Đại Kỷ Nguyên

Đứa con tù tội vì đánh người, không ngờ mẹ già biệt tăm chỉ để lại… những đóa mai (Phần 2)

Vừa ra tù, nhận được tin mẹ mất, tôi như mất hết niềm tin vào cuộc sống. Nhưng nhìn chiếc áo mẹ tặng, khoản tiền nhỏ nhoi mẹ cả đời tích cóp cho tôi, tôi tự nhủ phải mạnh mẽ đi tiếp…

Tìm kế mưu sinh – Những cuộc gặp gỡ chỉ có thể giải thích được bằng “nhân duyên”

Nỗi đau mất mẹ, và sáu chiếc áo hoa mai là tất cả những gì tôi mang theo khi rời vùng quê thân thuộc để lên thành phố. Tôi không nghĩ được gì nhiều, chỉ có thể nghĩ rằng trước mắt tôi cần tìm cách để nuôi sống mình, nhưng phải là một cách lương thiện. Tôi đã trải qua rất nhiều nghề nghiệp khác nhau, từ rửa bát, chạy bàn trong quán ăn cho đến làm cửu vạn, bốc vác ở chợ, cũng đã có lúc không tìm được việc, tôi phải đến chợ người, nơi người ta tới thuê nhân công về làm những công việc nặng nhọc nhất.

Tôi không hiểu do duyên cớ gì, mà hai năm đầu tiên ấy, tôi làm gì cũng gặp phải những người ghét mình, muốn gây sự với tôi. Họ đánh mắng, chửi bới, nói rằng tôi cướp miếng cơm của họ. Công việc nào của tôi cũng kết thúc trong lời oán trách và thù ghét của một số người. Nhiều lúc, tôi cảm thấy uất ức vô cùng, bởi sao người ta lại vô cớ mà đối xử tàn tệ với tôi đến thế. Nếu không có 5 năm nhìn đôi hoa mai trên áo mẹ gửi mà học cách nhẫn nhịn, tôi đã có thể giết người hay gây tổn thương cho người khác rất nhiều lần rồi.

Mỗi khi chạm vào đóa mai trên chiếc áo của mình, tôi đều nhớ tới mẹ, nhớ tới tấm lòng và sự tin tưởng của bà nên tôi lại có thể nín nhịn tất cả, lặng lẽ tiếp tục cuộc sống.

Dịp Tết cách đây ba năm, tôi đã gặp được nhân duyên của cuộc đời mình, nhờ một tô mì nóng. Đó là đêm giao thừa, trên đường đi làm về, tôi dừng chân trước một quán ăn nhỏ. Khi tôi đang lưỡng lự vì không biết có nên tự mời mình một bát mì nóng để xua đi những giá rét trong cả thân thể và tâm hồn hay không, cô chủ quán nhẹ nhàng bước ra:

“Mời anh vào quán, hôm nay cũng là ngày cuối cùng tôi mở quán rồi, và chắc anh cũng là vị khách cuối cùng của đêm nay, nên tôi muốn được mời anh một bát mì, nếu anh không cảm thấy phiền?”.

Tôi không nói gì, chỉ lẳng lặng ngồi vào quán, chọn một bàn nhỏ cạnh chiếc đèn vàng ấm áp. Tôi từ tốn thưởng thức hết bát mì được cô chủ nhẹ nhàng đặt lên bàn. Có lẽ đây là bữa ăn tuyệt nhất từ sau khi tôi vào tù. Mùi vị của món ăn có chút gì đó rất dịu dàng, và tôi cảm nhận được sự chu đáo cùng tâm ý của người nấu.

“Cô chủ ơi, tôi có thể hỏi điều này không?”

“Anh hỏi đi, tôi xin nghe.”

“Tôi thấy mì của cô rất ngon, không chỉ hương vị mà tôi còn cảm nhận được cô đã đặt toàn tâm vào món ăn này. Thực sự bát mì của cô đã khiến tôi cảm động. Tôi đoán, cô phải là người rất trân quý công việc của mình. Vậy, có chuyện gì đang xảy ra khiến cô sắp đóng cửa quán vậy?”

