Đại Kỷ Nguyên

Cha dượng bị tai biến, cả nhà liền bỏ đi, thật may vì tôi đã biết ân hận trước khi quá muộn

Năm ấy, ông – một người góa vợ, già nua và nghèo khổ, bước vào cuộc sống của chúng tôi. Thế nhưng, ông đã trao tặng cho chúng tôi món quà quý giá nhất của cuộc đời… trái tim và tấm lòng của ông. Ông giúp chúng tôi nhận ra ý nghĩa thiêng liêng của hai chữ “người nhà”.

Sau khi cha tôi mất được ba năm, ông đến nhà chúng tôi

So với người cha đã mất của tôi, ông ấy không có gì nổi bật, và cũng không thể so sánh được. Ông ấy đã mất vợ nhiều năm, gia đình nghèo khó, tiền lương cũng thấp, hơn nữa con trai mới cưới vợ còn cần ông giúp đỡ. Trong khi chúng tôi lại là một gia đình khá giả, đầy đủ vật chất. Mẹ tôi đã ngoài 50 tuổi, vì muốn có người bầu bạn lúc tuổi già nên quyết định gặp gỡ.

Ban đầu, mẹ tôi cũng không có thiện cảm với ông ấy, nhưng vì sự nhiệt tình của người mai mối nên bà đã đến nhà gặp ông ấy. Vừa đặt chân vào căn nhà lụp xụp của ông, mẹ tôi đã toan đi ra. Nhưng ông ấy đón mẹ bằng nụ cười niềm nở và phúc hậu, bàn tay chai sạn nhưng mọi cử chỉ lại vô cùng mềm mại, như một lời chào đón nồng nhiệt và chân thành nhất. Mẹ tôi và ông ấy đã ngồi tâm sự cả một buổi chiều, và khi thấy bà có ý định đứng lên ra về, ông ấy tươi cười nói: “Tôi biết gia đình của bà rất khá giả, không thiếu thứ gì. Tôi quả thực cũng không có gì giá trị để tặng bà. Nhưng tôi thật sự muốn mời bà ở lại dùng một bữa cơm đạm bạc với tôi”.

Ảnh minh họa (nguồn: Internet).

Lời nói giản dị và tấm lòng chân thành của ông khiến mẹ tôi vô cùng xúc động. Một người đàn ông nghèo khổ sống trong căn nhà lụp xụp, nhưng ở ông ấy luôn luôn toát lên sự bình yên và lạc quan tới lạ. Bữa cơm hôm đó chỉ có một món canh với bốn loại rau và món bí ngô nấu thịt. Nhưng mẹ tôi đã nói rằng đó là bữa ăn ngon nhất của mẹ trong ba năm nay, cũng là bữa ăn ấm áp tình thân, chan chứa tình người. Tuy chỉ là một bữa ăn đạm bạc, nhưng đó lại là tất cả những gì ông có, cũng thay cho tất cả những lời nói, những tâm sự ông muốn chia sẻ với mẹ tôi.

Không lâu sau lần gặp gỡ đó, ông ấy đã đến với mẹ tôi, bước vào gia đình tôi, nhẹ nhàng và dung dị như thế!

Người nhà hay người ngoài?

Chúng tôi đón nhận ông ấy bởi vì mẹ muốn chúng tôi làm như thế, nhưng tôi chưa bao giờ có ý định gọi ông ấy là “cha”. Trong tâm trí tôi, ông ấy là một người lạ, hoàn toàn xa lạ, người bước vào nhà tôi chỉ để chăm sóc và bầu bạn cho mẹ tôi bớt buồn chán và cô đơn. Để chào mừng sự kiện ấy, tôi sắp đặt một bữa tiệc trong nhà hàng cao cấp, đồng thời mời cả gia đình con trai ông ấy, bởi vì tôi muốn thông qua bữa tiệc này để thể hiện với họ sự giàu có và đẳng cấp của gia đình mình.

Khi vừa bước ra khỏi nhà hàng, ông quay sang nắm tay tôi và nhẹ nhàng nói: “Từ nay chúng ta đã là người nhà rồi, chúng ta là cha con đó con ạ. Sau này nếu con muốn mời cha ăn cơm thì chúng ta chỉ cần tới những nơi bình dân là được rồi. Ở đó cha sẽ ăn ngon miệng hơn và thoải mái hơn con ạ”.

