Đại Kỷ Nguyên

Bỏ nhà đi vì đã làm em trai chết đuối, sự thật sáng tỏ sau 10 năm

Năm tôi lên lớp 7 thì mẹ tôi sinh em trai. Mọi việc trong gia đình tôi kể từ đó có rất nhiều thay đổi và cuộc sống của tôi đã hoàn toàn đảo lộn. Một lần, sợ cha mẹ trách tội vì đã làm em trai chết đuối, tôi bỏ nhà đi. Tôi đã rời xa cha mẹ và ngôi làng nhỏ của mình suốt 10 năm ròng rã.

Từ nhỏ, tôi đã được yêu thương và cưng chiều. Cha mẹ luôn nói rằng tôi là tài sản quý giá nhất cuộc đời họ và sẽ không bao giờ để tôi phải chịu khổ, chịu thiệt thòi. Cuộc sống của tôi diễn ra ngọt ngào và êm đềm như vậy trong sự chăm sóc, vỗ về, và nâng niu của cha mẹ cho tới khi mẹ tôi sinh em trai năm tôi học lớp 7.

Mọi việc thay đổi một cách nhanh chóng tới nỗi tôi không thể thích nghi được. Từ một người quan trọng nhất trong gia đình, tôi trở thành người lẻ loi và cô độc. Em trai đã hoàn toàn thay thế vị trí của tôi, lấy đi tất cả tình thương và sự cưng chiều của cha mẹ dành cho tôi. Ít nhất thì tôi có cảm giác như vậy, mặc dù đôi khi cha mẹ vẫn gọi tôi là “bảo bối”. Những buổi tối em trai khó ngủ, cả cha mẹ đều thức để vỗ về, dỗ dành em. Nhìn ánh mắt lo lắng và xót xa của cha mẹ khi em trai tôi cứ khóc mãi, tôi thấy tự ti, cô độc và nghĩ rằng mình sẽ chẳng bao giờ được như ngày xưa nữa.

Khi em tôi khoảng 2 tuổi và tôi lên lớp 7, mẹ quyết định ra ngoài xin việc làm thay vì chỉ ở nhà làm công việc nội trợ, chăm sóc gia đình như trước đây. Phần lớn thời gian em trai sẽ ở nhà với bà ngoại, tuy nhiên những ngày tôi được nghỉ hay buổi chiều sau khi tan học, tôi sẽ phải trông nom em.

Mặc dù cảm thấy bản thân chịu nhiều thiệt thòi sau khi em ra đời, tôi vẫn vô cùng yêu thương em. Mỗi lần nhìn gương mặt phúng phính, đôi má hây hây ửng hồng và nhúm tóc loe hoe trên đầu, tôi lại muốn ôm em thật chặt. Tuy nhiên, mỗi lần được giao nhiệm vụ trông nom em là một lần tôi căng thẳng và mệt mỏi bởi tính hiếu động, nghịch ngợm của nó.

Dù cảm thấy bản thân chịu thiệt thòi, tôi vẫn vô cùng yêu quý em trai của mình (Ảnh minh họa: Internet)

Có lần nó chạy nhảy khắp nhà rồi làm vỡ chiếc ấm pha trà cha tôi gìn giữ gần 10 năm nay, cha chỉ để trưng bày mà không dám mang ra dùng. Nhưng sau đó, tất cả sự tức giận và những lời trách móc của cha mẹ đều dồn cả lên tôi, dù tôi giải thích rằng em trai mới là người làm vỡ. “Dù em có làm vỡ chiếc ấm thì cũng là lỗi của con. Con làm chị mà không trông nom em cẩn thận. Không may những mảnh vỡ làm cứa vào tay hay chân em thì con làm thế nào? Con nên tự xem xét lại bản thân, thay vì chối bỏ trách nhiệm của mình như thế!

Câu nói của cha khiến trái tim của một đứa trẻ 13 tuổi như tôi thắt lại. Tôi không biết nói gì, chỉ đứng nhìn những mảnh ấm vỡ và khóc. Trái tim tôi cũng tan nát như chiếc ấm kia vậy.

Kể từ đó, tôi sinh ra ít nói và không thường xuyên trò chuyện với cha mẹ nữa. Tôi thu mình và tự đóng kín cánh cửa tâm hồn, tôi không muốn ai bước vào đó. Từ trong sâu thẳm, cha mẹ và em trai vẫn là người tôi yêu thương nhất, nhưng tình thương của tôi lại không chiến thắng được sự tự ti và cảm giác cô độc. Là tôi không hiểu cha mẹ mình, hay tôi chưa đủ trưởng thành để hiểu cha mẹ mình? Tôi chưa kịp trả lời câu hỏi đó thì một biến cố xuất hiện khiến cuộc đời tôi rẽ sang một trang hoàng toàn mới.

