Đại Kỷ Nguyên

Câu đố của vị doanh nhân dành cho các con và lời bàn về khả năng sáng tạo

Ảnh minh họa (nguồn: Love Pik).

Trước hết, xin kể cho các bạn nghe một câu chuyện nhỏ.

Một doanh nhân giàu có dự định nghỉ hưu, vì vậy ông đã gọi ba đứa con trai của mình đến và nói với các con: “Bố muốn tìm một người khả năng kinh doanh tốt nhất trong số ba con, và giao việc kinh doanh của bố cho người ấy. Bây giờ bố sẽ đưa cho mỗi con 10.000 nhân dân tệ, ai có thể sử dụng số tiền này để lấp đầy một gian nhà trống, sẽ là người được chọn”.

Ba người con trai nhận tiền và tự tìm phương án của mình.

Người con trai cả mua một cây cổ thụ cành lá xum xuê, kéo nó vào gian nhà trống. Cái cây chiếm phần lớn căn phòng.

Người con trai thứ mua rất nhiều cỏ và lấp đầy hơn một nửa gian nhà.

Ảnh minh họa (nguồn: Ngày Nay).

Người con trai út chỉ tiêu 25 nhân dân tệ để mua một cây nến. Đợi đến buổi tối, anh mời cha đến gian nhà trống, thắp nến và nói: “Bố ơi, bố hãy nhìn này. Góc nào của gian nhà này cũng đều được ánh sáng của ngọn nến chiếu đến phải không ạ?”.

Ông bố rất hài lòng và đã để người con trai út tiếp quản công việc kinh doanh.

***

Câu chuyện này nói với chúng ta rằng, khi bị bó buộc bởi lối tư duy, quan niệm cũ vốn đã hình thành trước đó và không thể thoát ra, chúng ta sẽ bị chúng hạn chế năng lực. Muốn thoát ra khỏi vỏ bọc ấy, hãy nhìn vấn đề từ một góc nhìn khác, thay đổi cách thức tư duy, mới có thể sáng tạo ra những điều mới mẻ.

Dưới đây, tôi xin phép nêu ra 3 quan điểm về sự sáng tạo để mọi người tham khảo.

1. Sáng tạo bắt đầu từ những thứ đã có

Sáng tạo ra một thứ gì đó không phải là việc tạo ra thứ hoàn toàn mới, đến mức không hề có liên hệ với bất cứ điều gì đã tồn tại trước đó, nếu làm như vậy thì quả là khó lắm! Chúng ta thường sẽ sáng tạo ra những thứ mới dựa trên cơ sở những thứ đã có, tìm cách để cải tiến hoặc thay đổi một vài điểm để cho ra đời sản phẩm mới lạ và độc đáo hơn, hoặc phù hợp hơn cho từng nhóm đối tượng.

Ảnh minh họa (nguồn: Du học Thanh Giang).

Tôi lấy ví dụ nhé, điện thoại thông thường có 2 chức năng gọi đi và nhận cuộc gọi đến, đây là lối tư duy quen thuộc với chúng ta. Nhưng nếu bạn bỏ chức năng gọi đi thì sao nhỉ? Ai sẽ cần đến chiếc điện thoại chỉ có thể nhận cuộc gọi đây? Có thể là các cô cậu mới lớn. Bố mẹ có thể kiểm soát các con tốt hơn thông qua một thiết bị như vậy – chỉ là kiểm soát thôi, vì cũng khá bất tiện khi các con không thể thực hiện cuộc gọi trong những trường hợp khẩn cấp. Chiếc điện thoại này có lẽ sẽ phù hợp với thế kỷ trước hơn là thời nay, nhưng chỉ là lấy ví dụ để mọi người dễ hình dung.

2. Sáng tạo là thành quả của sự quan sát và tích lũy

Như câu chuyện kể trên, hẳn là người con út đã có sự quan sát cẩn thận những hiện tượng, vật dụng quanh mình, do đó có thể xử lý bài toán của bố một cách sáng tạo và tiết kiệm!

Nhiều nhà thiết kế có thể chỉ mất một ngày để phác thảo ý tưởng, ba ngày để lên bản vẽ, nhưng phải mất hơn mười năm để quan sát, tích lũy thì mới có thể đạt được thành tựu chỉ trong bốn ngày này.

3. Khả năng sáng tạo có thể rèn luyện được

Nhiều người nghĩ về sáng tạo như một khả năng bẩm sinh, sự thực là chúng ta hoàn toàn có thể rèn luyện khả năng sáng tạo. Ngày nay, sách về kỹ năng sáng tạo cũng được bày bán rất nhiều, có nhiều kỹ thuật và ví dụ thú vị được trình bày để người đọc có thể trau dồi thêm.

Điều quan trọng là hãy nỗ lực học hỏi, quan sát, tìm tòi và suy nghĩ, tránh để não bộ “rỉ sét” vì lười tư duy. Chúc bạn phát huy được khả năng sáng tạo của bản thân và mang lại nhiều điều có ích cho xã hội!

Huyền Thanh

Video xem thêm: Những họa sĩ, kiến trúc sư, tiến sĩ và giáo viên nói về lợi ích tốt đẹp của Pháp Luân Công

Exit mobile version