Đại Kỷ Nguyên

Chứng kiến 12.000 người chết trong suốt cuộc đời, người đàn ông rút ra 10 bài học vô giá

Chứng kiến 12.000 người qua đời trước mặt mình đã giúp Bhairav Nath Shukla nhận ra 10 bài học đắt giá về cuộc đời. 

Người Hindu tin rằng, khi trút hơi thở ở nơi đặc biệt như thành phố Varanasi họ sẽ đạt được một thứ gọi là “Kashi Labh” – “giải thoát khỏi vòng luân hồi theo luật nhân quả”.

Kashi Labh Mukti Bhawan là một trong 3 nhà nghỉ của thành phố Varanasi, nơi người ta tìm đến để chết… Cùng với 2 ngôi nhà khác là Mumukshu Bhawan và Ganga Labh Bhawan. Mukti Bhawan đã được thành lập từ cách đây hơn 100 năm nổi tiếng trên thành phố và trên khắp Ấn Độ.


Ông Bhairav Nath Shukla mặc áo màu xanh ngồi trên ghế trong ảnh. (Ảnh: Perfecto.guru)

Trong suốt 44 năm làm quản lý của Mukti Bhawan, ông Bhairav Nath Shukla đã được chứng kiến rất nhiều người giàu và nghèo đến đây để chờ cái chết. Trong những ngày cuối cùng của cuộc đời, tất cả họ đều nuôi dưỡng một hy vọng đó là tìm đến bình yên.

Bài học số 1: Giải quyết mọi mâu thuẫn trước khi kết thúc cuộc đời 

Nhớ lại câu chuyện của Shri Ram Sagar Mishr; một học giả tiếng Phạn. Shukla kể rằng: Mishr là anh cả trong một gia đình có 6 anh em và thân thiết với người em út nhất. Tuy nhiên, vì một vài mâu thuẫn, mối bất hòa đã chia cắt hai anh em họ đến tận những năm tháng cuối đời của ông.

Trong những ngày cuối cùng của cuộc đời, Mishr đến nhà nghỉ thuê 1 căn phòng. Ông nói rằng ông biết chắc mình sẽ qua đời vào ngày 16. Trước đó 2 ngày, Mishr nói: “Hãy bảo em út đến đây với tôi. Nỗi đau này khiến trái tim tôi nghẹn ngào. Tôi muốn giải quyết mọi mâu thuẫn trước khi rời đi”.

Một lá thư được gửi đi. Ngày 16, cậu em trai xuất hiện. Nắm lấy đôi tay của em, Mishr nhắn nhủ rằng, hãy đập bỏ bức tường ngăn đôi căn nhà của 2 anh em. Ông xin em mình tha thứ. Trong nước mắt, họ nghẹn ngào cởi bỏ nỗi lòng thủ thỉ tâm sự cùng nhau, rồi đột nhiên, Mishr lặng đi, khuôn mặt vô cùng bình thản. Ông ấy đã ra đi… Shukla chia sẻ:

Người ta mang quá nhiều gánh nặng trong cuộc đời và muốn buông bỏ vào giây phút cuối. Điều quan trọng không phải là cuộc đời không có mâu thuẫn mà cần học cách vứt bỏ chúng càng sớm càng tốt.

Bài học số 2: Sống đơn giản đem đến ý nghĩa

“Người ta sẽ ngừng ăn khi biết rằng mình sắp rời đi. Trong những ngày cuối cùng của cuộc đời, nhiều người mới nhận ra rằng sống một cuộc đời đơn giản mới là điều họ nên làm nhất”.

Shukla giải thích rằng, một cuộc đời đơn giản có nghĩa rằng đừng ham muốn nhiều. Chúng ta đánh mất nhiều điều để tạo ra nhiều thứ khác, và rồi lại nảy sinh những nhu cầu mới. Tuy nhiên, tất cả chúng ta đều không biết rằng, người sở hữu nhiều hơn chính là người biết tìm niềm vui trong những điều ít ỏi.

Bài học số 3: Nhìn nhận mặt tốt và xấu của người khác

Theo Shukla, con người không ai là hoàn hảo, bên trong họ luôn tồn tại hai mặt song song đối lập là tốt và xấu. Mất mát lớn nhất của người ta chính là việc chỉ nhìn vào điểm xấu của người khác. Thay vì chỉ chăm chăm nhìn vào điểm xấu của họ, chúng ta nên đổi hướng đôi mắt của mình cân bằng hơn là nhìn vào cả hai mặt, bạn sẽ thật sự hiểu được con người họ và thậm chí có thể yêu thương.

Bài học số 4: Tìm vẻ đẹp trong những điều bình dị nhất

Mukti Bhavan chơi những bản nhạc truyền thống và hát khoảng 3 lần/ngày. “Một vài người dừng lại, ngưỡng mộ một giai điêu hoặc thanh âm của nhạc cụ như thể họ chưa từng nghe thấy nó trước đó. Họ cảm nhận và tìm thấy vẻ đẹp bên trong nó”.

Những người quá khắt khe hay quá kiêu căng, là những người khó có thể tìm thấy niềm vui trong những điều nhỏ nhặt, bởi vì tâm trí của họ dường như đang bận tâm với những điều quan trọng hơn.

