Con người càng sống lâu càng hiểu ra nhiều điều, có thể đồng hóa những gì mình muốn với giá trị tạo hóa ban cho. Quá trình trưởng thành là học cách tự chăm sóc trái tim mình, không để lời nói và hành động của người khác chi phối tâm tưởng, vô vi trước mất mát và khổ đau, thản nhiên không sợ vinh nhục.
Đến một độ tuổi nhất định, con người sẽ trở nên bình tĩnh, không dễ dàng nổi cáu hay thiếu kiềm chế. Nếu lúc trước ta được ai đó khen ngợi vài câu liền vui sướng đến mấy ngày, thì hiện tại chỉ mỉm cười lấy đó làm khích lệ. Nếu lúc trước có ai phê bình, ta thấy buồn chán tổn thương thì hiện tại sẽ biết được phải đối diện ra sao và làm thế nào cho tốt. Nếu lúc trước bị người khác chế giễu, ta thường tìm cách để giải thích, thì hiện tại không vì sự hiểu nhầm ấy mà trách móc bản thân.
Trước đây, ta luôn muốn có thật nhiều thứ, đạt được thật nhiều điều mà cố gắng nắm giữ không buông. Nếu không có được thứ mình muốn, ta cũng sẽ không dễ dàng bỏ qua. Cùng với tuổi tác, mỗi người sẽ ngày càng hiểu được cách buông tay.
Dần dần ta mới biết được, rằng có những thứ càng cố giữ thật chặt lại càng nhanh chóng tuột mất. Không phải chỉ thuận theo tự nhiên, muốn sống tốt, con người phải học cách nhìn xa trông rộng. Cuộc sống có bốn mùa, sao có thể mãi mãi đều là mùa xuân. Mỗi mùa có một hương vị riêng và đều là những món quà của thời gian. Học cách đi cùng với thời gian, cùng bao dung, chấp nhận, đơn giản hóa mọi vấn đề, tức là bản thân đã trưởng thành.
Trước đây, ta hướng đến một cuộc sống giàu sang, nhung lụa thì hiện tại sẽ hiểu rằng ý nghĩa của cuộc sống thực sự vượt xa mục tiêu đó. Bất cứ khi nào, trong tâm ta cũng dành một vị trí cho sự yên tĩnh.
Bắt đầu học cách bước đi từ từ, ta sống từ tốn, không nhanh không chậm, có thể dành thời gian uống một tách trà nóng, đọc một cuốn sách. Bắt đầu học cách suy nghĩ, nhận thấy cô độc là trạng thái bình thường của cuộc sống. Nhân sinh không nên ràng buộc, từ đó ta xem xét kĩ bản thân, khiến nội tại trở nên ôn hòa, tâm hồn trở nên giàu có. Giữ cho cái tâm trong sạch, không tự ti cũng đừng kiêu ngạo, sự tươi đẹp của thế giới sẽ đến với cuộc sống của ta.
Trong một xã hội chú trọng bề ngoài, chúng ta thường ngưỡng mộ vẻ lộng lẫy, sang trọng, thành đạt toát ra từ người khác mà canh cánh trong lòng về khiếm khuyết của mình. Nhưng trải qua nhiều năm, ta sẽ nhận ra nhân vô thập toàn, không ai có tất cả mọi thứ. Những người đẹp như “tiên giáng trần” có khi đang ngấm ngầm mắc bệnh ung thư. Nhiều cặp vợ chồng đẹp đôi và thành đạt, nhưng lại không có con. Có người tài năng và diện mạo song toàn, nhưng lại trắc trở về tình duyên. Có người gia thế giàu có, nhưng con cái bất hiếu. Có người tưởng như số mệnh may mắn nhưng đầu óc lại trống rỗng…
Mỗi người đều được tạo hóa ban cho “một lỗ hổng”, ta càng không muốn, nó càng gắn chặt với số phận của mình như hình với bóng. Con người thường cố chống lại sự an bài này, nhưng thời gian sẽ giúp họ mở lòng chấp nhận nó, vì qua “lỗ hổng” người ta nhìn thấy sự khiêm nhường và tình yêu thương. Họ sẽ nhận ra, không có “lỗ hổng” mới chính là khiếm khuyết, là bất bình thường.
