Đại Kỷ Nguyên

Đau lòng bé sơ sinh bị bỏ rơi trọng bụi rậm, trên người chi chít gai nhọn chỉ vì em là… con gái

Đau lòng bé sơ sinh bị bỏ rơi trọng bụi rậm, trên người chi chít gai nhọn chỉ vì em là… con gái

Người ta vẫn nói, trên đời này không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu thương mà cha mẹ dành cho con cái. Thế nhưng, đâu đó vẫn tồn tại những câu chuyện ông bố, bà mẹ nhẫn tâm bỏ đứa con của mình vì những ích kỷ cá nhân và định kiến xã hội.

Đó là một câu chuyện thương tâm xảy ra ở thành phố Una, bang Gujurat, Ấn Độ: Một bé gái bị cha mẹ bỏ rơi trong một bụi rậm đầy gai ngay sau khi vừa sinh ra. Một người qua đường đã nghe được tiếng khóc của trẻ sơ sinh và phát hiện ra một bé gái đang nằm co ro trong đó.

Khi được tìm thấy, cơ thể cô bé bị trầy xước khắp người, những chiếc gai nhọn đâm vào làn da mỏng manh khiến em bị chảy máu khá nhiều chỗ.

Ngay sau đó, người qua đường đã gọi điện cho xe cứu thương và đưa cô bé đáng thương vào bệnh viện. Các bác sĩ cho biết, thật may vì cô bé đã được phát hiện kịp thời, nếu không có thể em sẽ bị tử vong.

Tại bệnh viện, các bác sĩ đã cẩn thận gắp những chiếc gai nhọn bị cắm sâu vào người cô bé trước khi tắm táp và cho bé ăn uống đầy đủ. May mắn là sau một thời gian ngắn được điều trị, tình hình sức khỏe của em đã ổn định.

Theo như thông tin từ cảnh sát, đây là một trong số rất nhiều trường hợp các bé gái bị bỏ rơi bởi chính cha mẹ của chúng ngay sau khi được sinh ra. Đây là hệ quả của tư tưởng trọng nam khinh nữ và phân biệt giới tính đã hình thành lâu đời ở đất nước này.

Theo Quỹ trẻ em của Liên hợp quốc, ước tính có tới 50 triệu bé gái và phụ nữ đã mất tích tại Ấn Độ. Một số bé gái đã chết trước khi ra đời bởi vì các bà mẹ ở nước này sử dụng biện pháp phá thai nếu biết thai nhi là gái. Một số khác bị bỏ rơi ngay sau khi được sinh ra.

Tại nhiều khu vực nghèo khó của Ấn Độ, các bé gái bị xem là gánh nặng kinh tế cho gia đình. Đặc biệt, khi kết hôn, cha mẹ thường phải chuẩn bị khoản tiền hồi môn không nhỏ để cho con gái mang về nhà chồng. Trong khi đó, con trai được coi trọng hơn bởi chúng sẽ có thể chăm lo cho cha mẹ về già.

Có một quan niệm ích kỷ đã được hình thành từ lâu ở Ấn Độ, đặc biệt là những vùng dân trí thấp, đó là “nuôi một đứa con gái giống như tưới nước cho cây nhà hàng xóm”. Những định kiến của xã hội đó thực sự đã khiến con người trở nên chai sạn cảm xúc và sống vô cảm một cách đáng sợ, đến mức, những người làm cha, làm mẹ nhẫn tâm vứt bỏ đứa con đỏ hỏn dứt ruột đẻ ra.

Cho dù có khiếm khuyết nào chăng nữa thì bất kỳ một sinh mệnh nào đến với thế gian đều đáng được trân trọng và nâng niu. Thế nhưng, đối với nhiều người, họ đã không còn giá trị đạo đức cơ bản để hiểu được những điều đó. Họ hành động một cách ích kỷ nhất, xấu xa nhất, sống như một cỗ máy vô hồn, không tình thương, không cảm xúc. Bởi vì khi không còn tin vào quy luật nhân quả – báo ứng, vốn là quy luật bất biến của vũ trụ, thì không điều ác nào mà con người không dám làm.

(Nguồn ảnh: Daily Mail)

Video xem thêm: Lá thư của một vong nhi: ‘Mẹ ơi, sao mẹ vẫn chưa đón con về’

Exit mobile version