Đại Kỷ Nguyên

Dạy con: Sức mạnh của “không lời”

Ảnh do tác giả cung cấp.

Buổi tối, tôi cùng con trai 5 tuổi xem phim hoạt hình “Trotro” – đây là series hoạt hình nổi tiếng của Pháp xoay quanh cuộc sống của chú lừa nhỏ tên là Trotro. Tập phim rất ngắn, câu chuyện cũng rất đơn giản, nhưng để lại trong tôi chiêm nghiệm sâu sắc. 

Chú lừa con Trotro đi biển cùng mẹ. Chú xách xô chơi trên bãi biển, nhặt được mấy con nghêu sò cua ốc. Một lát sau, chiếc xô đã quá đầy. Chợt nhìn thấy chiếc thùng giữ lạnh để đựng đồ uống mà mẹ mang theo, chú lừa con bèn quăng hết các hộp đồ uống ra ngoài, và đổ đầy thùng bằng nước biển cùng các con vật mà chú vừa lượm được. Chú thích thú vì đã tìm thấy một “ngôi nhà to” cho các bạn sinh vật biển. Mẹ chú lừa đi tắm về, nằm trên ghế, tay mở chiếc thùng định lấy nước giải khát. Nhưng ôi, một con cua đã quặp lấy ngón tay của bà! Chú lừa con cười thích thú, giải thích với mẹ rằng không phải nước quắp mẹ đâu, mà là cua đấy. Mẹ ôm lấy chú cười vui vẻ. (Video: “Trotro et son seau” – Trotro và cái xô của mình)

Xem hết tập phim, tôi chợt lặng người trong giây lát. Nếu bản thân rơi vào tình huống như người mẹ kia, tôi sẽ phản ứng thế nào nhỉ? Với quan niệm của tôi bây giờ, có lẽ tôi sẽ “giáo huấn” con một tràng, rằng không nên làm thế này, rằng con phải xin phép mẹ trước khi làm, rằng đồ uống quăng ra ngoài sẽ bị nóng và tay mẹ thì bị đau, con phải suy nghĩ đến hậu quả chứ, vân vân và vân vân. Tất cả những điều tôi sẽ nói ra đều là “đạo lý”, nhưng tại sao tôi lại cảm thấy chúng thật vô vị so với tiếng cười vui vẻ của mẹ chú lừa con?

Có lẽ bởi vì những “đạo lý” tôi nói ra đều xuất phát từ cảm thụ và lợi ích của bản thân (tôi đang khát, lại còn bị đau), mà không hề thiện ý lý giải con trai từ bản tính trẻ thơ tinh nghịch và lương thiện (muốn tìm nhà cho các bạn). 

Vậy nên, những điều tôi “dạy” con rất nhiều khi không khởi được tác dụng giáo dục; con không muốn tiếp thu, hoặc miễn cưỡng tiếp thu, và lần sau tôi sẽ thấy con tiếp tục hành vi “ích kỷ, không biết nghĩ cho người khác” như thế. Tôi sẽ chán nản vì con bướng bỉnh không nghe lời, mà không biết rằng điều tôi nhìn thấy ở con thực ra là phản ánh của cái tâm ích kỷ của chính tôi.

Còn người mẹ trong tập phim ấy, tuy không hề giáo huấn con một câu nào nhưng cô ấy đã làm mẫu cho con một bài học tuyệt vời về lòng khoan dung, độ lượng.

Gần như cùng thời điểm xem tập phim “Trotro” ấy, tôi cũng đọc được một bài viết trên mạng Chánh Kiến, có tiêu đề: “Bàn về khiêm tốn”. Bài viết trích dẫn câu nói của Lão Tử: “Cho nên, thánh nhân xử sự theo thái độ “vô vi” dùng thuật “không nói” mà dạy dỗ, để cho vạn vật tự nhiên sinh trưởng mà không can thiệp vào, khéo nuôi dưỡng vạn vật mà không chiếm làm của mình, làm được việc mà không tự phụ, việc thành công mà không để tâm tới thành công. Vì không để tâm tới nên công trạng của họ còn mãi mãi.”

Tôi không hiểu hết nội hàm của câu nói ấy, nhưng có một điểm lĩnh hội được, đó là muốn có thể “không nói” mà vẫn khéo dạy con, bản thân tôi cần trước hết tu tốt cái tâm của mình, trừ bỏ tính ích kỷ, kiêu ngạo và trở nên khiêm tốn, vị tha. Khi mọi ý nghĩ và hành động của tôi đều phù hợp với “Đạo”, thì tôi mới có thể là tấm gương tốt cho con, mới có thể thực sự giáo dục con được tốt.

Thuỳ Linh
(CTV gửi bài từ Cộng hoà Pháp)

Exit mobile version