Đại Kỷ Nguyên

Bóng hồng ám ảnh trong mối tình đầu của Hitler

Dường như trong cả cuộc đời của nhà độc tài Đức Quốc xã, những gì trong sáng nhất, đẹp đẽ nhất lại là câu chuyện về mối tình đầu của Hitler thủa thiếu thời.

Cái tên Hitler có thể khiến nhiều người liên tưởng đến những gì là độc tài, tàn bạo, cuồng tín, hay là tội ác đối với người Do Thái, v.v. Nhưng ít ai biết rằng, vị Quốc trưởng khét tiếng của Đức Quốc xã đã từng là một chàng trai si tình và mang nhiều mộng tưởng về mối tình đầu…

Đã có không ít bóng hồng bước qua cuộc đời của Adolf Hitler. Bạn có thể từng nghe đến những cái tên như Eva Braun – bạn gái và cũng là người vợ chính thức duy nhất của Hitler cho đến ngày cuối đời, Geli Raubal – người cháu gái sống cùng với Hitler trong căn hộ ở thành phố München, hay Baroness Sigrid von Laffert – cô gái được cho là “người tình bí mật” gây nhiều tranh cãi, và Inga Ley – người phụ nữ tóc vàng thường hay xuất hiện bên cạnh Hitler trong nhiều bức ảnh tư liệu khác nhau, v.v. Nhưng mối tình đầu tiên và sâu đậm nhất lại là một thiếu nữ mà Hitler vô tình gặp mặt khi còn là chàng thiếu niên nghèo ở thành phố Linz, nước Áo.

Chúng ta hãy cùng trở về với quãng thời niên thiếu khi Hitler mới 16, 17 tuổi – khoảng thời gian mà ông luôn tự hào là những tháng ngày tươi đẹp nhất trong cuộc đời mình. Có lẽ bạn sẽ thấy một Hitler rất khác so với bức chân dung mà bạn từng biết về vị lãnh tụ độc tài và phát xít của thế kỷ 20.

Ảnh trái: Mối tình đầu của Hitler được miêu tả chi tiết trong cuốn hồi ký “Adolf Hitler, mein Jugendfreund” (bản tiếng Đức); Ảnh phải: Bản dịch tiếng Anh của cuốn sách được đổi tên thành “The young Hitler I knew”

Mối tình đầu của Hitler

Có rất ít tư liệu về mối tình đầu của Hitler ngoài cuốn hồi ký mà August Kubizek, người bạn thân của ông để lại – cuốn “Adolf Hitler, mein Jugendfreund” (Adolf Hitler, người bạn thơ ấu của tôi). Theo Kubizek, Hitler bắt đầu để ý đến một cô gái tên là Stefanie Rabatsch, hay Stefanie Isak, khi ông mới 16 tuổi và đang theo học tại Linz.

“Một buổi tối mùa xuân năm 1905, khi chúng tôi đang dạo bộ như thường lệ, Adolf chợt nắm chặt cánh tay tôi và hỏi tôi với vẻ hào hứng rằng, tôi nghĩ gì về cô gái tóc vàng thanh mảnh đang đi bộ dọc theo đường Landstrasse, tay trong tay với mẹ mình. “Cậu phải biết rằng, mình đã yêu cô ấy”, anh nói với vẻ kiên quyết” – Kubizek, trích từ cuốn “Adolf Hitler, người bạn thơ ấu của tôi”.

Stefanie xuất thân trong một gia đình khá giả và có địa vị xã hội cao hơn so với Hitler. Theo mô tả của Kubizek, đó là một cô gái có vẻ đẹp nổi bật, cao ráo, thân hình mảnh dẻ, mái tóc dày và một đôi mắt tuyệt đẹp. Vẻ đẹp Stefanie đã làm rung động trái tim của chàng trai trẻ Hitler ngay từ cái nhìn đầu tiên, khi nàng vô tình đi ngang qua Hitler trên một con đường nhỏ ở Linz.

Chân dung mối tình đầu của Hitler – Stefanie Rabatsch. Ảnh chụp khoảng năm 1904-1906 (Ảnh: Wikipedia)

Trái ngược với một Hitler cứng rắn và độc đoán của Đức Quốc xã, Hitler trong tình yêu đầu đời lại là một chàng trai rụt rè và nhút nhát. Hitler chưa một lần dám trò chuyện với Stefanie; còn khi được Kubizek gợi ý, ông lại thoái thác rằng sẽ làm việc ấy vào “ngày mai”. Và tất nhiên, “ngày mai” ấy không bao giờ tồn tại. Cứ như thế, mối tình đầu của Hitler được ông lý tưởng hóa trong thầm lặng. Hitler chỉ dám lặng lẽ quan sát Stefanie từ xa, và vì không dám tiếp cận, ông yêu cầu người bạn thân Kubizek phải tìm hiểu và báo cáo với ông mọi điều về nàng.

Chàng trai si tình

Gần như mỗi ngày, Hitler đều đứng đợi bên đường để được nhìn ngắm Stefanie đi tản bộ bên cạnh mẹ nàng. Giống như anh chàng “trồng cây si” của thành phố Linz, mọi cảm xúc của Hitler đều biến đổi theo bóng hồng ấy.

