như vậy, Debré dành hầu hết thời gian của mình để sửa lỗi, biên tập và cần mẫn đánh máy từng trang bản thảo cho người bạn khốn khó. Cuối cùng, cuốn sách với 176 trang hồi ký về cuộc đời Roughol đã được hoàn thành. Đó là những kỷ niệm về thời thơ ấu và thanh xuân hỗn loạn, những đêm ngủ vạ vật trên phố hoặc trong công viên, những cuộc gặp gỡ với những số phận vô gia cư bất hạnh khác và cả những lần chiến đấu để “sinh tồn”…

Roughol hy vọng rằng cuốn sách sẽ giúp mang lại một sự thay đổi trong cách nhìn nhận của mọi người đối với những người vô gia cư, và, có lẽ anh đã làm được điều đó. Những chia sẻ mộc mạc, những câu chuyện giản dị mà ngày thường vẫn xảy ra trên đường phố Paris, ngay trước cửa nhà của những người Paris lãng mạn, lịch thiệp, nhưng họ chẳng hề hay biết… tất cả đã tạo nên một sức hút đặc biệt với những người dân Pháp.

Roughol nhanh chóng trở nên nổi tiếng, anh xuất hiện trên các kênh truyền hình và báo chí khắp thế giới. Và điều tuyệt vời đã xảy đến. Khi nhìn thấy Roughol trên TV, người anh trai thất lạc từ lâu đã nhận ra anh. Suốt bao năm tìm kiếm, cuối cùng họ đã được đoàn tụ cùng nhau.

Khi bạn phải sống trên đường phố, bạn cảm thấy xấu hổ và tự thu mình lại. Bạn không muốn gặp gỡ và liên lạc với bất cứ ai. Bây giờ, tôi đã tìm thấy anh trai, có thể gặp gỡ các cháu trai và cháu gái của mình. Hãy tưởng tượng xem, khi trước đây tôi luôn chỉ có một mình”, ông ngậm ngùi tâm sự.

“Người ta viết thư cho tôi từ khắp mọi nơi, và mỗi ngày tôi đều bị kéo lại bởi những người đã đọc sách của mình khi đi trên phố”, ông kể. “Tuần trước, tôi được mời đi ăn nhà hàng bởi một người đàn ông từ Tennessee, người đã mua 15 bản sách của tôi. Còn một người khác đến từ Thụy Sỹ thì mang Sô-cô-la cho tôi”, Roughol hạnh phúc chia sẻ.

Roughol vô cùng biết ơn “người bạn Bộ trưởng” của mình. Debré không chỉ là một người bạn bình thường, ông giống như vị thiên sứ mà Thượng Đế đã ban cho Roughol để đưa anh ra khỏi bóng tối và tìm thấy ý nghĩa tồn tại trong đời. Roughol đã nói rằng cuộc gặp gỡ với Debré chính là định mệnh của cuộc đời. Nếu như không có ngày hôm ấy, anh hẳn mãi mãi không thể thoát ra khỏi vũng bùn tuyệt vọng và đau khổ.

Còn với Debré – vị cựu Bộ trưởng thích đi xe đạp, Roughol đã cho ông một cái nhìn hoàn toàn khác về những người vô gia cư khốn khổ. Từ khoảnh khắc Roughol đến đề nghị trông giúp ông chiếc xe đạp, Debré đã cảm thấy tấm lòng lương thiện và sự thuần khiết trong tâm hồn anh và muốn trở thành bạn với người đàn ông này. Dù không xuất bản một cuốn sách nào nhưng câu chuyện tình bạn mà ông đã viết nên sẽ khiến người đời nhớ mãi.

Nguồn ảnh: Hypeness

Linh An

Xem thêm:

 

Exit mobile version