Đại Kỷ Nguyên

Cuộc sống của gia đình 4 thế hệ giữa hàng ngàn ngôi mộ

Hai ngôi nhà của mẹ con bà Hương Bùi Xuân Hương, 80 tuổi nằm giữa nghĩa trang Kiến An – Ngọc Lữ (quận 2, Tp.HCM), xung quanh là 1200 phần mộ nằm san sát nhau với cây cối um tùm. 

Chia sẻ với PV Vietnamnet, bà Hương cho biết nghĩa trang Kiến An – Ngọc Nữ (phường Bình Trưng Đông) là do một nhóm người hùn tiền mua từ cuối những năm 60 để đưa người thân đến chôn cất.  

Vợ chồng bà Hương được các thành viên trong hội tin tưởng, cho xây nhà ở trên đất của nghĩa trang để trông coi các phần mộ. Bà đã sống ở nơi này từ năm 1969.

Ảnh: VnExpress.

Hơn 50 năm qua, bà cùng gia đình chăm sóc các phần mộ trong nghĩa trang miễn phí. Bà lau chùi, quét sơn, phát cây dại, không cho người ngoài vào quậy phá. Khi người thân của người đã khuất đến, bà sẽ tiếp đón, dẫn họ đi thăm. Các ngày lễ, tết, ngày giỗ của người dưới mộ, nếu không có thân nhân đến, bà sẽ mua bánh trái thắp hương cho họ.

Thỉnh thoảng, người thân những ngôi mộ đến viếng gửi bà ít tiền, bà nói “họ muốn cho bao nhiêu thì cho, chứ tui không đòi hỏi”. 

Ngoài cổng nghĩa trang, cháu dâu bà Hương dựng bàn ghế bán nước uống, đồ ăn vặt (ảnh: Báo Mới).

Báo Mới đưa tin, trước đây nghĩa địa này không có tường bao quanh, việc chăm sóc dọn dẹp cũng khó khăn bởi các con nghiện thường vào đây hút chích, cũng có kẻ hành nghề trộm cắp, cướp giật vào trải chiếu, đắp chăn nằm ngủ.

Lúc ấy cả nhà bà chỉ biết dặn dò nhau, nếu vô tình gặp mấy người hút chích thì nên đi vào nhà đóng cửa lại hoặc vờ như không biết. Khi họ đi rồi, bà lại ra thu dọn kim tiêm, rác thải, lau chùi mộ rồi thắp hương xin lỗi người đã khuất.

“Mấy người nghiện, tính khí họ thất thường lắm, mình không nên làm khó họ”, bà Hương nói.

Căn nhà giữa nghĩa trang của bà Hương và gia đình (ảnh: Báo Mới).

Hồi ấy, để không giẫm phải kim tiêm, hoặc bị kim tiêm đâm vào tay khi đi lau mộ, bà Hương ngày ngày đều phải đi ủng, mang bao tay đi nhặt kim tiêm rồi cho vào bịch để tiêu hủy. 

Cũng có nhiều người tưởng nghĩa trang là nơi không có người ở nên con gì chết cũng quăng vào đây. Mấy hôm sau bốc mùi bà lại phải đi dọn dẹp. 

Mấy năm nay, bà cho xây bức tường bao quanh nghĩa trang nên việc trông coi cũng phần nào bớt vất vả. Ban ngày, bà mở cổng để thân nhân người đã khuất đi thăm mộ. Ban đêm, bà khóa cổng lại cẩn thận.

Bà Hương ngồi kể chuyện với phóng viên (ảnh: Vietnamnet).

Bà Hương có bốn người con. Ba người làm giáo viên, sau khi lập gia đình đã ra ngoài mua nhà ở. Chỉ còn anh Đặng Hùng Anh (56 tuổi) là con cả, sau khi lấy vợ, sinh con, thì xây nhà sát nhà mẹ ở.

Hiện gia đình bà Hương có 8 người, gồm bà (chồng bà đã qua đời), vợ chồng con trai, vợ chồng cháu trai và ba cháu nội sống trong hai căn nhà cấp bốn giữa nghĩa trang. Ngoài mưu sinh bằng các nghề buôn bán, phục vụ quán ăn, thợ hồ… cả 8 người họ thay phiên nhau trông giữ nghĩa trang.

Chị Nguyễn Thị Thanh Vân, con dâu bà Hương chia sẻ: “Ngày mới về nhà mẹ làm dâu, tôi khá sợ, ban đêm không dám ra ngoài. Còn bây giờ, giữa 12 giờ đêm, ra ngoài một mình, tôi thấy bình thường”.

Chị Thanh Vân – con dâu bà Hương (ảnh: Báo Mới).

Nhiều người biết bà làm nghề trông mộ nên đã hỏi: “Bà không sợ ma à?”. Lúc ấy bà chỉ cười đáp: “Tôi chỉ sợ người thôi. Người mất, chỉ cần mình thành tâm, không quậy phá, chăm sóc ‘chỗ ở’ của họ sạch sẽ thì không sao hết”. 

Bà Hương cho biết, sắp tới, chính quyền địa phương có thông báo nghĩa trang Kiến An – Ngọc Lữ sẽ phải giải tỏa, hai căn nhà của mẹ con bà cũng phải đập bỏ.

“Vừa rồi, bên địa chính phường họ đến đo đất. Họ nói, khi nghĩa trang này giải tỏa, mẹ con tôi sẽ được đền bù. Đến khi nào chính quyền có kế hoạch di dời thì tính. Còn bây giờ, mẹ con tôi vẫn phải làm hết trách nhiệm với những người đã khuất đang nằm trong đây”, cụ bà chia sẻ.

Video xem thêm: Phóng sự điều tra của BBC về vấn nạn mổ cướp tạng ở Trung Quốc

Exit mobile version