Hôm đó là thứ 7, cha mẹ vẫn đi làm nhưng tôi được nghỉ học. Tôi là đứa trẻ ham mê đọc sách và những ngày nghỉ cuối tuần thường là thời gian lý tưởng tôi dành cho sở thích của mình. Tuy nhiên hôm đó cha mẹ giao cho tôi nhiệm vụ trông em. Tôi bèn kiếm mấy thứ đồ chơi của mình ngày xưa từ trong chiếc hộp cha để tận trên nóc tủ bày giữa nhà để em trai chơi, rồi tôi ngồi cạnh nó và nghiến ngấu đọc sách. Từng trang từng trang lôi cuốn tâm hồn tôi, tới nỗi tôi không biết mình đang ở đâu, đã có lúc cảm giác mình đang đứng giữa vườn hoa màu tím thơ mộng của cô gái trong câu chuyện. Cứ thế, cho tới khi cảm nhận được một sự im lặng khó tả, tôi mới giật mình nhận ra không thấy em trai đâu.

Tôi vứt cuốn sách xuống nền nhà và ngay lập tức chạy khắp nơi tìm em. Vừa chạy vừa khóc, tôi lo sợ có điều gì đó không hay sẽ xảy đến, với cả nó và tôi. Chạy tới chiếc ao làng phía sau nhà, tôi thấy đôi dép em vẫn đi trên mặt nước, những gợn nước dập dình đã đẩy đôi dép tới giữa ao. Đôi chân tôi mềm nhũn và tôi khụy xuống. Câu chuyện lãng mạn tôi vừa đọc giờ đây đã quay sang thành một bi kịch phũ phàng và đau đớn. Em tôi đã ngã xuống ao, đã chết đuối, và tất cả là lỗi lầm của tôi.

Vừa chạy vừa khóc, tôi lo sợ có điều gì đó không hay sẽ xảy đến với cả hai chúng tôi (Ảnh minh họa: Internet)

Trong khoảnh khắc, tất cả mọi cử chỉ yêu thương, từng ánh mắt lo lắng, những lần vỗ về của cha mẹ dành cho em trai hiện lên rõ ràng trước mặt tôi. Tôi nhận ra tôi đã đánh mất của cha mẹ một thứ tài sản vô giá, thứ tài sản cha mẹ nâng niu nhất trong cuộc đời. Nỗi sợ hãi bao lấy tâm trí tôi và tôi biết mình phải chạy trốn khỏi sai lầm này, tôi không thể đối diện với nó, không thể đối diện với những lời trách mắng và có thể là sự ruồng bỏ của cha mẹ.

Bỏ lại tất cả sau lưng, tôi chạy. Tôi không biết mình đã chạy bao lâu, bao xa cho đến khi tới một bến tàu, tôi dùng tất cả số tiền tiết kiệm của mình để một mua tấm vé. Bước chân lên tàu, tôi biết mình sẽ đến một nơi nào đó, một nơi xa lạ, nhưng nơi đó không có cha mẹ, không có em trai và không có sự việc kinh hoàng vừa xảy ra.

Sau hai ngày lang thang, tôi được một cặp vợ chồng cưu mang khi họ phát hiện tôi ngất xỉu ở bên đường. Tôi nhận họ làm cha mẹ và trong suốt thời gian sống cùng cha mẹ nuôi, tôi ôm giữ bí mật của mình. Mỗi lần cha mẹ hỏi tôi về tên tuổi, lai lịch, tôi chỉ im lặng và khóc.

Cuộc sống của tôi suốt 10 năm ở vùng đất mới vô cùng bình yên và hạnh phúc. Cha mẹ nuôi yêu thương tôi và tôi cuối cùng đã vào được trường đại học mình ao ước. Ngày tôi lên thành phố học đại học, tôi ôm cha mẹ và khóc. Tôi có cảm giác sẽ rất lâu nữa chúng tôi mới được gặp lại nhau. Tôi khóc vì tấm lòng quá đỗi vị tha, bao dung của họ đã che chở cho một người xa lạ như tôi, không một lần nghi ngờ, không một chút tính toán.