“Tôi rất cảm ơn những chia sẻ của anh và cũng cảm ơn anh vì đã thực lòng quan tâm. Đây là quán mì của bố tôi, tôi đã làm cùng ông ở đây mười năm rồi. Nhưng bố tôi vừa mất hai năm nay. Giờ chỉ còn có mình tôi, mà tôi lại là đứa bất tài, nên dù rất muốn tiếp tục sự nghiệp cả đời của bố, tôi cũng không làm được. Tôi đã ba lần vay mượn để tiếp tục làm quán, nhưng những kẻ xấu trong khu này không để yên cho tôi, chúng thường xuyên tới quấy phá, khiến khách hàng bỏ đi hết. Giờ đây, tôi không còn đủ sức để tiếp tục nữa vì nợ nần đã quá nhiều rồi, áp lực của chủ nợ cũng quá lớn. Vì thế nên tôi muốn buông xuôi tất cả, kể cả cuộc sống của tôi.”

“Tôi hiểu rồi, cô chủ ạ. Nhưng tôi muốn kể cho cô nghe một câu chuyện, được không?”

Cô lẳng lặng gật đầu và ngồi yên nghe tôi kể câu chuyện mẹ đã đan áo hoa mai tặng tôi như thế nào. Tôi muốn nói với cô ấy rằng, không có khó khăn nào xứng đáng để cô phải từ bỏ cuộc sống cả. Và nếu sống như hoa mai, có lẽ sẽ đến một ngày, cô tìm được cơ hội gây dựng lại quán mì mà bố cô đã dày công dựng nên.

“Anh này, tôi biết, tôi đề nghị điều này có phần thiếu lịch sự, nhưng anh có thể cùng tôi vực dậy quán mì này không, nếu có một người đàn ông trong quán, những kẻ côn đồ kia sẽ không còn dám muốn làm gì thì làm. Tôi sẽ xin chia đôi tất cả chỗ tiền kiếm được cho anh. Bởi tôi rất mong muốn được duy trì quán ăn nhỏ này”.

Tôi không hiểu tại sao, nhưng tôi đã đồng ý với cô chủ quán. Ngày hôm sau đó, cho tới tận bây giờ, tôi đã làm việc mỗi ngày trong quán nhỏ ấm cúng ấy. Và chúng tôi cũng đã nên duyên vợ chồng.

Một năm sau ngày tôi làm việc ở quán mì, tôi gặp nhân duyên thứ hai trong cuộc đời mình mà mãi về sau tôi mới biết. Hôm ấy, một bà lão đã xuất hiện trong quán, bộ dạng lôi thôi, gương mặt bị biến dạng nhiều và bà mất một bên mắt. Sau khi ăn mì, bà lão dùng chút sức lực yếu ớt viết ra một lời đề nghị với tôi: bà đang cần một công việc để mưu sinh và bà rất mong có thể giúp tôi đi chợ rau vào mỗi sáng, bà chỉ xin tôi hai bữa mì trưa và tối. Nhìn bà cụ, tôi lại nhớ đến mẹ mình. Nếu mẹ tôi còn sống, giờ có lẽ cũng đã già như bà cụ tội nghiệp này. Vậy là từ đó, sáng nào, tôi cũng có những thứ rau quả tươi ngon nhất để nấu ăn cho cả ngày hôm đó.

Cũng có lẽ một phần vì nguyên liệu được đảm bảo, mà mì của chúng tôi nhanh chóng trở nên nổi tiếng trong khu phố. Tôi rất cảm động trước sự giúp đỡ quá nhiệt tình của bà lão, và luôn mong muốn được trò chuyện với bà, nhưng lần nào bà cũng chỉ mỉm cười, ăn mì xong rồi nhanh chóng rời đi.

