Trên thế giới, cứ 40 giây lại có một người tự tử. Thực tế là, chúng ta có nhiều người chết vì tự tử hơn là do chiến tranh.
Đây là tin tức mới nhất từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) được thông báo hôm thứ Hai (ngày 9/9). Theo thống kê của WHO, treo cổ, đầu độc và dùng súng là những phương pháp phổ biến nhất mà nhiều người sử dụng để tự tử. Thông cáo viết: “Tự tử là một vấn đề sức khỏe cộng đồng toàn cầu. Mọi lứa tuổi, mọi giới tính và các khu vực trên thế giới đều bị ảnh hưởng”.
Tự tử là nguyên nhân lớn thứ 2 gây tử vong ở giới trẻ trong độ tuổi từ 15 đến 29. Trên thế giới, mỗi năm có khoảng 800.000 người chết vì tự tử – nhiều hơn số nạn nhân chết vì sốt rét hay ung thư vú hoặc chiến tranh.
Cũng theo báo cáo, tại các quốc gia giàu có, số vụ tự tử của nữ giới gần gấp 3 lần nam giới. Trong khi tại các quốc gia có thu nhập thấp, tỷ lệ này gần ngang nhau.
Nguyên nhân
Khi nghiên cứu về các tác nhân có nguy cơ cao dẫn đến hành vi tự tử, các nhà tâm lý học đã nhận ra nhiều căn nguyên như sau.
Nhân tố quan trọng nhất và dẫn đến nguy cơ tự tử cao nhất là các chứng bệnh về tâm lý, những rối loạn tinh thần, chẳng hạn: tâm thần phân liệt, trầm cảm nặng, chứng rối loạn lưỡng cực (lúc thì vui đến phát cuồng, lúc thì buồn đến mức suy sụp tinh thần) hoặc sang chấn tâm lý mạnh.
Tiếp theo là những nguyên nhân do các chứng bệnh về sinh lý, như bị mắc phải các chứng bệnh nan y, bị khuyết tật hoặc bị mất khả năng vận động do tai nạn đột ngột gây ra… Não bộ bị thương tổn, hoạt động kém hiệu quả ở một vài chức năng nào đó cũng dễ dẫn đến việc tự tử. Những thương tổn sinh lý này gây ra thiểu năng trong quá trình nhận thức và ảnh hưởng đến các hoạt động sống, các quan hệ xã hội của người bệnh. Chúng tác động ngược trở lại tới xúc cảm, tình cảm, tâm trạng… của người bệnh, khiến nguy cơ tự tử của người bệnh tăng cao.
Và cuối cùng là những tác nhân thuộc về môi trường xã hội. Các nghiên cứu và thống kê cho thấy, có những trường hợp tự tử xảy ra do những tác nhân, sự kiện bên ngoài, chẳng hạn như bị người yêu chối bỏ, bị thầy cô giáo phạt, bị bạn bè trêu chọc, bị quấy rối, bị lạm dụng tình dục, bị cưỡng hiếp, bị cha mẹ trách mắng, bị mất cha hay mẹ, cha mẹ ly hôn, bị mất việc, bị sạt nghiệp, bị vỡ nợ, bị phản bội… Đôi khi, nhiều thanh thiếu niên tự tử vì một nguyên nhân rất lạ đời, như thần tượng của họ chết hoặc tự tử, dẫn đến việc họ quyết định chết theo.
Giải pháp
Theo ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng giám đốc của WHO nói: “Các vụ tự tử có thể ngăn cản được”.
Hiện có nhiều bằng chứng quốc tế cho thấy các quy định cấm sử dụng thuốc trừ sâu có mức độ nguy hiểm cao có thể giúp giảm tỷ lệ tự tử ở các quốc gia. Điển hình là Sri Lanka, quốc gia ban hành một loạt lệnh cấm dẫn đến giảm 70% số vụ tự tử và ước tính 93.000 người được cứu sống trong giai đoạn 1995-2015. Tại Hàn Quốc, nơi mà thuốc diệt cỏ được sử dụng nhiều nhất trong các vụ tự sát trong thập niên đầu tiên của thế kỷ 21, lệnh cấm thuốc diệt cỏ vào năm 2011-2012 đã giúp giảm 50% số ca tử vong.
Tuy nhiên, trên đây mới chỉ là biện pháp cứng thay đổi từ bên ngoài. Đa phần các trường hợp tự tử đều do vấn đề tâm lý tiêu cực, tuyệt vọng của nạn nhân trong môi trường sống hiện đại. Vậy nên, để giải quyết vấn đề này cần đi từ gốc, chính là thay đổi lối tư duy, nhân sinh quan của mỗi người.
Vậy làm sao chúng ta có thể thay đổi?
Thực hành lối sống vừa đủ: Cuộc đời có quá nhiều thứ khiến ta truy cầu; khi cố gắng tranh đấu cả đời mà không được, người ta dễ tuyệt vọng và chán nản. Vậy nên, rèn luyện tư duy vừa đủ giúp người ta không ham muốn quá nhiều mà lại biết cách hưởng thụ cuộc sống hiện tại.
Thực hành thiền định: Từ xa xưa, thiền định đã giúp con người có được sự cân bằng tâm lý và nhận thức đúng đắn, đủ tỉnh táo và nhanh nhạy để giải quyết những vướng mắc trong cuộc sống. Thiền định còn là một liệu pháp thư giãn rất hiệu quả, giúp giải tỏa căng thẳng, không để những cảm xúc tiêu cực tích tụ trong thân tâm gây ra những hệ lụy đáng tiếc.
Hành thiện tích đức và sống chân thành: Khi chúng ta chân thành và luôn đối xử tốt với người khác, cuộc đời sẽ trở nên an yên và đầy ý nghĩa. Cũng nhờ vậy, đau khổ tuyệt vọng tự khắc sẽ rời xa.
Bạn đang đọc bài viết: “Cứ 40 giây lại có một người tự tử, nhiều hơn số người chết do chiến tranh” tại chuyên mục Đời Sống của Đại Kỷ Nguyên. Để cập nhật thêm nhiều bài viết hay, quý độc giả vui lòng truy cập Fanpage chính thức của chúng tôi: facebook.com/DaiKyNguyenVanhoa/. Mọi ý kiến phản hồi và tin bài cộng tác xin gửi về hòm thư: dkn.doisong.giaoduc@gmail.com. Xin chân thành cảm ơn! |