Đại Kỷ Nguyên

Con bị bệnh tâm thần rong ruổi khắp đường phố Hội An, mẹ già vẫn kiên nhẫn theo sau bón cơm

Hội An xưa kia vốn là một trong những nơi sầm uất nhất của dải đất hình chữ S. Nhưng theo dòng thời gian, thành phố ấy đã thu mình lại, như một con người trở nên trầm lặng hơn nhờ sự trưởng thành được đắp bồi qua rất nhiều trải nghiệm trong cuộc sống. Sự trầm lặng ấy mang một nét bình an và yên ả rất riêng.

Mỗi người khi đặt chân vào thành phố này đều phải dừng lại, buông hết những âu lo và ngắm nhìn cuộc sống. Ở nơi ấy, nhịp sống của thành phố được tạo nên bởi tiếng đập nhịp nhàng, êm đềm của những trái tim mang theo đó là tất cả sự chân thành, nhẫn nại và bao dung. Câu chuyện về tình mẹ được kể qua những bức ảnh của một nhiếp ảnh gia trẻ dưới đây sẽ khiến bạn hiểu và cảm nhận được rõ hơn về sự bình yên trầm lặng ấy.

Sự tĩnh lặng đẹp đến nao lòng của thành phố nhỏ (Ảnh  dẫn qua batdonsan-hoian)

Trên những con phố Hội An cổ kính, người dân nơi đây đã rất quen với hình ảnh một người đàn ông, vóc dáng nhỏ bé, trang phục tuềnh toàng, chân trần thơ thẩn giữa dòng người tấp nập. Ánh nhìn ngơ ngác, trên môi lúc nào cũng mang một nụ cười hiền lành nhưng ngô nghê, anh Tùng “chu du” khắp các con phố của Hội An suốt cả ngày dài, nhưng tâm hồn lại ở sâu trong thế giới mà chỉ có mình anh thấy được.

Nụ cười ngô nghê của anh Tùng đã trở thành một phần lặng lẽ mà thân quen của thành phố nhỏ

Khi ánh chiều dần đổ những tia nắng cuối cùng màu mật ong óng ả xuống những con phố, người dân Hội An khi ấy lại thấy thêm một bóng hình khác mà với họ, nay đã trở thành một phần của thành phố. Bóng hình ấy là một người mẹ, chiều nào cũng xách một chiếc làn nhỏ, ngược xuôi khắp những con phố để tìm con, cũng chính là tìm anh Tùng ngô nghê đang chu du khắp chốn. Bà chính là mẹ anh, người suốt 53 năm qua, chiều nào cũng đi tìm con như thế. “Thằng bé này đi đâu suốt, không về ăn cơm”. Hóa ra, trong chiếc làn của bà Quý chính là bữa cơm mà bà cẩn thận chuẩn bị cho đứa con không may mắn, đã bị suốt đời là một đứa trẻ khi nhiễm phải chất độc của chiến tranh lúc mới lên hai.

Hai mẹ con có nhũng bứa tối khi bên bến sông vắng lặng, lúc lại ở trong những con phố nhộn nhịp người qua lại

Hai mẹ con anh vì vậy mà có những bữa tối lúc bên bờ sông, khi lại trên vỉa hè, tùy thuộc vào nơi mà bà Quý tìm được anh. Trong chiếc bát inox ấy, khi là món cơm, lúc lại là món bún bà Quý làm cho con. Trước đây, bà làm người chèo thuyền, đưa khách đi du ngoạn trên con sông Hoài yên ả và thơ mộng ấy, nhưng nay, tuổi cũng đã ngoài 80 nên bà chuyển hẳn lên bờ, làm những chiếc lồng đèn hoa đăng để bán. Cả hơn năm chục năm trời, tuy lúc nào cũng chỉ là một người phụ nữ nghèo, nhưng bà Quý không bao giờ để anh Tùng bị đói. Dù anh đi tới đâu, bà cũng tìm cho kì được, bởi bà sợ “nó mải chơi mà chẳng có gì ăn, tội lắm”.

