Đại Kỷ Nguyên

Con trai bỏ đi theo tình nhân, cách mẹ chồng đối xử với nàng dâu khiến ai cũng ước ao

Nhắc đến mối quan hệ mẹ chồng – nàng dâu, nhiều chị em phụ nữ sẽ thấy nảy sinh trong lòng mình những cảm xúc buồn. Nhưng không phải câu chuyện mẹ chồng – nàng dâu nào cũng đầy những nước mắt của giận hờn, tủi thân, chịu đựng như người ta vẫn tưởng. Cuộc sống của hai mẹ con được kể trong chương trình truyền hình dưới đây là một câu chuyện như thế. 

Chuyện trò, chia sẻ là cách tốt nhất mà con người có thể hiểu được những suy nghĩ, cách nhìn cuộc sống của nhau. Và chỉ cần lắng nghe sâu hơn một chút, chăm chú hơn một chút, người ta còn có thể chạm tới, hiểu thấu nỗi đau của người đối diện. Để rồi cùng buồn, cùng vui với họ. Nhưng trên hết khi thấu hiểu người khác, trong trái tim ta sẽ sản sinh ra một thứ tình cảm thiêng liêng, nó thường được biết đến với cái tên “sự đồng cảm”.

Sự đồng cảm nảy nở từ sự nhìn thấu và mong muốn sẻ chia ấy cũng là sợi chỉ đỏ xuyên suốt mối quan hệ của hai người phụ nữ trong đoạn video ngắn, cắt ra từ một chương trình truyền hình này.

Trước sự lắng nghe chăm chú của khán giả, nhờ những câu hỏi chân tình của những người dẫn chương trình, hai người phụ nữ đã có dịp kể lại câu chuyện của mình, cũng như trải ra được những cảm xúc mà ít khi nào trong cuộc sống họ dám thổ lộ với người kia. Trong đoạn video, là cô Kim Chi (62 tuổi) và con dâu Ngọc Mai. Chị Mai đã là con dâu của cô Chi đã 18 năm rồi.

Cô Chi và chị Mai. (Ảnh dẫn qua: Afamily)

Cô Chi vốn là diễn viên, nên có lẽ đã quen với việc tiếp xúc và chia sẻ với người khác. Cô kể lại câu chuyện của gia đình mình một cách thật tự nhiên.

Những ngày đầu khi chị Mai về làm dâu, cô Chi không thực sự ưng ý, vì chị làm nghề bán cà phê, cái nghề mà theo cô Chi là không mấy đứng đắn. Vậy nên cô quyết định thử tài bếp núc của con dâu. Nhưng chị thành thật chia sẻ rằng mình không giỏi nấu ăn.

Cái vụng về của người con gái trẻ cũng làm mẹ chồng phật lòng đôi chút, nhưng cô Chi đã lại quý mến ngay sự thật thà, thành thực, biết lắng nghe của con dâu. Người ta sống với nhau, quý giá nhất vẫn là ở chữ “Chân”, chân thật và chân tình. Vì con dâu đã đối xử với bà bằng lòng chân thật, nên bà chọn chân tình để chỉ bảo cho con. Không biết có thể học, học rồi thực hành nhiều sẽ thành giỏi, thành hay. “Trăm hay không bằng tay quen”, các cụ ta ngày xưa vốn vẫn luôn căn dặn như thế.

Chữ “Chân” ấy quý giá lắm, bởi nằm trong ấy còn có cả thiện tâm, cả lòng nhẫn nại. Không ôm trong lòng những lời chê trách, những định kiến về con dâu, cô Chi đã chỉ bảo tận tình để mong con dâu ngày một tốt lên. Đó chính là thiện tâm của một người mẹ. Và sự nhẫn nại chỉ dạy, khoảng thời gian bà để con dâu cô gắng đã đem lại kết quả thật tốt đẹp.

“Giờ em nó nấu ăn còn ngon hơn cả cô rồi”, mẹ chồng vui vẻ chia sẻ. Cả trường quay ồ lên vui mừng với kết quả ấy. Dường như ai cũng muốn có được cơ hội để rèn luyện, để làm mình trở nên tốt hơn vì hạnh phúc của người khác. Chị Mai lắng nghe mẹ chồng kể chuyện, ánh mắt chị giúp mọi người hiểu, trong cuộc sống chị coi trọng sự bảo ban của mẹ chồng và kiên nhẫn sửa mình như thế nào. Phải chăng đây là lý do khi có biến cố đến, mẹ chồng đã ở bên chị, đứng về phía chị.

