Đại Kỷ Nguyên

Chăm sóc tâm hồn: 6 gợi ý để cảm nhận sự lý thú và hữu ích của việc viết nhật ký

Khi nhắc đến việc “viết Nhật ký”, nhiều người sẽ nghĩ ngay tới những cuốn nhật ký màu hồng của các thiếu nữ mới lớn. Nhưng có bao giờ bạn nghĩ “viết Nhật ký” là phương pháp chăm sóc tâm hồn vừa hữu ích vừa rất lý thú mà bất cứ ai cũng có thể sử dụng.

Trong bài viết mở đầu về chủ đề viết đều đặnChăm sóc tâm hồn: Khám phá 7 lợi ích tuyệt vời của việc ‘viết nhật ký hàng ngày’, chúng tôi đã giới thiệu với quý bạn những lợi ích căn bản nhất của hoạt động viết đối với sức khỏe tâm hồn mỗi người. 

Nhận thấy tình trạng tràn ngập thông tin trong xã hội hiện đại ngày nay, chúng tôi càng thêm tin tưởng vào luận điểm: Cần có một phương pháp nào đó giúp con người tĩnh lại để nhìn nhận sâu hơn về chính mình, về cuộc sống xung quanh. Không thể tĩnh lại, cứ chảy trôi theo dòng lũ của ham muốn, mong cầu, tranh đấu, con người sẽ không bao giờ tìm lại được những giấc ngủ ngon, những giây phút nhẹ nhàng, thư thái. 

Viết nhật ký là một hành trình lý thú nếu bạn thực sự bước trên đó (Ảnh: Life hack)

Với xuất phát điểm này, chúng tôi nhận thấy viết rất có thể là công cụ đắc lực giúp con người chúng ta tìm lại phần nào đó bình an trong tâm hồn. Để giúp quý bạn đọc có được nhiều hơn những gợi ý để mang hoạt động “viết” vào thực tế cuộc sống của mình, chúng tôi xin cố gắng sưu tầm, tổng hợp những kinh nghiệm, chia sẻ hay, có ích của những người thường xuyên thực hành việc viết nhật ký trên thế giới. Hy vọng rằng, những góp nhặt này sẽ giúp quý bạn đọc khám phá và bắt đầu thực hành một phương pháp mới để chăm sóc sức khỏe tinh thần. 

Trong bài viết hôm nay, chúng tôi xin giới thiệu tới các bạn kinh nghiệm của tác giả CM Smith của trang Life Hack. Anh đã thực hiện việc viết nhật ký từ 5 năm nay. Smith đã tổng kết 6 phương pháp viết giúp anh thay đổi bản thân mình theo hướng tích cực hơn thông qua hoạt động này. 

Khi bắt đầu một điều gì đó mới mẻ, chúng ta có xu hướng làm nó một cách rất nhiệt thành. Nhưng thời gian đầu qua đi, nhiệt huyết giảm xuống, chúng ta rất dễ dàng bỏ dở hoạt động đã bắt đầu. Để tránh tình trạng này xảy ra, Smith đề xuất, chúng ta sẽ thử nhìn sâu hơn vào những gì thực sự có thể diễn ra trong quá trình bạn viết nhật ký. Rất có thể, với sự nhìn nhận thấu đáo cách thức viết nhật ký và những lợi ích của nó, bạn sẽ có động lực để biến công việc này thành một hoạt động để thực hành mỗi ngày. 

Một cách khái quát, Smith chia sẻ, với anh viết nhật ký là trải nghiệm “tự do” nhất mà anh có. Mỗi lần ngồi xuống với cuốn sổ và chiếc bút của mình, là cơ hội để anh khiến mình chậm lại, bình tĩnh suy nghĩ về những vấn đề xảy ra xung quanh cũng như suy nghĩ về chính bản thân mình

Dưới đây là 6 phương pháp viết mà Smith đã sử dụng trong suốt 5 năm để thực hành việc viết nhật ký mỗi ngày. Mỗi phương pháp đều mang tới cho anh những hiệu quả riêng. 