Anh Tùng đã ở tuổi ngũ tuần, nhưng hành động vẫn như một đứa trẻ, việc xúc ăn cũng là một điều gì đó rất mơ hồ với người đàn ông ấy. Thương con, bà Quý lại múc từng thìa cơm, từng thìa bún mà đút cho anh, như cách mà các bà mẹ vẫn chăm chút cho con ngày thơ bé, ngày nào cũng vậy, trong gần như cả cuộc đời anh. Thời gian ở thành phố nhỏ này dường như có một khái niệm hoàn toàn khác, nó không mang cái hối hả của những tranh đấu và toan tính, nên con người ở đây ai cũng có một chút gì đó lững thững như dòng nước sông Hoài lặng lẽ trôi.

Nụ cười của mẹ…

Phải chăng do cảm thức về thời gian rất khác biệt ấy, nên với bà Quý, những tháng ngày rong ruổi tìm con dường như vẫn là những tháng ngày hạnh phúc. Tìm thấy anh, có thể cho anh ăn no, anh chịu nghe lời, chịu ngồi đón nhận những thìa cơm của mẹ là đã khiến bà cười thật hạnh phúc. Nụ cười của bà Quý trong bức ảnh mà nhiếp ảnh gia Đỗ Vũ tình cờ chụp lại được ấy, có lẽ sẽ ở lại rất lâu trong trái tim của người xem. Một nụ cười chan chứa một niềm hạnh phúc giản đơn và trong sáng – Con không bị đói là mẹ vui rồi.

Trước kia, có một khoảng thời gian anh Tùng đã từng bị đưa tới Quảng Nam, ở trong một nơi có những người giống như anh. Nhưng vì không nói được, anh thường bị bạn cũng phòng đánh. Anh Tùng sợ lắm. Thấy con khổ, bà Qúy lại xin cho anh về để anh được đi lang thang trên những con phố của Hội An – có lẽ đó cũng là niềm vui duy nhất và lớn nhất trong cuộc đời anh. Và người mẹ ấy lại tiếp tục chu du cùng con mỗi ngày.

Những chuyến chu du của anh Tùng lại tiếp tục khi mặt trời đứng bóng…

Những bức ảnh cảm động về cảnh bà Quý bón cơm cho anh Tùng bên dòng sông Hoài được chụp lại bởi một người con còn rất trẻ của thành phố – Nhiếp ảnh gia Đỗ Vũ, người đã từ nhiều năm nay hòa mình trong cuộc sống của Hội An để cảm nhận được nhịp đập trái tim của thành phố. Anh chia sẻ: Người dân nơi đây sống với trái tim rất thật thà, đối xử với nhau bằng thứ tình cảm yêu thương thuần khiết của con người, nên đi tới đâu anh cũng có thể bắt gặp những hình ảnh xúc động như thế này.

Trong cuộc du hành của mình trên chính mảnh đất quê hương, anh còn may mắn tìm ra thêm rất nhiều những khoảng lặng khác làm nên tâm hồn sâu lắng và bình yên của thành phố. Như khoảnh khắc anh ghi lại được hình ảnh một người mẹ khác đang bồng con ngủ trên chiếc ghe nhỏ dưới sông Hoài. Cả không gian như tĩnh lại trong giấc ngủ êm đềm và an toàn trong lòng mẹ của bé thơ. Ở đó, một lần nữa chúng ta lại được cảm nhận tấm lòng của mẹ, những người chỉ an tâm nghĩ đến mình khi những đứa con thân yêu đã được đủ đầy.

Mẹ mang cả không gian yên ả tới cho giấc ngủ của con

Cảnh vật nằm trong tâm con người, đó là điều mà người xưa vẫn luôn muốn nhắn nhủ tới những thế hệ sau. Khi mang một trái tim muốn vì hạnh phúc của người khác, thời gian, hay vất vả có lẽ sẽ không thể ngăn trở chúng ta làm những điều tốt đẹp cho họ. Và cũng rất có thể, cảm thức về thời gian, về những gian nan trong cuộc sống cũng theo tình thương chân thành ấy mà biến đổi, trở nên nhẹ nhàng hơn, dễ nhẫn chịu hơn.

Và phải chăng cũng vì trái tim những con người nơi thành phố này thuần khiết, đong đầy tình thương nên cảnh vật chốn ấy vì vậy mới yên ả và thanh bình tới vậy, cho dù những mảnh đời bất hạnh vẫn còn hiện diện đâu đó?

Nguồn ảnh nhân vật: dẫn theo Afamily

Hải Lam tổng hợp

Xem thêm:

 

Exit mobile version