Đại Kỷ Nguyên

Con trai bỏ học đi chơi, người mẹ không đánh đòn mà còn nhận hết lỗi về mình

“Cảm ơn má. Nếu ngày ấy má vụt con vài cây, có thể con đã bỏ nhà đi hoang, có thể đã trở thành tên du thủ du thực rồi…”

Tôi sinh ra trong một gia đình không trọn vẹn, ba và má ly hôn khi tôi lên 9. Ngày má chở tôi trên chiếc xe đạp cọc cạch đến Tòa án, Thẩm phán hỏi con muốn sống với ba hay má, con có muốn ba má giảng hòa không. Tôi nhìn gương mặt má buồn bã nhưng ánh mắt cương quyết, chợt nhớ những cơn say ba không thương tiếc thượng cẳng tay, hạ cẳng chân với má, tôi biết má đã dành nửa cuộc đời cố hết sức để chắp vá những vết rạn nứt cho gia đình. Nhưng bây giờ, có lẽ đây là cách giải quyết tốt nhất.

– Dạ, con theo má.

Khi ấy, tôi nghe được tiếng thở dài má đè nén bấy lâu, hai hạt lệ lăn dài trên đôi mắt quầng thâm.

Từ đó, tôi sống cùng má và chị hai. Má và chị hai cả ngày chạy chợ lo kế sinh nhai, tối đến lãnh thêm hàng về làm gia công, không có thời gian để trò chuyện với tôi. Cả ngày chỉ được mỗi lúc ăn cơm tối là mọi người quây quần bên nhau, sau đó thì tôi học bài còn má và chị hai thì sửa soạn, cắt may cho kịp giao hàng.

Năm tôi học lớp 8, chị hai bị viêm cầu thận, phải chữa trị gấp, nếu không sẽ biến chứng thành thận mãn tính. Má một mình lo chạy chữa cho chị hai mà không một lời than vãn, nhưng mắt má sâu hơn, quầng thâm rõ hơn. Có hôm nửa đêm tỉnh giấc, tôi vẫn thấy má còn tay kim tay kéo.

Ảnh minh họa.

Lần nọ, tôi bỏ học ra bờ sông chơi đùa, chán rồi xuống tắm. Chúng tôi leo lên một cành cao của cây điệp tây chìa ra mặt sông rồi nhảy tùm xuống. Lúc đó, tôi vừa ùm một nhát, ngoi đầu lên đã thấy mấy thằng bạn ở trên bờ gọi í ới:

– Lâm ơi! Má mầy kiếm kìa.

Tôi vội vã lội vào bờ, thấy má nước mắt lưng tròng, nghẹn ngào nói:

– Con lên xe má chở về.

Trên đường về, má khóc nhiều hơn như không thể kìm nén. Má tức tưởi, tiếng khóc hòa vào tiếng xích xe đạp cót két, cót két. Tôi bỗng xót xa thương má quá, và một nỗi sợ hãi xâm chiếm tôi: Chắc về nhà má sẽ cho một trận đòn nên thân đây.

Về tới nhà, y như rằng, má cầm cây thao lao để dành đập nước đá ra. Tôi đã chuẩn bị tinh thần đứng chịu trận, chờ má trút cơn thịnh nộ. Chị hai bữa đó đi Sài Gòn điều trị nên không có nhà. Má cầm cái cây rồi nói:

– Má có lỗi với con. Vì lo cơm áo gia đình nên má không có thời gian chăm sóc, dạy dỗ con. Con hư là tại má! Con không có lỗi, người có lỗi là má.

Nói rồi tay má vung lên nhưng má không đánh tôi mà tự đánh mình. Những âm thanh khi cây roi chạm vào người má như những nhát dao cứa vào tim tôi. Tôi ôm chặt má, quỳ xuống vòng tay xin lỗi.

– Má ơi! Con xin lỗi má! Má đừng đánh má nữa! Má ơi. Con sẽ không như vậy nữa. Má tha lỗi cho con. Má ơi!

Kể từ đó, bất kể làm việc gì tôi đều nghĩ tới hình ảnh má tự lấy roi đánh mình, nhớ những vết bầm xanh trên tay, trên trán má mà tự chủ được mình.

Thời gian trôi, chị hai vẫn điều trị, mỗi tháng lên Chợ Rẫy một lần. Má vẫn còng lưng từ hừng đông đến nửa khuya. Tôi tốt nghiệp 12 với tấm bằng hạng ưu, nhưng không thi đại học, vì tôi sợ má cực khổ. Má nói con cứ đi thi, đậu thì học, má còn lo được mà con. Tôi biết má sẽ lo được cho tôi nếu tôi đỗ đại học. Nhưng tôi hiểu má đã kiệt sức rồi.

– Thôi má à. Má cho con nghỉ học đi làm phụ má lo cho chị hai, chứ học 4 năm ra trường không xin được việc. Má cứ để con tìm việc làm, đâu cứ phải vô đại học là tốt.

Ảnh minh hoạ (nguồn: Wanderlusttips).

Tình cờ một người quen giới thiệu cho tôi vào làm ở một công ty chuyên làm đồ da, vừa học nghề vừa làm. Cuộc sống Sài thành, tiền ăn ở sinh hoạt, lại đang là thợ học việc nên tôi chẳng đủ tiền xài. 6 tháng đầu tiên, tôi phải nhờ má trợ cấp thêm. Đôi lúc chán nản muốn bỏ cuộc nhưng hình ảnh má ngồi cặm cụi suốt đêm, chị hai đau ốm hiện ra, ý chí tôi lại trở nên mạnh mẽ. Tôi muốn họ có cuộc sống tốt hơn.

Một năm sau, tôi đã là một thợ lành nghề, thu nhập cũng ổn hơn. Ngoài giờ làm, tôi dành dụm mua da vụn về làm dây nịt, dây đồng hồ, bóp nam bán trên mạng, dù chẳng nhiều nhặn gì nhưng mỗi tháng cũng phụ má được đôi chút. Giờ đây, tôi chỉ có một tâm nguyện, cố gắng tăng ca, chi tiêu dè sẻn, mong một ngày ăn nên làm ra để lo cho má một cuộc sống an nhàn.

Cảm ơn Má, nếu ngày ấy Má vụt con vài cây, có thể con đã bỏ nhà đi hoang, có thể đã trở thành tên du thủ du thực rồi…

Video xem thêm: Lắng đọng đêm về số 553: Cách giáo dục tại bàn ăn của người mẹ Mỹ đã cứu sống một đứa trẻ

Exit mobile version