Đại Kỷ Nguyên

Đĩa xôi đỗ xanh sớm tinh sương và tình thương dành cho ‘sĩ tử của mẹ’

Sáng này, trong tiết trời mát mẻ, có rất nhiều căn bếp đã đỏ lửa từ rất sớm. Những bà mẹ trằn trọc cả đêm, canh cho trời sáng để trở dậy bắc bếp nấu xôi đỗ xanh cho các “sĩ tử vượt vũ môn”. Trong đĩa xôi “đỗ” ban sáng ấy ẩn chứa nhiều điều mà cha mẹ không thể nói thành lời. 

Các sĩ tử đã hoàn thành ngày thi đầu tiên của mình. Những lo lắng, hồi hộp đã bắt đầu nhẹ dần trên đôi vai của các em, và trong nỗi lòng của cha mẹ.

Như đã thành thông lệ, ở các gia đình Việt Nam, mỗi gia đình khi có sĩ tử sắp đến ngày thi lại có một không khí trộn rộn khác thường. Tuy con cái mới là người đi thi, nhưng trong rất nhiều gia đình, cha mẹ mới là những người trải qua nhiều đêm không ngủ vì lo lắng. Để rồi, sáng ngày quan trọng nhất, các mẹ sẽ trở dậy thật sớm, lụi cụi nấu một đĩa xôi đỗ xanh nóng hổi để dâng lên bàn thờ ông bà tổ tiên. Khi nghe đến truyền thống này, nhiều người trẻ chỉ cười, coi đó là mê tín. Nhưng thực sự, ẩn chứa trong đĩa xôi nhỏ ấy là rất nhiều những thông điệp của yêu thương và tin tưởng. 

Đã thành truyền thống, gia đình nào cũng thổi xôi đỗ vào ngày đầu một sĩ tử đi thi (Ảnh minh họa: ceteduvn)

Sáng nay, khi trời còn chưa tảng, mẹ tôi đã lên tận phòng đánh thức rồi cẩn thận dặn dò. Con chuẩn bị dậy rồi mang xôi sang nhà để chú thắp hương nhé. Tí nữa em con chỉ cần “vái chào ông bà” để lên đường thôi. Hôm nay là ngày cô em họ tôi chuẩn bị thi tốt nghiệp và giờ đã sát nhập vào luôn kỳ thi đại học.  Để có đĩa xôi sáng nay, tôi biết mẹ đã chuẩn bị rất chu đáo từ hai ngày hôm trước. Vốn đã quen việc thi cử của tôi, nên đến lượt em, mẹ tôi cũng làm đúng những “thủ tục” ấy. 

Ngày xưa, với cái tâm trạng lo âu đến chẳng còn thiết gì, tôi không mấy để tâm đến những điều người lớn làm. Nhưng giờ, đứng ngoài nhìn ngắm mọi thứ, tôi chợt nhận ra rất nhiều điều. 

Khi tôi xuống đóng cổng cho mẹ đi chợ, nhìn thấy khuôn mặt có vẻ như muốn hỏi “Tại sao mẹ phải nấu xôi vào sáng sớm như thế này?”, mẹ nhẹ nhàng giải thích cho tôi:

“Đây là việc mẹ nghĩ mẹ con mình nên làm cho em. Nó giống như một sự chuẩn bị tinh thần, một sự quan tâm dành cho cô bé”. Là sự quan tâm hay là tạo áp lực? Tôi đang mông lung thì mẹ tiếp lời. 

“Con bé là đứa tự lập, em có thể tự đi học thêm, tự chọn trường học. Nhưng những lúc thi cử căng thẳng này, em con vẫn rất cần một sự cổ vũ, động viên. Em sẽ thấy rằng cả nhà đều quan tâm đến em, đều đang muốn ủng hộ tinh thần và đồng hành cùng em”. 

Các em luôn rất cần những sự động viên chân thành để thêm vững tinh thần (Ảnh minh họa: Zing)

“Nhưng mẹ có thấy người lớn chúng ta đang tạo áp lực cho con bé bằng việc này không?”, tôi bày tỏ nỗi băn khoăn của minh. 

