Đại Kỷ Nguyên

Bí quyết quản lý tài chính của giới siêu giàu có thể áp dụng với cả ‘người nghèo’ để trở nên giàu hơn

Phần lớn nhiều người trong chúng ta đều nghĩ rằng mình sẽ quản lý tài chính chặt chẽ hơn khi có nhiều tiền, còn với đồng lương ít ỏi, vốn chỉ đủ sống thì cần tới quản lý tài chính làm gì.

Đó là một quan niệm sai lầm, bởi nếu bạn không quản lý tốt những gì bạn đang có, thì cuộc sống sẽ chẳng cho bạn thêm cái gì. Và bất kỳ một phương pháp quản lý tài chính hiệu quả nào cũng không thể thiếu khoản mục tiết kiệm. Hãy cùng tìm hiểu những người giàu nhất trên thế giới sử dụng tiền như thế nào để hiểu được bản chất của tiết kiệm và cách đơn giản nhất để thực hiện được việc đó dù thu nhập của bạn không cao.

Trong cuốn sách “Triệu phú ở ngay bên cạnh” (The millionaire next door) của T.Stanley, tác giả đã khảo sát 733 triệu phú ở Mỹ về việc họ đã làm giàu như thế nào và đưa ra được một kết luận tưởng chừng rất đơn giản: Người giàu quản lý tiền bạc rất giỏi. Vấn đề là phần lớn chúng ta chưa có một phương pháp quản lý tài chính tốt.

“Tôi sẽ quản lý tài chính khi có nhiều tiền” là một sai lầm thường thấy và lập luận này không khác gì với việc “Tôi sẽ chăm chỉ học tập khi tôi đạt được những điểm 10”.

Đây là sự khác biệt giữa người nghèo và người giàu:

Người nghèo: Tiết kiệm và Đầu tư = Thu nhập – Chi phí

Người giàu: Chi phí = Thu nhập – Tiết kiệm và Đầu tư

Khi nhận được thu nhập định kỳ hay bất thường cũng vậy, bạn phải chắc chắn rằng mình sẽ bỏ ra được một khoản để tiết kiệm, nếu chi phí của bạn quá nhiều (các chuyên gia cho rằng nhiều hơn 80% thu nhập là quá nhiều) thì bạn phải cắt giảm chi phí hoặc tìm cách gia tăng thu nhập. Như vậy bảo đảm rằng bạn luôn có một khoản tiền tiết kiệm và đầu tư.

Những phương pháp quản lý tài chính nổi tiếng trên thế giới như quy tắc 6 chiếc hũ hay quy tắc 3 chiếc thùng đều có chung một điểm là khoản tiết kiệm và đầu tư ít nhất phải chiếm từ 20% – 30% tổng thu nhập (tùy theo tình hình lạm phát).

Tài khoản tiết kiệm này là vô cùng quan trọng, bởi gần như chắc chắn là một lúc nào đó bạn sẽ gặp phải tình huống khẩn cấp, chỉ là vấn đề thời gian mà thôi. Đương nhiên những lúc như vậy, bạn sẽ muốn có một khoản tiền kha khá đề sử dụng hơn là tất bật chạy vạy và bị động trong tình huống bị “đánh úp” bất ngờ.

Còn khoản tiền đầu tư nghe có vẻ rất to tát và xa vời với những người không am hiểu về tài chính, nhưng nó thật sự không phải chỉ là việc bạn tung tiền vào một cổ phiếu đang hấp dẫn trên thị trường chứng khoán. Đó có thể là những khoản đầu tư cá nhân, nhìn chung có liên quan đến việc tích lũy tài sản, kiến thức, sức khỏe hay tinh thần. Có thể bạn muốn đầu tư tiền vào sức khỏe dài hạn của mình và muốn đăng ký làm thành viên một phòng tập thể hình, thì đó cũng có thể được quy là một khoản đầu tư cá nhân. Có thể bạn muốn học cách tiết kiệm tiền bằng cách nấu nướng tại nhà thay vì ăn hàng vừa tốn kém vừa không an toàn, vì thế nên bạn muốn đi học tại các lớp nấu ăn hoặc muốn mua các cuốn sách dạy nấu ăn, thì đó cũng được coi là một khoản đầu tư chứ không chỉ là chi phí đơn thuần. Bởi vì bạn đang sử dụng một khoản tiền tương đối để hy vọng mang lại các lợi ích trong tương lai (như trong trường hợp này là các khoản tiết kiệm được vì không phải chi cho thuốc men khi đau ốm hay tiền ăn tiệm).