Nếu không có khó khăn, chúng ta dễ trở nên kiêu ngạo, không trải qua nhiều cuộc bể dâu, chúng ta sẽ không hiểu được cách an ủi những người bất hạnh. Cuộc sống không bao giờ là hoàn mĩ, ta không cần phải có hết mọi thứ, nếu ta có đầy đủ cả, thì người khác còn được gì? Cũng cần nhận ra rằng, mỗi con người đều có thiếu sót, không nên so sánh thứ mình có với người khác, mà cần học cách thuận theo tự nhiên – trân trọng những gì mình đang có.
Trong xã hội có những quan chức, ngôi sao, cự phú… Nhìn vào họ, nhiều người cảm thấy nghẹt thở vì ghen tị, nhưng mặt trái của những số phận tưởng chừng huy hoàng kia cũng ẩn chứa những nỗi khổ riêng, thậm chí lớn hơn vầng hào quang của họ. Cho nên, không cần phải ghen tị với người khác mà hãy cảm ơn những thứ trời đất ban tặng cho mình. Ta sẽ dần dần phát hiện ra cái mình có nhiều hơn cái mình cần. Hơn nữa, cuộc sống vốn không hoàn hảo, tiếp nhận nó một cách thiện chí, ta sẽ bình tâm và độ lượng hơn rất nhiều.
Nếu là một con trai, ta muốn cả đời khổ luyện để tạo nên một viên ngọc, hay chọn cách sống thoải mái hằng ngày để rồi không có viên ngọc ấy? Nếu là một con chuột bị sập bẫy chỉ vì miếng bánh thơm ngon, lúc đó ta còn muốn ăn bánh hay không? Những ống tiết kiệm thời xưa thường làm bằng gốm, khi đã tích đầy tiền chúng sẽ bị đập ra. Nhưng cũng là cái ống tiết kiệm đó, nếu không dùng để tích tiền, khi tồn tại đủ lâu có thể trở thành đồ cổ quý giá. Vậy ta muốn làm chiếc ống nào?
Ai chẳng muốn chọn sống với người khiến mình cảm thấy vui vẻ, đứng dưới ánh nắng mặt trời để tâm hồn không u ám, tìm đến người bao dung độ lượng để không bị ức chế với sự hẹp hòi, đi với người kiên định để nội tâm ít bị chao đảo, lung lay?
Vì vậy, lối sống đúng là học cách dần dần rời xa những nhân tố và sự việc làm ảnh hưởng đến tâm trạng, để có thể lắng đọng và tích tụ những phẩm chất tốt cho bản thân. Khi tạo dựng một cuộc sống yên bình và dịu dàng, biển người mênh mông sẽ luôn có người dõi theo, khích lệ ta đồng thời luôn có người cần sự giúp đỡ, dựa vào ta. Chỉ có một trái tim lương thiện mới có thể khiến bản thân thanh thản, hạnh phúc.
Đến một độ tuổi nhất định, con người sẽ hiểu được hàm nghĩa thật sự của hạnh phúc. Đôi khi, hạnh phúc chỉ là một tách trà thơm, một món ăn dân dã, một lời hỏi thăm, một ngọn đèn bật sáng khi ta đang trong bóng tối. Học cách đơn giản hóa mọi vấn đề, hiểu được sự quan trọng của việc đồng hành, có hai hay ba người là tri kỉ, có người thân để nương tựa, đó là những điều đáng quý trong đời.
Giá trị lớn nhất của cuộc đời không phải là bạn có bao nhiêu tiền bạc mà là có hạnh phúc hay không. Uy tín không phải là có bao nhiêu kẻ tung hô bạn mà là có nhiều người trung thành, tri kỷ.
Làm người chớ nên ca thán thời gian vô tình, vì năm tháng chưa từng bỏ qua chúng ta mà ta cũng không đánh mất nó. Phải sống chân thật, thiện lương và kiền tịnh thì con người mới toát lên vẻ đẹp thật sự.
Huyền Trang