Đại Kỷ Nguyên

Cậu bé 13 tuổi cắt tay tự tử vì bị nhạo báng, và 2000 lá thư ‘lạ’ đã cứu sống cuộc đời em

Ngôn ngữ thực sự có sức mạnh, chúng có thể đánh gục một người và cũng có thể nâng đỡ một người. Đối với cậu bé Noah Brocklebank sống ở Columbia, Maryland nước Mỹ, những lời nói của người khác đã từng là liều thuốc độc với cậu, nhưng sau đó lại là sứ giả mang đến cho cậu những điều tuyệt vời.

Trong khi không có nhiều người muốn nói về vấn đề của bản thân, đặc biệt là trên kênh truyền hình quốc gia thì Noah Brocklebank, một cậu học sinh lớp 7 đã dũng cảm chia sẻ những suy nghĩ sâu kín và ký ức khó quên trong lòng cậu. “Có rất nhiều đứa trẻ bị hội chứng suy nhược và trầm cảm, nhưng không nhiều người muốn nhắc đến chuyện đó. Chỉ từng lúc thôi”, cậu bé bắt đầu câu chuyện.

Noah nói rằng việc bị gọi là “kẻ trầm cảm” với cậu không có gì đáng sợ, bởi vì mấy năm trước, những gì cậu nhận được từ người khác còn tệ hại hơn như vậy rất nhiều.

Cậu bé nhớ lại, trong mỗi lời nói là sự xúc động xen lẫn vẻ trầm ngâm của một người đã đi qua giai đoạn khó khăn nhất của cuộc đời: “Ngày trước, “béo phì”, “xấu xí”, “phiền phức”, “kẻ thất bại” là những câu nói thường xuyên vang vọng bên tai cháu. Cháu nhận được chúng mỗi ngày từ cả những người quen và không quen. Xem ra câu nói “Gậy gộc và gạch đá có thể làm gẫy xương tôi nhưng lời nói thì chẳng thể làm tôi đau đớn”, thật không phù hợp với cháu.”

Bà Karen, mẹ của Noah, kể rằng việc Noah bị bắt nạt, chế giễu hàng ngày cùng với bệnh trầm cảm của cậu bé cuối cùng đã dẫn tới cái đêm ngày 26 tháng 1.

Bà nói: “Thật đáng sợ làm sao, anh sẽ thật sự muốn cứu nó.”

Đêm đó, Noah đã đăng lên trang Facebook cá nhân của mình một thông báo quả quyết, khiến tất cả những ai đọc được đều ngỡ ngàng và lo sợ. Đó là bức ảnh cánh tay của cậu đầy những vết cắt và dòng chú thích: “Ngày tự tử, mùng 8 tháng 2, 2013, ngày sinh nhật của tôi.” Ngày 8 tháng 2 sẽ là sinh nhật lần thứ 13 của cậu bé.

“Tôi cảm thấy chẳng còn gì ý nghĩa hay đáng giá trên cuộc đời này”, Noah nói. “Cuộc sống của tôi thật kinh khủng. Tôi không có một ai.”

Sau đó, Noah phải vào bệnh viện 8 ngày và tại đây, các bác sĩ đã hội chuẩn về tình trạng sức khoẻ tinh thần của cậu. Noah đã sống trong hoảng loạn, tuyệt vọng và chán nản một thời gian rất dài. Áp lực và tủi thân từ những lời chế nhạo của mọi người dường như đã quá sức chịu đựng đối với một cậu bé chưa đầy 13 tuổi và đó là nguyên nhân khiến Noah nghĩ đến cái chết. 

Chứng kiến sự tuyệt vọng của con, bà Karen đã nghĩ ra một kế hoạch giúp Noah vượt qua tình trạng và gánh nặng tâm lý này. Bà muốn con nhận thức một cách rõ ràng rằng cậu bé quan trọng và có ý nghĩa như thế nào đối với gia đình, bè bạn, thậm chí đối với cuộc sống tưởng như không có mấy gắn kết với cậu. 

Vì thế bà Karen đã thỉnh cầu vài người bạn trên Facebook gửi những lá thư viết về những điều đó. Bà hy vọng sẽ có người đồng cảm với tấm lòng thương con của bà, đồng cảm với những dày vò Noah đang chịu đựng mà sẵn lòng giúp đỡ họ.

