Đại Kỷ Nguyên

Chống ung thư: Cần sự tân trang cho tinh thần

Chương trình nhằm mục đích hàn gắn những vết thương tinh thần và thể chất do ung thư gây ra. 

Cô Dionne Warner (trái), người đã sống sót sau 8 lần bị ung thư, chụp ảnh cùng cô Sherry Abbott, người quan tâm chăm sóc những phụ nữ mắc bệnh ung thư vào ngày 22/11/2014, tại Mirror Ball – một dạ tiệc gala gây quỹ hàng năm nhằm hỗ trợ những người mắc bệnh ung thư. Cô Warner là một trong những người tham gia chương trình Look Good – Feel Better, với mục đích giúp nâng cao sự tự tin của các bệnh nhân trong quá trình điều trị ung thư. (Ảnh: Đại Kỷ Nguyên)

Mặc dù từ lâu các bác sĩ đã tìm hiểu và chữa trị các triệu chứng của bệnh ung thư, song vẫn chưa có nhiều sự quan tâm đến tác động tinh thần sâu sắc do căn bệnh gây ra. Đây cũng là điều mà cô Sherry Abbott hy vọng sẽ thay đổi.

Năm 1992, vị giám đốc điều hành một công ty mỹ phẩm thành đạt được chuẩn đoán mắc bệnh ung thư buồng trứng giai đoạn cuối và đã bắt đầu tiến hành các liệu pháp điều trị với cường độ mạnh. Mặc dù các triệu chứng đối với cơ thể đã khiến cô rất mệt mỏi, cô còn phải đối diện với chứng rối loạn cảm xúc – sợ hãi suy nhược, lo lắng và đau đớn khi phát hiện ra mình sẽ không bao giờ sinh con được nữa.

Cô Abbott nói: “Từ cảm giác bị phản bội bởi chính cơ thể mình cho tới nỗi đau khổ vì sẽ không bao giờ có thể có được một gia đình riêng của chính mình, nỗi sợ hãi, sự nghi ngờ và những mất mát đến từ việc chuẩn đoán bị ung thư có lẽ là điều khó khăn nhất đối với tôi”.

“Họ thực sự đã làm chương trình trở nên có ý nghĩa”

– Cô Sherry Abbott

Cô Sherry Abbott, người quan tâm chăm sóc những phụ nữ mắc bệnh ung thư nói – Thậm chí nhiều thập kỷ sau, nỗi chán nản do ung thư vẫn tiếp tục kìm kẹp tôi trong khi tôi đang phải chung sống với những tác động tinh thần và thể chất do căn bệnh và phương pháp điều trị mang đến”.

Cuối cùng, cô Abbott đã chiến thắng trong cuộc chiến với ung thư, và ngày nay, sau hơn 25 năm, cô được biết đến là người sống sót lâu nhất sau căn bệnh ung thư buồng trứng giai đoạn cuối. Sự trải nghiệm của bản thân đã khiến cô nhìn thấy lỗ hổng trong hệ thống chăm sóc sức khỏe, và hiện giờ cô dành cả cuộc đời mình để giúp đỡ những phụ nữ khác trong cuộc chiến của họ với căn bệnh ung thư.

Là giám đốc điều hành của Hiệp hội Mỹ phẩm, Dụng cụ vệ sinh cá nhân và Nước hoa Canada, cô Abbott đã góp công khởi động chương trình Look Good-Feel Better, một chương trình giúp những người phụ nữ kiểm soát được những tác động của bệnh ung thư và quá trình điều trị nó lên dung nhan của họ. Chương trình này hiện đang được thực hiện tại 118 bệnh viện và các cơ sở điều trị ung thư trên khắp Canada.

Nhìn bề ngoài thì đây là một cuộc thảo luận miễn phí, kéo dài hai tiếng, là nơi các nhóm nhỏ phụ nữ mắc bệnh ung thư học các kỹ thuật trang điểm đơn giản, như làm thế nào đội tóc giả đúng cách, làm sáng làn da đã xám xịt, hay kẻ lông mày đã rụng do hóa trị liệu. Nhưng ngoài vẻ đẹp, thì chương trình còn có tác dụng như một hệ thống hỗ trợ để những người phụ nữ có thể chia sẻ thông tin, nhận được hướng dẫn nhẹ nhàng, đồng cảm từ các tình nguyện viên của chương trình, và cải thiện tinh thần của họ khi đối diện với hiện thực đau đớn.

Một bệnh nhân ung thư, cô Cynthia Mulligan chia sẻ trên trang web của Look Good, Feel Better: “Lần đầu tiên kể từ khi phát hiện khối u, tôi đang ngồi cùng một nhóm phụ nữ. Tất cả họ đều đang phải vượt qua những gì tôi đang vượt qua, và cảm nhận những gì tôi đang cảm thấy. Bạn không cần phải bảo vệ cảm xúc của họ hay che giấu đi nỗi đau của bạn”.

Nỗi buồn ung thư

Những dấu hiệu hiện ra khi điều trị ung thư có thể biểu hiện dưới nhiều hình thức như: rụng tóc, sụt cân hoặc tăng cân, sưng nề, tổn thương da, quầng mắt thâm, v.v… Những biểu hiện này có thể khiến bệnh nhân cũng như người thân của họ bị xáo trộn. Theo cô Abbott, một số bệnh nhân thậm chí còn bị người lạ nhìn chằm chằm. Vì vậy việc học những cách để che đi hoặc làm giảm các tác dụng phụ này có thể mang lại những ảnh hưởng sâu sắc đến tinh thần của người phụ nữ.

Cô Abbot giải thích: “Cuối cùng họ nhận thấy rằng nếu họ có thể kiểm soát tốt hơn cách thức mà họ đánh giá và cảm nhận, họ sẽ ứng dụng được những bài học này cho các phương diện khác trong cuộc hành trình của mình. Vì vậy, họ thực sự đã làm chương trình trở nên có ý nghĩa”.

Điều mà cô Abbott gọi là “nỗi buồn ung thư” – cảm giác đau khổ gây ra do ung thư và quá trình điều trị, theo một vài nghiên cứu đưa ra, có một ảnh hưởng thực sự đến khả năng chống chọi và chịu đựng căn bệnh của một người.

“Chương trình này hiện đang được thực hiện tại 118 bệnh viện và các cơ sở điều trị ung thư trên khắp Canada”

Một bài báo xuất bản trên tạp chí Clinical Oncology vào năm ngoái đã ủng hộ quan điểm ngày một gia tăng về việc khuyến cáo rằng tất cả các bệnh nhân ung thư và những người sống sót sau căn bệnh nên trải qua các đánh giá định kỳ về những triệu chứng trầm cảm và cảm giác lo lắng trong suốt chu trình điều trị.

Bài báo viết: “Thất bại trong việc phát hiện và điều trị chứng trầm cảm, lo lắng khi bị ung thư sẽ làm tăng nguy cơ về một cuộc sống có chất lượng kém. Ngoài ra, nó cũng làm tăng khả năng gia tăng tỷ lệ tử vong và mức độ suy sụp tinh thần do bệnh”.

Cô Abbott hy vọng chương trình Look Good, Feel Better sẽ tiếp tục mở rộng, đồng thời giúp nâng cao nhận thức về những tác động cảm xúc tiêu cực đối với căn bệnh. Cô cũng hy vọng chương trình sẽ thúc đẩy việc điều trị toàn diện hơn đối với các bệnh nhân ung thư và những người sống sót. Cô biết rất rõ cách làm thế nào để lấy lại cảm giác bình thường có thể tạo ra mọi sự khác biệt trong những thời khắc đen tối nhất.

Cô Abbott cho biết: “Khi tôi nhìn vào gương và trông thấy tôi là chính mình hơn, điều này đã mang lại sự động viên cho tôi – điều mà tôi cần trong nhiều ngày khi tôi gần như đã kiệt sức”.

Justina ReichelEpoch Times
Hướng Dương biên dịch

Exit mobile version