Bạn vẫn còn nhớ những lần ngồi nghe bà kể chuyện với đôi mắt hấp háy và đôi tai chăm chú lắng nghe? Để rồi ôm cổ bà mà thủ thỉ: “Bà ơi, chuyện cổ tích có thật không bà? Sao những nhân vật trong ấy khổ vậy mà họ vẫn sống được ạ?”. Và bạn còn nhớ nụ cười hiền hậu của bà khi trả lời: “Có chứ cháu yêu của bà, chuyện cổ tích là có thật”. Nếu tất cả đã là những kí ức quá xa rồi, thì câu chuyện của cô gái nhỏ Phạm Ngọc Như, nơi miền sông nước Cà Mau sẽ khiến bạn như được bước trở lại vào thế giới cổ tích ngày thơ bé.
Bé Thư sinh ra trong một gia đình đặc biệt. Cha bỏ đi khi em vẫn còn là một hài nhi trong bụng mẹ. Vì mẹ Thư khi ấy cứ ngây ngây dại dại, nên ông bà nội không chấp nhận hai mẹ con em. Bấy giờ, chỉ còn duy nhất ông bà ngoại mở rộng vòng tay, cưu mang hai số phận – hai sinh mạng không có một chút khả năng nào để chăm sóc chính mình này.
Ông ngoại thương hai mẹ con Thư lắm, ông đi làm bất kể ngày nắng, ngày mưa để Thư không thiếu bữa sữa nào. Nhưng rồi, một ngày, ông cũng lại bỏ bà cháu, mẹ con Thư mà ra đi mãi mãi. Ngoại sốc lắm, nhưng cũng chỉ còn biết cắn răng sống tiếp, vì bà cũng theo ông thì hai mẹ con Thư sẽ biết phải làm sao?
Tiếng ca vang vọng trên khúc sông trong trẻo mà sâu lắng dường như là nguồn vui sống lớn nhất của những phận đời khó khăn nơi này, trong đó có cả Thư và ngoại. Chiều nào, sau khi tan học về, Thư cũng cùng ngoại, trèo thuyền ra khúc sông này để đặt lồng bắt cua, nhặt ốc, đem bán lấy chút tiền mua gạo.
Ảnh chụp màn hình VTV
Bữa nào không đủ tiền, thì hai bà cháu cùng nhặt thêm vài con ốc về ăn cho qua bữa. Nhưng nhiều hôm, cô bé vẫn phải nhịn đói để tới trường. Ngoại thương em lắm, cháu đang tuổi lớn mà cứ phải nhịn đói mãi, ngoại còn biết Thư yêu trường lớp như thế nào, nên nhiều đêm nằm cạnh cháu mà nước mắt cứ thế rơi… Có lẽ, khi nghe chuyện của bà cháu Thư không ít người sẽ không tin, bởi cuộc sống như vậy đâu có khác gì trong truyện cổ, nghèo đến cùng cực rồi.
Nhà nghèo nhưng nếu có bờ vai cha chở che, vòng tay mẹ vỗ về, thì có lẽ Thư vẫn sẽ cảm thấy được yêu thương trọn vẹn. Nhưng không có cha, mẹ lại bị tâm thần, chỉ có thể quẩn quanh thơ thẩn trong nhà, em lại trở thành người trao đi yêu thương, trở thành người chăm sóc. Hằng ngày, mỗi bữa tối, khi cả nhà quây quần bên mâm cơm không mấy đủ đầy, Thư bón cơm cho mẹ như bón cơm cho một đứa em nhỏ, rồi vô tư hỏi ‘mẹ no chưa?’, ‘no rồi ạ?’, ‘cơm có ngon không mẹ?’, rồi lau miệng cho mẹ, nhìn mẹ với đôi mắt trong veo, chan chứa tình thương.
Ảnh chụp màn hình VTV
Thư tâm sự, dù mẹ không chăm sóc được em, nhưng nếu sinh ra một lần nữa, em vẫn sẽ muốn làm con của mẹ. Nhiều lần ngồi một mình, Thư hay tự hỏi, sao cha sinh em ra mà lại bỏ mẹ con em. Nước mắt lại lăn dài trên đôi má thơ trẻ của em mỗi khi nhìn mẹ nằm đu đưa ở võng, mắt nhìn vào khoảng không vô định, không nói gì, chỉ ậm ừ. Tình yêu thơ ngây của một cô bé con dành cho người đã sinh ra mình khiến em luôn giữ một ao ước nhỏ bé trong tim: Một ngày nào đó, mẹ sẽ dũng cảm bước ra khỏi cơn mê, nhìn Thư và gọi em bằng hai tiếng “Con ơi”.