 

Khi bạn quyết tâm dành tiền để tiết kiệm, số tiền đó sẽ như quả cầu tuyết, càng lăn càng to. Với thói quen tiết kiệm và cam kết không xâm phạm khoản tiền này trong dài hạn, lãi gộp (là lãi mới được tính trên tiền gốc cộng với lãi cũ) thực sự có thể giúp bạn trở thành triệu phú. Biện pháp này sẽ thành công dù bạn chỉ duy trì tỷ lệ tích lũy tiết kiệm 10% hàng tháng, không động đến nó và luôn biết cách bảo tồn giá trị, không để nó bị mất giá. Dù là thu nhập thấp, nhưng nếu tiết kiệm đều đặn 10% thôi, sau một thời gian dài, bạn sẽ có một số vốn khá để làm các việc lớn.

Ai cũng hiểu lý thuyết là như vậy, và những người giàu đã thành công đều áp dụng bí quyết này rất hiệu quả, thế nhưng vấn đề là nhiều người trong chúng ta cảm thấy số tiền chi tiêu cho sinh hoạt hàng ngày đã chiếm một khoản quá lớn trong thu nhập khiến họ không thể để ra được một khoản tiết kiệm định kỳ.

Bí quyết chính là bạn phải hiểu bản chất của việc tiết kiệm, quay lại với công thức ở trên, người giàu luôn giới hạn chi phí của họ bằng cách để ra một khoản tiết kiệm trước và họ luôn tối thiểu hóa khoản chi phí cho sinh hoạt hàng ngày. Và chi phí sẽ là nhỏ nhất khi bạn chỉ cần thỏa mãn những nhu cầu tối thiếu nhất để sống, hay bí quyết chính là từ sự giản dị trong lối sống.

Những người giàu nhất thế giới cũng tối thiểu hóa trong chi tiêu

Nhà sáng lập Amazon, Jeff Bezos với tổng tài sản ước tính gần 84 tỷ USD đang sử dụng một chiếc xe 21 năm tuổi đáng giá không đến 2.000 USD, hay Warren Buffett sở hữu 70 tỷ USD đã mua một chiếc xe với 3.000 USD và vẫn sống. Một đại diện nổi bật của thế hệ CEO trẻ như Mark Zuckerberg với tổng tài sản hơn 44 tỷ USD cũng có lối sống giản dị tới không ngờ khi hàng ngày đi làm trên chiếc xe cũ, tổ chức đám cưới đơn giản và hầu như ngày nào cũng mặc những bộ quần áo y hệt nhau.

Tỷ phú Amazon vẫn đi chiếc xe Honda Accord đời 1996 như thế này (Ảnh: Taddlr)

Theo cách nghĩ của họ, thì một chiếc xe chỉ đơn giản là một công cụ để đi lại, miễn là nó còn chạy tốt và ổn định. Như Henry David Thoreau đã nói trong cuốn sách nổi tiếng Walden: “Tôi thà ngồi lên trên một quả bí ngô và biết rằng nó là của một mình tôi … Tôi thà đi vòng quanh thế giới trên một chiếc xe bò mà không phải dựa dẫm vào điều gì còn hơn là ngồi trên một chiếc xe sang trọng.”