Cuộc gặp gỡ muộn màng, nụ cười hoa mai và những mầm hi vọng mới

Một tuần trôi qua, chúng tôi không thấy bà cụ chuyển rau đến vào buổi sớm, cũng không thấy có lời nhắn gửi gì, tôi cùng bàn với vợ:

“Em à, em có thể làm một ít há cảo để anh mang tới cho cụ Tân mua rau giúp nhà mình không? Anh mới dò hỏi được nơi cụ sống. Anh muốn qua xem tình hình cụ có sao không mà cả tuần nay không mang rau tới”.

“Em sẽ chuẩn bị ngay. Mình nên làm điều này sớm hơn anh ạ, vì cụ giúp mình rất nhiều, không có rau của cụ, chắc chúng mình không thể nấu mì ngon đến thế. Em cảm giác cụ rất hết lòng với công việc cụ làm cùng chúng ta”.

Khi chúng tôi tới căn nhà nhỏ của cụ Tân, cụ đang nằm trên giường, cuộn mình trong chiếc chăn rách, hơi thở yếu ớt, mùi hôi thối bốc lên khắp phòng. Tôi vội chạy tới bên giường để xem cụ ra sao thì bất ngờ, đôi mắt tôi chạm vào một tấm ảnh cụ đặt nơi đầu giường: Đó là… bức ảnh mẹ đang bế tôi trên tay. Tôi nhìn cụ như không tin được vào mắt mình. Cụ Tân chính là mẹ tôi.

“Con trai”, lần đầu tiên từ khi gặp gỡ, tôi nghe thấy tiếng nói của cụ, và đó chính là tiếng mẹ tôi.

“Mẹ!” Tiếng gọi ấy tôi những tưởng không còn khi nào được cất lên nữa. “Tại sao lại thế này hả mẹ?”, nước mắt bắt đầu rơi trên má tôi, nóng hổi và đau rát.

Bàn tay run run rất lạnh của mẹ chạm vào khuôn mặt nóng bừng của tôi, mẹ muốn lau những giọt nước mắt ấy. Bà mỉm cười, nói với tôi bằng giọng nói yếu ớt như vọng lại từ một nơi xa xăm.

“Con trai à, mẹ xin lỗi, mẹ không muốn như vậy đâu. Nhưng mẹ không bao giờ muốn thành gánh nặng cho con cả. Mẹ đã trở thành tật nguyền sau tai nạn ở xưởng pháo, mẹ đã nhờ dì Liên nói dối như vậy, để con không tìm mẹ, để con đi thật xa lập nghiệp. Mọi chuyện đã xảy ra như mẹ muốn, nhưng lúc con ra đi, mẹ đã vô cùng đau khổ. Mẹ đi tìm con. Tìm mãi, cho tới tận ngày mẹ vào quán mì của con. Là ông Trời thương, là ông Trời run rủi cho mẹ được gặp lại con, được làm thêm một điều gì đó cho con. Giờ, còn được gặp con, thấy con trưởng thành, thấy bông hoa mai của mẹ nở tươi đẹp như vậy, mẹ mãn nguyện rồi.”

Bà nói tới đó, nở một nụ cười mãn nguyện, rồi thanh thản ra đi trong vòng tay của đứa con trai duy nhất, đứa con trai mà bấy lâu bà không dám nhận. Nụ cười ấy trong trái tim tôi mang sắc trắng tinh khiết của bông mai đang khẽ mỉm cười trong gió sương. Lúc ôm mẹ trong vòng tay mình, tôi thấy không gian xung quanh không còn cái mùi tanh ẩm lúc ban đầu, mà thoang thoảng mùi hương của loài hoa đầy dũng cảm và kiên cường ấy.

Tôi biết mẹ đã ra đi trong yên bình, không chút nuối tiếc. Tôi đau đớn vì không nhận ra mẹ sớm hơn, vì sự dày vò của những câu hỏi tại sao, nhưng lúc ngắm nụ cười của mẹ, tôi thấy những cảm giác ấy cũng cứ thế tiêu tan, như thể mẹ đã mang chúng ra khỏi trái tim tôi. Và chỉ để lại trong đó một nhành mai trắng đang trổ bông, khoe cốt cách thanh cao, trong sáng…

Tham khảo Tinh Hoa
Ly Ly

Xem thêm:

Exit mobile version