Đại Kỷ Nguyên

‘Con cứ cầm hết tiền này đi ông không xài tới’ ông già rồi, quên nhiều lắm, chỉ nhớ có đứa cháu gái để cưng chiều

Câu chuyện rất giản đơn nhưng vô cùng ấm áp của Sao Thương có thể sẽ làm ai đó cay khóe mắt nhớ lại những kí ức đã qua. Hoặc sẽ giúp ai đó nhận ra yêu thương tuy nhỏ bé vụn vặt bên mình nhưng thật sự quan trọng, ấy là tình yêu mà ông bà dành cho chúng ta.

Sao Thương, cô sinh viên xinh đẹp của trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng mới đây đã chia sẻ một câu chuyện đầy xúc động trên trang cá nhân của mình về tình yêu mà ông nội dành cho mình, thật sự giản đơn và ấm áp đến lạ kỳ. Ngay từ khi còn bé, Thương đã được ông bà ngoại cưng chiều, cho đến bây giờ tình yêu ấy vẫn không thay đổi. Chỉ có điều, cô cháu gái bé bỏng của ông bà hôm nào nay đã lớn, đã biết cảm động và hiểu hơn những yêu thương xung quanh mình: 

“Ông em năm nay 84 tuổi rồi, đang sống ở Buôn Mê Thuột. Nhà em gần nhà ông bà, gần như ngày nào cũng chạy sang chơi với ông. Ông hiền lắm, chiều em vô cùng.

Ngày xưa lúc còn hoạt bát khỏe mạnh, ông hay lấy gỗ đóng bàn ghế, nhiều khi còn đóng cả nhà cho nhà em nữa. Hồi em học mẫu giáo, ông đóng cho em 1 con ngựa gỗ kiểu bập bênh cho em chơi mà giờ nó mất rồi.

Đợt nhà em còn ở dưới huyện, nhà ông trên phố, có mấy lần ông qua chơi trúng đợt tỉa bắp, ông hay bỏ hết hạt đi rồi lấy cái cùi bắp xây lâu đài, xong bắt con cua bỏ vô làm hoàng tử cho em chơi. Còn nhiều chuyện lắm, kể không hết được. Em may mắn còn đủ ông bà cả nội lẫn ngoại, nên giờ chỉ mong ông bà khỏe mạnh sống lâu hơn, em chưa bao giờ mất người thân nên rất sợ cảm giác ấy”.

Thương lớn lên cùng sự yêu thương chăm sóc của bố mẹ cũng như tình yêu của ông dành cho mình chưa khi nào vơi cạn. Đi học xa nhà nên mỗi khi có dịp về quê, Thương đều tranh thủ chạy sang thăm ông bà. Ngày quay lại trường, Thương qua chào ông và đã suýt khóc òa với món quà tuy bé nhỏ nhưng yêu thương chứa đựng lại vô cùng vĩ đại qua nhiều ngày tháng ông dành dụm cho mình. Không ngăn được xúc động, Thương chia sẻ câu chuyện với  bạn bè:

“Mình đi học xa, về nhà chơi được mấy bữa, tối nay lại phải ra học nên tranh thủ sang chào ông bà một tiếng rồi mới đi. Qua đến nơi thì bà đi chơi chưa về, mình báo tối nay lên xe, thế là ông lọ mọ vào phòng lục lục cái gì đấy mang ra. Là một bọc tiền được ông bọc kĩ càng, hóa ra là tiền để dành được, ông đưa hết cho mình không sót một tờ!

Mình bảo ông giữ lại tiền lẻ mà xài, nhưng ông đã rút đến cả tờ 500 đồng cuối cùng rồi tự hào nói: “Con cứ cầm hết đi tiền này ông không xài tới!”. Lúc đó mình chỉ biết cười thôi, nhưng trong lòng xúc động vô cùng…

Thế đấy, ông chẳng có bao nhiêu nhưng số tiền đó là cả tấm lòng dành tặng cháu gái. Ông đã già lắm rồi, đi đứng phản ứng cũng chậm lắm, chỉ mong ông sống mãi với mình thôi… Muốn được thấy mỗi lần về nhà là lại có người đứng ở cổng nhìn cháu cười tươi như thế…”.

Thương thừa hưởng nhiều nét giống ông ngoại, nhất là đôi mắt và nụ cười.

Những chuyện yêu thương tương tự của ông bà hẳn còn có rất nhiều, ông bà nào chắc cũng vậy, tiết kiệm chẳng tiêu gì đến tiền để dành cho cháu, đó cũng gần như là một đặc điểm của ông bà ở quê khi có cháu phải đi học xa nhà. Cũng có những bạn sẽ thiệt thòi khi không còn ông bà để cảm nhận tình yêu sâu rộng đó, cảm nhận sự nuông chiều còn hơn cả cha mẹ.

Ông ngoại Thương bây giờ dù không còn mình mẫn, trí nhớ không còn tốt như trước nữa, nhưng vẫn chiều chuộng cháu gái. Thi thoảng ông không nhận ra Thương, nhưng vẫn cười rạng rỡ, ôm cháu gái thơm lên đầu y như ngày thơ ấu. 

Quê hương nơi tràn ngập sự yêu thương, nơi mà dù đi xa đến đâu ai cũng ao ước được quay trở về. Bởi chỉ nơi quê hương ấy mới cho ta cảm nhận được hết những dư vị của hạnh phúc ngọt ngào, nơi tình yêu thương của ông bà, cha mẹ không khi nào phai nhạt.

Nguồn ảnh: Afamily

Gia Viên – Hồng Tâm

Exit mobile version