Đại Kỷ Nguyên

Chườm nóng hay chườm lạnh lúc nào thì tốt nhất? 10 bí quyết giúp bạn tạm biệt những cơn đau cơ

Bạn vừa lao động quá sức và thế là các bắp thịt bị căng cứng và đau nhức. Hoặc bạn vừa bị va đập vào đâu đó khiến đầu gối hay khuỷu tay bị sưng phù…

Có thể bạn sẽ nghĩ tới việc chạy ngay tới hiệu thuốc để mua các loại thuốc xoa bóp hay mấy viên aspirin để nhanh chóng giảm đau. Nhưng đừng vội, hãy đọc bài viết dưới đây để biết những cách giảm đau, giảm sưng nhanh chóng mà không tốn của bạn một đồng nào.

Y học đã chứng minh rằng những thay đổi của nhiệt độ bên ngoài sẽ dẫn đến sự thay đổi không nhỏ bên trong cơ thể con người và với những nền nhiệt độ khác nhau, cơ thể sẽ có những phản ứng khác nhau. Vấn đề đặt ra là khi bạn gặp một tổn thương nào đó, bạn sẽ chọn cách tác động làm tăng nhiệt độ, hay còn gọi là chườm nóng, hay tác động làm giảm nhiệt độ, tức là chườm lạnh.

Cả hai loại phương pháp đều có hiệu quả nhất định, nhưng điều quan trọng là chúng ta cần phải biết khi nào dùng cách nào. Vì như ta đã biết, nóng và lạnh có tác động khác nhau đến cơ thể.

Sức nóng rất tốt trong việc làm tăng tuần hoàn và để cơ bắp được thả lỏng thư giãn (dù là bị đau ở bên trong hay bên ngoài), trong khi chườm lạnh lại hữu ích trong việc ngăn ngừa sưng phù và giảm đau. Việc dùng chúng đúng lúc có thể khiến quá trình hồi phục nhanh hơn rất nhiều.

Thật may, bài viết sau đây có thể nói cho bạn biết điều này, khuyên bạn khi nào cần đắp khăn lạnh và khi nào thì sử dụng miếng dán nhiệt. Đồng thời sẽ cho bạn biết rằng đối với những chỗ sưng u, các vết bầm tím, chỗ trẹo, sái và bong gân thì việc kết hợp cả hai phương pháp sẽ giúp bạn bớt đau và phục hồi một cách dễ dàng. 

Nói chung, chườm lạnh và chườm đá nên được sử dụng với những vết thương dưới 6 tuần, vì cách làm giảm nhiệt độ sẽ giúp các mạch máu co lại và làm giảm đau, đồng thời còn làm giảm sưng, viêm và ngăn vết bầm tím lan rộng.

Ngược lại, chườm nóng làm tăng lưu lượng máu, thả lỏng những cơ bị căng cứng và làm các khớp bớt đau. Chườm nóng nên được sử dụng với những vết thương kéo dài trên 6 tuần.

Khi nào chúng ta nên chườm lạnh?

Trường hợp thứ nhất:  Chườm lạnh khi có dấu hiệu của bệnh gút

Bệnh gút là một trong những dạng viêm khớp gây đau đớn nhất, xảy ra khi có quá nhiều axit uric tích tụ trong cơ thể. Nó có thể khiến người bệnh phải chịu đựng những cơn đau ghê gớm, kèm theo các hiện tượng sưng, tấy đỏ.

Chườm lạnh là cách tốt nhất để xoa dịu những triệu chứng của bệnh gút vì nó sẽ làm giảm viêm và giảm sưng, đồng thời cũng khiến cơn đau nhẹ đi.

Trường hợp thứ hai: Chườm lạnh khi bị viêm gân

Viêm gân là tình trạng dây chằng sưng tấy sau một cử động, thường hay xảy ra nhất ở vai, khuỷu tay, đầu gối và gót chân. Giống như bệnh gút, viêm gân cũng gây ra rất nhiều đau đớn, do đó chườm đá là tốt nhất để làm giảm viêm, giảm đau, đồng thời khiến cho chỗ sưng không trở nên nặng hơn.