Những lời nói và biểu lộ chân thành trên gương mặt khắc khổ của ông đã dập tắt cái ý định muốn thể hiện, muốn ra oai, muốn dọa nạt của tôi. Tôi đang đấu trí với một người thật thà, chỉ biết sống bằng tình người, lấy việc thương người làm đạo lý trong cuộc sống. Trong ánh mắt chân thành của ông ấy, tôi đã nhìn thấy những giọt nước mắt, của sự tủi thân, của sự mặc cảm. Tôi biết mình đã làm một việc sai lầm.

Ảnh minh họa (nguồn: Dân Việt).

Từ ngày hôm đó trở đi, ông trở thành người sớm tối bên mẹ tôi, chăm sóc cho mẹ tôi rất chu đáo. Bà hầu như không phải làm việc gì. Mỗi ngày ông đều thức dậy từ rất sớm, đi chợ, đi mua sắm để lúc mẹ tôi mở mắt đã có sẵn đồ ăn vừa nóng vừa ngon trên bàn. Lúc rảnh rỗi, ông sẽ rủ mẹ làm vườn, nhưng vẫn là ông làm, ông không muốn bà phải vất vả. Ông trồng hai hàng cau dọc lối đi vào vườn, ông ươm các loại hoa và trồng ở chỗ đất gần ngay cửa sổ phòng ngủ của mẹ tôi. Ông trở thành một người làm vườn cần mẫn, không chỉ mang lại nhựa sống cho khu vườn vốn đã bỏ hoang từ lâu, ông còn đang vun đắp cho cuộc sống của mẹ tôi, luôn luôn tươi mát, luôn luôn ngát hương.

Chúng tôi cũng dần dần quen với sự hiện diện của ông, quen với việc có người chăm lo cho mẹ và có nhiều lúc lo nghĩ cho cuộc sống của chúng tôi. Mỗi lần chúng tôi tới nhà mẹ, ông đều vui mừng và niềm nở giữ chúng tôi ở lại ăn cơm. Ông không làm quá nhiều món, vì ông là người tiết kiệm, nhưng ông nấu món nào cũng ngon và đặc biệt. Ông biết chúng tôi có chỗ nào không khỏe trong người, ông biết ai có bệnh gì, nên nguyên liệu ông dùng để nấu ăn thường rất tốt cho sức khỏe của mỗi người. Thi thoảng, chúng tôi còn dựa dẫm, ỷ lại vào ông, khi nhà bị hỏng ống nước, cánh cửa bị trật hay xe đạp của con trai tôi bị hỏng xích. Bất cứ việc gì ông đều sẵn sàng làm cho chúng tôi, ông làm và vô cùng hạnh phúc vì ông đang được chăm lo cho gia đình của mình.

Cha dượng và hai chữ “người nhà”

Cuộc sống của chúng tôi cứ trôi qua êm đềm như thế, từ xa lạ trở thành thân thiết và gần gũi hơn. Nhưng rồi một ngày, ông không dậy sớm đi chợ và nấu cơm cho mẹ tôi nữa, ông bị tai biến mạch máu não, bán thân bất toại, phải nằm liệt trên giường. Người đàn ông lúc trước luôn luôn mỉm cười, mang lại hạnh phúc và niềm vui cho người khác giờ đây chỉ biết nằm một chỗ, và khóc.

Mỗi lần chúng tôi tới thăm ông, ông khóc. Mỗi lần mẹ tôi bón thức ăn cho ông, ông khóc. Mỗi lần gặp con trai của ông, ông khóc. Có nỗi niềm gì đó ẩn giấu trong tâm can ông khiến ông bật khóc một cách quá dễ dàng. Chúng tôi chỉ nghĩ rằng vì ông từ một người khỏe mạnh, yêu đời thành một người bệnh tật, ốm yếu. Nhưng không chỉ là vậy, khi một mình, ông cũng khóc, khóc nhiều hơn, khóc đau đớn hơn, khóc giằng xé hơn.

Ảnh minh họa (nguồn: Internet).

Tôi và con trai ông cùng nhau lo lắng cho việc trị liệu của ông, nhưng anh ta nhanh chóng bỏ cuộc rồi sau đó bỏ rơi ông. Nhưng điều khiến tôi không ngờ chính là mẹ tôi cũng có ý định đó. Mẹ nói với tôi: “Mẹ là người có tuổi rồi, không lo nổi cho ông ấy được. Mẹ không giúp được gì cho con, nên không thể để con phải chịu thêm gánh nặng có người cha bệnh tật như thế”. Hiện thực quá tàn nhẫn, và tôi đã thay mẹ nói những lời đau xót nhất với ông: “Mẹ cháu vừa bệnh rồi, không thể chăm sóc cho chú được nữa. Chúng cháu lại rất bận, vì thế khi xuất viện, chú hãy về nhà sống một thời gian. Cháu sẽ thuê người chăm sóc chú”.

