Đại Kỷ Nguyên

Bố mất, bà nội đi lấy chồng, cậu bé sống côi cút một mình trong căn nhà tranh

Tuy mới chỉ 10 tuổi, cậu bé Khuyên đã gánh chịu nhiều nỗi đau trong cuộc sống: Bố mẹ đều bỏ nhà đi, sau này bà nội cũng đi lấy chồng khiến em phải sống cui cút một mình trong ngôi nhà tranh. 

Cảnh đời khó khăn 

Cậu bé Đặng Văn Khuyên là học sinh lớp 5D, trường tiểu học Thành Long, xã Thành Long (Hàm Yên, Tuyên Quang).

Theo Đời Sống Plus, bố Khuyên bỏ đi từ năm em 2 tuổi, đến nay em vẫn không biết mặt mũi bố thế nào. Sau này khi em 4 tuổi, mẹ cũng bỏ đi, tuy hai bên nội ngoại đều ở gần nhưng bên ngoại không nhận cháu, không có trách nhiệm với em. Khuyên ở với bà nội mấy năm thì bà cũng đi lấy chồng ở Yên Bái từ năm 2018, thỉnh thoảng mới về. Ở gần nhà Khuyên còn có hai bác, tuy nhiên, điều kiện, hoàn cảnh của hai bác cũng khó khăn nên không ai nuôi dưỡng em được, từ đó Khuyên phải sống một mình. 

Mặc dù vậy, trong thâm tâm cậu bé côi cút, hy vọng một ngày cha mẹ trở về vẫn nhen nhóm. Nhưng 15/11 vừa qua, khi đang ở lớp học, Khuyên nhận được tin bố qua đời trên cửa khẩu Lạng Sơn. Đứa trẻ 10 tuổi còn chưa hiểu sự đời, nhưng em đã phải lo chuyện ma chay cho bố. Nhờ thầy cô trong trường giúp đỡ, Khuyên xin nghỉ học, cầm 10 triệu đồng lên Lạng Sơn đưa thi thể bố về nhà. 

Thương cảnh em còn quá nhỏ, làm sao biết lo những chuyện ma chay, hàng xóm và chính quyền địa phương giúp đã em mai táng cho bố. Bố nay đã trở về… nhưng là ở trong một cỗ quan tài, ngày em được đoàn tụ với người thân cũng là ngày họ rời xa cõi đời khiến Khuyên đã khổ càng thêm khổ. 

Sống một mình trong ngôi nhà lạnh lẽo

Nhà của Khuyên được làm bằng gỗ, lợp mái tranh đã cũ kĩ, xung quanh là những liếp tre, nứa không được che chắn cẩn thận. Mùa đông gió lùa, cậu bé phải sống một mình, lạnh lẽo.

Nhà của em chẳng có gì quý giá, chỉ có cái giá bễ, mấy cái nồi, và vài cái bát để em ăn uống. Bên cạnh bếp đun nấu, Khuyên trải manh chiếu nhỏ để lấy chỗ nằm ngủ. 

Hàng ngày, bữa ăn của Khuyên cũng tạm bợ. Hôm nào Khuyên lên rừng thì em hái măng, nhặt rau, nếu không em chỉ ăn cơm trắng. 

“Có măng là còn tươm đấy, nhìn em ấy bưng bát cơm ăn măng chấm với muối ớt mà tôi rớt nước mắt. Có hôm chẳng có gì ăn, em ấy lại ăn cơm không. Nhiều lúc đói, đi ra trường lại bảo cô nấu cho gói mỳ tôm ăn tạm”, Cô Phạm Thị Nga (giáo viên chủ nhiệm của Khuyên) kể. 

Nhận được sự giúp đỡ của mọi người

Cô Nga chia sẻ, vì không có ai kèm cặp nên học lực của Khuyên ở mức trung bình khá. Tuy nhiên, Khuyên rất ngoan, từ nhà Khuyên đến điểm trường hơn 2km, còn đến trường chính gần 20km. Chiếc xe đạp Khuyên đang đi cũng là cô vừa mới xin về để cho Khuyên đến trường. Khuyên còn thiếu thốn nhiều thứ như quần áo, chăn màn…

Ở gần nhà các bác ruột ở cạnh, thi thoảng bác cho ít gạo. Những người xung quanh và thầy cô cũng thương cảm nên thường cho em đồ ăn, mọi người cho gì thì Khuyên ăn cái nấy. Cũng có lúc cô Nga trao đổi với bà nội sao không đón cháu đi cùng thì bà bảo, ông chỉ nuôi được bà không nuôi được cháu. 

Cuộc đời bất hạnh, nhưng may mắn Khuyên gặp được những người tốt, luôn che chở, giúp đỡ. Nhà trường thông cảm cho hoàn cảnh của em nên miễn học phí, các thầy cô trong trường giúp em quyên góp quần áo và bút vở.

Cô Nga bảo, sau khi cô chia sẻ câu chuyện của Khuyên lên mạng có rất nhiều người muốn liên hệ nhận nuôi Khuyên. Tuy nhiên, khi nói chuyện với Khuyên, em ấy nói tự lập được rồi nên không muốn đi đâu. “Em ấy bảo sống ở đây quen rồi, biết lên rừng kiếm cái ăn nên không muốn đi đâu cả”. Nhưng tương lai của Khuyên vẫn còn quá mịt mờ, còn một chặng đường dài phía trước, không có người lớn bảo ban đỡ đần, em biết làm sao đây? 

Cô Nga và Khuyên.

Trong khi những đứa trẻ 10 tuổi khác chỉ cần ăn, chơi, học, sống trong niềm hạnh phúc được gia đình bao bọc thì cậu bé Khuyên đã phải tự lập làm mọi thứ, từ nấu cơm, rửa bát, giặt giũ, chăm lo nhà cửa… như một người trưởng thành. Nhưng có lẽ cũng chính hoàn cảnh ấy đã tôi luyện tính cách của em, Khuyên chẳng bao giờ chia sẻ nỗi buồn cho ai, kể cả những lúc cô đơn nhất…

Theo báo cáo tại diễn đàn “Chăm sóc và phát triển trẻ em” do Hội LHPNVN tổ chức ngày 28/11/2018 ở Hà Nội, bác sĩ Nguyễn Trọng An, chuyên gia cao cấp về bảo vệ trẻ em cho biết, nước ta vẫn còn khoảng gần 5,6 triệu trẻ em là trẻ nghèo theo phương thức tính nghèo đa chiều. Theo đó, UNDP báo cáo, nghèo đa chiều được đo lường bằng mức độ thiếu hụt tiếp cận 5 dịch vụ xã hội cơ bản, bao gồm: y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, và thông tin.

 Ảnh: Đời sống Plus

Video xem thêm: Trung Quốc tăng cường làm phim tuyên truyền cho Vành đai – Con đường

Exit mobile version