Lần ấy, khi phát hiện trong ví của chồng có chứng minh thư của một cô gái lạ, chị Mai không biết làm thế nào, nên đến chia sẻ với mẹ chồng. Có thể trong nhiều gia đình khác, vì để bảo vệ cho con trai, mẹ chồng sẽ khuyên giải con dâu bỏ qua, đừng truy cứu nữa, chấp nhận và bỏ qua để sống tiếp. Nhưng đó không phải là lựa chọn của cô Chi – người mẹ chồng mạnh mẽ, quyết đoán trong chương trình.

Thái độ đáng quý của người mẹ chồng trước hành động sai lầm của con trai và nỗi khổ của con dâu. (Ảnh dẫn qua: Afamily)

Cô quyết định tới gặp gia đình cô gái kia, để nói với họ rằng: “Con trai tôi không chỉ có mẹ, có ngoại, nó còn một tài sản vô cùng quý giá khác … đó là một vợ và hai con”.

Tới đây, nhiều chị em phụ nữ có thể đã thầm ước mơ, giá như mình cũng có một người mẹ chồng như thế. Đến khi cô Chi tiếp tục câu chuyện và tiết lộ một điều đau lòng của gia đình bà, nhiều người có lẽ đã vỡ òa trước những gì mà hai người phụ nữ đã trải qua.

Người con trai, người chồng cũng là người cha của hai cậu con trai đã bỏ đi. Anh thuê nhà khác để tự xây dựng cho mình một gia đình mới, bỏ lại sau lưng là mẹ già, vợ hiền và hai đứa con thơ.

Trước cái hoàn cảnh éo le, đau khổ ấy, hai người phụ nữ đã nương vào nhau mà sống. Họ không thể làm gì để thay đổi trái tim và quyết định của người đàn ông. Nhưng họ có thể mở rộng hơn trái tim mình để đón nhận, để yêu thương và để bù đắp cho nhau. Cô Chi đã bày tỏ ngay từ đầu chương trình, cô chỉ có hai người con trai, lại rất thèm có con gái vậy nên, cô đã coi con dâu cũng như con gái mình. Khi biến cố này ập đến, có mẹ nào nỡ bỏ con?

Cũng nhờ tình thương ấy, bức tường cao lớn mà định kiến của con người xây nên giữa mẹ chồng – nàng dâu cũng sụp đổ. Để rồi, chị Mai lại một lần nữa cảm thấy được an ủi, được thương yêu. Chị may mắn tìm được cho mình một điểm tựa tinh thần để đứng vững trước những sóng gió của những sân hận trong nội tâm. Người chồng đã bỏ nhà ra đi đã bốn năm rồi, nhưng chị Mai vẫn ở cùng mẹ chồng, một mình chuyên tâm làm ăn để nuôi nấng con nên người.

Khi mẹ chồng ngỏ ý, nếu có ai đó ưng thuận muốn lấy chị làm vợ, mẹ sẽ thay người mẹ đẻ đã khuất của chị để gả chị cho người ta, chị đã từ chối. Chị trải lòng: Một lần đau với chị đã là rất đủ, còn bây giờ điều mà chị trân quý nhất, cần nhất là được sống bên mẹ chồng và hai con trai, bởi họ chính là gia đình của chị.

Hai mẹ con đã trao nhau một cái ôm ấm áp, đầy tình thương, sự cảm thông và lòng biết ơn khi đã nói hết được nỗi lòng. Trước khi kết thúc chương trình, cô Chi vẫn đau đáu một tâm niệm. Cô mong con trai mình sẽ hồi tâm chuyển ý, quay về để trở thành chỗ nương tựa của vợ và hai con. Bởi cô cũng đã già, cũng không biết mình còn bao nhiêu thời gian nữa…

Con người nối kết với nhau bằng tình người, bằng lòng nhân. (Ảnh minh họa: yogatrail)

Trong cuộc sống này, con người nối kết với nhau bằng tình người, bằng lòng nhân, chứ không phải bằng những quan niệm, những định kiến về người khác, về những mối quan hệ mà họ đã vô tình xây dựng trong tâm qua năm tháng. Như người mẹ chồng trong câu chuyện cảm động kể trên, bà đã bỏ qua cái quan niệm “máu mủ ruột rà” dùng tấm lòng để thấu hiểu nỗi đau khổ của con dâu; đồng thời, bà cũng bỏ qua “cái tôi”, cái “vị kỷ” để phân biệt rõ sự đúng – sai, tốt – xấu của con trai mình. Phải chăng vì thế, bà đã chọn được cách hành xử với con dâu vừa hợp đạo lý, lại vừa nhân văn đến vậy.

Hy Văn

Exit mobile version