Dù bị liệt đôi chân, sức khỏe yếu, gia đình còn khó khăn nhưng cô Lý vẫn cố gắng trau dồi kiến thức và kèm cặp cho nhiều học sinh trong thôn và thị trấn.
Ở thôn Đỗ Xá, huyện Yên Mỹ, Hưng Yên có một lớp học đặc biệt của cô giáo Phạm Thị Lý (36 tuổi). Cô Lý bị liệt hai chân, phải dùng hai cánh tay chống xuống nền nhà rồi đẩy người lê đi từng bước nhưng vẫn dùng sự nhiệt tình và thiện tâm của mình để truyền kiến thức cho những em nhỏ.
Từ ước mơ còn dang dở…
Theo Ione, cô Lý là con út trong gia đình có 3 anh chị em. Năm 4 tuổi, bố cô mất, mẹ một mình tần tảo, trở thành trụ cột nuôi ba chị em ăn học.
Từ bé, cô Lý đã có ước mơ trở thành giáo viên, được đứng trên bục giảng. Nhưng năm 2002, Lý đăng ký thi tuyển vào Đại học Sư phạm Hà Nội và bị trượt. Không nản lòng, cô quyết tâm ôn thi để năm sau tiếp tục thi để trở thành giáo viên.
Vài tháng sau, mẹ cô qua đời sau một tai nạn giao thông. Một thời gian ngắn sau khi mẹ mất, căn bệnh tim bẩm sinh của Lý tái phát khiến cô phải nhập viện cấp cứu. Sau một ca phẫu thuật tim phức tạp, Lý gặp biến chứng, khiến đôi chân cô teo tóp và liệt hoàn toàn.
Ước mơ đứng trên bục giảng tưởng chừng khép lại, nhưng trong thâm tâm, cô gái trẻ luôn muốn được đứng lớp để dạy dỗ các em nhỏ.
…Đến lớp học của cô giáo tật nguyền
Ngày trước, cô Lý đã kèm cặp các em học sinh được gần chục năm. Lao Động Thủ Đô đưa tin, hồi bị liệt chân, những ngày ở nhà rảnh rỗi, cô Lý dạy kèm cho cho một số bạn học sinh là con của người quen khi bố mẹ chúng bận đi làm không có thời gian chăm nom. Trong làng cũng có một số lời lẽ không hay. Nhiều người cho rằng một người bị liệt như vậy thì làm sao có thể đủ sức dạy học, hơn nữa chưa qua đào tạo nghiệp vụ chuyên môn thì làm sao có thể dạy cho học sinh hiểu được.
Tuy nhiên, thấy các bé được cô Lý kèm cặp học hành ngày càng tiến bộ nên nhiều phụ huynh trong làng bắt đầu tìm đến để nhờ cậy. Ban đầu, cô từ chối vì sợ mọi người đàm tiếu mình không có trình độ học vấn cao, nhưng thấy phụ huynh nhờ nhiều lần, cô lại nhận lời. Lớp học từ 2 đến 3 học sinh, nay đã lên đến gần 40 em.
Cô chia sẻ nhà nhỏ, lớp đông nên buổi tối, cô thường chia lớp làm hai. Còn buổi sáng chiều, chỉ cần không phải đến trường, các con sẽ tự đến nhà để cô chữa bài hoặc nhận thêm tài liệu.
Dù không có công việc ổn định nhưng mỗi lần phụ huynh học sinh gửi tiền học cho con, cô giáo trẻ kiên quyết từ chối. Cô nói mình có tiền trợ cấp dành cho người tàn tật được hơn một triệu đồng/tháng, thuốc uống cũng được phát miễn phí, cuộc sống sinh hoạt không phải lo nghĩ nhiều nên cô sẽ không bao giờ lấy tiền học của các em. “Tôi luôn nói với phụ huynh rằng ‘tôi không bán chữ, nên không nhận tiền…'”, cô Lý chia sẻ.
Có lẽ chính bởi tình yêu thương của cô Lý dành cho các em nhỏ mà phần lớn các em nhỏ đều gọi cô với cái tên thân thương như “mẹ Lý” hay “bác Lý”.
Cô Lý tâm sự: “Ai cũng có một tình yêu, với mọi người hạnh phúc là khi được lập gia đình, được có ai đó yêu mình nhưng với tôi, hạnh phúc là khi được dạy học, là khi được học sinh gọi tiếng ‘Mẹ Lý’ thân thương, vậy là đủ”.
Video xem thêm: Người dân Pháp chia sẻ về lợi ích và sự thật về Pháp Luân Công