Đại Kỷ Nguyên

Chỉ có 2 ngón tay vẫn kiên nhẫn viết thư gửi vào tù, bỗng một ngày ông nhận được hồi đáp…

Có một người đàn ông bị tai nạn giao thông. Vụ tai nạn quá khủng khiếp đã làm ông mất cả hai chân và cánh tay trái. Thậm chí bàn tay phải của ông cũng chỉ còn ngón cái và ngón trỏ. Nhưng ông vẫn còn sở hữu một trí não minh mẫn và một tâm hồn rộng mở. Tên của ông già là Hagrid.

Suốt những ngày nằm viện, ông Hagrid rất cô đơn vì ông không còn người thân hay họ hàng. Không ai đến thăm. Không điện thoại, không thư từ. Ông như bị tách khỏi thế giới.

Ông Hagrid rất cô đơn vì ông không còn người thân hay họ hàng. (Ảnh minh hoạ: Btv)

Một ngày nọ, trong khi đang đắm mình trong những suy tưởng về quá khứ, khoảng thời gian ông làm người đưa thư, Hagrid nghe thấy tiếng thút thít ở giường bên cạnh. Với bản tính luôn quan tâm tới người khác của mình, ông cất tiếng hỏi cô bé giường bên, dù ông vẫn chưa thể quay người lại để nhìn cô gái nhỏ:

“Cô bé, sao cháu lại khóc vậy, có phải là cháu đang quá đau không? Đừng khóc, ta sẽ nhấn chuông gọi y tá tới giúp cháu nhé.”

“Không ông ơi, không phải cháu đang đau ông ạ, chỉ là cháu đang quá xúc động thôi.”

“Điều gì làm cháu yêu của ta xúc động tới vậy? Cháu có thể kể cho ta nghe với được không?”

Chỉ là cháu đang quá xúc động thôi. (Ảnh minh hoạ: Blogradio)

“Tất nhiên là được rồi ông ạ. Từ khi vào viện, cháu thường xuyên nhận được thư của anh trai trong quân ngũ. Bình thường anh ấy rất bận rộn và phải rất tranh thủ để viết thư về cho gia đình. Nhưng khi mẹ cháu nói, cháu phải nằm viện và điều trị dài ngày, thì mỗi tuần hai lần anh cháu đều gửi thư cho cháu. Anh ấy muốn động viên và mong cháu luôn giữ cho mình tinh thần lạc quan và kiên cường nhất.”

“Cô bé, vậy cháu phải cười thật vui mới khiến anh cháu yên lòng chứ, vậy sao cháu lại khóc?”

“Cháu vui lắm chứ ông, nếu không có những cánh thư của anh cháu, có lẽ cháu đã không chịu đựng được khi các bác sĩ cưa mất đôi chân của mình. Anh cháu đã an ủi cháu bằng từng chữ trong những bức thư ấy.

Nhưng, cháu khóc vì khi đọc thư của anh, cháu biết anh đã phải dành một phần thời gian ngủ của mình để có thể viết thư cho cháu. Ông biết mà, trong quân đội, giờ giấc luôn thật nghiêm chỉnh.”

Những lá thư đã khiến cho cô bé có thêm nhiều hy vọng, vậy thì… (Ảnh dẫn qua giesuchanhlongthuong.net)

Câu trả lời của cô bé khiến người bệnh già rất xúc động và nó còn giúp ông nảy ra một sáng kiến: Một lá thư có thể đem lại niềm vui và sự an ủi đến thế và ông thì có quá nhiều thời gian rảnh rỗi ở trong bệnh viện này, vậy tại sao ông lại không viết những lá thư để đem lại niềm vui cho người khác? Ông vẫn có thể viết bằng hai ngón tay của bàn tay phải dù sẽ rất khó khăn.

Nhưng ông biết viết thư cho ai bây giờ? Có ai đang rất mong nhận được thư và ai có thể được động viên bởi những lá thư của ông? Và rồi ông nghĩ tới những tù nhân. Họ cũng cô đơn và cần sự giúp đỡ.

Nghĩ vậy, ông Hagrid ngay lập tức bắt tay vào làm. Đầu tiên, ông viết thư tới một tổ chức xã hội, đề nghị chuyển những lá thư của ông vào trong tù. Họ trả lời rằng những lá thư của ông sẽ không được trả lời đâu, vì theo điều luật của bang, tù nhân không được viết thư gửi ra ngoài. Nhưng điều ấy không thể ngăn cản ông thực hiện việc giao tiếp một chiều này.

Ông viết mỗi tuần hai lá thư. Việc này lấy của ông rất nhiều sức khỏe, nhưng ông đã đặt cả tâm hồn mình vào những lá thư cũng như tất cả kinh nghiệm của cuộc sống, niềm tin và hy vọng.

Ông vẫn có thể viết bằng hai ngón tay của bàn tay phải dù sẽ rất khó khăn. (Ảnh minh hoạ: Thoibaotoday)

Những cánh thư của ông thường có nội dung rất đơn giản nhưng với kinh nghiệm của một người đã trải qua nhiều thăng trầm trong cuộc đời, ông biết những con người đang phải trả giá cho những sai lầm của họ ấy cần điều gì.

Vậy là ông chọn viết những lá thư về Hy vọng – Tình yêu – Sự tha thứ. Thư của ông không bao giờ dài quá một trang giấy, bởi Hagrid phải vật lộn gần như cả buổi với hai ngón tay, cắn răng chịu đựng cái đau đến tái người để có thể viết được một lá thư.

Hagrid không bao giờ chọn dùng những từ ngữ nằm trong phạm trù của sự buồn đau và chán nản. Ông kể cho họ những mẩu chuyện nhỏ diễn ra trong bệnh viện. Sự dũng cảm và nụ cười của những người mắc bệnh nặng mà ông được nhìn thấy. Tuy không phải ngày nào cũng có những câu chuyện như vậy, nhưng Hagrid tin rằng các tù nhân sẽ tìm được nhiều sự an ủi và động viên ở đó. Những nụ cười bao giờ cũng khiến ta nhìn về phía trước.

Ông còn chia sẻ với họ rất nhiều phát hiện của mình trong những ngày nằm viện. Ví dụ như, tù ngục và bệnh tật trên thân thể dường như có một mối tương đồng thú vị, cả hai đều khiến con người tách ra khỏi cuộc sống thường ngày của mình và ở yên một chỗ. Hơn thế nữa, đó chắc chắn là một cơ hội quý để mỗi người có thêm thời gian suy nghĩ về những điều mình đã làm và cách mình đã sống.

Ông lấy ví dụ của chính mình. Thời gian nằm đây với thân thể khuyết thiếu của mình, ông đã học được cách bao dung hơn với bản thân. Ông đã cố gắng vượt thoát khỏi những dằn vặt nội tâm, những sợ hãi. Và sau đó là tìm ra một lẽ sống mới, ý nghĩa hơn cho sự tồn tại của mình – đó là việc viết những lá thư này.

Thậm chí, người bệnh già còn hóm hỉnh viết “Các anh biết không, mọi người có lẽ còn có nhiều cơ hội để làm lại từ đầu hơn một người như tôi”. Hãy cố gắng lên vì anh còn sống và Chúa vẫn luôn ở bên anh, luôn là những gì mà người đọc thư của Hagrid cảm thấy.

Những lá thư về Hy vọng – Tình yêu – Sự tha thứ của Hagrid đã trở thành đôi cánh nâng đỡ những tâm hồn cô đơn, buồn khổ (Ảnh dẫn qua: truyentinhyeu)

Bên cạnh đó, Hagrid không quên kể lại cho họ nghe những câu chuyện tốt đẹp, những hồi ức khi gia đình ông còn được quây quần. Tình yêu mà ông đã dành cho vợ và những đứa trẻ của mình. Ông hy vọng rằng cảm nhận được hạnh phúc gia đình, sẽ khơi lên trong trái tim những người tù tình thương và động lực để cải tạo tốt hơn.

Nửa năm đã trôi qua, tuần nào cũng vậy, đều đặn ông vẫn làm công việc viết thư, dù ông đã được chuyển từ bệnh viện vào một trại dưỡng lão đặc biệt.

Nhưng không bao giờ Hagrid muốn ngừng viết. Ông không biết những lá thư của ông thực sự có ích cho ai hay không. Tuy nhiên, vì việc viết thư đã thành thói quen và rất nhiều người trong viện dưỡng lão này đã biết. Họ luôn động viên ông hãy tiếp tục. Có những cụ già khác cũng muốn gửi lời chào và những lời khích lệ đến các tù nhân.

Cứ như vậy, Hagrid tiếp tục viết, dù tần xuất những lá thư giảm dần theo sức khỏe của ông. Cho tới một ngày, cô ý tá Jannie đến bên ông, khi đó đang ngồi trên chiếc xe lăn và nhìn ra những giọt mưa tí tách rơi ngoài khung cửa. Đôi mắt ông đượm buồn và dường như có những giọt lệ trực tràn nơi khóe mắt.

“Hagrid, có chuyện gì không ổn với ông đúng không ạ? Cháu thấy ông có vẻ buồn.”

“Không có gì đâu Jannie, chỉ là ông cảm thấy mình không còn nhiều thời gian để làm công việc mà chúng ta vẫn đang làm. Và ông ước rằng, dù chỉ một lần, ông được biết họ đã thực sự đọc được những cánh thư ấy.”

Y tá Jannie không biết nói gì, vì cô chính là người gửi đi những cánh thư của Hagrid mỗi tuần. Cô khẽ chạm tay lên vai ông lão có trái tim thật rộng lớn ấy. Cô không biết phải làm gì hay nói gì để an ủi Hagrid, cô chỉ biết đứng đó cùng ông và thầm cầu nguyện mỗi đêm cho ước nguyện của ông sẽ thành sự thật.

Và rồi, cuối cùng cánh thư mà ông Hagrid không bao giờ dám hy vọng cũng đã tới. Đó là một tuần trước Noel. Jannie cầm trên tay chiếc phong bì có dòng chữ “Gửi ông Hagrid B.. Từ nhà ngục đã nhận được thư ông”, cô chạy ngay tới tìm ông Hagrid.

Thư được viết bằng loại giấy nhà tù, do chính người quản giáo viết.

“Xin chào Quý ông của những bức thư (các tù nhân yêu cầu tôi viết như vậy cho ông),

Tôi thay mặt cho các tù nhân gửi tới ông lời yêu cầu này: Xin ông hãy viết thư trên loại giấy tốt nhất ông có thể có được. Vì những lá thư của ông được chuyền từ phòng giam này sang phòng giam khác, từ tay tù nhân này sang tù nhân khác đến mức giấy đã bị rách cả.

Họ cũng nhờ tôi viết cho ông rằng, họ xin chân thành cảm ơn và xin chúc ông luôn được mạnh khỏe.

Xin cảm ơn ông.

Quản giáo trại giam – nơi đã luôn nhận được sự tử tế từ trái tim chắc chắn chân thành của ông.”

Cầm giữa hai ngón tay lá thư ngắn gọn ấy, gương mặt ông Hagrid như chưa bao giờ rạng rỡ hơn.

Một tuần sau, Hagrid ra đi. Mọi người phát hiện ra ông đã tạm biệt thế gan trong đêm Giáng sinh, với món quà tuyệt vời nhất – lá thư của người quản giáo trên ngực và một nụ cười thanh thản nơi khóe môi.

Xin chào Quý ông của những bức thư. (Ảnh minh hoạ: Xpscw)

Ngoài trời, những bông tuyết vẫn đều đặn đáp nhẹ lên khung cửa sổ. Có lẽ những bông tuyết thanh khiết ấy cũng đến để tiễn biệt một tâm hồn nhân hậu về tới Thiên Đàng. Viện dưỡng lão hôm ấy vắng đi một người, nhưng tất cả đã ngồi trong phòng sinh hoạt chung ấm cúng, nắm tay nhau và hát một bài hát Giáng sinh để tặng cho Hagrid – Quý ông của những bức thư.

Hải Lam

Xem thêm:

Exit mobile version