Đại Kỷ Nguyên

Bác lao công nghèo bỏ tiền túi mua tất rồi ân cần đi cho người vô gia cư đói rét

Ngày 18 tháng Tư, một công nhân vệ sinh ở thành phố Trường Xuân, tỉnh Cát Lâm đã mua cho một người vô gia cư sống trên đường phố một đôi tất. Hành động nhân ái của ông đã khơi gợi lên trong lòng người những cảm xúc tốt đẹp cùng những trăn trở, suy tư về lòng tốt và tình người trong xã hội hiện đại.

Bà Triệu, người phụ nữ chứng kiến việc làm tốt đẹp này, nói rằng sự đồng cảm của người lao công đã làm bà xúc động tận đáy lòng.

Thường thì chỉ mất vài giây để đi một đôi tất. Tuy nhiên bác lao công đã rất kiên nhẫn đi tất cho người vô gia cư vì bác không biết cần phải phối hợp thế nào. Bà Triệu đã hết lời ca người người công nhân, nhấn mạnh rằng bác không chỉ làm sạch thành phố mà còn làm ấm lòng mọi người.

Bác lao công đi tất cho một người vô gia cư

Ai cũng hiểu rằng công việc của người lao công trên đường phố rất vất vả, cuộc sống mưu sinh không hề dễ dàng, tiền lương không theo kịp giá cả thị trường và những nhu cầu tối thiểu. Tuy nhiên, trong khó khăn, giữa cái mệt nhoài của công việc lao động, bác lao công vẫn hành xử theo đạo lý “lá lành đùm lá rách”, tương thân tương ái, trợ giúp “những chiếc lá” kém may mắn hơn mình.

Khi những người qua đường tán dương, khen ngợi hành động của bác, người công nhân nói rằng đây là chuyện bình thường vì con người nên phải giúp đỡ lẫn nhau. Câu trả lời đơn giản ấy lại chứa đựng những tình cảm chân thành và tấm lòng cởi mở sẵn sàng giúp đỡ, không ngại ngần sẻ chia của một người công nhân lao động. 

Không có học vấn cao, không phải là người có địa vị, giàu sang trong xã hội, nhưng đằng sau vẻ ngoài bình thường của người lao công trong bộ quần áo đồng phục ấy là một trái tim ấm áp vô cùng. Người ta vẫn nói những người cùng khổ thường thương nhau hơn. Bởi có lẽ trong khốn khó, người ta đã thấu hiểu tường tận cái khổ của sự khốn khó ấy. Để rồi không thể không động lòng trắc ẩn, không thể không xót xa khi bắt gặp một người khác trong hoàn cảnh như vậy.

“Con người nên phải giúp đỡ lẫn nhau”, câu nói của người lao công tốt bụng không cần lưu danh hay kể thưởng giống như tiếng gõ vào cánh cửa trái tim và lương tâm con người. Xã hội của chúng ta sẽ thực sự tốt đẹp hơn, không có đấu tranh, không có khổ đau nếu mỗi người đều có ý thức tự hoàn thiện nhân cách bản thân và sẵn sàng giúp đỡ, sẻ chia với người khác. Khi những suy nghĩ vị tư chỉ muốn gom góp cho bản thân của chúng ta được thay thế bởi tấm lòng thiện lương, tâm hồn trong sáng thì thế giới của chúng ta nhất định sẽ là một nơi đáng sống.

Chẳng phải vẫn có câu rằng: “Ấm áp nhất thế gian là nơi chứa chan tình người. Lạnh lẽo nhất thế gian chính là sống trong xã hội loài người mà như đi giữa sa mạc không người” đó sao?

Xuân Dung – Thiên Chân

Exit mobile version