Đại Kỷ Nguyên

Cảm phục chuyện đời ông Thịnh: Mù lòa vẫn một mình làm đường cho trẻ con đi học

Ở bên nước bạn xa xôi, xưa kia có câu chuyện cô Helen bị mù, câm, điếc mà vẫn học xong đại học rồi còn đi diễn thuyết truyền cảm hứng sống cho bao người khuyết tật. Ở ta nay lại có một câu chuyện về ông Thịnh mù lòa nhưng vẫn tự mày mò làm ăn rồi còn lấy đất đắp đường cho trẻ con đi học.

Tuổi thơ dữ dội

Ông Thịnh trải qua bốn năm đầu đời hạnh phúc như bao đứa trẻ khác. Sinh sống trên vùng núi Thường Xuân của tỉnh Thanh Hóa, cuộc sống với ông là núi rừng, cỏ cây, tiếng suối, tiếng của muôn loài. Ông Thịnh kể, ông cũng đã từng được tới trường để học lấy cái chữ. Nhưng rồi, một lần đau mắt hột đã quyết định cuộc sống của ông phải rẽ theo một hướng khác.

Lần ấy, ông bệnh nặng nhưng cha mẹ nghèo quá, không có tiền đưa ông đi chữa, mà bệnh viện huyện thì lại ở quá xa. Thế là, bố mẹ đành lên rừng, lấy lá về đắp cho ông. Nhưng bệnh ngày càng nặng hơn, rồi ánh sáng cũng lùi dần ra khỏi cuộc đời ông từ ấy.

Khi ấy, ông cũng không hiểu vì sao thế giới của mình lại trở nên tăm tối như vậy. Ông được bố mẹ nuôi nấng, chăm lo nhưng trong lòng đã sớm mang một nỗi buồn. Cuộc sống của ông những năm đầu mất đi đôi mắt ấy chỉ quanh quẩn bên căn nhà sàn, trong màu đen u tịch bởi với ông, ngày cũng như đêm.

Ông Thịnh tâm sự với phóng viên báo Dân Trí, mới đầu cứ nghĩ đến việc cha mẹ sẽ phải nuôi mình cả đời, ông bức xúc lắm. Ông kể, mấy bận ông đã tìm đến cái chết, nhưng lần nào cũng không thành. Có lẽ cuộc đời vẫn muốn ông sống tiếp, muốn ông tìm được cách đối diện với mất mát này. Nghĩ đến những người thân hàng ngày vẫn thương, vẫn động viên mình mà ông Thịnh mới dần từ bỏ ý định chấm dứt cuộc sống.

Vượt ra ngoài bóng tối

Theo thời gian, nỗi đau, sự bức bách vì suy nghĩ mình sẽ là gánh nặng của cha mẹ cũng dần dịu lại. Ông Thịnh bình tĩnh hơn, và bắt đầu suy nghĩ về những việc mình có thể làm. Năm đó, em gái ông, cô Nhâm được giao nhiệm vụ dắt trâu lên rừng kiếm cỏ. Vậy là ông Thịnh xin đi theo em gái. Ngày nào, hai anh em cũng cần mẫn dắt trâu lên rừng. Sau một thời gian dài, ông Thịnh đã quen với đường đi, lối về. Từ đó, ông tự mình đưa trâu lên núi để em gái có thêm thời gian đi học.

Chân dung ông Lê Đình Thịnh, người đàn ông mù đôi mắt, nhìn đời, nhìn người bằng trái tim.(Ảnh dẫn qua: Dân Trí)

Mất đi đôi mắt, nhưng bù lại ông lại có đôi tai thính và đôi bàn tay khéo léo. Những ngày sau đó, khi đã có thêm một chút tự tin vào việc đi rừng, ông Thịnh lại tiếp tục tìm kiếm việc làm, ông muốn học một cái nghề để làm việc nuôi thân. Thế rồi, ông tìm thấy cái duyên với việc đan lát. Công việc tưởng chừng chỉ dành cho những người khéo léo, tỉ mẩn ấy cũng không thể làm khó được người đàn ông không còn thấy ánh sáng này. Cứ lần mò trong bóng tối, từng chút, từng chút một rồi cũng đến ngày ông có thể đan một chiếc rổ tre hoàn chỉnh, và sau đó là thúng mủng, đó nơm.

Nghề đan lát đã giúp ông tự kiếm tiền nuôi thân và tìm được người tri kỷ. (Ảnh dẫn qua: Nông Thôn Việt)

Có lẽ vì thương anh nông dân nghèo, tuy bị mù nhưng vẫn có cái chí sống độc lập mà cuộc đời cũng thông qua việc đan lát mà se cho ông Thịnh một mối duyên lành. Ngày nọ, một vị khách lạ đến mua hàng của ông. Rồi vì cảm mến cái hiền lành chân thật, cùng cái nghị lực vượt qua cái khó của người trai trẻ mà đã ngỏ ý muốn gả con gái cho ông. Gặp gỡ một vài lần, hai người đều cảm thấy như đã gặp được cái duyên của đời mình. Và thế là ông Thịnh nên vợ nên chồng với người con gái ấy.

