Đại Kỷ Nguyên

Bác trông xe ở Sài Gòn chuyên ‘quát mắng’ khách nhưng ai cũng thích được nghe

Giữa cái nóng thất thường của Sài Gòn vào những ngày cuối mùa khô, tấm lòng quan tâm của một bác giữ xe khiến người ta cảm thấy mát dịu đến lạ, dù cho lời nói của bác ấy không được nhẹ nhàng như cách mà người khác vẫn ưa nghe.

Không như chúng ta vẫn nghĩ rằng đi ra đường bây giờ một bước cũng phải cẩn thận cảnh giác, vì người tốt giờ chẳng còn nhiều. Cho đến khi câu chuyện của bác trông xe ở Sài Gòn xuất hiện, làm cho người ta cảm thấy đâu đó vẫn còn những người tốt quanh mình.

Có một bác trông xe tốt bụng tên là Vũ Quang Tuyến, năm nay bác 70 tuổi, làm việc lúc nào cũng nhiệt tình “quát mắng”, nhưng chả hiểu sao mọi người lại cảm thấy hạnh phúc khi nghe những lời ấy. Tấm lòng của bác tựa như bông hoa nở, thánh thiện và hiền hòa nhẹ trôi trên dòng nước mát lạnh làm dịu đi cái nóng thất thường của Sài Gòn những ngày bước vào thu.

Câu chuyện của bác giữ xe tốt bụng bắt đầu bằng một nick name mang tên Amy Amy, hiện đang sống ở thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ:

“Mình đang loay hoay đậu xe thì nghe tiếng thét vang dội:

– Tụi bay bỏ đồ vô cốp xe hết đi nha. Trời ơi… hai đứa kia, bỏ đồ vô cốp mau.

Nói đoạn, chú quay qua nhìn mình làm mình cũng giật bắn người:

– Con nhỏ này đứng xớ rớ chi nữa, bỏ đồ vô cốp đi. Không nghe tao rồi lát nữa mất hết mũ nón ráng chịu nha. Thiệt tình, nhắc sáng giờ muốn rát cái cổ họng luôn.

Mình tủm tỉm cười:

– Chú nhắc từng người luôn hả chú? Rồi rát banh cổ họng luôn thì sao?

– Ờ, banh cổ họng luôn. Mà không nhắc thì không được. Lát hồi ra mất hết đồ tội nghiệp tụi nó.

Đến đây tự nhiên mình thấy cảm động dã man. Người đâu tốt dễ sợ.

– Chú ơi, chú bao nhiêu tuổi rồi, cho con chụp chú một tấm ảnh được không ạ!?

– Thôi, tao già rồi chụp chi nữa, 70 tuổi rồi.

Nói đoạn chú ngại ngùng, lấy tay che mặt không cho mình chụp như trong mấy tấm hình mình chụp lén ở đây.

– Chú ơi, con thấy chú còn trẻ mà, cho con chụp một tấm nha.

– Thôi mà, hồi giờ đâu biết chụp hình là gì. Để bữa nào chú ăn mặc đàng hoàng rồi mày chụp, ở nhà chú còn giữ bộ đồ đẹp lắm.

– Dạ, chú hứa rồi nghen.

Chú cười hiền khô, gật đầu hứa hẹn…”

Sau khi Amy Amy chia sẻ trên trang cá nhân của mình, có rất nhiều người từng được nghe bác Tuyến “mắng” đều bày tỏ cảm xúc của mình, như bạn Tô Hà thì chia sẻ về kỉ niệm vui trong một lần may mắn được bác… nhắc nhở: “Chú giữ xe huyền thoại ở đường sách. Hôm trước, mình để quên chìa khóa trên xe, chú mắng ngay: “Con gái gì mà có cái chìa khóa cũng quên. Ra bàn kia coi thử đi, nãy tao rút một mớ đứa để quên giống mày đó!…”

Hiện giờ, vợ con của bác Tuyến đều đã mất, bác chỉ ở vậy một mình làm bạn với cái nghề trông xe, làm bạn với cái nghề quan tâm người khác. Dường như, thẳm sâu trong sinh mệnh mỗi người là ước mong được cho đi yêu thương, dù bất kể đó là ai. Khi gia đình không còn bên, họ lại muốn mang yêu thương trong mình trao vơi đi cho những người khác, đó là một loại cảm giác mong được chia sẻ và cảm thông giữa người và người.

Thật ra, lòng tốt không phải là biểu hiện bề ngoài của câu nói hay hành động mà lòng tốt là xuất phát từ nội tâm. Người phương Tây thường nói: “Những điều xuất phát từ trái tim sẽ chạm đến trái tim”, lòng tốt xuất phát từ trái tim có thể khiến người nghe phải rơi lệ và nó không bị tác động hay ảnh hưởng bởi lời nói và ngữ cảnh. Thế mới nói cho đi yêu thương có sức mạnh cảm hóa được lòng người.

Lời hay ý đẹp, tất nhiên là điều đáng được tôn trọng, nhưng kèm với đó nên là một trái tim chân thành. Đừng chỉ nói những lời hoa mỹ nông cạn đầu môi mà không có nhiệt thành, nếu không sẽ chẳng khác chi những kẻ xấu khác. Lòng tốt là điều đáng được tôn vinh như một giá trị vĩ đại, bởi nó có thể giúp con người sống yêu thương, chan hòa với nhau mà không còn những hoài nghi và ích kỷ.

Nguồn ảnh: soha

Gia Viên – Hồng Tâm

Exit mobile version