Đại Kỷ Nguyên

Chia sẻ thú vị của những người vợ lấy chồng ngoại quốc

Hãy xem chia sẻ của những cô vợ người Trung Quốc lấy chồng ngoại quốc để hiểu hơn về sự khác biệt văn hóa giữa Đông và Tây phương như thế nào…

Chồng người Mỹ: Tiền bạc và chi dùng (Người kể: 47 tuổi, đã kết hôn 10 năm)

Khoảng bảy năm trước sau khi lấy một người Mỹ, tôi làm biên tập cho một tạp chí; chồng hơn tôi 10 tuổi, cũng là nhà nghiên cứu văn học.

Ở Trung Quốc, một phụ nữ 40 tuổi đã ly hôn lại có một con là rất khó có cơ hội tái hôn; đặc biệt với người có học vấn ở mức tương đối như tôi, cho dù tôi có muốn “hạ mình” thì nhiều người đàn ông cũng khó “tiếp nhận”. Tôi lấy người Mỹ không phải vì ra nước ngoài, mà vì đàn ông Mỹ sống đơn giản, dễ chung sống. Dù qua bảy năm chung sống vui vẻ nhưng cũng khó tránh có những trở ngại, trong đó lớn nhất là chuyện “tiền bạc” và “đời sống vợ chồng”…. Đây là vấn đề văn hóa đặc biệt quan trọng trong hôn nhân!

(Ảnh minh họa)

Ở Trung Quốc, hai người kết hôn thì biến thành một người; còn ở Mỹ, hai người dù tốt thế nào thì vẫn là hai người, về kinh tế là phân minh rõ ràng… Đây không phải vấn đề thiếu tâm thiếu đức, mà là vấn đề văn hóa. Vợ chồng người Mỹ đa số có tài khoản ngân hàng riêng, chi phí của mỗi người thế nào phải công khai rõ ràng; việc xác nhận tài sản trước hôn nhân là thủ tục pháp lý cần thiết trước hôn lễ. Trước khi tôi và chồng kết hôn, anh ấy yêu cầu tôi ký vào tài liệu chứng minh tài sản để phân biệt rõ tài sản trước hôn nhân của chúng tôi không dính gì với nhau, lúc đó tôi không dễ chịu chút nào!

Một lần chúng tôi đón bạn từ sân bay, trước mặt bạn anh ấy đòi tôi 10 USD tiền xăng làm tôi vô cùng bẽ mặt. Vào ngày của Mẹ, chồng tôi gọi điện mời cha mẹ anh ấy về nhà dùng bữa, khi ăn xong cha mẹ anh ấy chủ động đưa tiền cho chúng tôi… Những việc thế này ở Trung Quốc không ai tưởng được, sao lại có chuyện cha mẹ về nhà con cái dùng bữa mà phải trả tiền? Nhiều khi tôi cảm thấy anh ấy cứ thiếu thiếu tình người, thật khác xa tình ruột thịt của người Trung Quốc; nhưng ở Mỹ đây là hiện tượng phổ biến. Chồng tính toán rõ ràng với tôi như thế quả thực khiến tôi khó xử. Tuy nhiên, lúc tôi thật sự gặp khó khăn về kinh tế anh ấy vẫn sẵn lòng giúp đỡ!

Năm con gái tôi 15 tuổi, vào học ở một trường nghệ thuật nổi tiếng, tôi cần một số tiền khá nhiều. Tôi kiểm tra toàn bộ tiền để dành vẫn còn thiếu 1000 USD… Thế là anh ấy hào hiệp lấy 1000 USD đưa cho tôi và nói số tiền hỗ trợ cho con gái tôi, lúc đó tôi rất cảm kích! Khi Trung Quốc gặp các loại thiên tai, anh ấy đưa tôi tới khu vực người Hoa rồi quyên góp 500 USD, lúc đó tôi cảm động vô cùng. Tôi nói đùa với anh ấy: “Nếu đưa cho tôi số tiền này tôi sẽ dùng gọi điện nhiều lần cho cha mẹ, nghe chán chê”. Anh ấy rối lên: “Vậy không được, không được!”