Bài học số 5: Can đảm để nhận giúp đỡ từ người khác

Tất nhiên, nếu có thể tự làm tất cả mọi việc, bạn mới nhận ra mình mạnh mẽ thế nào. Tuy nhiên, điều này sẽ ngăn cản bạn học hỏi những điều tốt đẹp mà người khác tích lũy được trong đời của họ. Shukla tin rằng, chúng ta cần giúp đỡ người khác, nhưng quan trọng hơn là có can đảm để tìm sự giúp đỡ khi chúng ta cần.

Mỗi người trên Trái đất này sẽ biết nhiều hơn chúng ta về một điều nào đó. Và kiến thức của họ chỉ có thể giúp chúng ta khi chúng ta chịu mở lòng.

Shukla kể lại, vào một ngày mưa của những năm 80, một phụ nữ lớn tuổi được đưa đến nhà nghỉ, những người đưa cô ấy đến để bà ở đó và không điền vào mẫu yêu cầu. Vài giờ sau, cảnh sát đến tìm người thân của bà, mà theo họ là những người thuộc phiến quân Naxal. Shukla đã giả vờ không biết gì. Cảnh sát rời đi. Khi những người thân của bà quay lại vào sáng hôm sau, Shukla đã hỏi người cầm đầu một cách thẳng thắn: “Trong khi anh có thể giết 5-8 người, tại sao anh không thể bắn Nani của mình và tự hỏa táng cho bà ấy? Tại sao anh lại biến tôi thành một kẻ nói dối và cảm thấy xấu hổ?” Người cháu quỳ xuống cầu xin sự tha thứ và nói rằng, không ai trong số họ có khả năng giúp đỡ bà ngoại của mình ngoại trừ niềm tin vào sự cứu rỗi của Thần linh. Cậu ta tôn trọng điều đó và đó là lý do vì sao cậu đưa bà mình đến Mukti Bhawan.

Bài học số 6: Chấp nhận hiện thực để tìm đường đi

Đa phần chúng ta chọn cách trốn tránh với những gì phải đối diện, nhưng lại không hề biết rằng hành động chối bỏ cảm xúc này đã tạo ra những cảm xúc rất nguy hiểm. Chỉ khi bạn chấp nhận thực tại, bạn mới có đủ sức mạnh để quyết định mình cần làm gì. Shukla tin rằng, lo lắng và sợ hãi xuất phát từ việc người ta trốn tránh một sự thật mà họ không dám chấp nhận. “Khi biết chấp nhận, bạn sẽ thật sự sáng suốt để tìm ra đường đi của mình”.

Bài học số 7: Khi tìm ra mục tiêu, hãy hành động!

Shukla kể lại, ông từng có cơ hội gặp rất nhiều người tìm ra mục tiêu của cuộc đời mình nhưng họ không làm gì để biến nó thành sự thật. Họ đơn giản chỉ là ngồi đó và càng khiến nó tệ hơn. Khi có một lựa chọn về mục đích cuộc đời, nó sẽ giúp bạn đo lường thời gian và nỗ lực bạn cần có. Khi bạn đang bị cuốn vào những điều không thể hay có thể, hãy bắt đầu hành động với những điều thực sự quan trọng.

Bài học số 8: Thói quen trở thành giá trị

Shukla khuyên mọi người nên nuôi dưỡng những thói quen tốt để gặt hái giá trị tốt. Việc xây dựng những thói quen tốt cần thời gian và công phu. Nó giống như việc bạn luyện cơ bắp, bạn cần rèn luyện mỗi ngày.

Nếu người ta không thể công bình hoặc tử tế, chân thành hay thiện lương, khi gặp thách thức hay trở ngại họ sẽ không thể mong đợi được điều tốt đẹp.

Bài học số 9: Chọn điều mình muốn học

Trong kho tàng kiến thức khổng lồ, chúng ta rất dễ bị lạc lối. “Bài học quan trọng đó là hãy chú ý đến những gì bạn cảm thấy thật sự có giá trị đối với bạn”, Shukla chia sẻ.

Mọi người có thể muốn bạn làm cái này làm cái kia vì họ cho rằng điều đó phù hợp hay gây cảm hứng đối với bạn. Tuy nhiên, bạn cần làm là lắng nghe trái tim mình muốn gì.

Bài học số 10: 10% những gì bạn có được nên dành cho một đức tin

Shukla không gợi ý đó là một tôn giáo, ông khuyên rằng chúng ta nên làm nhiều việc làm tốt và quan tâm tới người khác, và cần có trách nhiệm với điều này. Một phép tính đơn giản đó là giữ 10% tâm hồn mình dành cho thiện niệm. Nhiều người cống hiến hoặc làm từ thiện vào cuối cuộc đời. Trong đau khổ, người ta mới hiểu và cảm thông cho những đau khổ của người khác. Tình bạn giữa những người thân yêu, phước lành từ những gương mặt lạnh lùng và thiện niệm của mọi người biểu lộ sự thanh thản và duyên dáng. Điều này chỉ xảy ra khi bạn không cố giữ lại điều gì cho riêng mình mà dành nó cho người khác.

Nếu tất cả hiểu được rằng, ngày mai khi đôi mắt kia nhắm lại chúng ta sẽ không thể mang theo bên mình bất cứ tài sản nào thuộc về thế giới này; thì người ta sẽ biết trân quý hơn những yêu thương vụn vặt xung quanh, hiểu điều quan trọng cần làm và tận hưởng từng phút giây được sống.

Nguồn ảnh: Pinterest

Hồng Tâm

Exit mobile version