“Stefanie không hề biết Adolf yêu cô sâu đậm như thế nào, nàng xem anh như là một cậu bé hơi nhút nhát, nhưng vẫn khá kiên trì, trung thành. Khi nàng đáp lại cái nhìn tò mò của anh với một nụ cười mỉm, anh vô cùng hạnh phúc và tâm trạng cũng không giống với bất cứ điều gì mà tôi từng nhìn thấy ở anh. Nhưng khi Stefanie thường xuyên lạnh lùng bỏ qua cái nhìn của anh thì anh bị đè bẹp và sẵn sàng tiêu diệt chính mình và cả thế giới” – Kubizek, trích từ cuốn “Adolf Hitler, người bạn thơ ấu của tôi”.

Hitler cũng tỏ ra bực tức khi nhìn thấy những ‘gã trai’ lẽo đẽo theo tán tỉnh Stefanie, nhất là những sĩ quan trong quân đội mà ông vẫn gọi là “ngu si kiêu ngạo”. Có lẽ vì ấn tượng xấu đó mà cho đến nhiều năm sau, Hitler vẫn cảm thấy một “mối thù không khoan nhượng” đối với tầng lớp sĩ quan nói chung và tất cả mọi thứ liên quan đến quân đội. Điều ấy khiến ông vô cùng khó chịu bất cứ khi nào Stefanie giao thiệp với “lũ lười”, những kẻ mà ông nhấn mạnh là “mặc áo nịt ngực và xức nước hoa”. Cảm giác này vẫn theo ông mãi cho đến khi Hitler đã trở thành nhà lãnh đạo tối cao của quân đội Đức Quốc xã.

Một góc thành Linz năm 1906 – thành phố in dấu mối tình đầu của Hitler thời niên thiếu (Ảnh: delcampe.net)

Vào một ngày giữa năm 1906, khi chiếc xe ngựa của Stefanie đi ngang qua Hitler, nàng đã mỉm cười và ném về phía ông một bông hoa của mình. Đây là một hoạt động trong lễ hội hoa của thành phố Linz, nơi các quý cô nương trên những chiếc xe ngựa kéo sẽ tung hoa xuống đám đông dọc các con đường. Nhưng với riêng Hitler, hành động ấy lại làm bừng sáng cả bầu trời trước mắt ông.

“Sẽ không có thêm một lần nào nữa để tôi được thấy Adolf rạng rỡ hạnh phúc như vào thời điểm đó. Khi chiếc xe đã đi qua, anh kéo tôi sang một bên, và với xúc cảm, anh nhìn vào đóa hoa ấy, một chứng cứ rõ ràng cho tình yêu của nàng. Tôi vẫn có thể nghe thấy giọng nói của anh run rẩy trong sự phấn khích: “Nàng yêu mình! Cậu nhìn thấy rồi đấy, nàng yêu mình!” – Kubizek kể về mối tình đầu của Hitler, trích từ cuốn “Adolf Hitler, người bạn thơ ấu của tôi”.

Trong suốt những năm ấy, Stefanie là một hình tượng đẹp rạng ngời trong lòng của Hitler, người sau này trở thành nhà độc tài khét tiếng của nước Đức. Khi mẹ ông qua đời vào năm 1907, Stefanie lại trở thành niềm an ủi giúp ông tạm quên đi nỗi đau mất mát trong lòng. Đó là khi đám tang đi ngang qua Urfhar, nơi Stefanie đang sống, và Hitler vô tình nhìn thấy nàng bên dưới cửa sổ nhà. Đối với Hitler, không một cô gái nào trên đời có thể sánh ngang với Stefanie, dường như cả thế giới của ông chỉ có một mình nàng tồn tại, và nàng là tất cả về phái nữ trên cõi đời này.

Lời kể của nàng Stefanie

Cho đến khi phải chuyển tới thủ đô Viên để theo đuổi ước mơ làm họa sĩ, Hitler vẫn không ngừng nhớ tới Stefanie. Ông yêu cầu anh bạn Kubizek phải tiếp tục quan sát và kể mọi chuyện thường nhật về nàng qua những lá thư trao đổi giữa hai người. Sau này, trong một cuộc phỏng vấn, Stefanie kể rằng bà từng nhận được một lá thư tình vô danh và chỉ nhận ra tác giả của bức thư sau khi biết được tình cảm thời trẻ của Hitler dành cho mình. Stefanie nói: “Tôi từng nhận được lá thư từ một người, nói rằng anh ấy sẽ tham gia học viện nghệ thuật, và rằng tôi nên chờ đợi anh ấy; anh ấy sẽ quay lại và cưới tôi! Tôi đã không thể biết người viết thư có thể là ai và tôi nên gửi nó cho ai”.

Ảnh trái: Stefanie Rabatsch thời thiếu nữ trong mối tình đầu của Hitler; Ảnh phải Stefanie Rabatsch khi về già (Ảnh: Internet)

Mặc dù đối với Stefanie, Hitler mãi mãi là một chàng trai vô danh của thành phố Linz, nhưng nàng lại chính là bóng hồng đẹp nhất, lý tưởng nhất, hoàn mỹ nhất của một mối tình đầu trong sáng mà người ta không còn thấy trong quãng đời sau này của Adolf Hitler. Tình yêu Hitler dành cho nàng cũng được bi kịch hóa thành một phim tài liệu truyền hình Áo-Đức vào năm 1973, do Georg Stefan Troller viết kịch bản và đạo diễn Axel Corti thực hiện.

Hồng Liên

Xem thêm:

Exit mobile version