Đại Kỷ Nguyên

Bài học đáng giá từ Leonardo da Vinci, cháu của Hitler,… giúp CV của bạn ‘cuốn hút’ nhà tuyển dụng

Thư ứng tuyển (cover letter) là ấn tượng đầu tiên về ứng viên trong mắt nhà tuyển dụng. Nó có vai trò kết nối bạn với nhà tuyển dụng và là yếu tố quan trọng quyết định việc bạn có được lựa chọn phỏng vấn hay không.

1. Tập trung vào điều nhà tuyển dụng cần, không phải điều bạn muốn

Có một sự thật, nhà tuyển dụng thực sự không quan tâm mong muốn hoặc vấn đề của bạn là gì? Điều duy nhất họ quan tâm là bạn làm được gì để giải quyết vấn đề của họ. Vì vậy, trong thư ứng tuyển, đừng nói lan man về khả năng của bạn, hãy cho nhà tuyển dụng thấy bạn phù hợp với yêu cầu của họ. Ví dụ, nếu bạn đang tìm việc ở vị trí nhân viên kinh doanh thì kinh nghiệm trong dịch vụ khách hàng, doanh số bán hàng,… sẽ là những từ khóa mà nhà tuyển dụng quan tâm.

Như vậy, một thư ứng tuyển thành công phải chỉ ra được những điều bạn có thể làm cho nhà tuyển dụng, cách thức và từng bước thực hiện, tránh đề cập đến điều họ có thể làm cho bạn. Điều này dễ khiến nhà tuyển dụng nghĩ rằng bạn đang cố biến những gì bạn muốn trở thành thứ họ cần.

Bức thư của Leonardo da Vinci chỉ tập trung vào những năng lực bản thân mà công việc đang cần

Vào khoảng năm 1483-1484, Leonardo da Vinci đã gửi thư ứng tuyển cho Ludovico Sforza (sau này là người cai trị thành Milan). Ông chỉ tập trung vào những năng lực bản thân mà công việc đang cần: kỹ năng xây dựng, kỹ thuật quân sự, chế tạo và phát triển vũ khí cũng như những hiệu quả đạt được để chiến thắng kẻ thù. Cuối thư, Da Vinci khéo léo gợi ý về khả năng nghệ thuật, điêu khắc của ông như một phần bổ sung cho các kế hoạch phía trên.

Một thiên tài như Da Vinci chắc chắn sẽ làm được nhiều hơn những gì ông viết, nhưng quan trọng là ông chỉ tập trung vào thứ nhà tuyển dụng cần chứ không phải điều ông có thể làm được.

2. Hãy viết ngắn gọn, đơn giản, dễ hiểu

Không phải bạn dùng nhiều thuật ngữ, thành ngữ mà tốt. Đặc biệt, đừng khiến việc đọc thư xin việc như giải mã hay dịch ngoại ngữ. Cách đơn giản để nâng cao chất lượng của thư xin việc của bạn là hãy sử dụng từ ngữ dễ đọc, dễ hiểu và rõ ràng.

Thói quen của hầu hết mọi người là thích nói nhiều về bản thân. Thật dễ dàng khi viết ra một danh sách dài gồm tiểu sử, thành tích, kinh nghiệm, khả năng… để thể hiện sự “tài giỏi” của mình, nhưng điều đó sẽ làm nhà tuyển dụng rối mắt và mất kiên nhẫn khi đọc hồ sơ. Hãy rút gọn nội dung sao cho ngắn nhất có thể, đây cũng là cách thể hiện sự tôn trọng của bạn.

Sự đơn giản luôn mang lại sức hút mạnh mẽ

Một cậu bé 6 tuổi ở Vương quốc Anh đã nộp đơn ứng tuyển vào vị trí giám đốc của Viện bảo tàng Xe lửa quốc gia. Cậu bé chỉ viết ngắn gọn về khả năng điều khiển hai chiếc xe lửa chạy cùng lúc trên một đường ray, nói về đam mê của cậu với những chiếc tàu lửa và kinh nghiệm đi tàu nhiều lần. Lá thư chỉ đơn giản như vậy nhưng đã giúp cậu được nhận làm “giám đốc của niềm vui” như một vị trí mang tính quảng bá hình ảnh cho bảo tàng.

