Đại Kỷ Nguyên

Bị các công ty từ chối tuyển dụng, chàng trai tự kỷ mở quán cà phê của riêng mình

Michael Coyne là một chàng trai Mỹ bị mắc chứng tự kỷ, đồng thời cũng là một vận động viên Thế vận hội đặc biệt (*). Anh đã liên tục bị từ chối khi nộp đơn xin việc ở các công ty.

Có lẽ chẳng ai vui vẻ được khi bị từ chối cả, nhất là khi bạn đã đặt cả trái tim và tâm hồn vào điều đó. Đi nộp đơn xin việc, nếu đến nơi nào cũng luôn nhận được câu nói như “Cảm ơn nhé, nhưng bạn không phù hợp…”, thì hẳn người mạnh mẽ nhất cũng sẽ có chút tổn thương.

“Năm 21 tuổi, tôi bắt đầu nộp đơn xin việc ở nhiều nơi”, anh nói với WLNE-TV . “Không ai trong số họ nhận tôi cả”.

Điều đó không chỉ là nỗi lo lắng của bản thân Michael, mẹ của anh, cô Sheila Coyne, cũng rất trăn trở về con trai, khi mà những người con khác của cô đều đã có việc làm.

“Cha mẹ làm sao vui được khi nhìn con mình luôn quanh quẩn ở nhà, trong khi những người bạn cùng trang lứa đang hàng ngày tận hưởng cuộc sống và trò chuyện cùng đồng nghiệp”, cô nói.

Nhưng thay vì nhận lấy thất bại, Michael quyết định tự thay đổi mọi thứ. Nếu anh không thể tìm thấy một doanh nghiệp nào nhận mình, anh sẽ tự tạo ra doanh nghiệp.

Ảnh: Facebook.

Michael bắt đầu bằng cách tham gia các lớp học kinh doanh, và sau đó anh đã mở quán cà phê “Red White & Brew Coffeehouse”, ở North Smithfield, tiểu bang Rhode Island.

Trang Facebook của quán cà phê cập nhật đầy đủ các thông tin và các hình ảnh dễ thương về cửa hàng. Phần giới thiệu trên trang chạm đến trái tim của nhiều người: “Chúng tôi là một quán cà phê gia đình, phục vụ các bạn không chỉ là một ly cà phê. Chúng tôi thuê những người khuyết tật, khuyến khích sự tham gia của cộng đồng và hy vọng sẽ thay đổi cách nhìn nhận của mọi người về những người khuyết tật”.

Ảnh: Facebook.

Một quảng cáo trên trang cho biết: “Chúng tôi là kinh doanh cà phê đặc sản, loại cà phê rang của địa phương. Chúng tôi cũng bán bánh nướng xốp, bánh ngọt và pizza. Chúng tôi chia sẻ không gian kinh doanh với ‘The Budding Violet’, một cửa hàng quà tặng độc đáo do các nghệ nhân địa phương tự tay làm ra”.

Nhiều nghệ nhân trong số đó cũng bị khuyết tật. Gian hàng đã mở ra cơ hội để tài năng của họ được tỏa sáng, phục vụ cuộc sống một cách thiết thực, đồng thời là cơ hội để họ có thêm thu nhập, cải thiện đời sống từ lao động chân chính.

Quán cà phê của Michael không chỉ là một nơi tuyệt vời để thưởng thức một ly cà phê nóng và thúc đẩy kinh doanh tại địa phương, nó còn thắp lên niềm tin cho những người khuyết tật và cha mẹ họ, những người còn đang lo lắng về các cơ hội nghề nghiệp.

“Đây là ngọn hải đăng hy vọng cho người khuyết tật”, Michael nói với WPRI-TV.

Mẹ của anh cũng tâm sự: “Những ông bố, bà mẹ như chúng tôi đã rơi nước mắt, hy vọng rằng bọn trẻ cuối cùng sẽ hòa nhập được với cộng đồng”.

“Chúng tôi đang rất bận rộn. Đây thực sự là một niềm vui”, Michael nói tiếp.

Luôn lạc quan bạn nhé, khi một cánh cửa đóng lại, sẽ có một cánh cửa khác mở ra. Chỉ cần bạn có niềm tin và quyết tâm để thực hiện, thì những khiếm khuyết sẽ dần được hoàn thiện và sẽ có thật nhiều điều tuyệt vời khác bù đắp lại.

(*) Thế vận hội đặc biệt (Special Olympics): cuộc thi thể thao lớn nhất thế giới dành cho trẻ em và người lớn bị thiểu năng trí tuệ và khuyết tật thể chất.

Huyền Thanh

Theo Western Journal

Video xem thêm: Câu chuyện về vận động viên ‘trượt băng nằm’ tham dự 5 kỳ thế vận hội Olympic

Exit mobile version