Nói đến viện dưỡng lão người ta thường nghĩ đó là “lãnh địa” của những người già với những câu chuyện cũ kỹ muôn thủa, dài dòng lê thê về những nỗi luyến tiếc trong quá khứ… Nhưng không hẳn vậy, nó còn là một thế giới khác với những nỗi niềm ít ai biết đến.
Viện dưỡng lão giống như một hòn đảo sống tách biệt, một thế giới bị lãng quên bao bọc bởi sự yên tĩnh sạch sẽ cùng những hàng cây xanh được trồng men theo một lối nhỏ ngoằn nghèo. Khung cảnh nơi đây đẹp hiền hòa như một lời động viên cho những người già có hoàn cảnh neo đơn như đãng trí, lãng tai, yếu đuối, bệnh tật, và đôi khi ngô nghê như trẻ con.
Sau những tiếng lộc cộc xuống đường, một nhóm các cụ đã xuất hiện, người chống gậy, người ngồi xe lăn do các cô điều dưỡng viên đẩy. Có một cụ ông vừa đi vừa lầm bầm, đôi tất ở chân cái dài cái ngắn, cô điều dưỡng viên trẻ từ xa chạy tới kéo lại tất cho ông. Ông cụ vùng vằng giận dỗi không chịu, cô gái trẻ lại tất bật quay lại đỡ một cụ bà ngồi xuống một băng ghế dài… Tất cả độ vài chục cụ cùng nhau ngồi dưới ánh nắng và hàn huyên chuyện trò, có một cụ ngồi tách biệt một mình dưới vòm cây nhìn xa xăm…
Tuổi già là thế, đong đầy tâm sự và nỗi niềm, nhưng chỉ cần ngồi xuống và ân cần lắng nghe, chúng ta sẽ khám phá ra một cuộc đời và những kinh nghiệm quý báu chất chứa như cuốn tiểu thuyết chưa đến hồi kết. Ông cụ ấy đã kể cho tôi nghe về quá khứ, về thời trẻ của mình. Ông từng có một thời vang bóng, sống cho lý tưởng, cho tình yêu và những kỷ niệm buồn vui gắn liền với những giai đoạn lịch sử của dân tộc.
Giọng ông trầm xuống khắc khoải: “Kết quả của tôi là đây – Viện dưỡng lão, tôi chọn nơi này, điểm dừng chân cuối cùng… Không ai có thể cưỡng lại thời gian, tôi thấy mình đã già yếu, thân hình còm cõi, mắt mờ, chân chậm, nặng tai như một lão già lẩm cẩm khiến con cháu bực mình. Không muốn phiền con cháu nên tôi đề nghị đến đây sống cho tĩnh tại, rời xa khỏi nơi phố chợ ồn ào.”
Trong nhóm các cụ ngồi xe lăn, có cụ bị bệnh nhẹ, có cụ bệnh nặng như liệt nửa người hoặc nằm liệt giường do biến chứng của tai biến. Tất cả đều phải hỗ trợ 100% từ việc ăn uống, vệ sinh cá nhân cho đến tắm rửa. Theo lời cô điều dưỡng trẻ, đây là một nghề thách thức lớn, đòi hỏi một sự kiên nhẫn ghê gớm, giống như làm bảo mẫu cho những đứa trẻ bạc đầu, cô phải học đủ thứ từ việc cho các cụ ăn, đổ bô, thay bỉm tã, tắm gội, dắt các cụ tập đi, đạp xe, vận động tay chân, đến việc cạo râu, cắt móng tay, đo huyết áp…
Cô kể: “Ngày nào cũng vậy, công việc của tôi là sáng gọi các cụ dậy, đánh răng rửa mặt, cho ăn sáng, dẫn đi tập phục hồi chức năng, trò chuyện tâm tình. Khoản trò chuyện tâm tình cũng buồn và vui lắm. Nghe các cụ nói chuyện, tự hào kể về con cái, kể về thời trẻ, thời làm việc của mình mà vui, rồi đang vui đấy lại quay ra khóc được ngay, phải dỗ, phải nịnh như em bé. Có cụ cứ ôm con gấu bông bảo là em bé, cho ăn uống, chiều chuộng hôn hít; có cụ thì hay làm thơ, hát mấy bài thiếu nhi, có cụ còn chửi bậy, đi lang thang…”
Qua những lời kể của cô điều dưỡng viên trẻ, chắc sẽ chẳng có nhiều người đủ bao dung, nhân hậu để làm công việc ấy. Mà đôi khi, chỉ có lòng cảm thông thôi thì chưa đủ, chúng ta phải đủ cả kiên nhẫn và sự quyết đoán thể hiện trong hành động, ở việc làm “không mấy dễ chịu” ấy.
Có tiếng chuông reo, đã đến giờ các cụ vào ăn trưa… Tất cả họ chậm chạp khuất dần sau hàng cây.
Tuổi già – cái tuổi mà ai cũng đến lúc phải tới. Quy luật Sinh Lão Bệnh Tử không ai tránh khỏi. Họ giống như những ngọn nến sắp tàn, cần lắm sự dịu dàng yêu thương để khi từ giã cõi đời sẽ mang theo hình ảnh đẹp về tình người ở nhân gian.
Cha mẹ sinh ra ta và nuôi dưỡng ta, ân đức của họ rất sâu đậm. Kinh Phật có viết rằng, con người báo đáp vài kiếp cũng chưa hết được ân đức của cha mẹ. Vì thế, trong trăm ngàn việc bận trên đời, xin hãy dành khoảng thời gian cho cha mẹ già. Dù cho tay họ bưng bát cơm còn run rẩy, làm vương vãi thức ăn, hay vẫn mãi quên một chiếc giày hay tất, và đối diện với thời gian chỉ đếm từng ngày… thì sự ân cần chăm sóc của con cái vẫn là nghĩa vụ, là liều thuốc dinh dưỡng tốt nhất cho cha mẹ chứ không phải đồng tiền.
Nguồn ảnh: Internet
Tâm Thanh
Xem thêm: