Đại Kỷ Nguyên

Chen ngang hàng, ép người khác uống rượu ở Nhật Bản bị xử phạt thế nào?

Mọi người sau khi đến Nhật Bản một thời gian đều sẽ phát hiện thấy người Nhật Bản tuân thủ trật tự, nho nhã, lễ độ… Tố chất tốt đẹp của người Nhật Bản thực sự khiến người ngoại quốc thán phục!

Khi tìm hiểu nguyên nhân, người ta phát hiện rằng những tố chất ấy ngoài việc chịu ảnh hưởng từ gia đình, giáo dục của nhà trường, hoàn cảnh xã hội ra còn có yếu tố rất quan trọng đó là sự nghiêm khắc của pháp luật. Nhiều người sẽ khó tin rằng những hành động mà nhiều người cho là nhỏ như chen ngang, ép người khác uống rượu, leo cột điện…đều sẽ phải chịu hậu quả không thể lường được!

Dưới đây xin kể ra một số hành vi “thói quen” thường thấy ở một quốc gia sẽ bị xử phạt như thế nào nếu xảy ra ở Nhật Bản:

1. Chen ngang

Pháp luật Nhật Bản quả thực “yêu thích” quản việc nhỏ! Nếu như bạn đến Nhật Bản mà dám “chen ngang” khi xếp hàng thì sẽ phải chịu sự trừng phạt của pháp luật. Căn cứ khoản số 13, điều 1 luật “phạm tội nhẹ nước Nhật Bản” quy định: Căn cứ tình tiết nặng nhẹ hành vi chen ngang khi xếp hàng, người vi phạm có thể bị phạt tiền cao nhất lên đến 1 triệu yên (gần 200 triệu vnđ), thậm chí bị giam giữ trong 24 tiếng.

2. Nôn ọe trong taxi

Pháp luật Nhật Bản xử lý trong tình huống này là: Không quan tâm người vi phạm uống bao nhiêu nhưng đã nôn ọe trong xe taxi là có lỗi và trái pháp luật. Người vi phạm đã phạm vào lỗi “vi phạm hợp đồng” trong luật dân sự nước Nhật Bản nên sẽ bị phạt tiền và bồi thường phí tổn dọn xe cho chủ xe.

3. Đánh nhau nơi công cộng

Pháp luật về an toàn nơi công cộng của Nhật Bản quy định, vô luận là vì nguyên nhân gì mà thông qua bạo lực để tiến hành giải quyết thì đều phạm tội và sẽ bị chịu hình phạt tù từ 6 tháng đến dưới 2 năm.

4. Nhổ đờm tại công viên

“Luật phạm tội nhẹ nước Nhật Bản” quy định: Nếu nhổ đờm tại công viên hoặc nơi công cộng khác mà bị bắt thì sẽ bị phạt tiền từ 1000 yên (gần 200 nghìn vnđ) cho đến 10.000 yên (khoảng 2 triệu vnđ) và ghi vào hồ sơ của cá nhân phạm tội. Điều đáng sợ là, trong hồ sơ chỉ ghi “có” vào cột “phạm tội” mà không ghi rõ là phạm tội gì cho nên rất có thể sẽ bị người khác nghĩ là bị tội nặng như ăn cắp, sát nhân…

5. Tự ý đi đến Nam Cực mà chưa được phép

Nam Cực được xem là thiên đường cuối cùng trên địa cầu” nên nhiều người Nhật Bản muốn đến. Người Nhật Bản lại là người rất chú ý đến bảo vệ môi trường nên pháp luật về bảo vệ môi trường ở Nam Cực của Nhật Bản quy định: Công dân Nhật Bản muốn đi đến Nam Cực phải gửi đơn lên cơ quan có liên quan để trình bày, xin phép. Sau khi trải qua 4 tiết học của khóa huấn luyện về “Kiến thức liên quan đến bảo vệ môi trường ở Nam Cực” và phải thi đỗ thì mới được đi Nam Cực. Nếu tự ý đi sẽ bị phạt tiền, cao nhất là 500.000 yên (gần 100 triệu vnđ).

6. Vứt rác không đúng thời gian quy định

Ở một số địa khu của Nhật Bản, cơ quan quản lý rác của chính phủ có quy định phân loại: Thứ 2 là ngày thu rác có thể cháy, thứ ba là ngày thu rác không thể cháy, thứ 4 là ngày thu rác chai, lọ… Nếu như vứt rác không đúng theo quy định đã phân loại mà bị bắt được sẽ bị coi là người phạm pháp và bị xử phạt. Pháp luật về rác của Nhật Bản quy định: Căn cứ vào tình tiết nặng hay nhẹ mà có thể bị phạt tù cao nhất là 5 năm và phạt tiền cao nhất đến 10 triệu yên (gần 2 tỷ vnđ).

7. Che dấu tiền được trả lại thừa

Tại Nhật Bản, nếu như bạn phát hiện ra mình được người bán trả lại tiền thừa nhiều hơn số tiền đáng ra được nhận mà không lên tiếng thì sẽ phạm vào tội lừa gạt trong luật dân sự Nhật Bản. Căn cứ tình tiết nặng hay nhẹ mà bị phạt tiền hoặc bị giam giữ.

8. Leo cột điện

Luật dân sự Nhật Bản quy định, muốn leo lên cột điện làm việc gì đó phải được sự chấp thuận của “người quản lý kỹ thuật điện quốc gia”. Nếu như chưa được sự đồng ý mà tự tiện leo lên cột điện sẽ bị khép vào tội “hoạt động trái với trình độ chuyên môn” được quy định trong luật dân sự và bị phạt tiền. Trường hợp nghiêm trọng như gây mất điện phạm vi lớn thì không chỉ bị phạt tiền mà còn phải bồi thường tổn thất kinh tế do mất điện gây ra và bị giam giữ dưới 1 năm.

9. Lái xe khi say rượu

Nhân khẩu ở Nhật Bản đông mà đường lại hẹp. Uống rượu say mà lái xe đã trở thành vấn đề nan giải của xã hội. Pháp luật quy định về vấn đề này không cụ thể. Nhân viên chấp pháp sẽ căn cứ vào biểu hiện của người lái xe sau khi uống rượu như thế nào. Ví dụ như, có lái xe được bình thường hay không, đứng có vững không, có đi được thẳng đường không…, để phán đoán tương ứng. Tùy theo mức độ nặng nhẹ, người điều khiển xe khi say rượu sẽ bị phạt cao nhất là 5 năm tù giam hoặc 1 triệu yên (gần 200 triệu vnđ). Người điều khiển xe có mùi cồn sẽ bị phạt 3 tháng tù giam hoặc 50.000 yên (gần 10 triệu vnđ)… Tùy theo nặng nhẹ mà bị thu bằng lái xe, hủy bằng lái xe. Nếu lái xe khi say rượu mà gây tai nạn chết người thì phải chịu hình phạt tù và phạt tiền rất cao.

10. Ép rượu

Nếu bạn đến Nhật Bản, đừng mang theo thói quen mời rượu, ép rượu bởi vì căn cứ điều 2, pháp luật về “phòng ngừa say rượu gây rối loạn an ninh trật tự” quy định: Hành vi cưỡng ép người khác uống rượu sẽ bị phạt giam giữ 48 tiếng và phạt tiền cao nhất đến 10.000 yên (gần 2 triệu vnđ). Nếu như người bị ép rượu mà say rượu gây chuyện thì người ép rượu cũng bị tội.

Theo NTDTV
Mai Trà biên dịch

Xem thêm:

Exit mobile version