Đại Kỷ Nguyên

Cha mất, hàng đêm mẹ vẫn gọi điện thoại cho người lạ, khi biết sự tình con trai chợt nhòa lệ

Sau khi cha của tôi qua đời, mẹ tôi một mực muốn ở lại quê nhà chứ không đồng ý lên thành phố sống cùng con trai. Tôi vì sợ mẹ ở một mình cô đơn lạnh lẽo nên đã mua cho mẹ một chiếc điện thoại di động để khi nào có việc gì thì gọi điện cho tôi. Mẹ tôi do dự mãi mới nhận, xem ra nhận rồi nhưng vẫn có chút miễn cưỡng. Trước khi rời quê lên thành phố, nhìn cảnh mẹ ở lại một mình trong căn nhà vắng vẻ, trong lòng tôi thật không yên tâm và xót xa. 

Từ sau hôm tôi đi, mẹ tôi mặc dù có điện thoại rồi nhưng vẫn rất ít khi gọi điện cho tôi khiến tôi không khỏi lo lắng. Tôi sợ rằng bà bị bệnh lại ở một mình nên đã gọi điện thoại nhờ bác Hoa ở ngay bên cạnh trông nom hộ. Tôi cũng mấy lần về quê và đề nghị mẹ tôi sớm bán căn nhà đi để lên thành phố ở cùng tôi. Người trong thôn, hầu như ai cũng có phần ngưỡng mộ mẹ tôi vì đã sinh ra một người con hiếu thảo.

Một lần khi tôi về thăm mẹ và lại nhắc đến việc mẹ nên chuyển về ở cùng tôi. Mẹ tôi vẫn không đồng ý mà còn nói: “Mẹ ở căn nhà này mấy chục năm quen rồi. Với cả sau khi cha con mất đi mẹ thường hay nằm mơ thấy ông ấy về. Nếu mẹ lên thành phố ở với con, ngộ nhỡ cha con về lại không thấy ai thì sẽ cô đơn lạnh lẽo lắm!”. 

Tôi nghe xong lời mẹ nói mà nước mắt trào ra, trong lòng cảm thấy thật bùi ngùi khó tả…

Ít lâu sau tôi lại về nhà thăm mẹ, không ngờ, vừa đến nhà thì bác Hoa đã chạy sang rồi kéo tôi qua nhà bác nói có chuyện. Bác nói: “Này cháu, thầy giáo An ở trong làng muốn được sống cùng với mẹ của cháu. Bác nghĩ hai người lớn tuổi rồi ở cùng có thể chăm sóc cho nhau cũng tốt.”

Tôi biết rõ, thầy giáo An cũng đang sống cảnh cô đơn một mình bởi vì vợ của thầy mới mất năm ngoái vì bị tai nạn. Hai cô con gái của thầy lại sinh sống và làm việc ở trên tỉnh. Trong đầu tôi như nóng lên, nhưng không biết có nên nói ra việc này không. Bác Hoa lại nói: “Bác cũng đã nói bóng gió với mẹ cháu mấy lần rồi, nhưng bà ấy trong lòng vẫn chưa quên được cha cháu. Người chết thì không thể trở về, mẹ cháu tự làm khổ mình như vậy làm gì!”. 

Hết ngày Chủ Nhật, tôi cũng không dám hé miệng ra hỏi mẹ tôi về việc của thầy giáo An. Ngày hôm sau tôi lại sớm trở về thành phố làm việc.

Nhưng cũng được ít ngày, thì tôi lại nhận được điện thoại của bác Hoa, bác kể: “Mẹ của cháu trong lòng có người khác rồi, chẳng trách bà ấy không muốn sống cùng ông thầy giáo An. Người trong làng đồn là bà ấy có tình cảm với ông Thành ở cuối thôn. Tối nào mẹ cháu cũng gọi điện cho ông ấy, mà lần nào gọi cũng rất lâu…”. 