Sống lâu với anh, tôi dần hiểu những vấn đề “phải rõ ràng” và “không rõ ràng”, “hữu tình” và “vô tình” của anh. Tôi bắt đầu hiểu, hôn nhân với người Trung Quốc đặt trên nền tảng là cùng chung lý tưởng, sở thích; còn người Mỹ đặt trên nền tảng “thỏa thuận công bằng”; ở Trung Quốc quá chú ý chuyện nhu cầu thiết yếu hàng ngày; còn ở Mỹ, “thỏa thuận công bằng” là yếu tố quan trọng để hôn nhân bền vững!

Chồng người Pháp: Riêng tư và tự do! (Người kể: 39 tuổi, đã kết hôn 3 năm)

Tôi kết hôn đã ba năm với người chồng người Pháp. Người Pháp sùng bái chủ nghĩa cá nhân, quyền tự do và riêng tư cá nhân. Trong mắt họ, không gian riêng tư cá nhân là cao hơn tất cả, thần thánh cũng không được xâm phạm, ví như các vấn đề tuổi tác, tiền lương, thậm chí nơi ở… đều không nên tùy tiện hỏi. Một lần có hóa đơn điện thoại gửi tới, vì bì thư ghi tên của anh ấy mà tôi vẫn mở ra xem làm anh ấy khó chịu; Lễ Noel năm đó tôi không có nhà, mẹ anh ấy gửi thiệp chúc mừng cho chúng tôi, trên bì thư ghi tên tôi, anh ấy phải chờ tôi về mới mở ra… Tôi hỏi anh: “Thư này mẹ anh gửi, anh mở ra có sao đâu?” Anh ấy trả lời: “Nếu anh ấy bóc thư viết tên tôi, tôi có quyền kiện anh ấy!”

(Ảnh minh họa)

Trong quá trình thích ứng với “quyền riêng tư” của người Pháp, chúng tôi từng gặp xung đột. Một lần bạn tôi đến thăm, cô ấy không muốn chúng tôi ra sân bay đón vì sợ phiền nên không gọi báo điện thoại mà cứ đến thẳng nhà. Khi đó thấy bạn, tôi rất vui mừng, nhưng chồng tôi lại không cho cô ấy vào nhà, lý do là vì bạn tôi không hẹn trước với chúng tôi. Người Pháp cho rằng: “nhảy dù” vào nhà người khác tùy tiện là thiếu nghiêm túc và thô lỗ, vì thế nếu muốn làm khách trong nhà người Pháp phải báo trước. Một lần tôi giải thích: người Trung Quốc thích cà kê, xưa nay không hẹn trước, chỉ cần gõ cửa là được, đây là văn hóa của chúng tôi….

Một lần chúng tôi muốn đưa con riêng của anh về nhà một thời gian. Anh ấy điện thoại hẹn 5 giờ chiều đón cháu tại trường học. Chúng tôi chạy xe tới trường sớm hơn 20 phút, nhưng anh nhất định ngồi trên xe chờ đúng 5 giờ mới vào trường. Dù biết đây là văn hóa của họ nhưng trong lòng tôi vẫn cảm thấy không thoải mái.

Một lần anh ấy nói với tôi muốn đi tham gia hôn lễ của vợ trước, tôi không muốn anh ấy đi nhưng anh không nghe, và chúng tôi cãi nhau. Tôi nói anh ấy không một lòng với tôi, anh lại nói vì thật lòng nên mới chia sẻ chuyện này với tôi. Tôi tức quá la lên: “Anh và cô ta vẫn vương vấn với nhau!” Anh ấy cũng la lên: “Việc này không liên quan đến em, anh thích gì kệ anh, người Trung Quốc thật nhỏ mọn!” Anh ấy lại tiếp: “Ở Pháp, ai cũng có quyền tự do. Chuyện này anh làm không có gì sai, anh đi để chúc mừng chứ có lên giường đâu!” Nói xong anh ấy bỏ đi ngay… Tôi tức đến cả đêm không ngủ được!