Lên thành phố học một thời gian, tôi quyết định sẽ trở về nhà thăm cha mẹ. Tôi nghĩ mình giờ đây đã đủ can đảm để đối diện với sai lầm năm xưa. Xuống xe ở đầu làng, tôi đi bộ trên con đường đê ngày trước vẫn cùng bạn bè chơi trò đánh trận giả. Tôi bình yên hít thật sâu hương thơm của loài hoa đồng nội và ngắm nhìn cái màu tím nhớ thương của những bông hoa cà.

Sau 10 năm bỏ chạy, tôi đã có can đảm trở về nhà (Ảnh minh họa: Internet)

Về tới đầu làng, tôi thấy một người phụ nữ đang ngồi dưới gốc cây đa cổ thụ, chỗ đó ngày xưa là nơi mọi người họp chợ. Người phụ nữ ôm trong tay một con gấu bông nhỏ, cô cúi mặt nhìn xuống đất, không nói chuyện với ai, cũng không ngước lên nhìn khi có người qua lại.

Tôi tiến lại gần và giật mình khi nhận ra đó là mẹ tôi. Tôi ngồi xuống, khi đang có ý định nắm đôi tay của bà thì bà kêu lớn lên và bỏ chạy. Tôi không biết chuyện gì đang xảy ra, người mẹ xinh đẹp của tôi 10 năm trước nay lại trở thành một người phụ nữ già nua và tinh thần không còn tỉnh táo. Mải miết đi theo mẹ, tôi về tới nhà mình lúc nào không rõ. Cha tôi đang ngồi ngoài sân đan lát, vẫn cái dáng người thanh mảnh, cao gầy nhưng tóc cha đã bạc rất nhiều. Căn nhà tôi không có gì thay đổi, chỉ khác là giờ đây bao trùm lên nó không còn là tiếng cười giòn tan của chúng tôi năm xưa mà là sự ảm đạm, buồn bã. Không cầm được nước mắt, tôi vừa chạy vào sân vừa gọi lớn: “Cha ơi!”

Cha giật mình quay sang nhìn tôi và một cách tự nhiên, cha dang tay đón tôi vào lòng. Tất cả sự ngỡ ngàng và bàng hoàng, cha thể hiện qua cái ôm tôi thật chặt. Tôi vừa khóc vừa nhận lỗi với cha, xin lỗi cha mẹ vì sự vô trách nhiệm và ích kỉ của mình. Lúc đó, cha mới hiểu ra sự việc. Cha nói rằng: “Con là đứa trẻ ngốc nghếch nhất trên đời. Sao cha mẹ có thể ruồng bỏ con được, hơn nữa em con không có chết đuối. Con không tìm thấy nó là vì lúc đó nó nằm ngủ ở đống rơm trước nhà“. Vừa nói cha vừa chỉ cho tôi vị trí đống rơm ngày trước. Vừa lúc đó, em trai cũng dắt mẹ từ trong nhà đi ra.

Sau 10 năm, giờ đây tâm hồn tôi, nỗi ân hận và day dứt tôi đã được giải thoát. Tôi đã có thể tha thứ cho chính mình. Suốt những năm tháng ấy, điều khiến tôi ân hận không chỉ là bản thân sự việc đó, mà còn là sự thiếu trách nhiệm và ích kỷ của tôi. Nếu tôi dũng cảm đối diện với sai lầm của mình, biết nghĩ tới người khác mà sống thật tốt để bù đắp sai lầm đó, cha mẹ tôi sẽ không rơi vào tình cảnh như ngày nay. Bây giờ tôi đã hiểu, chỉ cần một chút ích kỷ, chỉ nghĩ cho bản thân, làm mọi điều để bản thân có lợi, chúng ta có thể sẽ làm tổn thương người khác, gây thiệt hại cho người khác.

Câu nói của cha ngày trước lại vang lên trong tâm trí tôi: “Con nên tự xem xét lại bản thân, thay vì chối bỏ trách nhiệm của mình như thế!

Trong cuộc sống, khi một chuyện đau buồn xảy ra, chúng ta nên bình tĩnh đối diện với vấn đề và trao đổi với người xung quanh để tìm ra giải pháp, không nên hoảng sợ ra quyết định vội vã để trốn tránh trách nhiệm. Bởi những gì chúng ta nhìn thấy đôi khi chỉ là một phần rất nhỏ của câu chuyện và điều chúng ta lo sợ không phải là thực tế đã diễn ra…

Lý Minh

Xem thêm:

 

Exit mobile version