Đại Kỷ Nguyên

Chuyện Khaisilk bán khăn lụa ‘Tàu’ và vết cắt của lòng tự tôn Việt

Những ngày qua, cộng đồng mạng đang sôi sục trước thông tin khăn lụa cao cấp mua từ thương hiệu Khaisilk có tới 2 tem mác, một của Việt Nam và một của Trung Quốc. Bên cạnh đó, một số khăn khác cũng mua từ Khaisilk bị nghi ngờ có dấu hiệu bị cắt tem mác “Made in China”.

Một “hình tượng” đất Việt bị sụp đổ…

Chủ tịch tập đoàn KhaiSilk – ông Hoàng Khải sau những ngày im lặng cuối cùng cũng đã chính thức lên tiếng xin lỗi người tiêu dùng. Ông Khải cho biết, việc nhập lụa Trung Quốc để bán lẫn với lụa Việt Nam đã có từ lâu, xuất phát vào giữa những năm 90, khi Khaisilk không tìm đủ nguồn hàng chất lượng trong nước.

Cùng với đó, hàng loạt hình ảnh về những “khăn lụa Khaisilk” còn gắn cả mác Made in China chưa kịp cắt bỏ lẫn những chiếc khăn đã kịp cắt bỏ mác Trung Quốc nhưng vẫn còn dấu vết được cư dân mạng đưa lên.

Hàng loạt hình ảnh về những “khăn lụa Khaisilk” còn gắn cả mác Made in China chưa kịp cắt bỏ được cư dân mạng đưa lên

Đối mặt với bão dư luận, Khaisilk thông báo sẽ thu hồi các sản phẩm đã bán ra thị trường có xuất xứ từ Trung Quốc nếu khách hàng có mong muốn đổi trả và thương hiệu này sẽ bồi thường. Tuy rằng doanh nghiệp đã có phương án “chuộc lỗi”, nhưng điều đó liệu có thể lấy lại niềm tin từ người tiêu dùng, khi mà suốt 30 năm qua họ đã xem Khaisilk là một thượng hiệu sang trọng, đẳng cấp, mang quốc hồn quốc tuý Việt Nam. Nó đã trở thành niềm tự nào của những người con đất Việt khi mua cái caravat, cái khăn tơ lụa Việt Nam tặng cho bạn bè, đối tác. Đó là chưa kể đến hàng triệu du khách đến Việt Nam đã mang theo chiếc khăn tưởng là nguồn gốc Việt về nước họ với niềm tin yêu… và rồi, niềm tin bị vỡ vụn…

Lời xin lỗi của Khaisilk quá muộn màng. Danh tiếng, thương hiệu gần 30 năm đã bị đánh đổi

Khaisilk có thể biện minh là hàng nhập đã qua kiểm định, là hàng chuẩn, hàng tốt của Trung Quốc, đã được tuyển chọn kỹ, giá cả không thua kém bao nhiêu… nhưng điều đó liệu có còn quan trọng? Dù sao thì họ cũng đã nói dối, mà lời nói dối vì mục đích gì thì cũng vẫn là nói dối, mãi mãi không thể thay đổi được. Người ta nói “một lần mất tin, vạn lần mất tín”, Khaisilk có thể sẽ thiệt hại nặng nề cả về kinh tế, lẫn việc mất đi thương hiệu, rồi đến bao giờ công ty mới tìm lại được sự tín nhiệm của người tiêu dùng đây?

Lời xin lỗi của Khaisilk quá muộn màng. Danh tiếng, thương hiệu gần 30 năm đã bị đánh đổi. Khaisilk có thể biện hộ do hàng trong nước không đủ sức cung cấp, nhưng hàng loạt các cơ sở sản xuất lụa Hà Đông và các loại lụa khác của Việt Nam đều đang tìm đầu ra, đang tìm đối tác. Và đây đều là những dòng sản phẩm cao cấp, chất lượng không thua kém gì các thương hiệu lụa tốt trên thế giới.

