Cha tôi là một người hiền lành và ít nói. Cha luôn ân cần với mẹ và anh em chúng tôi. Cha khi nào cũng cười dù cho những người xung quanh có lúc nói lời rất khó nghe.
Tôi rất thích nghe cha kể chuyện. Những chuyện trên trời dưới bể, chuyện gì chúng tôi thắc mắc thì cha đều có thể giải đáp hết. Nhưng thú vị nhất vẫn là những câu chuyện về cuộc đời cha.
Cha kể, hồi xưa khi còn học phổ thông, cha rất thích cô bạn cùng lớp, theo đuổi mấy năm trời, mãi đến khi gần ra trường cô mới nhận lời chịu quen. Năm ấy, cha với cô ấy đăng ký thi cùng trường đại học nhưng cô đậu còn cha bị thiếu nửa điểm nên rớt. Cha ở lại quê ôn thi thêm năm nữa, còn cô lên thành phố nhập học nhưng hai người vẫn thư từ qua lại với nhau. Cha thức khuya dậy sớm, học hành chăm chỉ, ngờ đâu… Người tính không bằng trời tính, trước ngày thi một tuần, cha đổ bệnh, sốt cao quá không thể đi thi được.
Chán nản, cha bị tiêu cực một thời gian dài, mấy tháng trời không ra khỏi nhà, cũng chẳng chịu nói chuyện gì với ai. Rồi cha chủ động viết thư chia tay. Cô im lặng không hồi âm. Cha hiểu là cô đã đồng ý. Có lẽ tình yêu của cô không đủ lớn, hoặc là cô đã quá hiểu cha, đến mức không cần nói cũng biết đối phương nghĩ gì.
Nhiều năm sau đó, cha không quen thêm ai. Sau này, cha bị ông bà nội hối quá nên mới cưới mẹ. Nghe mẹ kể lại, hồi ấy ông bà nội đến xin cưới, ông bà ngoại đồng ý nên mẹ gật đầu chứ cũng chẳng biết đến tình yêu là gì.
Tuy là hôn nhân không tình yêu nhưng cha mẹ tôi lại sống rất hạnh phúc. Tôi chưa từng thấy hai người to tiếng cãi nhau bao giờ. Cha luôn là một chỗ dựa vững chắc nhất của mẹ, còn mẹ luôn là người hậu thuẫn, ủng hộ cha vô điều kiện, dù cho có lúc tất cả anh em họ hàng, đến như cả ông bà nội đều không đồng tình với cha.
Tôi nhớ buổi tối hôm đó, khi cả nhà tôi đang cùng nhau xem bộ phim truyền hình yêu thích thì chuông điện thoại reo. Mẹ nhấc máy. Bà chăm chú lắng nghe đầu dây bên kia, gương mặt thoáng đăm chiêu rồi nói “ừ, cảm ơn em…”. Sau đó, mẹ đặt máy xuống. Tôi thấy mẹ làm một việc rất lạ – rút “giắc” cắm điện thoại. Rồi mẹ lại cùng cả nhà xem phim, như chưa có chuyện gì xảy ra. Thì ra đêm ấy chợ bị cháy. Bạn hàng hốt hoảng gọi điện thông báo cho mẹ biết là lửa đã cháy đến sạp vải nhà chúng tôi. Mẹ rút dây điện thoại ra vì không muốn cha biết tin, cuống lên rồi lao đến đó, nhỡ có làm sao…
Cả cơ nghiệp lao đao, nhưng trong giây phút đó, mẹ chỉ nghĩ đến cha. Tháng ngày sau đó là những năm vay mượn, cha mẹ đầu tắt mặt tối trả nợ và gây dựng lại từ đầu. Tuy là rất khó khăn, cuộc sống vô cùng thanh đạm, nhưng nhìn cách cha mẹ lặng lẽ chăm sóc cho nhau, tôi vẫn cảm thấy ấm áp vô cùng.
Có lần, tôi hỏi cha thương cô bạn gái cũ hơn hay thương mẹ hơn. Cha chỉ cười nhẹ rồi trả lời:
Mối tình đầu, dù ít dù nhiều đều để lại cho người ta dư vị nào đó. Con có thể từng dốc lòng theo đuổi một cô gái, từng nghĩ sẽ vì cô ấy mà làm tất cả. Nhưng bên nhau được hay không đều là duyên số. Cố chấp vào tình yêu thì chỉ chuốc lấy đau khổ mà thôi. Sau này, con sẽ hiểu, người nắm tay ta đi qua những năm rộng tháng dài mới là người mà ta cần trân quý nhất. Mẹ con đã giúp cha vượt qua những chông chênh, bồng bột thời trẻ; kiên nhẫn chờ đợi cha trở thành một người đàn ông bao dung và trách nhiệm. Và, mẹ con đã mang đến cuộc đời cha những điều quý giá nhất, trong đó có các con.
Khi nghe xong những lời này, tôi bỗng nhận ra một điều, cái mà người ta gọi là “tình yêu vĩnh cửu”, kỳ thực cũng không phải điều gì quá xa vời. Đó chính là những năm tháng hai người bên nhau, dần dần thấu hiểu, rồi trở thành thói quen trong cuộc sống của người kia. Yêu đương lãng mạn, thề non hẹn biển, nguyện cùng nhau đi đến trăm năm đầu bạc răng long không rời… cũng chẳng thể bằng có được một người bạn đời hiểu mình. Khi hai người thực sự có thể sống vì nhau, thì trong mọi hoàn cảnh, điều đầu tiên họ nghĩ chính là vì đối phương.
Nhìn cách cha mẹ bên nhau, tôi nhận ra rằng, hạnh phúc hôn nhân không quan trọng là tình yêu đó như thế nào, mà quan trọng là hai người có thể thấu hiểu, nhẫn nại và bao dung. Người thực sự yêu thương bạn, chính là người có thể luôn vì bạn mà nhẫn nại, bao dung, bất kể có chuyện gì xảy ra.
Trầm ngâm một lúc, cha nhìn sang mẹ đang chải tóc cho em gái tôi, cười mãn nguyện rồi ôn tồn nói:
Thế giới này rất nhiều người, nhưng chỉ có một người chịu về nhà cùng con.
Trần Phong