Trường hợp thứ 3: Chườm lạnh khi bị bong gân, trước khi vết thường bị sưng tấy

Chườm đá là cách tốt nhất để làm dịu những chỗ mới bị tổn thương. Vì thế nếu bạn bị bong gân ở mắt cả chân, trật khớp, hay sai khớp, hãy đặt một viên đá lên chỗ đó ngay lập tức rồi sau đó gác chân lên cao. Cách đơn giản này sẽ giúp giảm đau ngay tức thì, chỗ bị thương cũng sẽ không bị sưng to và đỡ nhức hơn rất nhiều.

Trường hợp thứ 4: Chườm lạnh trước khi sưng khi bị căng cứng

Cũng như tình trạng bong gân, đá có tác dụng ngay lập tức khi một bắp thịt bị căng cứng hay bị rách cơ. Hãy cứ tiếp tục chườm lạnh tới khi chỗ sưng xẹp xuống. Một cách làm hữu ích là chườm đá liên tục khoảng 10 phút, rồi ngừng lại 10 phút, rồi tiếp tục làm thế trong một khoảng thời gian. Hãy đặt miếng gạc làm lạnh giữa đá và làn da để tránh làm da bị thương tổn và khó chịu.

Trường hợp thứ 5: Chườm đá khi bị đau đầu

Đá cũng rất tốt trong việc làm giảm cơn đau đang khiến bạn hoa mắt chóng mặt. Cái lạnh có tác dụng làm tê chỗ đau và giảm bớt cảm giác choáng váng.

Khi nào nên chườm nóng?

Trường hợp thứ nhất: Chườm nóng khi bị sai khớp

Khi bị đau kéo dài tới mức trở thành đau kinh niên hoặc vết thương cũ tái phát thì nên dùng chườm nóng. Hoặc khi bạn bị đau do khớp bị cứng thì tốt nhất hãy dùng băng nhiệt ẩm để làm dịu vết thương.

Hãy nhúng một miếng vải trong nước thật nóng, và đặt chúng lên chỗ khớp bị đau để làm giảm và dịu chỗ đau.

Trường hơp thứ 2: Chườm nóng bị bong gân, chườm sau khi đã đỡ sưng

Khi chỗ sưng do bị bong gân giảm đi là lúc dùng nhiệt. Sức nóng sẽ làm mềm gân và cơ căng cứng khi bị thương tổn.

Bên cạnh đó, bắp thịt được thả lỏng sẽ đỡ bị căng cứng trong quá trình phục hồi sau đó.

Trường hợp thứ 3: Chườm nóng khi bị căng cứng, chườm sau khi chỗ sưng đã giảm bớt.

Nên chườm nóng để các cơ được mềm và thả lỏng. Điều này sẽ giúp các cơ không bị căng cứng  và giúp cơ linh hoạt khi vết thương lành lại.

Trường hợp thứ 4: Chườm khi bị viêm gân

Viêm gân là tình trạng kích ứng của dây chằng ở các ổ khớp. Tình trạng này gây đau và đau ngay phần bên ngoài, vì thế chườm nhiệt là phương thức tốt nhất để thư giãn và giảm đau.

Tuy nhiên, nếu còn bị sưng hoặc đỏ, trước tiên hãy chườm đá và chỉ chườm nhiệt khi đã đỡ sưng.

Trường hợp thứ 5: Chườm nóng khi cơ bị co cứng

Chườm nóng sẽ làm các bắp thịt đỡ căng và không bị co cứng, đồng thời giúp giảm đau vô cùng hiệu quả.

Khi bị đau, bị sưng, bạn thường chườm nóng hay chườm lạnh? Hay bạn dùng một phương thuốc nào khác? Hãy vận dụng những phương pháp đơn giản nhưng hữu ích này để nhanh chóng xoa dịu những cơn đau và tự chữa trị được cho mình nhé!

Theo Littlethings

Xuân Dung biên dịch

Xem thêm:

Exit mobile version