Warren Buffett thường xuyên ăn đồ ăn nhanh để tiết kiệm thời gian và tiền bạc (Ảnh: Cuatrobastardos)

Buffett thường tiết kiệm thời gian và tiền bạc bằng các món ăn nhanh, được mua trên đường ông đến nơi làm việc. Nếu thị trường khởi sắc, ông sẽ tiêu khoảng 3,17 USD cho bánh kẹp thịt xông khói, trứng và phô mai. Nếu thị trường sụt giảm, ông chỉ tiêu 2,95 USD cho một chiếc bánh kẹp xúc xích, trứng và phô mai. Vào một ngày thực sự tồi tệ, ông mua hai cái xúc xích và một lon Coke với giá 2,61 đô la.

Còn với Mark Zuckerberg, quần áo cũng chỉ là để che chắn cơ thể và không cần thiết phải mất thời gian, công sức đi mua sắm thật nhiều để rồi hàng sáng phải chọn lựa xem mặc chiếc áo nào với chiếc quần nào cho phù hợp.

Sự giản dị chính là cách tiết kiệm đơn giản nhất

Đây là cách đơn giản nhất để tiết kiệm tiền, nhưng lại là cách khó nhất để áp dụng. Giản dị có nghĩa là chỉ chi tiền vào những thứ bạn cần, những nhu cầu cơ bản nhất trong cuộc sống mà có ích cho tương lai, cho sức khỏe và cho sự thanh thản trong tinh thần của bạn. Cách tốt nhất để kiềm chế nhu cầu mua sắm của bạn là tự đặt câu hỏi cho mình trước khi bạn định mua một thứ gì đó: “Liệu tôi có thực sự cần thứ này hay tôi vẫn sống được mà không có nó?”

Hãy coi tiền của bạn như một công cụ để đầu tư vào chính bản thân mình, chứ không phải để giúp những nhà sản xuất khác làm giàu. Chúng ta đã quá quen với việc tiêu dùng một cách mù quáng trong một nền kinh tế kích thích tiêu dùng để đạt chỉ tiêu tăng trưởng GDP hàng năm. Ngoài những chiến dịch marketing hấp dẫn của người bán, đằng sau đó còn bởi mỗi khi chúng ta nhận được một thứ gì mới, não của chúng ta sẽ sản sinh ra dopamine (một chất dẫn truyền thần kinh, có liên quan đến việc kích thích hứng khởi), và đó là lý do vì sao chúng ta cảm thấy thật sung sướng một khi chúng ta nhận được một thứ gì đó mới, dù là mua hay là được tặng.

Chúng ta sống trong một thế giới mà các doanh nghiệp cạnh tranh ác liệt để tranh từng đồng tiền đang nằm trong túi của bạn. Nhưng để có thể sống một cuộc sống hạnh phúc hơn, chúng ta cần phải học cách sống đơn giản hơn bằng cách tạo thói quen chỉ mua những thứ cần thiết tối thiểu nhất. Trước khi chúng ta sống một cuộc sống giàu có, hãy chắc chắn rằng chúng ta đang sống một cuộc sống hạnh phúc và đủ đầy trước khi chúng ta “trang trí” cuộc đời của mình bằng những thứ “phù phiếm” không cần thiết.

Buffet không mang theo điện thoại di động, cũng không có máy vi tính trên bàn. Ông luôn nhấn mạnh:

Những người hạnh phúc nhất không cần thiết phải có những thứ tốt nhất. Họ chỉ đơn giản thưởng thức những thứ họ có.

Tất nhiên, tiết kiệm sẽ không giúp bạn trở thành một tỷ phú, nhưng chắc chắn nó sẽ khiến bạn không bị động trước những biến động không thể lường trước của cuộc sống. Hãy bắt đầu tiết kiệm tiền ngay từ hôm nay, đừng mua áo, váy theo cảm hứng, và nhất là xin đừng tiêu pha vào những thứ không cần thiết. Hãy đầu tư cho chính bản thân mình. Và hãy nhớ:

Giản dị chính là bí quyết đơn giản nhất để tiết kiệm và chủ động trong cuộc sống. Giản dị cũng khiến bạn tự do, ít ràng buộc hơn vào những thứ phù phiếm không cần thiết. Hãy biến vật chất thành thứ phục vụ cho bạn chứ không phải là ông chủ của bạn!

Thu Hiền (TH)

Xem thêm:

Exit mobile version