Tôi cũng từng trải qua một lần kết hôn ở Trung Quốc và có một bé gái đáng yêu. Trước đây tôi là diễn viên chính trong một đoàn kịch, chồng trước là thầy giáo thời trung học của tôi. Ly hôn không lâu thì tôi gặp người chồng hiện nay, thế rồi chúng tôi kết hôn và tôi chuyển tới Pháp. Thực sự anh ấy rất quan tâm tôi, chỉ do văn hóa hai nước bất đồng nên rất khó đạt được cảnh “phu xướng phụ tùy” kiểu Trung Quốc.

Tôi từng hỏi dò anh ấy có thể cho con gái tôi đến sống chung không, anh ấy nói đây là quyền của tôi, anh ấy không thể xen vào. Tôi vừa tủi vừa cực đưa bé đến chung sống cùng để thỏa ước nguyện đoàn viên mẹ con, nhưng con gái không hiểu khổ tâm của tôi. Cháu hận tôi vì chuyện gia đình ly tán; cháu càng hận người chồng nước ngoài của tôi vì cho rằng người này đã cướp mẹ của cháu đi.

Chồng tôi đối xử rất tốt với cháu. Một lần mua cho cháu bộ quần áo nhưng không những cháu không cảm kích mà còn hận hơn, rồi đến đồ đạc của mình, cháu cũng không cho chồng tôi chạm vào. Anh ấy bất mãn vì chuyện này nhưng không chia sẻ với tôi mà bỏ đến nhà bạn ở một thời gian. Sau khi chồng tôi đi, tôi tâm sự với con: “Con hãy ở lại Pháp học, người đó cũng tốt với con như với mẹ thôi”. Nhưng cháu kiên quyết không đồng ý và nói muốn về sống với cha ruột. Ngày tiễn cháu về tôi không cho chồng tôi biết vì sợ họ lại thêm mâu thuẫn, kết quả chồng tôi khi về nhà liền nổi giận. Tôi nói việc này không quan trọng, anh ấy nói đây là văn hóa của họ, họ không thể để khách tự do đến tự do đi, người Pháp tiễn khách phải đến sân bay vẫy tay chào từ biệt, nếu không người ta sẽ nói không tôn trọng khách, là người thiếu nhân cách. Lời anh nói làm tôi tủi thân, vì ở Trung Quốc việc đón hay tiễn khách khá tùy tiện, có khi đưa khách xuống lầu rồi gọi một tiếng “taxi” là xong, không cần suy nghĩ gì nhiều… Giờ càng ngày tôi càng nhận rõ sự khác biệt về văn hóa giữa hai nước!

Chồng người Úc: Chi tiêu và giải trí (Người kể 32 tuổi, đã kết hôn 4 năm)

Tôi lấy chồng rồi đến Úc giảng dạy tiếng Trung. Vợ chồng Trung Quốc luôn phải “trái tim chung nhịp”, nhưng người Úc không hiểu “trái tim chung nhịp”, cũng không hiểu thế nào là tình yêu sâu lắng. Tôi thừa nhận hôn nhân này chủ yếu vì tấm thẻ xanh, nhưng tôi không muốn đi chỉ vì tấm thẻ xanh mà thực sự muốn chung sống hạnh phúc với anh.

Do môi trường trưởng thành khác nhau, chúng tôi khác biệt quá nhiều về văn hóa và lối sống nên sinh nhiều mâu thuẫn. Ban ngày tôi làm việc mệt mỏi, khi về nhà chỉ muốn nằm nghỉ, nhưng anh ấy lại khác, sau một ngày làm việc mệt về còn tiếp tục muốn đi ra ngoài vận động; cuối tuần tôi muốn ở nhà nghỉ ngơi yên tĩnh, còn chồng lại muốn chạy xe đến một nơi thật xa để ngắm cảnh thiên nhiên. Tôi muốn tiết kiệm chi tiêu, hàng tháng để dành lại chút tiền; anh ấy lại thích chi tiêu vượt mức thẻ tín dụng. Những thứ chúng tôi mua sắm như nhà, xe, đồ gia dụng, tất cả đều mua trả góp, tiền lương hàng tháng đều chi tiêu hết sạch… Vì chuyện này mà tôi và anh thường xảy ra mâu thuẫn.

(Ảnh minh họa)

Chồng tôi làm gì cũng theo trật tự. Anh động viên tôi tắm mỗi ngày hai lần, tối một lần, sáng một lần; khi ăn không được trực tiếp dùng đũa gắp ăn, phải cho đồ ăn vào cái đĩa nhỏ của riêng mình rồi mới cho vào miệng; khi đi đường dù ở đâu cũng phải để người già và trẻ em đi trước…. Tôi thấy ức chế và yêu cầu anh không nên khắt khe quá với tôi. Anh chân thành đáp lại: “Em yêu, em đã đến Úc thì nên học cách thích ứng với hoàn cảnh mới, xã hội nào cũng có đặc điểm của xã hội đó, hành vi của em nên theo nguyên tắc làm sao để không ảnh hưởng tới người khác”. Câu nói của anh làm tôi thẹn đỏ mặt, thầm nghĩ: mình theo giáo dục nhà trường hơn chục năm, hơn nữa lại theo nghề dạy học mấy năm, thế mà trong mắt anh tôi chỉ là “đứa trẻ mù chữ” không hiểu gì… Tôi vừa xấu hổ lại vừa vô cùng tủi thân!

Một lần tôi làm bữa ăn thịnh soạn, trong đó đặc biệt có nồi canh móng heo, muốn chồng tôi thưởng thức món mới. Chồng tôi vừa về trông thấy đồ ăn thịnh soạn thì xúc động ôm tôi nói: “Em yêu, em tuyệt quá, nhờ có em mà anh cảm nhận được hương vị ấm áp của gia đình!” Thế rồi anh tắt điện, châm nến, mở nhạc… chúng tôi chìm vào bầu không khí lãng mạn, vừa ăn vừa nói chuyện. Canh móng heo hầm cũng nhừ, tôi lấy ra rồi để lên bàn. Chồng tôi kinh ngạc hỏi: “Thứ gì đây?” Tôi trả lời là móng heo, ăn rất ngon. Anh nếm một chút rồi buông ngay, sau một thoáng mới nói: “Em à, anh đề nghị em không ăn món này!” Khi ăn không nên chỉ biết có mùi vị, cần biết đến hàm lượng dinh dưỡng của món ăn, món này sẽ biến em thành người béo mập, anh hy vọng em hiểu ý của anh. Vậy là mấy cái móng heo đã làm hỏng cả buổi tối lãng mạn!

Người Úc quá đề cao việc hưởng thụ, người Trung Quốc lại quá đề cao tiết kiệm. Vào kỳ nghỉ hè, một lần chồng tôi muốn đi biển du lịch, còn tôi lại muốn tiết kiệm tiền nên không muốn đi. Anh ấy cố chấp nói: “Em vất vả quá, phải thư giãn một chút!” Tôi đáp lại: “Chúng ta không có nhiều tiền như thế!” Anh nói: “Không phải chúng ta còn 1000 đô hay sao? Sao lại nói không có tiền?” Tôi trả lời: “Chúng ta là gia đình, phải tiết kiệm phòng khi khó khăn bất ngờ”. Anh cười rồi nói: “Em nghĩ nhiều như thế làm gì?” Thế rồi anh nhất quyết đưa tôi đi du lịch, chỉ trong 3 ngày tiêu hết sạch tiền! Anh nói: “Người Trung Quốc chỉ biết tiết kiệm tiền, cứ như cuộc sống chỉ để tiết kiệm tiền! Nếu có tiền không biết thụ hưởng thì trở thành nô lệ của đồng tiền! Chỉ khi anh tiêu tiền thì mới cố gắng để kiếm tiền”.

Theo secretchina

Tinh Vệ biên dịch

Xem thêm:

Exit mobile version