Kinh doanh gian dối thật sự là một thảm họa

Đầu năm 2014, hãng xe nổi tiếng thế giới Volkswagen AG (Đức) đã phải trả một cái giá quá đắt vì những hành vi lừa dối người tiêu dùng khi sử dụng phần mềm đánh lừa các thiết bị đo lượng khí thải cho những chiếc xe của họ.

Ngay sau khi thông tin gian lận trên được công bố, EPA đã yêu cầu Volkswagen triệu hồi 482.000 chiếc xe đã bán ra tại Mỹ từ năm 2008-2015, gồm các nhãn hiệu VW Golf, VW Passat, Jetta and Beetle. Ngoài ra, Volkswagen còn phải tạm ngừng bán ra các mẫu xe có vấn đề cho đến khi nào được chứng nhận đã khắc phục xong lỗi vi phạm.

Giá cổ phiếu của Volkswagen lập tức giảm gần 30%, khiến cho giá trị vốn hóa bị bay hơi hết 30 tỉ euro chỉ trong 2 ngày. Nó còn kéo theo việc giảm giá một loạt cổ phiếu của các hãng xe khác như Renault hay Nissan, vì giới đầu tư lo ngại rằng các tập đoàn này cũng đang nằm trong diện điều tra.

Volkswagen đã phải trả một cái giá quá đắt

Volkswagen tuyên bố sẽ dành riêng khoản tiền hơn 6,5 tỉ euro để giải quyết vụ bê bối “lừa đảo”. Ông Martin Winterkorn – Tổng giám đốc điều hành đã họp báo để nói lời xin lỗi và tuyên bố từ chức vào ngày 23/9 nhưng vẫn không cứu vớt được niềm tin từ người tiêu dùng của Volkswagen và con số 6,5 tỉ euro (tương đương với một nửa lợi nhuận của Volkswagen trong năm 2014) vẫn không phải là cái giá cuối cùng mà tập đoàn này phải trả cho hành vi gian dối của mình.

Vụ việc này đã gây chấn động trên toàn thế giới. Thậm chí, phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế Đức Sigmar Gabriel đã phải thốt lên rằng: “Chúng tôi lo ngại rằng danh tiếng tuyệt vời của ngành xe hơi Đức nói chung và Volkswagen nói riêng sẽ bị tổn thương không thể bù đắp được”.

Lợi bất cập hại, một lần nữa, từ bài học của Volkswagen người ta càng rõ ràng một chân lý rằng, kinh doanh gian dối thật sự là một thảm họa. Thậm chí nó sẽ gây ra tai họa và đánh mất uy tín cho cả một lĩnh vực của đất nước, bởi vì “cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra”.

Trung thực là điều chúng ta không thể đánh mất

Trong cả văn hóa phương Đông và phương Tây, kinh doanh luôn cần lấy chữ tín làm trọng. Dù là ngày xưa hay ngày nay, ý nghĩa của chữ tín vẫn không hề thay đổi, bất tín có nghĩa là không trung thực và cũng đồng nghĩa với thất bại. Vậy nên, lấy chữ tín làm gốc chính là bí quyết kinh doanh sắc bén nhất. Đó cũng nên là chiến lược phát triển bền vững, lâu dài của bất cứ một công ty nào.

Trong cả văn hóa phương Đông và phương Tây, kinh doanh luôn cần lấy chữ tín làm trọng

Thế nhưng, cuộc sống hiện đại có lẽ đã khiến người ta lãng quên đi sự thật thà và tính trung thực. Có rất nhiều người tung hô những giá trị tốt đẹp, nói những đạo lý sâu sắc, nhưng thực chất là đang tạo ra cái vỏ lương thiện để che đậy những toan tính, vụ lợi cho bản thân. Sau những gì họ thể hiện hoặc cho đi, cái họ mong muốn cuối cùng vẫn là nhận lại. Nhưng mà, “lưới trời lồng lộng, tuy thưa mà khó lọt”, sau cùng vẫn là “gậy ông đập lưng ông”.

Người ta vẫn nói, tiền bạc ko là gì so với danh dự. Trung thực là điều mà chúng ta không thể đánh mất.

Hiểu Minh

Exit mobile version