“Không con gái ạ, sự áp lực đến từ cái tâm của những người bên cạnh em, như mẹ con mình chẳng hạn. Sự ủng hộ không bao giờ làm nên áp lực. Cùng là một hành động đồ xôi đỗ xanh, nếu con làm với thái độ mong cầu em con phải đỗ, sẽ rất khác với hành động ấy khi trong tâm con muốn em mình thấy được sự quan trọng và ý nghĩa thực sự của kỳ thi này”.

“Mẹ muốn nói cách thức con đối xử với em, ngôn từ con dùng với em sẽ khiến con bé hiểu được điều con mong muốn dành cho nó?”

“Đó là một phần quan trọng con gái ạ, nhưng điều đầu tiên con nhất thiết phải làm nhìn vào tâm của mình khi đối đãi với ai đó. Tâm thái con đặt ở đâu sẽ quyết định động lực, cách thức con hành động. Con chỉ chăm chăm suy nghĩ đến việc em phải đỗ, nếu không đỗ thì sẽ phí hoài cả 12 năm học, sẽ không có tương lai. Khi ấy, những lời con nói ra dù không mang những thông tin ấy, những nó vô tình hàm chứa bên trong những lo lắng của con. Em con sẽ dễ dàng cảm nhận được, bởi lúc đó, bên trong em đã sẵn có những nỗi lo rồi. 

Nhưng nếu con nghĩ cho em, con muốn em có một tinh thần thật vững vàng để đối mặt với kỳ thi, con chỉ mong muốn con bé làm hết sức của mình thì những điều con nói, những việc con làm sẽ không mang những gấp gáp, hồi hộp ấy. Ngược lại, trong hành động và lời nói của con sẽ chứa đầy sự động viên, khích lệ và tiếp sức. Một ánh mắt, một câu chúc của con có lẽ sẽ khiến em có thêm dũng cảm để thực hiện bài thi của mình”. 

Những lời ấy vẫn cứ văng vẳng bên tai tôi khi chiếc xe đạp nhỏ của mẹ dần khuất sau khúc rẽ. Mẹ tôi đi chợ để lát nấu cơm trưa cho sĩ tử của gia đình năm nay. Mẹ đã nghỉ bán hàng ba ngày chỉ để chăm cho em có được những bữa ăn đủ chất sau mỗi giờ thi. Me tôi luôn quan niệm được ăn một bữa ngon lành sẽ khiến người ta hồi phục phần nào đó sau một ngày dài căng thẳng. Hành động của bà luôn nhất quán với quan niệm này. 

Mẹ tôi luôn quan niệm bữa cơm đầy đủ, ngon lành sẽ giúp xua đi rất nhiều mệt mỏi (Ảnh minh họa: Món ngon)

Bất giác tôi mỉm cười khi nghĩ đến mẹ, đến em. Tôi thấy sống mũi mình cay cay. Hóa ra ngày xưa mẹ đã thương tôi như thế, đã luôn nghĩ và luôn làm những điều tốt nhất cho tôi. Và cả bây giờ nữa, bà đang nhân tình yêu ấy lên và chia sẻ nó cho em tôi, cho những ai có may mắn ở trong vòng che chở và yêu thương của bà. 

Hơn thế nữa, chỉ với một hành động nhỏ thôi, nhưng nhất quán với những điều bà nghĩ, những gì bà chia sẻ, mẹ đã trả lời cho câu hỏi lớn vốn cứ trở đi trở lại trong tôi bấy lâu: “Nghĩ cho người khác là gì? Làm thế nào để quan tâm đến ai đó?”. 

Quan tâm đến ai đó thực sự là gì (Ảnh minh họa: Pinterest)

Những câu hỏi ấy đối với tâm hồn khô cứng của tôi đã từng là những câu hỏi khó nhất. Nhưng giờ, tôi thấy nó đã trở nên sáng rõ hơn. Quan tâm đến một người, suy nghĩ cho người đó là điều mà mỗi người đều có thể làm. Chỉ cần có tấm lòng, có mong muốn ấy, đôi mắt ta sẽ chạm đến những chi tiết nhỏ, đôi tai ta sẽ nghe thấy những nhu cầu của người kia ẩn trong những cuộc chuyện trò. Để rồi, trái tim yêu thương sẽ cho chúng ta những chỉ dẫn: Bạn cần làm điều này để giúp người kia được hạnh phúc. 

Hóa ra bí quyết của mẹ tôi lại chính là hãy để trái tim yêu thương và tấm lòng chân thành dẫn lối.

Hải Lam

Exit mobile version