Nhưng chúng tôi nhận được nhiều hơn thế.” Noah xúc động khi nói về việc cậu đã nhận được 2000 bức thư từ những người xa lạ. 

Tôi biết ngay lúc này thật khó mà tin nổi, nhưng cuộc sống đã trở nên dễ chịu hơn.” Noah đọc một câu từ bức thư cậu đang cầm trên tay.

Những bức thư Noah nhận được đến từ khắp các lục địa trên hành tinh, có những bức thư được gửi từ tận vùng Nam cực xa xôi giá lạnh. Chỉ riêng số lượng những lá thư nhận được đã làm ngôi nhà của cậu bừng sáng.

Những lời chân thành được gói ghém trong phong thư giản dị đã mang ánh bình minh đến cho Noah sau những ngày mây mù ảm đạm. Có lẽ với cậu bé, không món quà nào giá trị hơn những điều bình dị mà ấm áp và thấm đượm tình người ấy.

“Tôi đã lấy lại lòng tin vào tình người. Nó thực sự tồn tại trong thế giới của chúng ta,” bà Karen nói.

Đối với Noah, điều này đã thay đổi hoàn toàn cuộc sống của cậu: “Cháu đã quen chỉ nhìn vào mặt xấu của con người, như bắt nạt, chế giễu, nhạo báng. Cháu đã từng chỉ thấy những ánh mắt lạnh lùng và thái độ hờ hững. Nhưng bây giờ cháu nhận ra còn rất nhiều người chu đáo, tốt bụng và chân thành, những người có thể trở thành bạn của cháu một cách vô điều kiện và không quan tâm cháu là ai, tình trạng của cháu như thế nào. Cháu cũng nhận ra rằng tình yêu thương và sự ấm áp từ trái tim con người thực sự tạo ra điều kỳ diệu cho cuộc sống”.

Mặc dù tình trạng của Noah vẫn còn bấp bênh, nhưng giờ đây cậu bé đã có những người bạn bên cạnh. Những người bạn dù chưa một lần gặp mặt nhưng lại đang và sẽ tiếp tục mang đến ánh sáng hi vọng, sự đồng cảm và tình thương vô điều kiện cho Noah.

“Ôi, cháu sẽ không thể đọc hết những lá thư này tới khi cháu bằng tuổi chú.” Noah mỉm cười hạnh phúc và nói với người dẫn chương trình trước khi chương trình truyền hình kết thúc.

Những người bạn dù chưa một lần gặp mặt nhưng lại đang và sẽ tiếp tục mang đến ánh sáng hy vọng, sự đồng cảm và tình thương vô điều kiện cho Noah.

Ngôn ngữ thực sự có sức mạnh, chúng có thể đánh gục một người, cũng có thể nâng đỡ một người. Một câu nói có thể mang đến cho chúng ta hy vọng, một câu nói cũng có thể đẩy chúng ta đến cùng đường tuyệt vọng. Nhưng điều thực sự có ảnh hưởng to lớn đến cuộc sống của chúng ta không phải là ngôn ngữ, bởi ngôn ngữ chỉ là lớp vỏ chứa đựng suy tư, tâm trạng và ý định của con người.

Thái độ, cảm xúc, cách hành xử của chúng ta mới chính là điều quan trọng nhất.

Sống trong thế giới với nhiều biến động, thăng trầm, nghịch cảnh, mâu thuẫn, liệu chúng ta có thể giữ mãi cho mình một trái tim ấm áp để đồng cảm và sẻ chia một cách vô điều kiện với những cảnh đời bất hạnh, với những số phận bấp bênh?

Sẽ tới một lúc chúng ta nhận ra tiền tài, vật chất chỉ có thể giúp ta làm quen, nhưng lại không thể giúp ta mãi mãi ở bên nhau.

Tạo hóa đã ưu ái ban cho con người một trái tim biết cảm nhận, biết yêu thương, ban cho con người đôi tay để giúp đỡ nhau, làm nơi nương tựa cho nhau mỗi khi hoạn nạn. Vì vậy, hãy bớt những suy nghĩ tiêu cực, những lời nói làm tổn thương người khác và thay vào đó dùng những cái siết tay thật chặt, những lời khích lệ, động viên, bởi vì cuộc đời này ngắn ngủi lắm.

Xuân Dung – Tịnh Thủy

Xem thêm:

Exit mobile version