Ông Thịnh kể, với ông, bà Xinh không chỉ là một người vợ đảm đang mà còn là người tri kỷ, là đôi mắt của ông. Từ ngày có vợ, ông có thêm người bạn đồng hành, dù là việc nương rẫy hay việc gia đình, hai ông bà đều làm cùng nhau. Họ có với nhau bốn người con. Ông Thịnh của ngày trước, với đôi mắt chẳng lành, chắc không bao giờ dám nghĩ có ngày mình có một gia đình để chở che, chăm sóc. Vậy là, từ đó, ông Thịnh có thêm động lực để làm việc nhiều hơn mỗi ngày.

Ông bị mù nhưng ông hăng say làm việc như bất kể một người sáng mắt nào. (Ảnh dẫn qua: Dân trí)

Nhưng cuộc sống lại một lần nữa thử thách ông khi bà Xinh bị ốm và qua đời. Nỗi đau khi bà ra đi với ông chắc cũng giống nỗi đau mất đi đôi mắt thêm một lần nữa. Và lần này, chính các con là người níu ông lại với cuộc đời. Thương con còn nhỏ, người đàn ông mù ấy lại ngày ngày lên rừng chặt củi, làm rẫy, bốc đất thuê, lo cho các con ăn học.

Mù đôi mắt, ông nhìn bằng trái tim, tận hưởng cuộc sống bằng âm nhạc

Ông Thịnh được người dân trong thôn thương quý không chỉ bởi việc ông dù mù mà vẫn chăm chỉ làm ăn, sống vui với âm nhạc với tiếng đàn bầu tự chế. Mà người ta còn quý, còn cảm kích tấm lòng ông dành cho lũ trẻ trong thôn.

Trước đây, làng ông không có đường dẫn ra đường cái như bây giờ, nên muốn đi học lũ trẻ ngày hai bữa phải lội qua đồng ruộng. Ông Thịnh biết chuyện đã tự làm một chiếc xe cút kít bằng gỗ để chở đất. Ông muốn đắp một con đường nhỏ để trẻ con trong làng đi học được sạch sẽ và bớt vất vả hơn. Ông một mình chở đất từ ruộng lên để đắp đường. Mọi người nhìn cảnh ông già mù cặm cụi chở đất đều lắc đầu. Họ nghĩ ông sẽ chẳng bao giờ làm được.

Trên chính chiếc xe cút kít này, ông Thịnh đã chở rất nhiều đất đắp thành đường cho trẻ con trong làng đi học. (Ảnh dẫn qua: suckhoemoitruong)

Nhưng nếu mỗi ngày bạn đều kiên định làm một điều gì đó, ngày bạn hoàn thành điều đó nhất định sẽ đến. Giống như ông Thịnh, sau mấy tháng trời ròng rã, ông đắp được con đường đất dài 100 mét dành cho các trẻ nhỏ đến trường.

Không chỉ dừng lại ở việc đắp đường, những lần mưa to, đường bị hỏng, đất lỏng chỗ này, hổng chỗ kia, ông Thịnh lại cặm cụi chở đất trên chiếc xe cút kít bằng gỗ tự chế của mình để về đắp cho con đường trở lại lành lặn, an toàn như nó vốn có.

Thật may mắn khi chúng ta biết được, trong cuộc sống này vẫn có những con người như ông Thịnh. Một ông già mù đã dùng cả cuộc đời mình để tìm ra cách sống trong một thế giới đầy tăm tối. Cách sống mà ông tìm được ấy mới thật là đáng quý:

Ông sống mà không để cái khiếm khuyết của mình quyết định cuộc đời mình. Khi đứng trước những ngã rẽ khó khăn của cuộc sống, ông luôn chọn lấy hạnh phúc của người khác để làm động lực sống cho chính mình.

Ngoài công việc, ông Thịnh cũng tìm được cho mình rất nhiều niềm vui trong cuộc sống. (Ảnh dẫn qua: Dân trí)

Để rồi, trong cái tối tăm của cuộc sống, ông không chỉ tìm thấy cách sống một cách có ý nghĩa cho mình và cho những người xung quanh, mà ông còn tìm được cách để lấp đầy bóng tối trong thế giới của mình. Đó chính là âm nhạc.

Âm nhạc đã lấp đầy thế giới u tối của ông bằng những thanh âm trong trẻo. (Ảnh dẫn qua: suckhoemoitruong)

Người đàn ông mù ấy lại được Trời thương ban cho đôi bàn tay khéo, đôi tai thính và một tâm hồn yêu nhạc. Với bấy nhiêu báu vật, cuộc sống hàng ngày của ông không chỉ có đan lát, ruộng nương. Có thời gian rảnh, ông lại mày mò chế đàn bầu, làm tiêu sáo, rồi thảnh thơi ngồi với khúc nhạc, tiếng đàn.

Ông Thịnh chơi cây đàn bầu tự chế. (Ảnh dẫn qua: Dân trí)

Cuộc sống cứ vậy mà nhẹ nhàng trôi…

Hải Đường

Exit mobile version