Đại Kỷ Nguyên

Cha mẹ nên làm gì khi con cảm thấy cô đơn?

Không chỉ người lớn mới cảm thấy cô đơn, trẻ nhỏ cũng có cảm xúc như vậy. Nhiều bậc phụ huynh không hề hay biết con mình đang phải chiến đấu với nỗi cô đơn thường trực…

Sự cô đơn không phân biệt lứa tuổi, giới tính. Kết quả nghiên cứu ở Anh cho thấy, tỷ lệ cô đơn của trẻ mẫu giáo là 1/10, ở trẻ 5-7 tuổi là 1/5 và người trưởng thành là 4/5.

Dù là kết quả nghiên cứu ở Anh, đất nước có nhiều người cô đơn nhất thế giới, tuy nhiên, trên thực tế số trẻ tại Việt Nam mắc rối loạn tâm lý, trầm cảm tăng cao, phụ huynh cũng cần quan tâm nhiều hơn đến cảm xúc của con em mình.

Đừng áp đặt cảm nhận lên cảm xúc con trẻ

Một đứa trẻ lang thang chơi một mình không có nghĩa là nó cô đơn. Một số trẻ có ít bạn nhưng chúng hạnh phúc và thoải mái với điều đó. Thế nhưng, có những trẻ đông bạn bè xung quanh nhưng vẫn thường xuyên cảm thấy buồn bã, cô độc.

Cô đơn là cảm xúc dựa trên cảm nhận chủ quan, xuất hiện khi những kỳ vọng về tình cảm, sự kết nối không được thoả mãn. Do đó, cha mẹ không nên nhìn vào các mối quan hệ xung quanh để đánh giá tâm lý của con em mình.

Tìm hiểu cảm xúc của con

Cô đơn là cảm xúc bình thường ai cũng gặp phải, nhưng nếu kéo dài, sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống .

Trẻ có thể cảm thấy cô đơn khi chuyển nhà, chuyển cấp, phải xa bạn bè… đó là phản ứng bình thường trong cuộc sống. Tuy nhiên, nếu sau một thời gian dài trẻ vẫn “mắc kẹt” trong cảm xúc ấy, rất có thể dẫn đến lo âu và trầm cảm.

Cô đơn không được xem là bệnh lý, cũng rất khó xác định những hành vi cụ thể, biểu hiện cho sự cô đơn. Tuy nhiên, cha mẹ có thể chú ý đến các đặc điểm sau, ví dụ: trẻ luôn bước ra khỏi cổng trường một mình sau tan học, không bao giờ được bạn bè hẹn hò rủ đi chơi, hoặc trẻ từ chối tham gia và các hoạt động tập thể, tỏ thái độ miễn cưỡng khi phải đi học…

Cách trở thành những bậc cha mẹ tâm lý

Để hiểu được cảm xúc của con, bên cạnh quan sát, cha mẹ nên dành nhiều thời gian để trò chuyện, tâm sự với trẻ về những điều nhỏ nhặt xảy ra trong cuộc sống.

Trẻ em hay người lớn đều không dễ thừa nhận mình cô đơn khi hỏi thẳng, những lời quan tâm khéo léo về các sự kiện sẽ giúp cha mẹ tìm hiểu về suy nghĩ của con tốt hơn.

Trong trường hợp trẻ bị cô đơn mãn tính, nguyên nhân có thể xuất phát từ trường học. Cha mẹ cần giúp con xây dựng khả năng kết nối với bạn bè. Ví dụ: khi con gặp khó khăn trong học tập hay các công việc tập thể của lớp, cha mẹ có thể gợi ý “Con có muốn hỏi bạn nào trong lớp không?”

Cởi mở, quan sát và luôn sẵn sàng lắng chính là bí quyết để các bậc phụ huynh phát hiện và hỗ trợ con vượt qua những cảm xúc tiêu cực trong cuộc sống.

Night-fly

Exit mobile version