Đại Kỷ Nguyên

Chuyện tình cảm động có thật của cặp đôi thượng lưu trên chuyến tàu Titanic định mệnh

Con tàu Titanic vang dội lịch sử một thời không chỉ là một công trình đồ sộ khiến người đời phải thán phục mà còn là nơi lưu giữ rất nhiều những mối tình sâu sắc và chân thành. Bởi trong giây phút sinh tử, những giá trị đích thực mới được bộc lộ và thấu hiểu.

“Chúng ta sống với nhau đã nhiều năm. Anh đi đến nơi đâu, em cũng theo anh đến đó” – đó là những lời mà bà Ida Straus nói với chồng mình, ông Isidor Straus khi bà sắp lên chiếc tàu cứu sinh số 8 của Titanic, rồi bà thay đổi ý định và ở lại với ông… mãi mãi.

Bà Rosalie Ida Strauss là một người Mỹ gốc Đức, bà được sinh ra ở Worms, Đức vào năm 1849. Năm 22 tuổi, bà Ida kết hôn với ông Isidor Straus, một doanh nhân người Mỹ gốc Palatinate, 26 tuổi và là đồng sở hữu cửa hàng bách hóa Macy. Họ có với nhau bảy người con, trong đó có một người đã chết khi còn nhỏ. Cuộc đời của họ không có gì nổi bật, nhưng điều khiến họ trở nên đặc biệt chính bởi bản thân con người họ và tình yêu lớn lao mà họ dành cho nhau. Câu chuyện tình yêu của họ sau 40 năm chung sống vẫn mãi như thuở ban đầu.

Họ thường cùng nhau đi khắp mọi nơi, và ngay cả khi ông Isidor vắng nhà hoặc khi không ở bên nhau, họ có thói quen viết thư để giữ liên lạc.

Những người bạn của gia đình Straus đều thừa nhận cặp vợ chồng này rất gần gũi và thân thiết. Mỗi khi ông Isidor đi công tác khắp nước Mỹ hay sang châu Âu, bà Ida cũng đi theo ông. Họ dường như lúc nào cũng muốn được “vai kề vai”.

Vào đầu năm 1912, cả hai cùng đi nghỉ mát ở Châu Âu, họ dành phần lớn thời gian ở Mũi Martin, miền Nam nước Pháp. Vào đầu tháng Tư, họ quay trở về nhà ở thành phố New York, trên chiếc RMS Titanic định mệnh trong lịch sử. Khi chiếc tàu Titanic đụng phải tảng băng trôi, mọi người vội vã di chuyển lên boong tàu để chiếm một chỗ trên thuyền cứu sinh.

Khi có quyết định phụ nữ và trẻ em được đi trước, thì bà Isidora được đưa đến xuồng cứu sinh số 8. Vì họ thuộc tầng lớp thượng lưu, nên Isidor được dành một chỗ trên thuyền cứu sinh bên cạnh vợ mình, nhưng ông đã từ chối đặc quyền này. Ông nói với Đại Tá Gracie bằng một giọng cứng rắn: “Tôi sẽ không đi trước những người đàn ông khác.” Lúc ấy, vẻ chính trực, nghĩa khí tràn ngập trên gương mặt ông Isidor, dường như ông không hề sợ cái chết. 

Bà Ida thấy vậy khăng khăng nhường cho người giúp việc mới thuê được từ Anh, Ellen Bird, một chỗ trên chiếc thuyền, nhưng cô gái ấy còn ngần ngại. Bà không muốn bỏ lại chồng mình mà muốn ở cạnh ông tới giờ phút cuối cùng của cuộc đời. Tình cảm vợ chồng giữa họ trở nên sâu nặng tới mức không gì có thể chia cắt. Bà Ida cũng tặng áo khoác lông cho Ellen, và nói rằng bà sẽ không cần nó nữa.

Mặc dù Đại tá Gracie và những người bạn khác cố gắng thuyết phục bà nhưng bà đã từ chối, bà nói rằng mình không bao giờ rời xa chồng. Bà cương quyết: “Chúng tôi sống chết có nhau.” Trong khoảnh khắc sinh tử, khi mà ai cũng chỉ lăm lăm tìm cho mình một đường thoát thân, bà Ida lại sẵn sàng hy sinh cơ hội sống của mình cho một người trẻ tuổi còn cả một tương lai trước mặt để ở bên cạnh chồng.

Vợ chồng ông bà Ida và Isidor được nhìn thấy lần cuối trên boong tàu khi họ đang nắm chặt tay nhau. Khi nước tràn vào và con tàu Titanic dũng mãnh từ từ chìm xuống biển khơi cũng là thời khắc tình yêu vĩnh cửu của họ nằm lại mãi mãi nơi đáy biển. Những người chứng kiến ​​đã miêu tả cảnh tượng này như là “một tượng đài vĩnh cửu về tình yêu và lòng chung thủy”. Xác của ông Isidor Straus sau đó đã được tìm thấy và đưa đến Halifax, Nova Scotia để nhận dạng và chuyển về New York. Nhưng thật không may, thi thể của bà Isidora vẫn bị thất lạc.

Con tàu Titanic định mệnh không chỉ là nơi chuyện tình bất hủ một thời của cô tiểu thư xinh đẹp Rose và chàng trai nghèo lãng tử Jack diễn ra, mà còn là nơi cất giữ những tình cảm thiêng liêng đẹp đẽ của một cặp đôi đã đến tuổi xế chiều khác. Họ vẫn dành tình yêu thương thuần khiết cho nhau đến tận hơi thở cuối cùng. Và sự thủy chung son sắt này khiến người đời phải thán phục.

Tình yêu đích thực chỉ đơn giản có vậy, là hai tâm hồn đồng điệu được ở cạnh nhau đến tận lúc cuối đời. Vào thời khắc nguy nan, ngay cả tính mạng cũng không khiến họ cảm thấy muốn níu giữ hơn việc phải xa người còn lại. Bởi vì những giá trị tinh thần luôn có sức mạnh to lớn hơn những thứ vật chất, những điều hữu hình nông cạn; nó có thể sưởi ấm trái tim và khiến họ cảm thấy đủ đầy hơn tất cả.

Theo Vintagenews

Tuệ Minh biên dịch

Xem thêm:

Exit mobile version