Vậy đấy, sự đơn giản luôn mang lại sức hút mạnh mẽ.

3. Hãy sáng tạo: Đừng đi theo lối mòn, đừng viết chung chung 

Phần lớn ứng viên thường lúng túng trong đoạn mở đầu thư ứng tuyển. Họ chọn cách an toàn là sao chép lại những mẫu có sẵn trên mạng. Tuy nhiên hãy nhớ rằng: người làm công tác nhân sự đã đọc những lời chào mở đầu đó hàng nghìn lần từ hàng nghìn hồ sơ khác nhau. Họ sẽ cảm thấy thật sự rất nhàm chán và đánh giá bạn cũng như tất cả những hồ sơ kia, chẳng có gì nổi bật.

Hãy sáng tạo: Đừng đi theo lối mòn, đừng viết chung chung

Nếu bạn luôn mở đầu theo kiểu “Xin chào, tôi tên là… tôi… tuổi, tôi thấy tin tuyển dụng của quý công ty tại nguồn… và tôi viết thư ứng tuyển vào vị trí này…”. Đừng bao giờ bắt đầu theo cách đó nữa. Thay vào đó, hãy thu hút sự chú ý ngay lập tức bằng cách mở đầu thư xin việc với câu chuyện của riêng bạn. Đó có thể là câu chuyện vui, câu chuyện thú vị, hài hước lúc rảnh rỗi, lúc làm việc hoặc khi đi chơi, hãy chọn điều mà bạn nghĩ là phù hợp với công ty và vị trí đang tuyển.

Hãy là người chủ động đối với công việc bạn ứng tuyển

Hãy là người chủ động đối với công việc bạn ứng tuyển, dành một chút thời gian để viết đơn xin việc mới và độc đáo sẽ giúp bạn ghi điểm với nhà tuyển dụng và có cơ hội nhận phỏng vấn cao hơn. Đặc biệt, đừng quên tìm hiểu và thể hiện một vài điều liên quan đến công ty để chắc rằng bạn đã nghiên cứu trước đó chứ không phải đơn thuần là rải đơn vì thấy công việc trên quảng cáo.

4. Hãy trung thực và chân thành

Sự chân thành luôn để lại những ấn tượng sâu sắc và tốt đẹp. Năm 1942, một thanh niên có lý lịch khác thường đã viết thư cho Tổng thống Roosevelt xin giúp đỡ sau nhiều lần bị từ chối gia nhập vào quân đội Hoa Kỳ:

Tôi là hậu duệ duy nhất của nhà lãnh đạo khét tiếng nước Đức – người đã luôn đàn áp tàn bạo và mong muốn nô dịch các dân tộc tự do, Kitô giáo trên toàn thế giới… Tôi và mẹ đã nợ nước Mỹ quá nhiều. Tôi luôn tâm niệm được tận mắt chứng kiến cuộc chiến và được bạn bè chấp nhận như một thành viên trong cuộc đấu tranh vĩ đại cho tự do”.

Anh ta là Patrick Hitler, cháu trai của trùm phát xít Đức Adolf Hitler. Thế nhưng, bằng sự chân thành của mình, anh đã được FBI nhận vào phục vụ trong quân đội Mỹ dưới chức vụ hộ lý quân y.

Sự chân thành luôn để lại những ấn tượng sâu sắc và tốt đẹp.

Bạn luôn có rất nhiều cơ hội việc làm bởi vì mỗi ngày đều có hàng nghìn nhà tuyển dụng tìm kiếm ứng viên cho vị trí công việc của họ. Đừng tiếc thời gian hoàn thiện thư ứng tuyển và hãy bắt đầu mọi việc từ hôm nay.

Có thể bạn sẽ phải dành 1 năm, 5 năm hay 10 năm, thậm chí lâu hơn để tích lũy kinh nghiệm và làm đẹp bộ “hồ sơ” bằng cấp của mình. Nhưng thay vào đó, bạn chỉ cần mất vài giờ để tìm hiểu và tự chăm chút cho lá thư ứng tuyển, rút ngắn con đường tìm được công việc mơ ước cho chính mình.

Hiểu Minh

Exit mobile version