Gật đầu và cảm ơn tôi, ông nói: “Nếu được như vậy thì tốt quá. Thực sự tốt quá. Con không cần mời bảo mẫu cho cha, cha sống một mình được mà”. Sự bình thản của ông khiến tôi bàng hoàng và không khỏi lo lắng. Tôi lo sợ ông có thể nghĩ quẩn mà làm việc gì đó tổn hại tới bản thân. Bước ra khỏi phòng bệnh, trong tôi không phải cảm giác của người vừa trút được gánh nặng, mà là sự giằng xé, sự xót xa, cả sự trách móc bản thân mình.

Nhưng rồi tôi cũng bị cuốn vào công việc mà quên đi cảm giác tội lỗi đó. Kể từ hôm ông ra viện, cả mẹ tôi và tôi không tới thăm ông nữa. Chúng tôi đã quên ông, không phải hoàn toàn gạt bỏ ông ra khỏi tâm trí, nhưng đã quên sự tồn tại của ông. Cho tới một ngày, chiếc xe đạp của con trai tôi lại bị tuột xích, và nó khóc đòi ông: “Ông nội đâu rồi? Con muốn ông nội sửa xe cho con”. Bất giác tôi giật mình và bao hồi ức, bao tiếng cười, bao niềm hạnh phúc chúng tôi đã trao tặng cho nhau hiển hiện rõ ràng trước mặt… Đã gần một năm rồi tôi chưa gặp ông. Lúc đó, tôi thấy nhớ ông, nhớ câu nói ngày đầu tiên ông về nhà tôi: “Từ nay chúng ta đã là người nhà rồi, chúng ta là cha con đó con ạ”.

Về nhà

Tôi lái xe tới nhà ông ngay lập tức. Vẫn là căn nhà lụp xụp ấy, nhưng tôi biết ông không thể đon đả ra đón tôi như ngày xưa được nữa. Khi bước vào nhà, những gì tôi thấy là một hình bóng lặng lẽ đang ngồi ở cuối giường. Ông đã già đi nhiều lắm. Sự tươi tắn, phúc hậu trước đây của ông giờ được thay bằng những nếp nhăn xấu xí, nước da vàng vọt và đôi mắt lúc nào cũng đọng nước.

Ông đã sống cô quạnh trong im lặng, và dù bị tất cả những người thân yêu bỏ rơi vào lúc ông cần được chăm sóc nhất, ông vẫn không một lời trách móc, không một lần tức giận. Tất cả những gì ông muốn làm là không để người khác phải vì ông mà phải chịu khổ, chịu áp lực. Trái tim tôi thắt lại khi nhìn ông, tôi nhận ra mình đã vô tâm vô tình biết nhường nào. Chỉ vì sự thoải mái cho bản thân mà tôi đã đẩy ông ấy đi, tôi không bận tâm khi bỏ rơi một người già nua, yếu đuối, không thể đi lại và thậm chí còn không thể tự ăn uống.

Ảnh minh họa (nguồn: Internet).

Ông – một người làm việc cần mẫn và tận tâm – đúng ra phải thu hoạch được những hoa thơm trái ngọt chứ không phải sự cô quạnh và lạnh lẽo. Tôi xót xa cho ông, xót xa cho một kiếp người chịu quá nhiều gian truân, vất vả và bất hạnh. Tôi chạy lại bên ông, ôm ông và khóc. Tôi nhìn vào mắt ông và nói: “Cha ơi, chúng ta về nhà thôi!”

Trong cuộc sống bận rộn, mệt mỏi, chúng ta rất nhiều khi vì mong cầu lợi ích cho bản thân mà lãng quên, thậm chí quay lưng lại với người khác. Nhưng giống như con người cần cả thân thể lẫn nhân cách và đức hạnh để trở nên hoàn chỉnh, cuộc sống của chúng ta muốn trọn vẹn, ngoài vật chất còn cần tình người, tình thương và sự đồng cảm. Vì thế, chúng ta hãy dùng tấm lòng và trái tim của mình để giúp nhau vượt qua những chông gai của cuộc sống còn nhiều khó khăn, đau khổ này.

Lý Minh

Video xem thêm: Hiếu thuận với cha mẹ, ông Trời ắt để dành phúc phận cho

Exit mobile version