Đại Kỷ Nguyên

Bức ảnh Meme: Khi cư dân mạng sử dụng ảnh con trai mình để đùa cợt, người mẹ này đã làm gì?

Đó là câu chuyện về một bà mẹ muốn nâng cao nhận thức của mọi người về một căn bệnh kỳ quái, nhất là khi các cư dân mạng vô tâm đã sử dụng hình ảnh về đứa con trai mang bệnh của bà để đùa cợt…

Từ khi sinh ra, cậu bé Jameson 4 tuổi sống tại San Antonio, Texas, Mỹ, đã mắc một căn bệnh rối loạn gien kỳ quái, điều đó khiến cho đầu và mặt cậu bé không thể phát triển bình thường. Chính vì thế, mẹ của em, bà AliceAnn Meyer đã bắt đầu viết blog để cập nhật tình hình của Jameson với những người thân và họ hàng của cậu.

(Ảnh: AliceAnn Meyer, Theo Today.com)

Tuy nhiên, một cư dân mạng vô tâm nào đó đã sử dụng hình ảnh trên blog của bà Meyer để đùa cợt bằng cách tạo ra một tấm hình Meme. Theo đó, Meme là trào lưu chế lại những bức ảnh trên mạng để bày tỏ một cách hài hước ý tưởng của mình. Khi biết được điều này, bà Meyer đã kiên nhẫn ngồi tìm từng trang mạng đăng bức ảnh của con mình, yêu cầu dỡ bỏ, và viết một bài blog cảm động về câu chuyện của cậu bé Jameson, để nâng cao nhận thức của mọi người về căn bệnh rối loạn gien kỳ quái.

(Ảnh: AliceAnn Meyer, Theo Today.com)

Nếu bạn đang cười nhạo và chia sẻ tấm hình Meme này, tôi nghĩ rằng bạn nên hiểu rất kỹ về thứ mình đang chia sẻ và đang cười nhạo“, bà Meyer nghiêm khắc nói, “Vì thế, với những ai đã cười, đã chia sẻ, và đã sử dụng bức hình Meme, hãy để tôi bắt đầu bằng việc giới thiệu với bạn đứa trẻ mà bạn thấy ‘đáng cười’. Cậu bé tên là Jameson. Một cậu bé có thật, và một cậu bé bị mắc hội chứng Pfeiffer“.

Hội chứng Pfeiffer hay còn gọi là hội chứng dính liền khớp sọ là một chứng rối loạn gien khiến đầu phát triển bất thường và do đó những đứa trẻ mắc phải căn bệnh này phải trải qua nhiều ca phẫu thuật để chỉnh lại vòm đầu và các biến dạng kèm theo của hộp sọ. Chứng bệnh này cũng có thể dẫn đến nhiều tình trạng đáng tiếc khác như bị điếc do nhiễm trùng tái phát.

(Ảnh: AliceAnn Meyer, Theo Today.com)

Bà Meyer chia sẻ, quá trình bà thuyết phục các cư dân mạng cứ như là một “trận đấu không ngừng nghỉ” vậy. Cứ mỗi khi một bức hình được dỡ bỏ thì một vài bức hình khác lại xuất hiện. “Tôi đã được khuyên không nên đưa hình của con lên mạng, nhưng tôi không muốn phải làm như thế“, bà Meyer nói, “Tôi không chấp nhận điều đó. Con trai tôi không nên phải sống với một tiêu chuẩn khác chỉ bởi vì diện mạo của cháu — không đứa trẻ nào nên phải sống như vậy.

Tôi mong rằng sẽ có các phương pháp để bảo vệ những đứa trẻ có hoàn cảnh đặc biệt như Jameson. Nếu có ai đó cảnh báo về trường hợp liên quan đến một đứa trẻ, nội dung này nên lập tức bị chặn cho đến khi các nhân viên của trang web dành thời gian xem xét cụ thể hơn… Tôi không thể tìm kiếm hết được các bức hình Meme của Jameson trên mạng, nhưng nếu chúng ta có một cộng đồng, chúng ta sẽ có thể xây dựng được một môi trường an toàn hơn cho lũ trẻ.

“Tôi không xấu. Tôi không kỳ lạ. Tôi là một cậu bé. Tôi muốn được công nhận. Tôi được mọi người yêu mến.” (Ảnh: AliceAnn Meyer, Theo Today.com)

Mặt khác, bà Meyer cũng cho hay, bà rất cảm động trước những cư dân mạng hào hiệp sẵn sàng giúp đỡ bà trong quá trình nâng cao nhận thức và gỡ bỏ các bức hình Meme. Trang Facebook của bà đã được cộng đồng mạng đón nhận, và rất nhiều gia đình cùng chung cảnh ngộ đã liên lạc với bà Meyer kể từ đó: “Thật có ý nghĩa khi chúng ta đứng cùng nhau, và nâng cao nhận thức về việc cách ứng xử đối với người khác. Không ai có quyền lấy ảnh của bạn và sử dụng nó để chế nhạo con bạn… ‘Chỉ vì nó là Internet’ không phải là một lý do“.

Bà Meyer cũng chia sẻ với mọi người về con trai mình, cậu bé Jameson. Mặc dù mắc phải căn bệnh này, nhưng Jameson vẫn rất hiếu động, thích đùa nghịch, và luôn là nguồn vui của mọi người. Cậu bé luôn muốn được giúp đỡ mẹ, yêu công nghệ, ham được chụp ảnh, và muốn làm người khác cười.

Tôi mong rằng họ sẽ nghĩ kỹ trước khi quyết định chia sẻ một điều gì ở trên mạng – thậm chí ngay cả khi đó là một đứa trẻ không bị dị tật, vì nói cho cùng đó vẫn chỉ là một đứa trẻ“, bà Meyer gửi gắm đến các cư dân mạng.

Theo Today.com
Quang Minh

Xem thêm:

Exit mobile version