1. Tìm hiều cảm xúc của bản thân

Nhật ký là nơi để soi lại những cảm xúc của bản thân (Ảnh: Pinterest)

Smith nhận thấy trong thời đại này, chúng ta có xu hướng chạy đuổi theo những thứ bên ngoài, mà quên mất những kết nối với thế giới bên trong. Những kết nối ấy biểu lộ ra dưới dạng những cảm xúc (tiêu cực và tích cực). Luôn giữ bản thân ở trạng thái bận rộn để hoàn thành những mục tiêu đề ra trong một thời gian dài sẽ khiến chúng ta rơi vào tình trạng “mệt mỏi” tinh thần.

Đó là lý do tại sao Smith biến không gian trong cuốn nhật ký trở thành nơi để anh nhìn nhận một cách thành thật, trung thực những cảm xúc đang ảnh hưởng đến mình. 

Ghi chép lại những cảm xúc này (đặc biệt khi chúng ở cấp độ cao: quá buồn, hoặc quá vui) sẽ giúp bạn nhìn lại một cách khách quan tâm trạng của mình. Từ đó nhận ra những yếu tố nào trong cuộc sống đang ảnh hưởng nhiều đến sự thay đổi cảm xúc bên trong bạn. Hiểu biết này sẽ giúp bạn kiểm soát tốt hơn những cảm xúc thái quá trong các tình huống sau này. 

Một ví dụ, khi bạn ghi lại một cách chi tiết cảm xúc chán nản của bản thân, cùng những tín hiệu chỉ báo – chính là những hoàn cảnh khiến bạn cảm thấy những hành động của mình đang mất dần ý nghĩa. Chắc chắn, khi những tín hiệu này tiếp tục xuất hiện trong cuộc sống, bạn sẽ nhanh chóng nhận ra và tìm cách khắc phục, từ đó làm giảm cường độ hoặc trường độ trạng thái chán nản của bản thân. 

2. Hãy xét đến quan điểm và cách nhìn

Đó cũng là nơi nhìn lại quan điểm của mình và của người khác (Ảnh: Pinterest)

Với Smith, viết nhật ký là cơ hội tuyệt vời để anh bình tĩnh nhìn nhận lại quan điểm, cách nghĩ của bản thân trong một tình huống nhất định. Bởi thông thường, trong cuộc sống, khi một sự việc xảy ra chúng ta thường bị các yếu tố bên ngoài và những cảm xúc bên trong cuốn theo. Từ đó không nhìn nhận được một cách rõ ràng cách nghĩ, cách hành động của mình trong hoàn cảnh đó. 

Vậy viết lại tình huống xảy ra, phân tích góc nhìn của bản thân trong tình huống đó giúp bạn tìm ra những hạn chế trong cách nhìn và những thiếu sót trong cư xử của bản thân. 

Bên cạnh đó, khoảng thời gian viết nhật ký với Smith còn rất lý tưởng để nỗ lực tìm hiểu cách nhìn, cách nghĩ của những người khác về sự việc mà họ đã cùng bạn trải qua. Không có không gian nào tốt hơn cuốn nhật ký để bạn học cách đặt mình vào hoàn cảnh của người khác. Đây cũng là điểm bắt đầu cho sự thấu hiểu và cảm thông. 

3. “Tôi coi viết nhật ký là viết lại câu chuyện cuộc đời mình”

Khi viết nhật ký, bạn sẽ thấy mình đang viết lại câu chuyện cuộc đời mình (Ảnh: Pinterest)

Đây là gợi ý thứ ba của Smith để giúp bạn cảm nhận được sự thú vị của việc viết nhật ký. Smith chia sẻ khi nuôi dưỡng suy nghĩ này, anh cảm thấy việc viết ra những gì xảy đến với mình mỗi ngày trở nên vui, dễ chịu và có nhiều cảm hứng hơn.

