Đại Kỷ Nguyên

Câu chuyện xoay quanh nhạc phẩm ‘Mùa xuân khoe sắc’ của con trai tôi

Ảnh minh họa (nguồn: Church of Jesus Christ).

Lái xe về đến nhà, tôi thấy con trai đang ngồi trên bậc thềm bên cạnh ga-ra và gõ lách cách trên chiếc máy tính xách tay. Tôi dừng xe và đi về phía con.

Thằng bé nhìn tôi, phàn nàn: “Ba ngăn cách con và phong cảnh mùa xuân mất rồi!”. Hóa ra, xe của tôi đậu ngay trước mặt và che khuất tầm nhìn của con.

Tôi hỏi con đang làm gì, nó đáp: “Con sáng tác nhạc ạ”.

“Tên bài hát là gì vậy con?”, tôi tò mò.

“Dạ, là ‘Mùa xuân khoe sắc’ ạ”.

Ảnh minh họa (nguồn: Filipino Australian Journal).

Tựa đề nghe có vẻ thơ mộng, làm tôi nhớ đến bài hát trước đây của thằng bé. Tôi hỏi lại: “Sáng tác gần đây nhất của con là gì vậy nhỉ?”.

“Đó là bài ‘Bầu trời cao vút’ ba à”, con trả lời.

“Ba sẽ lấy cho con một cái ghế, để con có thể ngồi trước ga-ra và viết nhạc về mùa xuân nhé”.

“Dạ, con cảm ơn ba ạ”.

Con tiếp tục viết nhạc trong khi tôi cố gắng cắt cho xong đám cỏ dại trong vườn. Con vẫn say sưa sáng tác, dù đã đến giờ ăn tối. Một người bạn của chúng tôi mời nhà tôi đi ăn ngoài. Tôi bảo với con: “Con có thể mang theo máy tính đấy. Trong khi chúng ta chờ đợi nhà hàng chuẩn bị đồ ăn, con có thể tiếp tục viết”.

Thằng bé rất hào hứng khi nghe tôi nói vậy. Thế nhưng, khi chúng tôi đến nhà hàng, khuôn mặt con méo xẹo, trông như quả bóng bị xì hơi. Thì ra ở đây, con chỉ có thể ngửi thấy… mùi thức ăn, chứ không thể cảm nhận được hương vị của mùa xuân, cảm hứng sáng tác bị ngưng trệ.

Ảnh minh họa (nguồn: Gaslight Commonsapts).

Tôi cười, trêu thằng bé: “Mùa xuân đã đến rồi đấy con. Con thấy không, mọi người đã bắt đầu mặc áo cộc tay rồi. Bên ngoài, giờ này vẫn còn nắng” (gia đình anh ở Úc, thuộc Nam bán cầu nên thời tiết khác ở Việt Nam).

Con nhăn nhó, giải thích rằng trong nhà hàng không có mùi thơm của cỏ cây hay vẻ đẹp của hoa lá, đây không phải là mùa xuân mà con muốn cảm nhận và thể hiện trong tác phẩm âm nhạc của mình.

Tôi đã kể lại câu chuyện này với tựa đề “Cuộc trò chuyện trong bữa tối” trên một trang web. Một độc giả bình luận về bài đăng, bày tỏ sự đánh giá cao của chị về cách nuôi dưỡng con trai của chúng tôi. Chị bảo, nhiều cha mẹ quá bận rộn để dành thời gian cho con cái, và thế là họ ép trẻ học rất nhiều các loại hình nghệ thuật mà chẳng quan tâm là con có muốn hay không. Có lẽ, họ đã nhận thức sai lầm rằng học giỏi và sở hữu tài năng là mục tiêu cuối cùng của cuộc sống. Thật ra, những gì trẻ em cần nhất, chính là tình yêu thương và sự quan tâm của cha mẹ, đó sẽ là nền tảng để các con phát huy khả năng của mình và cảm thấy hạnh phúc khi được tham gia những hoạt động nghệ thuật.

Tôi trả lời chị: “Tôi cũng đồng ý với chị. Tôi nghĩ, đức tính và khí chất hồn nhiên, thuần khiết của con trẻ giống như sức mạnh thực sự của một võ sư vậy. Tài năng chỉ đơn thuần như kỹ thuật để sử dụng thanh kiếm hay nắm đấm mà thôi. Không có sức mạnh thực sự, các kỹ thuật vẫn không thể phát huy được hiệu quả. Một người có phẩm hạnh và đạo đức, chắc chắn sẽ mang lại lợi ích cho chính người ấy, những người xung quanh và thậm chí cả quốc gia”.

Thanh Tâm

Theo Pureinsight

Video xem thêm: “Phép tắc người con” (Đệ tử quy)

Exit mobile version