Tôi đã từng nghe kể về chuyện của mẹ tôi với ông Thành. Thời trẻ, hai người họ là một đôi tâm đầu ý hợp nhưng vì gia đình ngăn cản nên hai người đành chia tay nhau. Tôi nghĩ: “Vợ ông Thành cũng đã mất cách đây mấy năm, nếu bây giờ hai người có thể nối lại tình xưa thì cũng là chuyện tốt! Chỉ cần mẹ có người ở bên tâm tình cho đỡ cô đơn buồn tủi thì tôi cũng yên lòng.”

Ngẫm nghĩ mấy ngày, tôi liền về quê thăm mẹ và định bụng nói ra việc này. Nhưng không hiểu sao, cả ngày hôm ấy tôi lại vẫn không nói được ra vì nghĩ cha tôi mới mất chưa đến một năm.

Tối hôm ấy, tôi đi ngủ sớm để hôm sau còn về lại thành phố. Mẹ tôi ở phòng bên cạnh cũng tắt đèn từ sớm. Nhưng bất giác tôi mơ hồ nghe thấy một thanh âm rất nhẹ, rất nhẹ. Thế là tôi ngồi dậy và chú tâm lắng nghe, quả đúng là tiếng mẹ tôi đang nói chuyện với ai đó qua điện thoại. Mẹ tôi nói với giọng nghẹn ngào: “Trời rét rồi, nhớ phải mặc nhiều áo ấm vào và chăm sóc tốt cho bản thân”. 

Nghe được những lời này, trong lòng tôi cảm thấy vô cùng ấm áp, bởi vì từ nay mẹ tôi đã có người làm bạn, không phải chịu cảnh đơn côi nữa rồi.

Thời gian từng phút từng phút trôi qua, mẹ tôi vẫn đang nói một cách đầy yêu thương, thi thoảng truyền đến tai tôi một tiếng nức nở. Tôi tò mò liền ghé sát tai vào tường vì muốn nghe xem mẹ tôi nói cái gì và với ai mà lâu như vậy.

Trong màn đêm yên tĩnh, tôi đã nghe rõ từng lời mẹ nói. Ngay khi nghe được tiếng mẹ nói “Ông ơi!” thì trong tim tôi như thắt lại. Hóa ra là mẹ tôi dùng điện thoại gọi cho cha tôi nói chuyện và còn ân cần hỏi han, dặn dò cha… Chắc chắn là mẹ tôi đã nghĩ rằng dùng điện thoại gọi lên thiên đàng thì cha tôi sẽ nghe thấy.

Ngày hôm sau trước khi tôi rời đi, tôi nói với mẹ: “Mẹ! Sau này con sẽ về nhà nói chuyện với mẹ nhiều hơn nữa. Ban đêm, con sẽ cùng mẹ gọi vào số điện thoại trên thiên đàng kia để trò chuyện cùng cha!”

Mẹ nhìn tôi, nước mắt trào ra hai má, hai môi mím lại mà gật gật đầu…

Phật giảng rằng con cái và cha mẹ là có duyên nợ với nhau từ kiếp trước. Con cái đến với cha mẹ ở kiếp này là để báo ơn, đòi nợ, trả nợ hoặc là báo oán. Nếu không có nợ nhau thì không có gặp gỡ. Cổ nhân cũng dạy rằng: “Bách thiện hiếu vi tiên” (Trăm cái thiện thì hiếu đứng đầu). Con cái phải hiếu thảo, chăm sóc, phụng dưỡng cha mẹ là đạo lý ngàn đời nay. Ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ tất phải báo đáp. Nếu không thì không giữ trọn đạo nghĩa làm con.

Nhưng cha mẹ cũng chẳng cầu mong được hưởng bạc tiền sung túc, nhà cao cửa rộng hay của ngon vật lạ gì từ con cái. Một đời sương gió, vất vả vì con, cuối cùng họ cũng chỉ mong con hạnh phúc, yên bình. Đổi lại họ mong nhận được gì? Họ chỉ cần một lời an ủi, yêu thương, một cái ôm trìu mến, một ánh mắt chia sẻ, quan tâm. Như thế đã là đủ. Hiếu thuận không phải là điều gì đó cao xa, to lớn. Nó đến từ những gì bình dị nhất, thân thuộc nhất như chính tình yêu cha mẹ dành cho ta…

Theo letu.life
Hữu Bằng – Mai Trà 

Xem thêm:

Exit mobile version