Anh cũng chia sẻ, nếu thử kiên nhẫn ghi lại cuộc sống của mình trong một thời gian đủ lâu (1-3 tháng), bạn sẽ bất ngờ khi đọc lại. Cuộc sống mà bạn đã trải qua thú vị và sâu sắc hơn nhiều lần so với những gì bạn nghĩ. 

4. Khám phá bản thân trong quá trình viết nhật ký

Smith chia sẻ, anh luôn nghĩ rằng mình rất hiểu bản thân. Anh nắm rõ những điều mình thích, những thứ mình ghét và những giới hạn của bản thân mình. Tuy nhiên, sau khi viết nhật ký một thời gian, anh nhận ra rằng những điều mình biết về bản thân không đầy đủ và hoàn thiện như anh vẫn nghĩ. 

Smith đã khám phá ra không ít những ước mơ sâu thẳm của bản thân, cũng như những điều mà anh không thể chịu đựng. Những phát hiện mới này giúp Smith có thêm động lực. Với những điều khiến anh cảm thấy khó chịu, Smith sẽ tạo nên những giới hạn mới cho bản thân mình. Điều gì đó khiến mình bực bội, có lẽ không nên làm nó với những người khác. 

5. Viết để kết nối

Cuốn Nhật ký cũng có thể là cầu nối giữa bạn và những người thân yêu (Ảnh: Pinterest)

Để cảm thấy có nhiều hứng thú hơn trong việc viết nhật ký, Smith dành lời khuyên này cho mọi người: Hãy lấy nhật ký làm phương tiện và cơ hội để bạn kết nối với gia đình, bạn bè cũ, thậm chí với những thế hệ về sau. 

Anh chia sẻ, bản thân luôn ao ước rằng ông hoặc bà có thể để lại cho anh một cuốn nhật ký như vậy. Ý nghĩa của nó không nằm ở việc mong cầu được đọc những suy nghĩ sâu sắc. Smith cảm thấy những trang nhật ký sẽ tạo nên sự kết nối sâu sắc về tâm hồn giữa các thế hệ, hoặc giữa anh và những người sẽ đọc những gì anh đã viết. 

6. Rèn luyện sự chân thành

Hãy học cách trở nên chân thành hơn với cuốn nhật ký của mình mỗi ngày (Ảnh: Pinterest)

Quay lại với lời gợi ý đầu tiên: Khi viết về những cảm xúc của bản thân, chúng ta thường có xu hướng cân nhắc xem đó có phải là một cảm xúc tốt lành? Nhưng Smith không khuyến khích bạn làm điều này. Anh gợi ý rằng hãy lấy việc viết nhật ký là cơ hội để bạn rèn luyện sự chân thành, trước tiên là với bản thân mình. 

Vì lẽ đó, đừng ngại ngần viết ra hết những cảm xúc tiêu cực như đố kỵ, giận hờn, tranh đấu mà bạn có lên mặt giấy. Sau khi trút tất cả nỗi lòng vào cuốn sổ, hãy bình tĩnh nhìn nhận lại tất cả như một người ngoài cuộc, để hiểu rằng những cảm xúc tiêu cực này thực sự đang tồn tại trong bạn. Tuy nhiên, hãy nhớ, những điều tiêu cực này không phải là tất cả con người bạn. 

Nhìn nhận khách quan những gì tốt và xấu của mình sẽ giúp bạn dễ dàng lọc bỏ những thói quen không tốt, những thói quen suy nghĩ tiêu cực và tìm cách hình thành, củng cố những thói quen tốt của chính mình. Rèn luyện sự thành thật với bản thân thông qua việc viết nhật ký sẽ giúp bạn trở thành một người tốt hơn.

Hy Văn 

Exit mobile version