Đại Kỷ Nguyên

Bức thư xúc động của người đàn ông viết về nỗi đau mất cha mẹ khiến nhiều người phải giật mình

Với rất nhiều người, chỉ đến khi trải qua nỗi thống khổ lúc cha mẹ không còn trên cõi đời này nữa thì mới thấy thấm thía tình yêu bao la vô điều kiện mà đã họ trao cho ta trong suốt cả cuộc đời. Những lời tâm sự đầy xúc động của người đàn ông dưới đây là một bài học sâu sắc về tình cảm gia đình dành cho bất cứ ai.

“Mới 30 tuổi nhưng tôi đã phải trải qua nỗi đau mất đi cả cha lẫn mẹ…

Thật khó có từ ngữ nào có thể diễn tả hết cảm giác phải tự tay viết điếu văn cho người thân trước khi họ kịp chứng kiến cảnh tôi hạnh phúc trong ngày cưới, rạng ngời với tấm bằng cao học và ổn định với một công việc mới.

Cái ngày nhận được tin dữ, tôi chỉ biết run rẩy cầm chiếc điện thoại và tự trấn an bản thân rằng họ sẽ không sao đâu, đó chỉ là một sự hiểu nhầm. Nhưng khi đến nơi, tôi chỉ thấy cảnh sát và y tá ngăn tôi lại, yêu cầu tôi phải hết sức bình tĩnh và ngồi xuống.

Dù rất cố gắng, nhưng tôi vẫn không thể chấp nhận sự thật là họ đã ra đi mãi mãi. Cái chết của họ quá đột ngột, không một lời báo trước.

Tôi mở lại điện thoại, xem cuộc gọi nhỡ, lần cuối cùng mẹ gọi là vào gần giờ ăn tối hôm trước, tôi đã chuyển điện thoại thành chế độ rung và không nghe máy vì lúc đó đang mải nói chuyện với bạn, và giờ thì tôi không thể quay lại quá khứ để nói một lời xin lỗi. Tôi thật sự không thể tin vào những gì đang diễn ra. Trời đất như đang đảo lộn…

Nhưng tôi có thể làm được gì đây?

Tôi nằm mơ thấy cha mẹ mình, mơ về những khoảng thời gian êm ấm tuyệt vời, về lần bố dạy cho tôi cách sửa ống nước, sau đó mẹ làm món thịt gà nướng mà tôi thích nhất, và cả gia đình vừa ăn vừa trò chuyện. Nhưng khi tỉnh giấc, tôi nhận ra, là họ đã ra đi rồi. Bây giờ thì dù có chuyện gì, tôi cũng không thể gọi cho họ nữa. Tôi không thể chia sẻ với cha mẹ niềm vui khi được nhận công việc mới, hay những buồn phiền trong chuyện tình cảm. Tôi hoàn toàn không có cơ hội đó nữa…

Tôi cay đắng nhớ lại những lần mẹ nhắn tin cho tôi, những tin dấu thiếu dấu, gõ nhầm chữ, tôi đọc mà không buồn trả lời. Hay những lần tôi đi đá bóng về muộn mà không gọi cho bố mẹ, mở điện thoại ra thấy gần chục cuộc gọi nhỡ của cả bố cả mẹ, vừa về đến nhà thì bố mẹ mắng tôi, lo tôi bị sao, mà trong lòng tôi lúc ấy chỉ thấy phiền phức, khó chịu. Tôi nhớ cả những lần sinh nhật bố mẹ, tôi lấy cớ bận học, bận làm nhưng thực ra là quên hoàn toàn ngày đặc biệt ấy. Tôi nhớ những đồng lương đầu tiên tôi kiếm được ở tuổi 23, tôi đã dùng để khao bạn bè ăn uống đến tận gần nửa đêm mới về, để mẹ ở nhà bật đèn ngồi chờ lo lắng… Càng nghĩ, tôi càng thấy mình thật tồi tệ, thật đáng trách, tôi cảm thấy mình thật quá bất hiếu.

Một vài người bạn cố gắng an ủi tôi, nhưng họ không thể thấu hiểu được nỗi đau này vì họ chưa bao giờ trải qua tình cảnh mất đi cha mẹ. Tôi ghen tỵ với họ, thậm chí phát cáu khi họ than phiền rằng cha mẹ họ thật phiền phức, rằng họ thường xuyên bị la rầy, nhắc nhở.

Họ đâu có biết việc bên cạnh cha mẹ mỗi ngày là điều đáng trân quý nhường nào. Tôi sẽ làm bất cứ điều gì để có thể quay ngược thời gian. Tôi thèm được cùng cha mẹ ôn lại những kỷ niệm tuổi thơ, thèm được nghe họ mắng mỏ. Tôi thèm được hỏi han họ nhiều hơn, quan tâm họ nhiều hơn, và được nghe giọng nói của họ. Tôi thấy mình như một người canh giữ ký ức cô độc, bảo vệ những điều theo tôi mãi đến khi trưởng thành. Căn nhà nơi tôi chập chững những bước đi đầu tiên đã không chỉ là một ngôi nhà nữa…

Dù cố dối lòng rằng mọi việc sẽ ổn, rằng cha mẹ sẽ luôn sống trong trái tim tôi, nhưng nỗi đau này quá lớn. Chẳng biết đến bao giờ tôi mới có thể bình tâm trở lại, tôi vẫn thường khóc thút thít như đứa trẻ trong phòng tắm, tôi phải cố giấu đi cảm xúc của mình vì một người anh cả như tôi cần phải mạnh mẽ hơn. Tôi đã từng nghĩ, cha mẹ sẽ sống lâu, hiện giờ mình cần lo cho bản thân tốt trước đã, sau này cha mẹ già mình sẽ quan tâm tới cha mẹ hơn. Tôi đã luôn nghĩ, thời gian còn nhiều. Nhưng không ai trong chúng ta, mỗi một ngày thức dậy, có thể biết được điều gì sẽ xảy ra.

Chúng ta hãy thôi than phiền về việc cha mẹ không hiểu mình, hãy bao dung với khiếm khuyết của họ, và hãy nói rằng chúng ta yêu họ đến nhường nào. Hãy cho họ biết chúng ta đã “quên” tỏ lòng biết ơn với những điều tốt đẹp họ dành cho chúng ta, rằng chúng ta rất muốn ăn đồ ăn họ nấu, muốn họ dạy chúng ta những bài học cũ kỹ, và rằng chúng ta muốn lắng nghe câu chuyện của họ nhiều hơn, những câu chuyện mà họ đã kể cho chúng ta không dưới ba lần. Bởi vì sẽ có một ngày chúng ta không bao giờ còn cơ hội làm điều đó, và ngày đó có thể là ngày hôm nay.

Đôi khi chúng ta cần nhìn lại để xem bản thân có thường xuyên nói lời yêu thương với cha mẹ mình không? Đã quan tâm đúng mực tới họ chưa? Đã bao lâu rồi chúng ta không về thăm nhà? Đã bao lâu rồi chúng ta không ôm lấy người mẹ từng vất vả sớm tối lo từng bữa ăn? Đã bao lâu rồi chúng ta không để ý đến nỗi mệt nhọc của cha? Hãy nhận ra cuộc sống này có những lúc tưởng như thật đẹp nhưng cũng rất mong manh và dễ thay đổi. Chúng ta nên biết trân quý những giờ phút được ở bên người thân của mình vì không có gì là mãi mãi tồn tại…”

Mai Hạ

Xem thêm:

Exit mobile version