Ảnh chụp màn hình VTV
Trong câu chuyện cổ tích “Sự tích bông cúc trắng”, cô bé nhân vật chính đã không quản ngại khó khăn đi tìm bông hoa ông Bụt chỉ để cứu mẹ mình. Đến nơi, khi thấy những cánh hoa mỏng tang ít ỏi, tương ứng với thời gian ít ỏi mẹ còn trên đời, em đã ngồi kiên nhẫn xé từng cánh hoa làm nhiều mảnh nhỏ, với mong ước mẹ sẽ ở mãi bên em. Còn bé Thư, em sẽ không bao giờ tìm được bông hoa kì diệu để đưa mẹ ra khỏi cơn mê, em chỉ có thể tặng mẹ tấm lòng hiếu thảo của người con không chê mẹ khó, tấm lòng chan chứa tình thương và sự cảm thông. Đó có lẽ là bông cúc trắng mà bất cứ người mẹ nào cũng ao ước được nhận từ những đứa con bé bỏng của mình.
Ảnh chụp màn hình VTV
Trong “Điều ước số 7” – Chương trình đã giúp mọi người biết đến câu chuyện cổ tích của em, tiếng ca của em, rất nhiều người đã khóc, có lẽ mọi người đã nhận ra rằng trong tâm hồn của cô bé đang đứng trên sân khấu ấy, không hề vương một chút hờn trách nào mà chỉ có tình thương, lòng biết ơn dành cho ngoại, cho mẹ, cho những người yêu thương em. Sông nước hiền hòa của Cà Mau dường như đã giúp Thư mang đi hết những cảm xúc tiêu cực đó rồi.
Như đã thành quy luật trong trời đất “ở hiền ắt sẽ gặp lành”, tâm hồn thiện lương trong trẻo của em đã khiến ca sĩ Phi Nhung cảm động. Lắng nghe câu chuyện của em, cô như được gặp lại hình bóng bé nhỏ của mình ngày trước: cha mất sớm, không được ở cùng mẹ, cũng lớn lên nhờ tình thương yêu vô bờ của ngoại. Sự đồng cảm sâu sắc ấy đã khiến cô mong muốn được giúp em và ngoại có một căn nhà đúng nghĩa, thay cho túp lều bên sông của hai ngoại con lúc này.
Ảnh chụp màn hình VTV
Nhưng quý hơn cả, có lẽ chính là sự đồng cảm, sẻ chia, cổ vũ mà em nhận được từ những người xa lạ. Những món quà tinh thần ấy giúp Thư nhận ra rằng: trái tim yêu thương, biết sống vì người khác của em sẽ là hành trang quý giá nhất mà ngoại và mẹ dành cho em trên những chặng đường sắp tới.
Chương trình “Điều ước thứ 7” không chỉ trao cho Thư sự giúp đỡ, động viên, mà còn trao cho cha em một cơ hội, để biết rằng trên đời này, mình còn có một cô con gái bé bỏng xinh xắn, rất mực hiếu thảo, để rồi nhận ra rằng: Giá mà, ngày ấy, mình đủ dũng cảm để đương đầu với cái ngặt nghèo của cuộc sống, ở lại bên vợ, bên con thì giờ đây, đôi mắt con gái sẽ không lúc nào cũng có nước mắt trực rơi. Và, khi ấy cha sẽ quay về…
Hy vọng rằng, câu chuyện cổ tích của bé Thư sẽ luôn tiếp tục như vậy, nhẹ nhàng mà lắng đọng tin yêu, êm đềm như dòng nước Cà Mau xanh trong…
Đọc tới đây, bạn đã nhớ lại lời bà giải thích cho bạn khi xưa, tại sao những người trong truyện khổ vậy nhưng họ luôn sống tốt chưa? Câu chuyện của em Thư cũng phần nào cho chúng ta một sự lý giải. Phải chăng chính là vì, những con người ấy, họ chấp nhận tất cả những khổ đau mà cuộc sống đem tới như thể đó là những điều đã được số phận an bài. Để rồi cố gắng đi tìm cho mình điều gì đó có thể giúp họ không từ bỏ, điều gì đó khiến họ cố gắng tiếp tục. Và tất cả những người đi tìm kiếm đều đã tìm ra điều quý giá đó: Sống để làm người khác bớt khổ, để làm người khác cảm thấy hạnh phúc hơn, như cách mà bà ngoại Thư và chính em đang sống.
Ly Ly (Tổng hợp)
Tham khảo: kenh 14.vn, news.zing.vn
Ảnh nhân vật: Ảnh chụp từ video chương trình Điều ước thứ 7 và Cặp lá yêu thương
Xem thêm: